Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 10/01/2025

Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây: “Từ năm 1960 - 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Với ý nghĩa của thiết thực và lớn lao của “Tết trồng cây”, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân cả nước, trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng khắp các địa phương, là nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhiều năm qua. 

Tuy nhiên, trước điều kiện thời tiết bất thường, lũ chồng lũ, bão chồng bão, mưa lớn kéo dài liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội mà nguyên nhân gây ra là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước thì hoạt động trồng thêm cây xanh, trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc là một việc làm cần thiết. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa nước đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống người dân. Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Ngày 01/4/2021 Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của tất cả người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi đảm nhiệm cương vị người đứng đầu đất nước, ngày 13/4/2021, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Khu K9 - Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội). Cùng dự có Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chủ tịch Nước nhấn mạnh: “Quân đội nhân dân phải xem trồng cây, phát triển rừng, hưởng ứng lời dạy Tết trồng cây của Bác Hồ như một nhiệm vụ chính trị vừa thực tiễn vừa rất thiêng liêng”. Chủ tịch Nước vui mừng được biết, đầu năm 2021, cùng với cả nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực hưởng ứng trồng 1 tỉ cây xanh - vì một Việt Nam xanh với phương châm “Thiết thực, hiệu quả, trồng cây nào, tốt cây đó".

Là đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho nhiệm vụ quản lý Khu K9 kể từ năm 1975, gần 50 năm qua, Khu K9 đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội; các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; các tầng lớp Nhân dân và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tích cực trồng cây, gây rừng, chăm sóc giữ gìn cây xanh. Đặc biệt, ngày 02/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg thành lập “Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”. Do đó, việc trồng cây ở đây càng có ý nghĩa thiêng liêng, nhằm tăng cường tài nguyên rừng và khả năng phòng hộ; tạo điều kiện thu hút rộng rãi nhân dân, các tổ chức xã hội, khách quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Trong 5 năm (2015-2020), tại đây đã trồng mới hơn 47 ha, với 34.785 cây các loại. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa của phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đồng thời, có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2021, ngay sau lễ phát động cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành trồng 300 cây dẻ nằm trong khuôn viên Khu di tích; dự kiến mỗi năm sẽ trồng từ 1.000 đến 3.000 cây. 

Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các Binh đoàn 11, 12, 18; Học viện Quốc phòng; Học viện Chính trị; Học viện Hậu cần; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Quân y; Trường Sĩ quan Lục quân 1; Trường Sĩ quan Chính trị; Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; Viện Khoa học Công nghệ - Quân sự, Bộ Quốc phòng; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Ban Công đoàn Quốc phòng; Ban Thanh niên Quân đội và Ban Phụ nữ Quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) trồng mới hơn hơn 2.000 cây xanh trong khuôn viên Khu K9. Hàng nghìn cây xanh được bám sâu vào đất mẹ, như một biểu tượng đẹp đẽ và sống động nhất của sức sống mới, sự gắn kết hài hòa giữa con người và thiên nhiên…, góp phần giữ gìn, tôn tạo Khu di tích, cùng cả nước đạt mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo phát động của Thủ tướng Chính phủ. 

trong cay duc 1
Phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Nhâm Dần 2022

Phát huy những kết quả của năm 2021, ngay từ những ngày đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Khu K9, trồng mới 400 cây xanh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm được Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng xác định trong nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch hàng năm nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ, và các tổ chức đoàn thể về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây; vai trò, lợi ích; nhất là thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông - K9. Theo đó, ưu tiên lựa chọn loại cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây trồng. Cùng với trồng cây, đơn vị tiếp tục phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương nơi đóng quân thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ cây xanh, rừng trồng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng các hoạt động trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh tại địa phương.

 trong cay duc 2

trong cay duc 3
Cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng tham gia Tết trồng cây xuân Nhâm Dần 2022

Nhớ lời Bác Hồ từng nói: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Chúng ta càng thêm tin tưởng với khí thế và quyết tâm cao, phong trào trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trong toàn đơn vị sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.

 Nguyễn Minh Đức

         

Bài viết khác: