Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định cụ thể tại Nghị định số 18/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ. Hơn 45 năm qua, mô hình quản lý “Quân dân kết hợp” đã phát huy hiệu quả cao trong hoạt động của Ban Quản lý Lăng, đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận: “Mô hình quản lý “Quân dân kết hợp” trong hoạt động của Ban Quản lý Lăng đạt hiệu quả cao, có thể nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng, áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác” (Thông báo số 218/TB-VPCP ngày 23/8/2021 của Văn phòng Chính phủ).

Sự ra đời mô hình tổ chức đặc biệt

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta. Sau lễ truy điệu Bác, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Phụ trách “Quy hoạch A”với nhiệm vụ giúp Bộ Chính trị nghiên cứu quy hoạch chung về việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng mộ của Người.

bv hieu qua mo hinh 1
Quang cảnh Lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, ngày 03/11/1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch do đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng (sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) làm Trưởng ban. Song song với việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch, cùng ngày, Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định thành lập Ban Chỉ huy công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, đón đồng bào cả nước và khách quốc tế đến viếng Bác. Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, theo đề nghị của Ban Phụ trách xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch, các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ tại Lăng và Quảng trường Ba Đình đã lần lượt được cấp có thẩm quyền thành lập, gồm 03 đơn vị nòng cốt, đó là:

Ngày 28-3-1975, Tiểu đoàn 75 trực thuộc Cục Cảnh sát Bảo vệ được thành lập, với nhiệm vụ là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn đồng bào và khách nước ngoài vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến tháng 7/1975, Tiểu đoàn 75 được đổi tên thành Đoàn 375 trực thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ.

Ngày 15-10-1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 323/TTg về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình. Theo đó, trên cơ sở ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16-12-1975 Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC thành lập tổ chức lấy tên Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình thuộc Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội.

Ngày 28/12/1975, Thường vụ Quân uỷ Trung ương ban hành Quyết định số 279/VP-QU thông qua việc thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh 969. Ngày 14/5/1976, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 109/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Từ các quyết định thành lập tổ chức chuyên trách nói trên, mô hình “Quân dân kết hợp” làm nhiệm vụ tại Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình đã bắt đầu manh nha hình thành. Ngày 11 tháng 7 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 14/TB-TW về việc tổ chức bảo đảm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch, quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình, theo đó Hội đồng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 145/CP ngày 14 tháng 8 năm 1976 thành lập “Ban Phụ trách quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình”. Ngay trong quyết định đầu tiên này đã đặt Ban vào vị trí Ban thuộc Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 10 năm 1976, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định bổ nhiệm cán bộ, Ban Phụ trách quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình gồm 3 đồng chí: Thiếu tướng Trần Kinh Chi, Trưởng ban; đồng chí Lê Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Đại tá Nguyễn Việt Dũng, Cục phó Cục Cảnh sát bảo vệ, Bộ Công an làm Phó Trưởng ban. Cũng trong tháng 10, Quân ủy Trung ương có quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Trần Kinh Chi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như vậy, ngay từ tên gọi và cơ cấu lãnh đạo đã thể hiện rõ mô hình quản lý “Quân dân kết hợp” trong hoạt động của Ban Phụ trách quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình.

Để tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Phụ trách quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 374/CT ngày 07 tháng 12 năm 1985 về việc đổi tên Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình thành “Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Mặt khác, để bảo đảm cho thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 276/HĐBT ngày 07 tháng 12 năm 1985 về nhiệm vụ của các ngành trong việc bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình (thay thế Quyết định số 145/CP ngày 14 tháng 8 năm 1976 của Hội đồng Chính phủ).

Đến năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 930/TTg ngày 14 tháng 12 năm 1996 giao cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Năm 2000 Thủ tướng Chính phủ còn ban hành Quyết định số 28/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2000 thành lập Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình. Theo đó, đồng chí Trưởng ban Ban Quản lý Lăng được phân công làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

Từ năm 2003, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ban Quản lý Lăng đã có bước phát triển và ngày càng hoàn thiện theo quy định tại Nghị định 128/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ, theo đó tiếp tục xác định vị trí của Ban Quản lý Lăng là cơ quan thuộc Chính phủ; đồng thời, Ban Quản lý Lăng được thành lập thêm Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường là đơn vị trực thuộc. Đến năm 2008, theo Nghị định 37/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2008, Ban Quản lý Lăng được thành lập thêm các tổ chức tham mưu, giúp việc tại Văn phòng Ban Quản lý Lăng. Qua các nhiệm kỳ của Chính phủ, mô hình quản lý trong hoạt động của Ban Quản lý Lăng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, thống nhất, toàn diện và hiệu quả hơn.

Bên cạnh tổ chức hành chính mang tính đặc thù nói trên, mô hình tổ chức đảng ở Ban Quản lý Lăng cũng rất đặc thù. Do Ban Quản lý Lăng không có tổ chức Đảng riêng biệt cùng cấp, cho nên Đảng ủy Đoàn 969 thuộc Đảng bộ Quân đội lãnh đạo toàn diện đối với các hoạt động ở Lăng Bác, với các đảng bộ dân sự trực thuộc Ban Quản lý Lăng và các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Đoàn 969.

Những năm qua, cùng với đổi mới nền kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung đổi mới hoạt động của Chính phủ, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính. Trải qua các nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có bổ sung, điều chỉnh, phù hợp với sự phát triển chung. Tuy nhiên, những nội dung cơ bản như vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức tiếp tục được kế thừa, phát triển. Điều đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với mô hình tổ chức đặc biệt làm nhiệm vụ đặc biệt này.

Vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, chiến sĩ các đơn vị trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua bao thử thách, lập lên những chiến công thầm lặng, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo đảm an ninh Công trình Lăng; quản lý, vận hành khai thác thiết bị kỹ thuật, kiến trúc Công trình Lăng; đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác; giữ gìn, tôn tạo Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trở thành điểm sáng văn hóa, không gian xanh, sạch, sạch, đẹp, hấp hẫn, là trung tâm văn hóa của cả nước, góp phần to lớn phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

bv hieu qua mo hinh 2
Đồng bào cả nước hàng ngày xếp hàng vào Lăng viếng Bác.

Hiệu quả từ mô hình quản lý “Quân dân kết hợp”

Quán triệt và chấp hành nghiêm các quyết định, chỉ thị của trên, những năm qua Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 và Ban Quản lý Lăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động ở Lăng. Một mặt, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng xác định nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động của đơn vị. Mặt khác, hết sức coi trọng công tác tổ chức đón tiếp quần chúng về Lăng viếng Bác, sinh hoạt chính trị, tuyên truyền văn hóa; coi đây là khâu công tác cuối cùng biểu hiện hiệu quả của mọi hoạt động ở Lăng. Bên cạnh đó, đã sớm đề ra được những chủ trương lãnh đạo và những biện pháp chỉ đạo cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng Đảng, củng cố kiện toàn tổ chức biên chế đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của các đơn vị trong Ban Quản lý Lăng.

Có thể khẳng định, suốt gần nửa thế kỷ đã trôi qua, xuất phát từ yêu cầu của lịch sử và thực tế công việc của từng lực lượng làm nhiệm vụ ở Lăng Bác, mô hình quản lý “Quân dân kết hợp” trong hoạt động của Ban Quản lý Lăng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp tính chất, yêu cầu nhiệm vụ và hoạt động hiệu quả cao, đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận: “Mô hình quản lý “Quân dân kết hợp” trong hoạt động của Ban Quản lý Lăng đạt hiệu quả cao, có thể nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng, áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác” (Thông báo số 218/TB-VPCP ngày 23/8/2021 của Văn phòng Chính phủ).

Tính hiệu quả đó, được thể hiện qua những nét chính như sau:

Một là, là một cơ quan thuộc Chính phủ, có vị trí độc lập tương đối trong bộ máy hành chính nhà nước nên trong quản lý, điều hành các hoạt động và chế độ, trách nhiệm pháp lý đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật như các cơ quan, tổ chức khác trong bộ máy hành chính nhà nước. Mọi chủ trương, biện pháp trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Ban Quản lý Lăng đối với các đơn vị làm nhiệm vụ tại Lăng Bác đều bảo đảm tính tập trung thống nhất, thông suốt và hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hai là, với mô hình quản lý “quân dân kết hợp” trong hoạt động của Ban Quản lý Lăng, đã giúp cho nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng tiếp tục được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực hiệp đồng, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ, phát huy được vai trò chủ công, nòng cốt, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết gắn bó chặt chẽ hơn trong công tác phối hợp hiệp đồng. Đặc biệt, đối với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng (QĐND) và Trung đoàn 375 (CAND), là lực lượng vũ trang cách mạng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội và Công an là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của chuyên chính vô sản. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”, QĐND và CAND luôn chung sức, đồng lòng, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Điều đó đã trở thành truyền thống vẻ vang, bài học kinh nghiệm quý báu, là sức mạnh, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, sự quản lý, điều hành thống nhất của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng trong Ban đã sát cánh bên nhau thực hiện mục tiêu xuyên suốt “Giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người để các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế đến viếng Người, để tỏ lòng biết ơn và quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn”. Đồng thời, để có được không gian xanh, sạch đẹp xung quanh Lăng, Quảng trường Ba Đình, phù hợp với cảnh quan kiến trúc và làm tôn thêm vẻ đẹp của Lăng Bác, xứng đáng với vị trí Trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và của cả nước, sau khi tiếp nhận Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị từng bước kiện toàn, ổn định tổ chức và có những chủ trương, biện pháp phù hợp trong công tác duy trì, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ theo hướng hoàn thiện kiến trúc sân vườn, bảo đảm chất lượng, tầm nhìn, đồng bộ với kiến trúc công trình Lăng. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, đảm bảo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Ban là cơ sở, tiền đề để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, chính quy mẫu mực.

Ba là, kết hợp quân dân đã huy động được sự tham gia, có trách nhiệm của các Bộ, ngành và các cơ quan đơn vị có liên quan, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chính sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quân đội là một trong những nhân tố có ý nghĩa quan trọng, quyết định, cùng với sự hợp tác, giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước là động lực to lớn góp phần để đơn vị nỗ lực, cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Bên cạnh đó, ý thức sâu sắc được tính chất nhiệm vụ có liên quan đến nhiều cơ quan, Ban Quản lý Lăng đã chủ động lập kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị công an, trật tự, giao thông của Ba Đình và Hà Nội, với Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong những ngày lễ, ngày tết, ngày nghỉ cuối tuần và nhất là dịp 19/5 và 2/9 nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và các hoạt động sinh hoạt chính trị diễn ra trong khu vực Quảng trường Ba Đình.

Bốn là, trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn, Ban Quản lý Lăng đã duy trì, thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác đối ngoại truyền thống với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva, Liên bang Nga, nhất là khi Liên Xô tan rã (8/1991), Ban Quản lý Lăng đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thực hiện chuyển đổi cơ chế sang hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (nay là Viện Nghiên cứu dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga). Cũng từ đây, mở ra cho một thời kỳ mới - Thời kỳ vượt qua biết bao khó khăn thử thách và tiếp tục phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, từng bước tiến tới làm chủ khoa học công nghệ phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học vào thực hiện nhiệm vụ, nhằm giải quyết tốt những vấn đề cơ bản, phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ y tế, kỹ thuật có kiến thức hiểu biết toàn diện, trình độ nghiệp vụ chuyên môn sâu, năng lực thực hành vững vàng, đủ sức kế thừa, tiếp nhận và làm chủ vững chắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Năm là, mô hình “Quân dân kết hợp” đã bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao. Trong tổng thể các nhiệm vụ của Nhà nước ta, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị văn hoá của Công trình Lăng được xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, mang tính chất cơ bản, chiến lược, lâu dài, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để nhiệm vụ này được triển khai có hiệu quả trên thực tế, Nhà nước phải tổ chức huy động, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính vào việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, thi hài Bác được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực Trung tâm chính Ba Đình, Lăng của Người giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử được duy tu, tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, đón tiếp tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm sâu nặng, đời đời biết ơn công lao trời, biển của Người đối với dân, với nước.

Sáu là, mô hình “Quân dân kết hợp”, vừa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với quân và dân, góp phần thực hiện công tác dân vận, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, tăng tình đoàn kết quân dân, thực hiện quân với dân một ý chí, được thể hiện qua công tác đón tiếp tuyên truyền, phục vụ tận tình, chu đáo đồng bào đến viếng Bác để lại những ấn tượng và tình cảm hết sức tốt đẹp, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, có tác dụng giáo dục, cổ vũ, động viên mọi người trung thành, hăng hái đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, các lực lượng trong Ban luôn được đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương chăm lo, giúp đỡ bảo vệ, phối hợp xây dựng đơn vị an toàn, khu vực Lăng an toàn, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cùng với quyết tâm chính trị, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng, chắc chắn mô hình quản lý “Quân dân kết hợp” trong hoạt động của Ban Quản lý Lăng thời gian tới sẽ ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn nữa, để xứng đáng với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho./. 

Nguyễn Minh Đức

Bài viết khác: