Kể từ khi khánh thành đến nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước. Đây cũng là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng đặc sắc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi người dân Việt Nam; thể hiện quyết tâm của toàn dân tộc đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.
Với ý nghĩa đó, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng không chỉ là trách nhiệm, tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn thể hiện sự trung thành, kiên định với con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Trách nhiệm cao cả nhưng rất vẻ vang đó được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ ý nghĩa và tính chất quan trọng của nhiệm vụ, ngay từ những ngày đầu thành lập, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, chiến sĩ của đơn vị đã thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Bác Hồ, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, với một ý thức trách nhiệm cao, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội giao phó.
Cùng với công việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật của Công trình Lăng và các công trình, kiến trúc có liên quan. Nhiều sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa quy trình vận hành được đề xuất và ứng dụng đạt hiệu quả, góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ y tế và phục vụ thăm viếng. Ðơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn, đoàn kết với đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, bảo đảm tuyệt đối an toàn lễ viếng Bác, công trình Lăng, Quảng trường Ba Ðình, Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và các buổi sinh hoạt chính trị, văn hóa diễn ra trong khu vực Lăng; duy trì tốt nghi lễ quốc gia và nghi lễ quân đội, xứng đáng tiêu biểu cho toàn quân thực hiện nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Lăng Bác luôn được duy tu, tôn tạo hàng năm ngày càng khang trang, đẹp đẽ. Để có được không gian xanh, sạch đẹp xung quanh Lăng, phù hợp với cảnh quan kiến trúc và làm tôn thêm vẻ đẹp của Lăng Bác, xứng đáng với vị trí trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước,đơn vị đã có những chủ trương, biện pháp phù hợp trong công tác duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh theo hướng hoàn thiện kiến trúc sân, vườn bảo đảm chất lượng, tầm nhìn, đồng bộ với kiến trúc công trình Lăng. Cảnh quan sạch đẹp, không khí trong lành ở Quảng trường đã thực sự tạo dấu ấn trong lòng đồng bào cả nước mỗi khi về Thủ đô.
Song song với các nhiệm vụ, công tác đón tiếp, tuyên truyền luôn được đơn vị cải tiến, đổi mới về nội dung, hình thức, không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả, đón tiếp tận tình, ân cần, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể tổ chức: Lễ báo công, lễ giao ước thi đua, lễ kết nạp đảng viên, kết nạp đoàn viên, đội viên. Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành và đơn vị trong Quân đội đón tiếp nhiều đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng được về Thủ đô viếng Bác và tham quan các khu di tích. Đặc biệt, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ, Bộ Quốc phòng từ ngày 19/5/2001 triển khai thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðây là một hoạt động góp phần giáo dục niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc, tạo một hình thức nghi lễ mới trên Quảng trường Ba Ðình lịch sử.
Những năm vừa qua, đơn vị đã chủ động tham mưu, đề xuất với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đẩy mạnh các hoạt động đón tiếp, tuyên truyền, phát huy cao nhất ý nghĩa chính trị, văn hoá của công trình Lăng Bác. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2341 ngày 22-12-2010 phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”;Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 122-NQ/QUTW, ngày 08-3-2012 về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Qua đó, cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nối ngày, dòng người vào Lăng viếng Bác như dài vô tận. Đến với Bác ai cũng như được tiếp thêm động lực phấn đấu học tập, làm việc theo gương Bác Hồ - Người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho độc lập của Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân. Những dòng người lặng lẽ đến trước Lăng Bác để cảm nhận ở đó một niềm tin, một phẩm giá trong sáng của người chiến sĩ cách mạng, để yêu cái mà Người đã từng yêu, để mong cái mà Người đã từng mong, để đi trọn con đường mà Người đã từng đi suốt cả cuộc đời. Đó cũng là tình cảm thiêng liêng, tấm lòng và niềm tin của đồng bào dâng lên Bác kính yêu. Chúng ta thật xúc động khi chứng kiến những đoàn thương binh nặng, có những đồng chí hỏng cả hai mắt nhưng luôn đau đáu niềm ước mơ lớn nhất trong cuộc đời dù không được nhìn thấy Bác nhưng vẫn tâm nguyện là được vào Lăng viếng Người. Những mẹ Việt Nam Anh hùng, nhất là các mẹ ở miền Nam “thành đồng Tổ quốc”, dù tuổi cao, mắt đã mờ nhưng vẫn quyết tâm giữ gìn sức khỏe để được ra thủ đô vào Lăng viếng Bác. Trong giờ phút trang nghiêm và lắng đọng, mỗi người đều thành kính dành nơi tôn nghiêm nhất của lòng mình và dành những tình cảm thiêng liêng để tưởng nhớ và tri ân đến công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người không kìm nén được tình cảm, sự xúc động đã òa khóc; có người do chưa nhìn rõ Bác còn đề nghị được vào viếng Bác thêm lần nữa để được nhìn Bác rõ hơn… Nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam đã đề nghị được vào viếng Bác. Tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay đã đón tiếp hơn 60 triệu lượt người, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.
Với những cố gắng đó, Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình đã trở thành một trong những địa điểm đến hấp dẫn, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam đối với vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, góp phần quan trọng trong quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam; tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác.
Đặc biệt, từ năm 2016, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, công tác tuyên truyền tại Lăng Bác được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, khá nổi bật, như: phát huy hệ thống truyền thanh, truyền hình để tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Người; về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng; về những sự kiện chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Vào dịp 19/5 hàng năm, Ban Quản lý Lăng phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các tỉnh thành, các đơn vị Quân đội, Công an lựa chọn những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về Lăng viếng Bác, báo công với Người, trao tặng Huy hiệu Bác Hồ, nhằm tuyên truyền, giáo dục các thế hệ người Việt Nam luôn "Nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được quảng bá, lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ, tích cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người dần trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, đồng thời, khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Trong giai đoạn hiện nay, cùng với các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn khu vực Lăng, yêu cầu đặt ra đối với đơn vị là phải nâng tầm công tác quản lý, bảo quản, duy tu, bảo dưỡng, tôn tạo khu di tích “đặc biệt của đặc biệt” Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với cống hiến vĩ đại của Bác Hồ kính yêu cho dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta, xứng đáng với tình cảm mà dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta dành cho Người. Mặt khác, nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền ở Lăng Bác phải ngày càng được đổi mới và hoàn thiện, theo đó Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 4144/QĐ-BQP ngày 26-11-2021 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Trong đó, xác định nhiệm vụ tuyên truyền tập trung vào 5 nội dung cơ bản sau:
- Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng.
- Thân thế, sự nghiệp; giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách; công lao và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
- Sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam của Đảng ta trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường, dân tộc cường thịnh, phồn vinh hạnh phúc.
- Việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
- Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hạ thấp vai trò, công lao to lớn, biểu tượng cao đẹp Hồ Chí Minh; nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người.
Đặc biệt là, Đề án này đã huy động đông đảo lực lượng trong và ngoài Quân đội cùng tham gia với Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trong công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với tinh thần đó, để triển khai thực hiện Đề án 4144/QĐ-BQP một cách hiệu quả, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng đã quán triệt trong toàn Đảng bộ, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022 và những năm tiếp theo, cụ thể hóa những nội dung trong Đề án vào nghị quyết lãnh đạo, chương trình hành động, kế hoạch công tác của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt của đơn vị trong công tác đón tiếp, tuyên truyền để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là không gian thiêng liêng, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; đồng thời, tiếp tục đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Nguyễn Minh Đức