bai cvp 2

 Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 4144/QĐ-BQP ngày 26/11/2021 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” nhằm tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thân thế, sự nghiệp; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; góp phần bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã chọn.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng và Nhà nước ra quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác, xây dựng Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, ý Đảng; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam được tận mắt trông thấy Người, được thường xuyên đến viếng thăm Người, để tỏ lòng biết ơn vô hạn và nguyện đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho Ban Quản lý Lăng. Đây là nhiệm vụ vinh quang, thiêng liêng, tự hào của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Quân đội cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, phối hợp hoạt động chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo hoàn thành toàn diện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng. Công tác đón tiếp, tuyên truyền đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Để triển khai thực hiện công tác đón tiếp, tuyên truyền, đơn vị đã chủ động tuyển chọn, bố trí nhân sự chặt chẽ, hợp lý; ban hành các quy chế, quy định, quy trình công tác đón tiếp, tuyên truyền; đề cương tuyên truyền về Lăng Bác, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu K9; xây dựng hệ thống tư liệu, văn hóa phẩm về Bác, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để tuyên truyền ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng, về nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác; về hoạt động của đơn vị; về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về đón tiếp, tuyên truyền và tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về công tác đón tiếp, tuyên truyền để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Lăng đã tập trung triển khai đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền; đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác và tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa tại khu vực Lăng, Khu K9. Thực hiện chỉnh trang, tôn tạo kiến trúc cảnh quan khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình, tạo môi trường khang trang, xanh, sạch, đẹp tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan và môi trường tại khu vực như: Triển khai tuyến phố đi bộ, hệ thống chiếu sáng, cây hoa cây cảnh, thảm cỏ… Đồng thời, tiếp nhận, chăm sóc hệ thống cây hoa, cây cảnh do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dâng tặng làm phong phú thêm cảnh quan khu vực. Tích cực phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, các cơ quan tuyên giáo, tổ chức chính trị - xã hội, học viện, nhà trường trong phục vụ các hoạt động tuyên truyền giáo dục, sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng, Đài tưởng niệm và Khu K9.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Ban Quản lý Lăng đã đổi mới, vận dụng linh hoạt và kết hợp các hình thức tuyên truyền: Thuyết minh, chiếu phim tư liệu, tổ chức Lễ báo công, lễ giao ước thi đua, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên; lễ tuyên thệ, lễ rước đuốc, lễ xuất quân, đặt hoa trong ngày cưới, trồng cây trên K9..., phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật thường xuyên tại tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo được sự quan tâm, ấn tượng đặc biệt của đồng bào trong nước và khách quốc tế mỗi khi về Lăng viếng Bác.

Với những cố gắng đó, Lăng Bác đã trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn, góp phần quan trọng trong quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam; tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Kể từ khi khánh thành đến nay, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình của "Ý Đảng - lòng dân" đã thực sự trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu. Đồng thời là nơi được Đảng, Nhà nước lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như: Lễ mít tinh, lễ duyệt binh, diễu binh, diễu hành, các chương trình cầu truyền hình trực tiếp, các sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật quần chúng... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đây là các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng, là biện pháp giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi tổ chức, con người bồi đắp thêm tình cảm, nhân cách, đạo đức Bác Hồ trong công tác và trong cuộc sống. Qua các hoạt động này, đồng bào trong nước, các thế hệ con người Việt Nam càng thêm thấu hiểu, tri ân công lao vĩ đại của Bác cũng là dịp để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị hiện nay.

Từ khi mở cửa Lăng đến tháng 11/2021, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón hơn gần 60 triệu lượt khách trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế bảo đảm “Tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự”. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm đậm đà phong tục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và niềm tin không thể thiếu trong cuộc sống. Đông đảo đồng bào đến từ các tỉnh thành trong cả nước đặc biệt là khu vực phía Nam, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng; với mọi lứa tuổi; các ngành, nghề; các tổ chức xã hội như công đoàn, thanh niên, phụ nữ, nông dân, học sinh, sinh viên, người khuyết tật…; các thành phần dân tộc, tôn giáo, mỗi người một tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau nhưng khi về bên Bác, ai nấy đều thấy tâm hồn thanh thản, bình yên, thể hiện tấm lòng thành kính và xiết bao thương nhớ về Bác, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Người, niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Bước sang giai đoạn mới, để phát huy tốt ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng của Người, yêu cầu, nhiệm vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền đòi hỏi cần có sự bổ sung, đổi mới và phát triển nâng cao chất lượng. Cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thường xuyên bám sát, xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng về các định hướng chiến lược và những vấn đề lớn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, lãnh đạo, chỉ huy và cấp ủy các cấp trong Ban đối với công tác đón tiếp, tuyên truyền. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” đã được phê duyệt.

Hai là, chú trọng việc đấu tranh phản bác lại luận điệu sai trái, thâm độc của các thế lực phản động thù địch. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh mạng, kịp thời đấu tranh dập tắt những luận điệu thù địch lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến việc bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ và các luận điệu xuyên tạc ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng. Tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp cấp thông tin, tư liệu, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, mở rộng công tác tuyên truyền  ra nước ngoài. Tổ chức và phối hợp tổ chức xuất bản các ấn phẩm văn hóa có giá trị,chất lượng cao về Công trình Lăng, về Khu K9, về Bác Hồ, về Lãnh tụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa tại Lăng Bác. Phối hợp tổ chức sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài Lăng Bác. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng các ki-ốt phục vụ văn hóa phẩm tại khu vực Lăng, Khu K9 coi đây là một mặt trận tuyên truyền hiệu quả; không trưng bày và bán các sản phẩm kém chất lượng, không có giá trị tuyên truyền và không vì lợi nhuận đơn thuần. Quan tâm chỉ đạo, xây dựng đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên, nâng cao chất lượng Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng.

Ba là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực hoạt động của các lực lượng có liên quan gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt là giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác; tâm huyết, tận tụy, gắn bó với nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền. Có tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phối hợp với các lực lượng kịp thời phát hiện, nhận rõ và làm thất bại mọi ý đồ đen tối của các thế lực thù địch bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân. Đồng thời, khuyến khích, động viên mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ tích cực, chủ động tự học tập, rèn luyện. Nghiên cứu, đề xuất báo cáo kiện toàn tổ chức lực lượng hợp lý theo hướng tinh, gọn, mạnh, đúng tiêu chuẩn trình độ, đúng chuyên ngành, chất lượng cao.

Bốn là, đoàn kết gắn bó, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Ban Chỉ đạo Cụm Di tích lịch sử  - văn hóa Ba Đình và các cơ quan, đơn vị có liên quan đón tiếp, phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và các lễ hội lớn diễn ra trên khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình bảo đảm chu đáo, tuyệt đối an toàn. phối hợp chặt chẽ các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong cả nước, Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình trong thực hiện công tác đón tiếp, tuyên truyền. Chủ động đề xuất với cấp trên, phối hợp với các bộ, ban, ngành và Thành phố Hà Nội tổ chức cho nhân dân, khách quốc tế, đặc biệt là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách ở các địa phương đến viếng Bác ngày càng thuận tiện, chu đáo, phát huy được ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền. Tôn tạo cảnh quan, môi trường tại tuyến phố đi bộ xung quanh Lăng. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nơi ăn, nghỉ cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách từ các tỉnh vùng sâu, vùng xa về Lăng viếng Bác. Xây dựng bãi xe ngầm để bảo đảm an ninh và đáp ứng được nhu cầu gửi xe của nhân dân, khách quốc tế khi Lăng viếng Bác, tham quan khu vực.

Những năm qua, công tác đón tiếp, tuyên truyền của đơn vị đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào và bạn bè quốc tế. Những tâm tư, tình cảm tốt đẹp của mọi người dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của đơn vị đang ngày đêm “canh giấc ngủ cho Người” đã chứng minh rằng, dù Bác đã đi xa nhưng Người vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc, trở thành lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi là tấm gương sáng để mỗi người trong chúng ta học tập và noi theo. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam./.

Phạm Hồng Sang

Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng

Bài viết khác: