Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Đá Chông (Khu K9) nằm bên bờ sông Đà, thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội). Đã từ lâu, nơi đây được biết đến là một trong những địa danh lịch sử, văn hóa - di tích đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống đến khi qua đời. Bởi thế, không sai khi nói Khu K9 chính là nơi tiếp nối mạch nguồn lịch sử - văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh.
65 năm đã đi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đá Chông, Khu K9 vẫn vẹn nguyên những vẻ đẹp mang dấu ấn của Người. Không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu K9 còn chứa đựng đầy ắp những giá trị văn hóa ngời sáng, thể hiện rõ nét tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Tại đây, đã đón tiếp số lượng lớn đồng bào trong nước đến tham quan, học tập; tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật, trồng cây lưu niệm. Những hoạt động đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ, khâm phục của Nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Vùng đất Đá Chông vốn là một vùng đất gắn với những huyền tích lịch sử - văn hóa rực rỡ của đất nước ta từ ngàn đời xưa,trở thành điểm bắt nguồn và tiếp nối mạch nguồn lịch sử - văn hóa của dân tộc. Đây đích thực là vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa, tiếp giao với những vùng văn hóa quan trọng như phía Bắc là đất tổ Vua Hùng, phía sau là Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Sự hiện hữu của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông vì thế cũng đầy ắp những dấu ấn văn hóa.
Từ ngàn đời xưa, vùng đất Đá Chông đã gắn liền với những huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh của thời đại Hùng Vương. Cho đến nay hàng trăm di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử - văn hóa đã được phát lộ như Núi Tản sông Đà, Ao Vua, Ấp Chông, Đồng Mô, Trống Đồng v.v… càng khẳng định những giá trị văn hóa - lịch sử nổi bật của vùng đất này. Không chỉ có những giá trị nổi bật của một vùng văn hóa cổ, Khu K9 còn chứa đựng những dấu ấn của một con người có đạo đức, phong cách sống cao đẹp, giản dị. Đây cũng chính là linh hồn, là những giá trị văn hóa chủ đạo của Khu K9. Biểu hiện cụ thể chính là ngôi nhà hai tầng mái ngói đỏ có hàng cột tròn chạy xung quanh tại Khu Di tích K9 trông gần giống như ngôi “Nhà sàn” trong Phủ Chủ tịch.
Ngôi “Nhà sàn” tại Khu K9.
Ngôi nhà có diện tích 275 m2, gồm 2 tầng. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ: Sau khi Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần hoàn thành việc thiết kế, Bác đã tham gia ý kiến chỉnh sửa thiết kế ngôi nhà cụ thể, tỉ mỉ: Tầng 1 không làm cửa đóng, then cài mà thiết kế cánh cửa đẩy ra, vào cơ động trên ray, tạo thông thoáng, bệ cửa dùng làm ghế ngồi khi số lượng người dự họp đông, hoặc lúc nghỉ giải lao; cầu thang, hành lang phải rộng; cửa sổ không chắn song để nhìn ra bức tranh thiên nhiên xung quanh; có hầm tránh máy bay… Ngôi nhà được khởi công vào tháng 9/1959 và khánh thành vào ngày 15/3/1960. Ngày 05/8/2010 nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Doanh trại Quân đội, Cục Doanh trại đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức gắn tấm biển “Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969”.
Nhớ lại năm xưa, khi Bác nhằm hướng, duyệt thiết kế và cho xây dựng ngôi nhà 2 tầng ở Đá Chông là Bác quyết định xây nhà cho Trung ương hội họp và nghỉ ngơi. Sau này, ngôi nhà đó được gọi một cách thân thuộc là nhà của Bác cũng được hiểu đó là nhà dành cho Trung ương Đảng. Đến với Khu K9, tham quan từng căn phòng, chúng ta càng hiểu rõ hơnvề sự giản dị trong cuộc sống của vị lãnh tụ vĩ đại. Cả cuộc đời Bác đã sống như bao người bình thường khác, giản dị, mộc mạc, hết lòng chăm lo cho các đồng chí, đồng bào.
Nếu một lần đến với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông hẳn nhiều khách tham quan sẽ ấn tượng với cảnh quan môi trường ở nơi đây. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện sự ứng xử với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên của Người. Trong quá trình xây dựng ngôi nhà, làm đường sá Người đã yêu cầu giữ lại tất cả các cây trồng lấy gỗ. Bởi thế, những ngôi nhà, đường sá trong khu di tích hiện nay vẫn luôn đan xen những khoảng không xanh mát, rợp bóng cây. Nhớ khi xưa tại đây, Bác còn tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng các loại cây nhãn, quế, vải, bưởi, v.v… hay trồng các loại rau xanh, trồng hoa. Tất cả đã tạo lên một không gian sống và làm việc của Người tràn ngập vẻ đẹp của thiên nhiên tươi xanh, và vẻ đẹp ấy vẫn vẹn nguyên cho đến tận ngày hôm nay.
“Con người sống hòa hợp với thiên nhiên” cũng là một trong những giá trị văn hóa hiện lên rõ rệt tại Khu K9. Ngày ấy, Bác Hồ đến khu vực Đá Chông với ý nguyện tạo ra một nơi sống và làm việc cho mọi người với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hòa và hữu ích. Mỗi khoảng không gian quanh ngôi nhà 2 tầng mang dáng dấp nhà sàn tại Đá Chông đều đầy ắp vẻ đẹp của thiên nhiên chan hòa và gần gũi.
Con đường sỏi đi từ “Nhà sàn” xuống bờ sông.
Qua sân nhà là con đường đi xuống bờ sông, từng bậc thang thay vì lát gạch, được trải đầy sỏi cuội. Con đường này được làm cùng với ngôi nhà 2 tầng, khi thi công anh em đề nghị lát gạch hoặc láng bê tông cho phẳng, cho sạch, tạo thuận lợi mỗi khi đi lên xuống. Nhưng Bác yêu cầu đổ sỏi cuội cho mát.Con đường trải đầy sỏi cuội này cũng thấm đẫm tinh thần của Bác trong việc rèn luyện ý chí, sức bền. Cụ thể, đi bộ trên con đường, bàn chân sẽ tiếp xúc với sỏi cuội cho “chân cứng đá mềm”.Có lẽ vì vậy mà khi ấy các anh em thi công đã đặt tên cho con đường là: “Đường rèn luyện sức khỏe”.
Nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1969 -1975.
Với ý nghĩa đặc biệt của Khu K9,hiện nay, để phục vụ công tác bảo quản, tôn tạo Khu Di tích K9, nhiều tập thể, cá nhân đã tham gia đóng góp ý kiến, trao tặng hiện vật, cây trồng và phối hợp cùng với đơn vị hàng năm tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác" tạo cảnh quan, môi trường Khu Di tích K9 ngày càng xanh - sạch - đẹp, thực hiện theo đúng mong muốn bảo môi trường sinh thái của Khu K9 như lúc sinh thời Bác đã dặn dò.
Trải qua 65 năm, Khu K9 vẫn còn đó vẻ đẹp ngời sáng của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đó cũng là những giá trị văn hóa nổi bật hiển hiện qua năm tháng như một minh chứng cho sự trường tồn của cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Để Khu K9 ngày càng phát huy hiệu quả ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phục vụ Nhân dân, khách quốc tế đến tham quan Khu K9. Qua đó, làm sâu sắc hơn, tỏa sáng giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần để giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm nhuần thành đạo đức, văn hóa, lẽ sống, là hành động tự giác, hằng ngày của mỗi người dân Việt Nam./.
Phương Ngân