Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh những gì tốt đẹp, ưu tú nhất của trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của con người và dân tộc Việt Nam. Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh của dân tộc, cho bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Tinh hoa của dân tộc, lương tâm và khí phách của thời đại đã được thể hiện chân thực và cảm động, trong sáng và đẹp đẽ, cao thượng và bất khuất qua con người, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Sự nghiệp cao cả, vĩ đại cùng với tấm gương, đạo đức trong sáng của Người đã để lại trong lòng Nhân dân ta và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới những tình cảm vô cùng sâu sắc và gần gũi. Vì vậy, sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã quyết nghị: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người".

Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đạo lý, là tình cảm thiết tha của mỗi người dân Việt Nam đối với Bác, một con người vĩ đại đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc. Tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn là nguồn cổ vũ động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người là góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là giữ gìn một di sản vô giá của dân tộc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ trương của Bộ Chính trị về việc thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người là hết sức đúng đắn, thể hiện đúng lòng dân ý Đảng, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình cảm, lòng kính yêu vô hạn các thế hệ người Việt Nam với Bác. Việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh để tên tuổi, hình ảnh sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Người mãi mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt; mãi mãi là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước.

Vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người, trải qua hơn 52 năm giữ gìn thi hài Bác, 46 năm quản lý, vận hành khai thác thiết bị kỹ thuật, kiến trúc Công trình Lăng, đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua bao thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trở thành điểm sáng văn hóa, không gian xanh, sạch, sạch, đẹp, hấp hẫn, là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng luôn xác định nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Mặt khác, coi trọng công tác tổ chức đón tiếp quần chúng về Lăng viếng Bác, sinh hoạt chính trị, tuyên truyền văn hóa. Bên cạnh đó, đề ra các chủ trương lãnh đạo và những biện pháp chỉ đạo cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay đã đón tiếp hơn 60 triệu lượt người, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Lăng của Người trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam đối với vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán, một sinh hoạt truyền thống biết nhớ ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một vị trí công tác khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy cảm nhận được sự thanh thản, bình yên. Đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói: “Chúng ta thật hạnh phúc vì có Bác, được thấy Bác nằm yên nghỉ trong Lăng giữa Ba Đình, như tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vượt qua những khó khăn, xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như điều Bác hằng mong muốn”.

Có không ít vị khách quốc tế lần đầu tiên đến Việt Nam, ban đầu là do sự hiếu kỳ đã tới Lăng, nhập vào đoàn người dài bất tận để vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ sự hiếu kỳ, họ đã chuyển sang lòng ngưỡng mộ bởi họ đã cảm nhận được rằng, mình đã được đến với một người Việt Nam vĩ đại, tiêu biểu, hiện thân, đại diện, kết tinh tinh hoa những gì là cao đẹp, quý giá nhất của dân tộc Việt Nam. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam, đứng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thốt lên: “Hiếm có Lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhân dịp sang dự Hội nghị APEC khi vào viếng Bác, Bà Tổng thống Chilê nói: “Dân tộc Việt Nam vinh dự hơn đất nước chúng tôi vì có Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trên thế giới, Hồ Chí Minh chỉ có một, Việt Nam có nhưng Chilê không có, thế giới không có”. Bà Kamihara, một du khách Nhật Bản lần đầu tiên đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ rất thú vị: “Chủ tịch Hồ Chí Minh của đất nước các bạn rất vĩ đại. Nhìn cảnh quan ở đây tôi có thể cảm nhận rõ được tình cảm của nhân dân đối với Chủ tịch. Đây là lần đầu tiên tôi đến nhưng tôi cảm nhận được sự dễ chịu, thư thái ở đây. Mọi thứ đều khiến những du khách như tôi cảm thấy thoải mái”.

Ngoài tổ chức lễ viếng Bác, khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước; nơi tổ chức các buổi mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng các ngày lễ lớn của dân tộc. Ở đây, còn có các sinh hoạt chính trị diễn ra thư­ờng xuyên nh­ư lễ báo công, lễ giao ước thi đua, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, lễ tuyên thệ trư­ớc khi nhận nhiệm vụ mới và nhiều hoạt động giáo dục truyền thống khác.... Đặc biệt, từ ngày 19-5-2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đư­ợc diễn ra trọng thể đã phát huy tốt tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; nơi hun đúc ý chí cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Những năm gần đây, thực hiện Quyết định số 2341 ngày 22-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 122-NQ/QUTW, ngày 08-3-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng, các hình thức sinh hoạt chính trị tại Lăng…

Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng nghi lễ tại công trình Lăng như: Tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghi lễ, nghi thức đảm bảo trang nghiêm, mẫu mực, chu đáo và tuyệt đối an toàn; duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh; phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức tuyến phố đi bộ, các hoạt động nghệ thuật định kỳ hằng tháng, tổ chức các sự kiện quan trọng, tạo nên không gian văn hóa quanh Lăng, để nơi đây trở thành điểm văn hóa độc đáo của Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan.

Với những kết quả trên, cho thấy công tác tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngày càng phát huy hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao cho, góp phần tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, từ năm 2016 toàn đảng, toàn quân và toàn dân triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, công tác tuyên truyền tại Lăng đã góp phần làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh thấm dần, thành đạo đức, văn hóa, lẽ sống của mỗi người.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt vừa qua Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 4144/QĐ-BQP ngày 26-11-2021 về việc phê duyệt Đề án“Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Qua đó, càng cho thấy sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhưng cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao hơn đối với công tác tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao và các mục tiêu trong Đề án đề ra, tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị đối với công tác tuyên truyền. Thường xuyên giáo dục nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị, nêu cao niềm vinh dự, tự hào, tận tụy, gắn bó với công việc và trung thành tuyệt đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và Công trình Lăng của Người là việc làm thư­ờng xuyên của cấp uỷ và chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng. Tập trung giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức công nhân viên, chiến sĩ, nhất là cán bộ trẻ, chiến sĩ mới, về niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm chính trị; giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại, phản bác lại luận điệu sai trái, thâm độc của các thế lực phản động thù địch. 

Thực hiện tốt công tác giáo dục nhằm quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, chiến sĩ sẽ có tác dụng thúc đẩy mọi ng­ười phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đư­ợc giao. Mặt khác, nhiệm vụ của đơn vị là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, đòi hỏi sự nghiêm cách cao, phạm vi ảnh h­ưởng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, là biểu trưng sức mạnh, kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam; hình ảnh tiêu biểu nhất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, vì vậy, đòi hỏi công tác giáo dục chính trị, tư­ tưởng phải đặt lên hàng đầu và thư­ờng xuyên cải tiến, đổi mới phù hợp với tình hình.

Hai là, tuyên truyền về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn hiện nay. Tuyên truyền sâu rộng làm cho Nhân dân đến Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn hiện nay là việc làm cần thiết. Qua đó, góp phần khắc sâu và thực hiện có hiệu quả việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy ý chí khát vọng hùng cường, dân tộc cường thịnh, phồn vinh hạnh phúc; kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, hướng dẫn tuyên truyền hành động cho nhân dân, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Vì vậy, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng, gắn với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước diễn ra tại khu vực Lăng để thu hút đông đảo nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác; tổ chức các sự kiện chính trị, văn hoá, để Lăng Bác thực sự là trung tâm chính trị, văn hoá của Thủ đô và của cả nước. Mặt khác, tuyên truyền giáo dục các tầng lớp Nhân dân theo các hình thức khác nhau, nhằm tạo ra những kết quả đồng bộ trong nhận thức của mỗi người khi đến Lăng viếng Bác, tham quan khu vực. Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng, phạm vi tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và người nước ngoài, người Việt Nam ở xa Tổ quốc được về thăm, viếng Bác; tổ chức kết nối công tác tuyên truyền Lăng với các Khu di tích, lưu niệm về Người ở trong nước và quốc tế nhằm nâng cao sự hiểu biết của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Người.

Ba là, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật nhằm đổi mới công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tăng cường các phương tiện tuyên truyền hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay là yêu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tại Lăng, đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của Nhân dân và khách quốc tế. Cần quan tâm đúng mức, tạo điều kiện trang bị các phương tiện hiện đại cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tuyên truyền, phù hợp với điều kiện phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, v.v... Đồng thời, tiến hành công tác tuyên truyền thông qua Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng một cách trực diện, liên tục. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh mạng, kịp thời đấu tranh, dập tắt những luận điệu thù địch lan truyền trên mạng xã hội trong các hoạt động ở Lăng. Mặt khác, theo xu hướng phát triển công nghệ thông tin hiện nay việc nối mạng máy tính cung cấp thông tin tuyên truyền và tiếp nhận các đăng ký, yêu cầu đối với các hoạt động đón tiếp, tuyên truyền sẽ tạo ra những khả năng tốt hơn phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách quốc tế.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác tuyên truyền tại Lăng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cần huy động sự tham gia và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ làm công tác tuyên truyền; xây dựng cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt. Đặc biệt, chú trọng hơn nữa việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng, cung cấp tài liệu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, chiến sỹ trực tiếp làm công tác đón tiếp tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm là, bám sát sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, Quân đội; phối hợp chặt chẽ các địa ph­ương, các ngành và các lực lượng trong Cụm di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình đối với công tác đón tiếp, tuyên truyền. Công tác tuyên truyền tại Lăng phải cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận; đấu tranh, phản bác những thông tin, luận điệu, quan điểm sai trái, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, phải thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng về các định hướng chiến lược và những vấn đề lớn, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ư­ơng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng đối với công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân cả nước, bè bạn quốc tế đối với mọi hoạt động tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với những giải pháp nêu trên, mục tiêu đột phá nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền tại Lăng trong giai đoạn mới chắc chắn sẽ có được kết quả tốt, tiếp tục khẳng định việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Qua đó, góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - di sản vô giá của dân tộc và toàn nhân loại. Tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Người còn sống mãi với non sông đất nước. Khát vọng phát triển đất nước hùng cường, dân tộc cường thịnh, phồn vinh hạnh phúc sẽ trở thành hiện thực./.

Nguyễn Minh Đức

Bài viết khác: