Để tri ân công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và gia đình có công, 65 năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện các chính sách đối với Người có công. Các hoạt động chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách được xác định là một trong những mối quan tâm đặc biệt, không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Tri ân 2
Đoàn thương bệnh binh
Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Duy Tiên, Hà Nam vào Lăng viếng Bác

Ngoài những ưu đãi về vật chất, Người có công còn được chăm lo chu đáo về đời sống tinh thần. Các hoạt động đưa Người có công đi tham quan, điều dưỡng, thăm lại chiến trường xưa… được tổ chức khá thường xuyên. Và như một sự “đến hẹn lại lên”, hàng năm, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được đón tiếp các đoàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Người có công về Lăng viếng Bác và tham quan các di tích lịch sử ở Thủ đô Hà Nội.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ hàng năm, Ban Quản lý Lăng đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức tiếp đón ân cần và chu đáo các đoàn đại biểu Người có công đến từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Riêng các đoàn đại biểu đến từ phía Nam xa xôi được các cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Lăng đón từ bến tàu, sân bay và phục vụ đoàn khi đi tham quan Hà Nội.

Hầu hết các ba, các má tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ai nấy đều phấn khởi và đôi mắt luôn ánh lên sự xúc động khi được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được xem phim tài liệu về Bác và tham quan khu vực.

Tận sâu trong tâm khảm của các đại biểu Người có công, hình ảnh Hồ Chủ tịch giống như một biểu tượng của trí tuệ, lòng nhân từ, bác ái, là đỉnh cao của tinh thần dân tộc, để mà tôn  thờ, để mà kính yêu. Chính bởi vậy, khi được vào Lăng viếng Người, ai nấy đều chung một sự xúc động mãnh liệt và sâu sắc. Những tấm Huy chương, Huy hiệu cao quý lấp lánh trên ngực áo các đại biểu như một sự báo công với Người và là lời tâm niệm vẫn vẹn nguyên phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ.

Cán bộ, nhân viên Ban Đón tiếp, cơ quan Văn phòng luôn xác định: Mặc dù rất bận rộn nhưng đối với việc tổ chức các hoạt động tiếp đón Người có công đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước vào Lăng viếng Bác không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm chân thành, sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ Người có công. Nhìn thấy các má, các ba vui vẻ, phấn khởi, chúng tôi cũng yên tâm.

Tri ân1
        Các cán bộ Trung đoàn không quân 916 tham quan khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau khi viếng Lăng, các hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết cho các đoàn đại biểu về quá trình xây dựng Lăng; quá trình bảo vệ và gìn giữ lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phòng làm việc, nơi ở và sinh hoạt của Người; chiếu phim tư liệu về Hồ Chủ tịch… và đưa đoàn đi thăm Nhà sàn, Bảo tàng, khóe mắt ai cũng rưng rưng khi được nghe kể về cuộc đời và nếp sống giản dị của vị lãnh tụ, với “tài sản” là đôi dép cao su mòn gót, bộ quần áo kaki bạc màu…

Một mẹ thuộc đoàn Người có công tỉnh Lai Châu cho biết: “Trải qua một chặng đường dài gần 500 km từ huyện Sìn Hồ về tới Hà Nội, mẹ rất vui và xúc động khi được vào Lăng viếng Hồ Chủ tịch. Sự tiếp đón ân cần, chu đáo của các cán bộ, nhân viên ở đây làm mẹ thấy rất cảm kích. Cả cuộc đời mẹ chỉ mong được một lần về Thủ đô để thăm Lăng Bác. Bây giờ thì mẹ thấy mãn nguyện rồi. Mẹ hy vọng các con chăm sóc, giữ gìn thi hài Người thật tốt để nhiều thế hệ sau tiếp tục được vào Lăng viếng Người”.

Lời dặn dò của mẹ cũng như của các đại biểu các đoàn Người có công đã được Ban Quản lý Lăng ghi nhận; nguyện tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng để nhận được nhiều hơn nữa những tình cảm tri ân của mọi người đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Lan Hương

Bài viết khác: