Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu K9 được khánh thành vào ngày 2/9/2015 nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo trong lễ khởi công và lễ khánh thành.
Cùng với Công trình Lăng, Nhà tưởng niệm là sự tiếp nối các công trình trong Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, là nơi để Nhân dân và khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm. Kể từ đây, trên địa bàn Đá Chông có thêm một công trình được thiết kế và xây dựng có sự kế thừa các giá trị truyền thống, kết hợp với các yếu tố hiện đại, góp phần tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các thế hệ mai sau. Là công trình mang giá trị văn hóa lịch sử to lớn, là nơi đồng bào, đồng chí, khách quốc tế đến tham quan, tưởng niệm Bác, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, truyền bá, nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lúc sinh thời, giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần lên Khu K9 làm việc và tiếp khách quốc tế. Chính tại Khu K9, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn bạc, quyết định. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 02/9/1969, Bộ Chính trị đã chọn K9 - nơi gắn liền với những năm tháng cuối đời của Bác, để giữ gìn thi hài của Người. Trong 6 năm kháng chiến ác liệt và thiên tai, lũ lụt đe dọa, K9 đã trở thành nơi chủ yếu để giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Bác. Thời gian đó, nhiều đoàn của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam đã lên viếng Bác, thể hiện quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời Bác dạy. Với những sự kiện đó, Khu K9 xứng đáng trở thành một địa danh lịch sử đặc biệt, gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể cả khi Người còn sống và khi đã qua đời.
Để phát huy giá trị của Khu K9 trong giai đoạn mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt của Công trình này. Trong đó, luôn chú trọng đến công tác đón tiếp, phục vụ Nhân dân, khách quốc tế về dâng hương tưởng niệm Bác, tổ chức các sinh hoạt chính trị, lễ báo công, lễ ra quân... Những hoạt động này đã góp phần phát huy ý nghĩa đặc biệt của Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9 - nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử về Người.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình mang tính truyền thống. Tổng thể công trình toát lên những nét rất quen thuộc của phong cách kiến trúc truyền thống, một tầng, hai mái thượng và hạ, hai đầu bờ nóc gắn trang trí hình triện cách điệu; các tầu mái được làm hơi chéo dần về phía đầu hồi để tạo thành góc đao cong, đầu đao đắp hình hoa sen. Vật liệu xây dựng được làm từ các loại đá, gỗ lấy từ các vùng miền đất nước như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái, Đà Nẵng, Phú Yên. Điều đặc biệt nhất là đá ốp mảng cờ Đảng, cờ Tổ quốc và bệ Tượng thờ bằng đá đỏ - loại đá được dùng để ốp lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo nên sự đồng điệu vô cùng ý nghĩa.
Có thể nói, đối với mỗi người dân khi đến với Khu K9, dâng hương tưởng niệm Bác tại đây đều không thể không tham quan, vãn cảnh tại chính khoảng sân rộng trước Nhà tưởng niệm. Tại đây, có bố trí hình ảnh chiếu sen chạm khắc hoa văn trang trí kích thước 11,4m x 6,4m. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi thức, sinh hoạt chính trị… Ở giữa đặt một lư hương bằng đồng để mọi người thắp hương tưởng niệm Bác. Xung quanh nhà tưởng niệm là rừng cây phong phú và đa dạng về chủng loại, ngoài ra còn được trồng các loại cây đã gắn bó với Bác như: Hàng rào dâm bụt, các bụi trúc quen thuộc với với làng quê Việt Nam.
Nhà tưởng niệm Bác luôn là điểm đến mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc
Cảm tưởng của cán bộ, nhân viên Viện Lịch sử quân sự khi về dâng hương tưởng niệm Bác
Ai đã từng có dịp ghé thăm công trình Nhà tưởng niệm Bác đều có những cảm nhận đặc biệt về vị lãnh tụ thiên tài, đức độ của dân tộc Việt Nam, nhất là trong những ngày đầu xuân năm mới này. Công trình giản dị, truyền thống và rất đỗi gần gũi trong ký ức mỗi người dân Việt Nam, nơi toát lên những giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam. Từ khi khánh thành công trình Nhà tưởng niệm đến nay, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đã có hàng ngàn lượt khách đến tham quan K9 và thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu. K9 và Nhà tưởng niệm Bác đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ, là nơi về nguồn để mỗi ngời dân đến tham quan, tưởng niệm góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. Như lời Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) nhấn mạnh tại Lễ Khánh thành: “Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta nguyện mãi mãi noi theo gương Bác, làm theo lời Bác, đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các nước bạn bè trên thế giới”.
Có thể nói, đức tính giản dị, thanh bạch của Người đã trở thành chân lý cho lẽ sống ở đời. Chân lý ấy lan tỏa, thấm sâu vào tâm hồn không chỉ người Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế. Bởi vậy, mỗi vị khách khi về tham quan tại Khu K9, dâng hương tưởng niệm Bác đều như được chiêm nghiệm về cuộc sống, qua đó càng cố gắng học tập, làm theo tấm gương của Người.
Thời gian trôi qua, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quần thể Khu K9, Đá Chông đã trở thành địa chỉ thân quen với mọi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế... Nơi đó chứa đựng cả một kho tàng văn hóa với triết lý sống luôn nhắc nhở chúng ta ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”./.
Đức Thi