Trong những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và nhân loại có cả hệ thống những di tích, lưu niệm về Người ở trong nước và trên thế giới. Khu K9 là một bộ phận trong di sản vô giá đó, là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của Bác Hồ. Vì vậy, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch của Khu K9 là một nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần làm lan tỏa hình ảnh, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Địa danh lịch sử lưu dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu K9 (Khu di tích Đá Chông) có diện tích 234 ha, giáp địa giới hành chính với ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ.

Nơi đây, vào tháng 5 năm 1957, Bác đến thăm Trung đoàn 36 - Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Bác đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy đây là nơi sơn thuỷ hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Sáng ngày 23-2-1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần - Quân đội nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn trong khu vực Đá Chông. Ngày 15-3-1960, công trình được khánh thành, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc từ năm 1960 đến 1969. Cũng tại đây, Bác và Bộ Chính trị đã có nhiều cuộc họp quan trọng, bàn thảo về chiến lược Cách mạng Việt Nam, động viên cán bộ, nhân dân đồng bào các dân tộc vùng lân cận.

Tại Khu K9, từng hình ảnh, từng hiện vật đều gắn với hình bóng của Người cùng nhiều câu chuyện giàu cảm xúc trong những năm tháng Bác sống nơi đây. Đó là ngôi nhà 2 tầng được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngôi nhà phục vụ, vườn cây, khu nhà khách... Đặc biệt, cũng tại Đá Chông, Bác còn dành thời gian, tình cảm đón tiếp bạn bè quốc tế thân thiết của cách mạng Việt Nam. Trước ngôi nhà làm việc của Bác có hai cây vàng anh tỏa cành vươn lá xanh biếc. Đó là hai cây lưu niệm do Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giécman Titốp và phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, bà Đặng Dĩnh Siêu trồng khi đến thăm Bác.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đây là nơi giữ gìn, bảo quản thi hài Bác và diễn ra nhiều sự kiện quan trọng chuẩn bị cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức thăm viếng.

Giữ gìn, tôn tạo Khu K9 trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống

Năm 1975, đất nước giành độc lập, thống nhất, non sông thu về một mối, cũng là lúc công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định đón Bác từ K9 về “Ngôi nhà vĩnh hằng” của Người giữa Ba Đình lịch sử để đón đồng bào cả nước đến thăm viếng. Khu K9 - Đá Chông được giao lại cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý. Đến đầu năm 1995, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tổ chức đón tiếp, phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương và nhiều đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị, nhà trường đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu vực, trồng cây lưu niệm, tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, sinh hoạt truyền thống. Hoạt động thăm viếng đã thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ, khâm phục của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 328-TB/TW ngày 19-4-2010 và Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 22-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng đã đề ra những chủ trương, biện pháp tích cực để tiến hành mở rộng đón tiếp đồng bào, khách quốc tế đến Khu K9 như: Sửa đổi, ban hành nội quy, quy chế tổ chức đón tiếp khách tham quan K9; tăng cường huy động các nguồn tài trợ khác nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Khu K9; chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị Khu K9; phối hợp cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích; tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn khách tham về chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa, kỹ năng ứng xử và ngoại ngữ v.v… 

Bên cạnh đó, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo xin ý kiến các cơ quan chức năng chủ trương đầu tư, nâng cấp, tôn tạo Khu K9 ngày càng khang trang, sạch đẹp. Năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, công trình đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, xứng tầm với giá trị của Khu K9. Sau khi khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu K9 ngày 02-9-2015, đến ngày 19-5-2016, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở rộng tham quan tới tất cả đồng bào trong cả nước, và tới ngày 19-5-2017 chính thức mở rộng đón khách quốc tế.

Xuất phát từ những ý nghĩa đó, công tác nghiên cứu khoa học phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Khu K9 được chú trọng. Năm 2015, Ban Quản lý Lăng đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ “Bảo tồn, tôn tạo giá trị kiến trúc cảnh quan Khu K9, Ba Vì, Hà Nội”. Qua đó, đã đề xuất các giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan tổng thể và đổi mới trang trí các loại cây hoa, cây cảnh, cây xanh cho toàn khu vực. Đề xuất các nội dung, hình thức và vị trí bố trí các tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh tại những vị trí thích hợp, điểm dừng chân của du khách trên tuyến tham quan... Đặc biệt, năm 2017, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đá Chông (5-1957/5-2017)”.

Mặt khác, Khu K9 được quan tâm đầu tư tôn tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của đồng bào đến với Bác như: Đổi mới quy trình tham quan, nâng cấp cải tạo Nhà tưởng niệm Bác, phủ sóng wifi miễn phí, lập các kiot điện tử để tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu K9 đã thực sự trở thành một địa danh lịch sử, văn hóa, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống; giúp cho các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế đến đây hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, góp phần đẩy mạnh và làm lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

          Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Khu K9 đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ chính trị của đơn vị bên cạnh những thuận lợi cũng không ít khó khăn thách thức, đã đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi cần đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng, Khu K9, góp phần làm lan tỏa hình ảnh, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộctheo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, lần thứ XIII đã đề ra.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Đề án“Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”. Cùng với việc đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa Công trình Lăng, Khu K9 giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, đổi mới công tác đón tiếp và nội dung thuyết minh. Cán bộ, nhân viên hướng dẫn khách tham quan với vai trò là "cầu nối" giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tư tưởng, đạo đức phong cách của Người, về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, cần phải thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị; bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, thái độ, phong cách cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đón tiếp, hướng dẫn viên; đồng thời, xác định đón tiếp khách đến với Khu K9 là dịp để tuyên truyền giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các thế hệ người Việt Nam.

Hai là, đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền, kết hợp giữa nhiều hình thức phong phú, sinh động như: Xuất bản chỉnh lý sách, tờ gấp, phối hợp với Nhà xuất bản sản xuất các băng đĩa, ấn phẩm văn hóa ... bổ sung và nâng cao chất lượng nhà trưng bày, xây dựng các bộ triển lãm với nhiều nội dung phong phú, mang tính thời sự cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu ngày càng cao của du khách. Song song với các nhiệm vụ cải tiến, đổi mới về nội dung, hình thức đón tiếp tuyên truyền, không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả, đón tiếp tận tình, ân cần, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến Khu di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể tổ chức sinh hoạt chính trị: lễ báo công, lễ giao ư­ớc thi đua, lễ kết nạp đảng viên, kết nạp đoàn viên, đội viên; tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba là, tổ chức kết nối công tác tuyên truyền Lăng với các Khu Di tích, lưu niệm về Người ở trong nước và quốc tế nhằm nâng cao sự hiểu biết của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Người.

Bốn là, tăng cường chỉ đạo đơn vị duy trì chế độ bảo quản thông thường, thủ công, kết hợp với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác bảo quản định kỳ chống xuống cấp di tích, hiện vật nơi đây. Bởi từng hình ảnh, từng hiện vật đều gắn với hình bóng của Người cùng nhiều câu chuyện giàu cảm xúc trong những năm tháng Bác sống tại đây.

Năm là, tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, nói chuyện, phát động sưu tầm hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến Khu K9. Đồng thời, sớm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan hữu quan trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh K9 là Di tích quốc gia đặc biệt.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, Khu K9 tại Đá Chông nơi lưu nhiều dấu ấn của Bác Hồ, là nơi tiếp nối mạch nguồn lịch sử - văn hoá của thời đại Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, Khu K9 sẽ tiếp tục không chỉ là điểm đến tham quan, tưởng niệm Bác của người dân cả nước mà còn của nhiều đoàn khách quốc tế, góp phần làm lan tỏa hình ảnh, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Nguyễn Minh Đức

Bài viết khác: