Phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá của Khu K9 góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

 Kỳ 1: Nơi Bác Hồ dừng chân

Nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 70 km về phía Tây, Khu Di tích Đá Chông (còn gọi là Khu K9) thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội là một trong những địa danh lịch sử, văn hóa - di tích đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Bác Hồ còn sống đến khi Người về với cõi vĩnh hằng.

Khu K9 là căn cứ bí mật của Trung ương, là nơi làm việc của Bác Hồ và Trung ương Đảng trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1969, nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến năm 1975. Giai đoạn 1975 - 1995, nơi đây là khu căn cứ dự phòng của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1995, Khu K9 được mở cửa để các cơ quan, đoàn thể và nhân dân vào tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan nhằm giáo dục, tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những lần Bác đến K9

Tháng 5 năm 1957, trong chuyến lên thăm đơn vị bộ đội diễn tập ở khu vực này, Bác Hồ và các đồng chí trong đoàn đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên khu đồi của Đá Chông. Bằng nhãn quan của một nhà quân sự thiên tài, Bác đã thấy được giá trị về mặt chiến lược của địa thế khu vực này. Bác nói với các cán bộ cùng đi nên chọn nơi này làm khu căn cứ của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.          

bai a hieu k9 anh 1
Bác Hồ dừng chân ở Đá Chông trong một chuyến công tác vào tháng 5/1957.

Ngày 23/02/1958, Bác Hồ đã lên thăm và xem xét lại khu vực Đá Chông, để xây dựng khu căn cứ của Trung ương. Sau đó, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ thiết kế ngôi nhà hai tầng theo kiểu Nhà sàn để làm nơi hội họp và tiếp khách. Bác Hồ đã trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc, nhắm hướng cho ngôi Nhà sàn. Công trình do Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng, gồm có 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí Trung ương nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.

Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 9/1959. Quá trình thi công, Bác Hồ đã nhiều lần lên kiểm tra và thăm, động viên cán bộ, công nhân làm việc tại đây. Ngày 15/3/1960 công trình hoàn thành, Bác Hồ đã lên dự khánh thành. Sau khi xây dựng xong, toàn bộ khu vực được giao cho Văn phòng Chủ tịch Phủ quản lý và được đặt tên là K9.

Từ năm 1960 đến năm 1969, Bác Hồ và một số đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã nhiều lần lên làm việc tại Khu K9. Tại đây, Trung ương đã bàn bạc và ra quyết định về những vấn đề hệ trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đây cũng là nơi Bác Hồ chọn để tiếp các vị khách quốc tế. Ngày 13/3/1961, Bác Hồ tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu - Phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và đồng chí Hà Vỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Ngày 24/01/1962, Bác tiếp Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô, do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu.

9 giờ 47 phút, ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi về cõi vĩnh hằng. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định bảo quản, giữ gìn lâu dài, tuyệt đối an toàn thi hài Bác Hồ. Từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng. Khu K9 đã  được lựa chọn để giữ gìn, bảo quản thi hài Bác. Trong gần sáu năm (từ năm 1969 đến năm1975), trong điều kiện chiến tranh ác liệt với muôn vàn khó khăn thiếu thốn và tuyệt đối bí mật, các chuyên gia y tế Liên Xô đã sát cánh cùng các bác sỹ Việt Nam giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài của Bác. Trong thời gian này, tại Khu K9 cũng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, nhiều đoàn đại biểu của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, đoàn cán bộ Trung ương Cục miền Nam đã lên viếng Bác, quyết tâm thực hiện “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” theo  lời Người căn dặn.

Di tích lịch sử đặc biệt

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cũng là lúc Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành. Đúng 16 giờ ngày 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác rời Khu K9 về Thủ đô Hà Nội. Các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương đón Bác vào Lăng - ngôi nhà vĩnh hằng của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ đó, Khu K9 trở thành căn cứ dự phòng.

Với một bề dày lịch sử, kể từ khi được chính Bác Hồ lựa chọn xây dựng căn cứ của Trung ương, cho đến thời gian dài được sử dụng làm nơi giữ gìn thi hài Người, Khu K9 thực sự trở thành một di tích đặc biệt, nơi ghi nhận và lưu giữ nhiều kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm của đồng bào cả nước và khách quốc tế dành cho Bác.

Được sự đồng ý của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, từ đầu năm 1995, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức mở cửa phục vụ đón tiếp các cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương tới dâng hương tưởng niệm Bác và tham quan, học tập, sinh hoạt chính trị với số lượng hạn chế và được đăng ký theo những quy định chặt chẽ. Năm 1998 nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền phục vụ khách đến tham quan Khu K9 được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giao cho Đoàn 285 trực tiếp đảm nhiệm.

Tháng 12 năm 2010, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tiếp tục giữ gìn, tôn tạo Khu K9 trở thành một di tích lịch sử - văn hóa; một địa chỉ đỏ để giáo dục lịch sử, truyền thống của Đảng, của dân tộc và thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

bai a hieu k9 anh 2
Những chiếc xe của Đoàn xe đặc biệt trong những lần di chuyển thi hài Bác Hồ
 hiện đang lưu giữ tại Khu K9.

Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 02/9/2013, Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu K9 đã được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 02/9/2015. Từ đây, Khu K9 có thêm một công trình xứng tầm với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi để đón nhân dân trong nước và bầu bạn quốc tế đến tưởng niệm, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi chính thức mở rộng tham quan Khu K9 từ năm 1995; đặc biệt từ khi Bộ Chính trị (Khóa XI) ban hành Chỉ thị số 03 về “Đẩy mạnh học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Bộ Chính trị (Khóa XII) ban hành Chỉ thị số 05 về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, số lượng các đoàn khách đến tưởng niệm Bác, tham quan, tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa và trồng cây lưu niệm tại K9 ngày một đông hơn. Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến 2021, Khu K9 đã đón tiếp hơn 80 nghìn đoàn khách, với gần 3 triệu lượt người, gồm: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương và nhiều đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị, nhân dân và khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu vực, tổ chức các hình thức sinh hoạt chính trị, văn hóa và trồng cây lưu niệm.

Thông qua cảnh quan, các di tích, công trình kiến trúc, các hiện vật, hình ảnh, tài liệu trực quan sinh động và nội dung thuyết minh của hướng dẫn viên; các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa tại nơi đây đã giúp cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công lao to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản quốc tế. Từ đó làm cho mỗi người càng thêm yêu mến, kính trọng và biết ơn công lao trời biển của Bác, góp phần tích cực vào việc xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm cá nhân, quyết tâm trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực của mình./.

Đại tá Phạm Văn Hiếu

Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: