Trường Sa! Hai tiếng thiêng liêng, sâu nặng trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam. Những hình ảnh quân – dân trên quần đảo kiên trung, bất khuất nơi “đầu sóng, ngọn gió” âm thầm, lặng lẽ đắp xây hạnh phúc và bảo vệ vững chắc “cột mốc chủ quyền”, “nơi tuyến đầu” của Tổ quốc là bằng chứng hùng hồn khẳng định sức sống mãnh liệt của những người con đất Việt, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sức sống Trường Sa nơi mỗi hòn đảo, hạt cát, cây xanh, rặng san hô đều mang nặng hồn thiêng sông núi, dường như mỗi một vật dù nhỏ bé ở nơi đây cũng mang nặng dáng hình Tổ quốc. Đúng là có đi hết Trường Sa, người ta mới thấm, mới ngấm và thêm yêuTổ quốc mình. Đó chính là những cảm xúc chung của chúng tôi, những cán bộ, chiến sỹ công tác tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi được nghe Thiếu tướng Đặng Nam Điền, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ Tư lệnh nói chuyện sau chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa đầu tháng 4 vừa qua.

cam-xuc-truong-sa-aThiếu tướng Đặng Nam Điền tại Đền thờ Bác Hồ trên đảo Trường Sa Lớn

Trường Sa – địa danh với tôi tưởng như nghe quen lắm, nhưng thực sự, nó vẫn là một bài toán bí ẩn bởi chưa một lần tôi được đặt chân tới. Tôi chỉ biết đến Trường Sa thông qua những hình ảnh, những thước phim tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đó là những đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn.... nằm giữa biển khơi mênh mông; xa, rất xa đất liền, xung quanh chỉ có nước, mây và trời... Thật may mắn cho tôi khi được “đến với Trường Sa” qua lời kể và bằng những hình ảnh chân thực mà đoàn công tác ghi lại được trong chuyến đi. Hình ảnh quần đảo Trường Sa thân yêu, nơi đó có những cán bộ, chiến sỹ, nhân dân sinh sống trên các hòn đảo cứ dần hiện ra qua từng lời kể của đồng chí Chính uỷ. Giữa muôn trùng sóng vỗ, thiếu thốn trăm bề, vậy mà, có những cán bộ, chiến sỹ, những chàng trai mười tám, đôi mươi đã vượt qua sóng cả, bão tố, đang ngày đêm chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếng nhạc của bài hát “Nơi đảo xa” của Nhạc sỹ Thế Song làm nhạc nền cho bộ phim tư liệu cứ ngân mãi không thôi. Các chiến sỹ Trường Sa vẫn đứng hiên ngang giữa “sóng cồn, bão dật” để canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi càng hiểu thêm, những người chiến sỹ Trường Sa có được ý chí phi thường như vậy, bởi họ hiểu rõ về chủ quyền biển đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.  

Đã không ít lần, tôi đã từng nghe và cũng đã từng cầm micro hát bài “Khúc Quân ca Trường Sa: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Đảo này là của ta, biển này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sỹ Trường Sa, viết tiếp bài ca, về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta...” nhưng chưa bao giờ có cảm xúc dâng trào như khi nghe trong buổi nói chuyện này. Qua những thước phim ghi được, chúng tôi biết rằng, tuy là thời bình, nhưng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo vẫn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Một năm chỉ có vài tháng biển lặng, và những cuộc đi thăm như thế này chỉ diễn ra trong chốc lát, còn các chiến sỹ vẫn ngày ngày miệt mài, căng sức mình bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh gặp mặt, giao lưu giữa cán bộ trong đoàn công tác và cán bộ, chiến sỹ trên đảo như không còn khoảng cách. Phút giây ngượng ngập, bẽn lẽn nhanh chóng qua đi và nhường lại là hình ảnh các chiến sỹ say sưa hát tặng rất nhiều bài quen thuộc và cả những bài ca tự sáng tác.

cam-xuc-truong-sa-c
          Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các đại biểu tham quan tại Đền thờ Bác Hồ ở đảo Trường Sa Lớn

Cuộc sống của các chiến sỹ và nhân dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa cũng thật gần gũi, thân thương qua từng hình ảnh mà đoàn công tác đã ghi lại. Như ở đất liền, nơi đầu sóng ngọn gió ấy đều có những công trình gợi nhớ tới hình ảnh của làng quê Việt: Đó là những tượng đài uy nghi và những mái chùa cổ kính thâm nghiêm. Nơi ấy, ngày đêm luôn vang vọng tiếng chuông chùa, vang vọng lời nguyện cầu cho hòa bình, cho quốc thái dân an. Đó cũng là nơi đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng tâm linh rất Việt Nam của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân sinh sống trên quần đảo và hàng ngàn lượt công dân Việt Nam khi ra thăm huyện đảo Trường Sa, bởi Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng và không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, thế nên dù ở bất cứ nơi đâu, nơi biên cương núi cao hay hải đảo xa xôi thì sự nghiệp “trồng người” luôn được các cấp chính quyền chăm lo. Qua lời kể của đồng chí Chính uỷ, tôi được biết ở đảo Trường Sa Lớn có một trường học đặc biệt, bởi trường học chỉ có vài học sinh song lại ở nhiều lớp khác nhau nhưng cùng chung một phòng học và 1 cô giáo dạy tất cả các chương trình học; trong giờ học, tiếng giảng bài và tiếng học bài của cô và trò hòa cùng tiếng sóng biển. Thật là một điều kỳ lạ và cũng vô cùng thân thương bởi ở quần đảo Trường Sa này, để có được lớp học bên bờ sóng, cô giáo trẻ phải chấp nhận hi sinh nhiều lợi ích cá nhân, phải có một tâm thế vững vàng đứng trên bục giảng với tất cả tấm lòng, nhiệt huyết của tuổi trẻ thì mới làm được điều kỳ diệu là đem ánh sáng văn hóa cho trẻ thơ trên đảo.

Ngày qua ngày, lớp học ở đảo Trường Sa vẫn vang lên tiếng ê a đánh vần. Những gương mặt trẻ thơ, hồn nhiên đến lớp trong tình yêu thương của cô giáo trẻ. Từ Trường Sa đầy nắng và gió, từ mảnh đất khô cằn, khắc nghiệt, những đứa trẻ đáng yêu kia sẽ là những mầm xanh tiếp tục đâm chồi, nảy lộc, vươn cao khẳng định sức sống nơi đảo xa…

Được chứng kiến giờ phút chia tay của đoàn công tác với cán bộ, chiến sỹ trên các đảo, những cánh tay giơ lên, những giọt nước mắt lăn dài trên má đã thực sự làm tôi xúc động. Trường Sa xa dần trong sóng nước mênh mông, khuất dần sau những con sóng bạc đầu. Những cây bàng vuông, những cánh hoa san hô, quà tặng của các chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền. Những người ở lại giữ đảo mang trong tim hình ảnh của Tổ quốc, của sự quan tâm sẻ chia của đất liền. Còn người về, trên ngực áp lấp lánh những chiếc Huy hiệu Trường Sa, lòng cảm phục những người đang ngày đêm chắc tay súng nơi đảo xa để giữ bình yên cho đất liền và một tình yêu vô bờ dành cho quần đảo này.

Trường Sa, hai tiếng thiêng liêng và rất đỗi tự hào của bất cứ người dân đất Việt nào khi đặt chân đến đây. Ai đã từng đến Trường Sa dù một lần cũng có thể đong đầy cảm xúc, và những câu chuyện về Trường Sa sẽ mãi mãi là những kỉ niệm đẹp, đáng nhớ. Những câu chuyện, những kỷ niệm sẽ không thể tải hết điều cần nói về Trường Sa, nhưng cũng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền. Mỗi khi nhắc đến quần đảo Trường Sa, mọi người sẽ tự nhủ với chính mình: “Không xa đâu Trường Sa ơi!”, câu hát nằm lòng ít nhất với ai đã từng một lần đặt chân đến Trường Sa. Với tôi, tôi học được ở các chiến sỹ nơi muôn trùng sóng gió, khó khăn, gian khổ lòng yêu đời và   tinh thần cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Tôi nhận được nhiều giá trị đáng quý trong buổi nói chuyện này từ các chiến sỹ Trường Sa và biết mình cần phải sống và nên sống như thế nào cho ý nghĩa; tôi biết, đây không phải là suy nghĩ của riêng mình.

Trần Duy Hưng

Bài viết khác: