Thứ sáu, 03/01/2025

 “Hôm nay sáng mồng hai tháng chín - Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình”. Kể từ mùa thu lịch sử năm 1945, Thủ đô Hà Nội với tâm điểm là Ba Đình đã trở thành điểm sáng, thành ngôi sao đỏ đầu tiên của Châu Á. Cả Châu Á bị áp bức, cả loài người tiến bộ ngước nhìn, lắng nghe Hà Nội: “Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa/ Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta/ Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Ba Đình đã đi vào lịch sử với dấu ấn không thể phai mờ về sự bắt đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ đó, vị thế của Ba Đình được nâng lên một tầm cao mới, trở thành trái tim của trái tim cả nước và gắn liền với hình ảnh của Bác Hồ kính yêu.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Ba Đình chính là nơi giữ gìn lâu dài, mãi mãi thi hài Bác, nơi bảo tồn những giá trị văn hóa, kỷ niệm thiêng liêng, tình cảm sâu nặng của nhân dân Việt Nam với người con vĩ đại của dân tộc, nơi ngày ngày đón tiếp đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo một hành trình tham quan khép kín: vào Lăng viếng Bác, tham quan Khu Di tích lưu niệm về Người tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta ngày càng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì các thế lực chống đối Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, kéo theo đó là nhiều tổ chức, cá nhân cơ hội chính trị, thoái hóa, bất mãn trong, ngoài nước vẫn tiếp tục đưa ra nhiều luận điệu phê phán, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Hồ Chí Minh nhằm phủ định tư tưởng và “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh. Trong đó có nhiều luận điệu trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong Cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình. Đó là các luận điệu phủ nhận, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp tư tưởng, sự nghiệp - đạo đức Hồ Chí Minh; Tách tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối, chính sách của Đảng; Ra sức tuyên truyền xuyên tạc việc giữ gìn thi hài Bác, bảo quản, tôn tạo các công trình lưu niệm về Người là việc làm tốn kém, không thực hiện Di chúc của Người, cho rằng Bộ Chính trị quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác “làm nơi quy chiếu để giữ Đảng, tức giữ quyền lực trong tay Đảng”; Khu Di tích Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng cũng bị một số đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan, thần thánh hoá, tuyên truyền xuyên tạc giá trị lịch sử - văn hoá…

Trước tình hình đó, việc thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, mãi mãi thi hài Bác; tăng cường đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi Bác sống và làm việc từ tháng 12 năm 1954 cho đến khi Người trút hơi thở cuối cùng, ngày 02/9/1969; Khu Di tích K9 - nơi Bác từng làm việc và là nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh; Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi hiện đang lưu giữ 17 vạn tài liệu, hiện vật (nhiều tài liệu, hiện vật gốc) về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… mang lại một ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; đồng thời góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào những giá trị của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin và định hướng đi tới chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Thực tế chỉ ra, một bộ phận của chủ thể xuyên tạc Hồ Chí Minh xuất phát từ nguyên nhân ban đầu là do họ chưa nhận thức đúng đắn về Hồ Chí Minh, dần dà, họ đọc, nghe và chịu ảnh hưởng của các thông tin, quan điểm sai trái hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các thế lực phản động, chống đối mà đưa ra các luận điệu xuyên tạc về Người. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu Hồ Chí Minh, còn những khoảng “trống”, những bất cập về mặt lý luận cả lúc sinh thời của Hồ Chí Minh cũng như vận dụng nó vào giai đoạn hiện nay. Đây chính là những nguyên nhân, cái cớ cho sự xuất hiện, tồn tại và chưa đem lại hiệu quả cao trong đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, nơi lưu trữ những tư liệu gốc, tư liệu bậc 1, tư liệu chuẩn xác, khá chi tiết, đầy đủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ phải dựa vào đó làm bằng chứng, chủ động cung cấp các thông tin chính thống một cách đầy đủ, kịp thời, định hướng dư luận; song song với đó, đẩy mạnh nghiên cứu lấp đầy những khoảng “trống” trong nghiên cứu cơ bản về Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục, tuyên truyền cho mọi người đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc về Hồ Chí Minh.

bai du thi DT 1
Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình tổ chức Hội thi tuyên truyền “50 thực hiện Di chúc và 50 năm giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay, không chỉ dựa vào nguồn tư liệu lưu trữ mà các cơ quan, đơn vị trong Cụm cần phải đấu tranh trên cơ sở thực tiễn. Đó chính là các con số biết nói từ hoạt động đón tiếp, phục vụ đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến viếng Lăng Bác và có các hoạt động tham quan, học tập tại các cơ quan, đơn vị trong Cụm: Hàng năm, các cơ quan, đơn vị trong Cụm đã phối hợp tổ chức, đón tiếp và phục vụ tận tình, chu đáo an toàn các buổi lễ viếng cấp Nhà nước, các đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn khách cấp cao quốc tế và hàng triệu lượt khách trong nước và nước ngoài. Tính tổng số lượng khách viếng Lăng kể từ khi công trình Lăng Bác khánh thành, hay từ khi Khu di tích lưu niệm về Bác tại Phủ Chủ tịch mở cửa đón tiếp khách và công trình Bảo tàng về Bác đi vào hoạt động thì con số này phải lên đến hàng chục triệu lượt người. Tất cả hiện thực này đã khẳng định biểu tượng, niềm tin, văn hóa Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội, tinh thần của nhân dân, đất nước Việt Nam.

Điều này cũng quyết định sự trường tồn, bất tử của Hồ Chí Minh và thất bại tất yếu của mưu đồ “hạ bệ thần tượng”, “đánh đổ huyền thoại”, hay các luận điệu xuyên tạc liên quan đến giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (trong đó có chủ trương Học tập và làm theo Người của Đảng, Nhà nước ta) cũng như những cách hiểu sai, lệch lạc về “sùng bái cá nhân”, mang màu sắc thần bí, tôn giáo về Người.

Thực tế thế giới là một căn cứ quan trọng khác để phản bác các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. Trước hết, Hồ Chí Minh được rộng khắp nhân dân, các nước trên thế giới dành tình cảm, đánh giá cao về tài năng, đạo đức, nhân cách. Hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách cấp cao quốc tế khi đến Việt Nam đều vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Những phát biểu tốt đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc khi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát đi để rồi nhân lên sự tin tưởng với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam, biến thành cơ hội hợp tác rộng mở của hôm nay và cả tương lai. Nhiều ấn phẩm, phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được các cơ quan, đơn vị trong Cụm sáng tác, sản xuất và tuyên truyền rộng rãi trong nước và nước ngoài; nhiều hội thảo, tọa đàm, triển lãm, lễ kỷ niệm về Hồ Chí Minh được các cơ quan, đơn vị trong Cụm phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, chính quyền địa phương ở nước ngoài tổ chức, thu hút được sự tham gia của đông đảo công chúng v.v.. Những điều này đã khẳng định tình cảm, sự tôn trọng, ngưỡng mộ của thế giới về Người. Cho dù thời gian và nhiều biến cố chính trị xảy ra ở Việt Nam và thế giới, song những điều đó không những không nhạt phai mà ngày càng in đậm, bền chặt và phát triển. Nó đối lập hoàn toàn so với ý kiến lạc lõng của một số người trên thế giới về Hồ Chí Minh.

bai du thi DT anh 2
Trưng bày chuyên đề “Những tấm gương bình dị mà cao quý”
do Bảo tàng Hồ Chí Minh

Cùng với việc định hướng tuyên truyền, chủ động, tăng cường cung cấp đầy đủ thông tin chính thống, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán các luận điệu xuyên tạc cần chặt chẽ, đồng bộ hơn. Đã có quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích nhưng đi vào cụ thể, chi tiết trong thực hiện các nhiệm vụ thì chưa có.

Thực tế, các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh thường “rộ” lên theo “định kỳ” vào những ngày lễ, kỷ niệm, đợt phát động liên quan đến Hồ Chí Minh hoặc dịp Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung xuyên tạc cũng không có nhiều đột biến, chủ yếu là lặp lại, cải biến cái cũ. Phương thức của các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh chủ yếu trong thời gian qua là thông qua phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng Internet, mạng xã hội để lấy và truyền tải thông tin, do đó chúng ta sẽ có nhiều hình thức đấu tranh trực diện hơn.

bai du thi DT 3
Triển lãm “Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh: Từ Bến cảng Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử” do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh

Các cơ quan, đơn vị trong Cụm đều có trang tin điện tử (website), Khu di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh còn xuất bản đặc san tư liệu, phản ánh hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền phục vụ các sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới.

Tuy nhiên, so với các mảng nghiên cứu khác về Hồ Chí Minh, thì những nghiên cứu trực tiếp, nhất là các bài viết liên quan đến nhận diện và phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về Hồ Chí Minh còn ít. Sự phối hợp hoạt động giữa các trang thông tin điện tử của ba cơ quan, đơn vị trong Cụm mới chỉ dừng lại ở việc đăng tải lại bài viết lẫn nhau mà chưa thật sự chủ động, hiệu quả trong đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh. Trong khi đó, hình thức hợp tác để đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc Hồ Chí Minh rất phong phú, các cơ quan, đơn vị trong Cụm có thể khai thác hiệu quả hơn nữa. Đó là cơ chế trao đổi, cung cấp, xử lý thông tin về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá, xuyên tạc; Phối hợp, thống nhất đấu tranh khi phát hiện luận điệu xuyên tạc, đặc biệt trên hệ thống các ấn phẩm xuất bản thường kỳ, đăng tải tin, bài trên website, blog, mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị; Tổ chức các đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học, các tọa đàm trao đổi kinh nghiệm; Phối hợp qua các đợt giao ban định kỳ, qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, báo cáo về Hồ Chí Minh, nhất là chủ trương của Đảng, Nhà nước về học và làm theo Người.

Với hành trình khởi đầu từ Làng Sen và kết thúc ở Ba Đình lịch sử, cả cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, của nhân loại vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với những gì Người đã nói, đã làm, đã cống hiến và để lại, thì dù cho thế giới có đổi thay, dù cho có những kẻ cố tình xuyên tạc sự thật, thì mãi mãi vẫn tồn tại chân dung một Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, một trong những vĩ nhân của thế kỉ XX. Nhiệm vụ của chúng ta, những người ngày đêm tận tụy với nhiệm vụ giữ gìn di sản cuả Người tại Ba Đình lịch sử, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong đấu tranh chống những luận điệu chống đối, xuyên tạc Hồ Chí Minh, nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vũ Thị Kim Yến

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tác phẩm đạt giải Ba cuộc thi viết "45 năm sắt son bên Người" nhân kỷ niệm 45 năm ngày Truyền thống Ban Quản lý Lăng

Bài viết khác: