mien nam nho bac 2022 1

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

Đó là những câu thơ chất chứa tình yêu thương bao la Bác Hồ dành cho miền Nam vì “Miền Nam đi trước về sau”, bởi "Nhân dân miền Nam mỗi người, mỗi nhà đều có một nỗi đau riêng, đem cộng lại tất cả nỗi đau đó thì chính là nỗi đau của tôi".

Chúng ta ai cũng đã được nghe, được kể về mong muốn được vào thăm miền Nam của Bác để động viên quân và dân cùng giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mong muốn đó của Người đã trở thành nỗi khát khao cháy bỏng trong lòng. Dù tuổi cao sức yếu nhưng Bác vẫn luyện tập đi bộ hàng ngày, tập leo dốc để có sức khỏe vào thăm đồng bào Miền Nam. Chưa thể vào Nam thăm đồng bào, Bác thể hiện tình cảm của mình qua những bức thư. Từ bức thư đầu tiên đến bức thư cuối cùng đều chứa chan tình cảm niềm tin yêu của Bác đối với đồng bào miền Nam. Bác từng căn dặn: "Đồng bào Miền Bắc luôn nhớ rằng: Trong lúc chúng ta sinh hoạt và xây dựng trong hòa bình thì đồng bào Miền Nam anh dũng hy sinh chiến đấu oanh liệt chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp đồng bào Miền Nam ruột thịt". Người nói rõ: "Mỗi tấn than, mỗi một cái máy, mỗi một tạ lương thực chúng ta tăng gia thêm và tiết kiệm được đều góp vào ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam".

Những giờ phút trước khi Bác mất, nằm trên gường bệnh Bác vẫn lắng nghe tin tức Miền Nam trên loa phát thanh. Một lúc Bác lại hỏi: "Miền Nam tình hình thế nào rồi?" hay: "Hôm nay, miền Nam thắng đến đâu rồi?". Người đã đi xa nhưng vẫn mang trong mình nỗi nhớ miền Nam khôn nguôi. Tình yêu của Bác đã làm xúc động triệu triệu trái tim đồng bào miền Nam và nhân dân cả nước, đó chính là niềm tin, là động lực tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm cho quân và dân ta làm nên thắng lợi hào hùng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam đưa non sông thu về một mối, thực hiện trọn vẹn mong ước của Người.

Tết Ất Mùi năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động nhận được cây vú sữa, là món quà của đồng bào vùng tận cùng của Tổ quốc gửi tặng. Cây vú sữa trở thành biểu tượng của tấm lòng Bác Hồ đối với miền Nam, và của miền Nam đối với Bác. Bao nhiêu năm vẫn thế, miền Nam luôn hướng về Người, sâu nặng và nghĩa tình. Mong ước cho nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp, được vào thăm miền Nam ruột thịt cũng luôn là mối trăn trở của Người. Hình ảnh Người vui mừng khi nghe tin miền Nam lại “thắng to” cho thấy tấm lòng thiết tha của Người đối với đồng bào miền Nam. Mỗi khi nghe tin có đoàn cán bộ ở miền Nam ra, Bác vội đến thăm ngay và hỏi han tình hình rất kỹ. Những chiến thắng của đồng bào miền Nam đã tiếp thêm sức mạnh cho Bác.

Xứng đáng với tình cảm, sự tin yêu của Người, đồng bào Nam bộ đã nêu cao khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đạp bằng muôn trùng gian nguy, chiến đấu ngoan cường, vượt qua giai đoạn ác liệt nhất từ giữa năm 1968 đến đầu năm 1970, củng cố thế và lực cách mạng, đập tan chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, chủ động và tích cực tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của “Thành đồng Tổ quốc”, góp phần viết nên những trang huy hoàng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Từ sau khi nước nhà độc lập, dù nắng hay mưa, ngày ngày từng dòng người tấp nập vẫn xếp hàng để được vào Lăng viếng Bác, trong đó có biết bao đồng bào, chiến sỹ, nhân dân miền Nam lần đầu tiên mới được thỏa lòng ước nguyện nhìn thấy Bác kính yêu. Chúng ta không thể quên hình ảnh Đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng từ miền Nam ra Lăng viếng Bác. Nhiều Mẹ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, bước đi chậm chạp, khó khăn, sự chịu đựng hy sinh, mất mát đã in hằn trên khuôn mặt khắc khổ của các Mẹ, đôi mắt giờ đã không còn tinh tường nhưng khi được nhìn thấy Bác, xem những thước phim tư liệu về giờ phút cuối đời của Bác, Mẹ nào cũng nước mắt rưng rưng.

mien nam nho bac 2022 2
Mai vàng như tấm lòng những người con miền Nam gửi về bên Bác

Để tỏ lòng thành kính với Người, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, như đã thành thông lệ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân Nam bộ nói chung lại về Lăng báo công với Bác những thành tích đã đạt được trong một năm qua và gửi tình Nam ra Bắc qua những đóa hoa Mai vàng rực rỡ thay lời chúc mừng năm mới đến tập thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ làm việc tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân cả nước. Cây mai đã gắn bó với làng quê Việt Nam từ lúc người dân biết khai hoang, lập làng để sinh sống. Dù đất có khô cằn, thiếu chất dinh dưỡng thì rể mai vẫn bám và đi sâu vào lòng đất mẹ, lấy nước từ nguồn để nuôi thân cây cũng như người Việt Nam yêu đất Việt và luôn gìn giữ đạo lý, cội nguồn văn hóa đẹp của dân tộc. Hoa Mai nở rực rỡ vào mùa Xuân, là biểu tượng cho cái đẹp bừng nở, sự hưng vượng, sự khởi phát trong năm mới. Cũng chính vì vậy, Mai đã trở thành một người bạn tinh thần, một nét đặc trưng của người dân Nam bộ kiên trung, bất khuất mà dạt dào tình cảm. Mỗi dịp Tết đến, xuân về những người con miền Nam không quên gửi gắm chút tình đó về bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là món quà vô giá dành tặng nhân dân Thủ đô, cùng nhân dân cả nước đón xuân mới hưng thịnh, hạnh phúc và an lành, kết nên những đài hoa đầy hương sắc dâng lên Bác kính yêu. Cây và hoa bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là những món quà tinh thần vô giá, chứa đựng cả tâm hồn và tình cảm của nhân dân các địa phương trong cả nước tề tựu, sum vầy bên Người. Mỗi gốc cây, nhành hoa, ngọn cỏ là bấy nhiêu tình thương mà Bác gửi gắm lại cho Nhân dân. Đó là những giá trị không dễ gì thay đổi được.

Xuân Nhâm Dần 2022, cũng như mọi năm, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân Nam bộ nói chung đã gửi tình Nam ra Bắc qua những đóa hoa Mai vàng rực rỡ thay lời chúc mừng năm mới đến tập thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ làm việc tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân cả nước. Qua đó, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn, tình nghĩa anh em ruột thịt của nhân dân hai miền, tấm lòng thuỷ chung, đồng sức đồng lòng của đồng bào miền Nam hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình lịch sử./.

Giang Hải

 

Bài viết khác: