Trong tâm thức mỗi con người Việt Nam, khi nghĩ về lũy tre xanh, đều như tự hỏi: “Tre xanh”, “Xanh tự bao giờ” và rồi lại tự trả lời: “Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh” (Thi sĩ Nguyễn Duy).

trongtre1Công trình cải tạo vườn tre bên Lăng Bác Hồ đang được gấp rút hoàn thành trước ngày 19 tháng 5 năm 2013.

Nhà văn Thép Mới, trong tùy bút “Cây tre Việt Nam” đã viết: “Dưới bóng tre xanh của ngàn xưa thấp thoáng những ngôi chùa cổ. Dưới bóng tre xanh, Việt Nam gìn giữ một nền văn hoá lâu đời, tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp…. Rặng tre xanh là chiến luỹ bảo vệ làng mạc, xóm thôn, đồng thời ôm vào lòng mình tình thân thương của bà con chòm xóm từ đời này qua đời khác, che mưa che bão cho con người”.

Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc”. Không phải ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết Thánh Gióng. Hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các lũy tre đã trở thành “Pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai. Tre thật sự trở thành chiến lũy và là nguồn nguyên, vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong lúc quân xâm lược tàn bạo, tung hoành với bao nhiêu vũ khí tối tân, đầy tính hủy diệt thì dân tộc Việt Nam với gậy tầm vông vót nhọn, với hố chông nhọn hoắt đã không ngần ngại đối đầu với kẻ thù. Tre là gậy tầm vông, đòn càn, đòn xóc, chông tre... trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tre là “Gậy Trường Sơn” cùng trai làng đi đánh giặc Mỹ...Gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích đến những bài ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre. Cây tre Việt Nam còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước, và còn là một trong những chất liệu quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như: Đàn tơ rưng, sáo, kèn,... Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, mỗi chúng ta khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm... Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt Nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị, bất khuất kiên trung. Tre là bạn đồng hành thủy chung, can đảm của người Việt từ thuở xa xưa khai hoang, dựng nước. Tre nghìn đời bao bọc, chở che cho sinh tồn của người. Tre hóa thân thành thế giới văn hóa tre trúc quây quần thân thiết với đời người, in hình in bóng đậm đà vào văn hóa, thi ca, nhạc họa, vào sâu xa tâm thức con người Việt Nam. Tre xanh hiên ngang, nhũn nhặn, cứng cáp mà dẻo bền vô hạn. Tre là biểu tượng của cốt cách và các phẩm chất đặc sắc của con người và văn hóa Việt Nam. Cây tre đã và sẽ mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc Việt Nam….

Giữa Ba Đình lịch sử, mùa thu năm 1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Trong các loài cây, hoa tiêu biểu của cả nước được tụ hội về bên Lăng Bác, hai vườn tre xanh vươn thẳng, xanh mướt được trồng bên Lăng của Người. Và, gần 40 năm qua, tre xanh bên Lăng Bác cũng đã đi vào tâm thức, thơ ca trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Nhà thơ Viễn Phương đã gửi gắm tình cảm của mình khi về Lăng viếng Bác, ngắm những hàng tre xanh: “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác. Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát. Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam. Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”…. Những hàng tre xanh bên Lăng Bác đã thực sự tô điểm thêm cho vẻ đẹp thanh tao, bình dị  bên ngôi nhà vĩnh cửu của Người.

 Ngày nối ngày, nhân dân từ mọi miền của Tổ quốc về Lăng viếng Bác, được ngắm nhìn hàng tre, biểu tượng của dân tộc và cũng là tượng trưng cho cốt cách của Người Anh hùng giải phóng Dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Tre xanh rì rào bên Lăng Bác, như khúc dân ca hát mãi mãi bên Người./.

                                                                Tháng Ba, về Lăng viếng Bác

                                                                        Đặng Hòa Bình

Bài viết khác: