Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay (05/6/2013) là “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” (Think.Eat.Save). Đồng thời, chủ đề này cũng là một chiến dịch toàn cầu chống lãng phí thực phẩm (Reduce foodprint).

 moi-truong-a

 

Logo Ngày Môi trường thế giới năm 2013

Theo tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỷ tấn lương thực. Sự lãng phí này tương đương với toàn bộ lượng lương thực được sản xuất ở khu vực cận Sahara - Châu Phi. Cũng theo FAO, trên toàn cầu cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày.

Từ sự mất cân bằng quá lớn trong lối sống và những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó tới môi trường, chủ đề năm nay “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” khuyến khích chúng ta trở nên ý thức hơn về các tác động tới môi trường từ việc lựa chọn thực phẩm, từ đó giúp ta đưa ra được những quyết định sáng suốt.

Trong khi cả hành tinh đang phải đấu tranh để có thể cung cấp đủ lương thực cho 7 tỷ người (dự kiến sẽ tăng đến 9 tỷ người vào năm 2050), FAO ước tính rằng, một phần ba sản lượng lương thực trên toàn cầu đang bị lãng phí hoặc thất thoát. Lãng phí lương thực cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Chủ đề năm nay nhắc nhở mọi người hãy hành động từ chính gia đình mình và sau đó bạn sẽ nhận thấy sức mạnh của tập thể; bạn và mọi người cần phải giảm lãng phí lương thực, tiết kiệm tài chính, giảm tối đa các tác động đến môi trường từ việc sản xuất lương thực và từ đó thúc đẩy quy trình sản xuất trở nên hiệu quả hơn.

Lãng phí thực phẩm có nghĩa là tất cả các nguồn tài nguyên và các yếu tố đầu vào được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng bị tiêu hao. Ví dụ, tốn khoảng 1.000 lít nước để sản xuất 1 lít sữa và khoảng 16.000 lít nước để có thể làm một chiếc bánh hamburger. Các khí nhà kính tạo từ hoạt động chăn nuôi bò và trong suốt quy trình cung ứng thực phẩm là không đáng kể gì khi chúng ta phung phí thực phẩm.

Trên thực tế việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất lưu trú, tiêu tốn khoảng 70% lượng nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đó là nguyên nhân lớn nhất của sự mất đa dạng sinh học và thay đổi loại hình sử dụng đất.

Như vậy, để có thể đưa ra một quyết định sáng suốt, bạn nên chọn các loại thực phẩm ít ảnh hưởng đến môi trường hơn, ví dụ như các loại thực phẩm hữu cơ không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Chọn mua những sản phẩm ngay tại địa phương cũng có nghĩa là thực phẩm không phải bay nửa vòng trái đất và khi đó có thể hạn chế khí thải.

Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ trước khi ăn để bảo vệ môi trường!

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2013. Trong đó, nhấn mạnh việc truyền thông hướng dẫn về chủ đề tiết kiệm, tránh lãng phí thực phẩm tới cán bộ công nhân viên và cộng đồng dân cư, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại và khu du lịch; từ đó hình thành ý thức tiêu dùng thân thiện với môi trường cho mỗi người; Tổ chức mít tinh và các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2013 như: Tổ chức ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư; khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước; diễu hành, cổ động về bảo vệ môi trường và các hoạt động thiết thực khác phù hợp với đặc điểm từ ngành, từng địa phương.

 moi-truong-b

Một số khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới năm 2013

Các hoạt động quốc tế kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2013 sẽ được tổ chức tại Mông Cổ, một quốc gia đang tiến hành chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức các hoạt động quốc gia kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới từ ngày 04 đến ngày 05/6/2013 tại thành phố Huế.

Nguyễn Mạnh Tuyến

 

 

Bài viết khác: