Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỳ đài lịch sử của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu; là công trình của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay.
Sau dịp kỷ niệm lần thứ 77, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm nhận sức khoẻ của Bác có dấu hiệu giảm sút, ngày 15/7/1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp bất thường, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì, bàn vấn đề cực kỳ quan trọng và tuyệt đối bí mật là bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị giữ gìn lâu dài thi hài Bác sau khi Người qua đời, để sau này đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là đồng bào miền Nam được đến viếng và nhìn thấy Bác. Nhiệm vụ đặc biệt này, Bộ Chính trị xác định nhờ Liên Xô giúp đỡ, bởi Liên Xô cùng là nước XHCN, người bạn chí tình, chí nghĩa của nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời Liên Xô cũng có kinh nghiệm trong việc giữ gìn thi hài Lênin. Trong cuộc họp đó, Quân uỷ Trung ương được giao nhiệm vụ lưu giữ thi hài sau khi Người “nằm xuống” và Bộ Kiến trúc được giao vai trò chủ yếu xây dựng Lăng Bác, tương xứng với công lao trời biển của Người.
Sau cuộc họp tối quan trọng ấy ít ngày, đồng chí Lê Thanh Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã sang Liên Xô, đề nghị Bạn giúp đỡ ta đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, trực tiếp giữ gìn lâu dài thi hài Bác khi Người đi xa và xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bạn đã nhận lời và nhiệt tình giúp đỡ. Từ tháng 9/1967 đến tháng 4/1968, Bạn đã đón nhận các đồng chí Nguyễn Gia Quyền, Lê Ngọc Mẫn và Lê Điều của ta sang học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Đây là ba bác sĩ nước ngoài đầu tiên được Liên Xô đào tạo về chuyên ngành đặc biệt này. Kết thúc khóa học, Bạn còn cung cấp cho ta ba bộ dụng cụ y tế chuyên dụng để phục vụ công tác giữ gìn thi hài. Tình cảm của Bạn được đồng chí Nguyễn Thọ Trân, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tại Liên Xô giai đoạn 1967-1971 kể lại: “Vào năm 1968, nhận được mật lệnh của Bộ Chính trị giao cho tôi thương lượng với Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, là phía Việt Nam mong muốn khi Bác lâm trung thì bảo quản lâu dài thi hài của Bác. Là vì Việt Nam còn đương chống Mỹ, tình cảm của Bác đối với miền Nam rất mật thiết và miền Nam rất mong nhớ được gặp Bác. Khi tôi trao đổi, các đồng chí Liên Xô rất nhiệt tình, bởi Bạn biết Bác Hồ là bạn thân của Liên Xô, và là một chiến sĩ cộng sản trong sáng như pha lê”.
Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, khi ta thông báo tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu trầm trọng, Bạn đã cử đoàn chuyên gia y tế gồm 5 người, do Viện sĩ X.X. Đê-bốp làm Trưởng đoàn sang ngay Hà Nội để kiểm tra công tác chuẩn bị và sẵn sàng triển khai nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.
Chỉ sau khi Bác mất hơn 3 tiếng đồng hồ, tại Công trình 75A, thuộc Viện Quân y 108, các chuyên gia y tế Liên Xô cùng với các bác sỹ Việt Nam đã khẩn trương tiến hành công tác giữ gìn thi hài Bác giai đoạn đầu để phục vụ lễ viếng và lễ tang Bác. Suốt trong những ngày lễ viếng và lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chuyên gia y tế Liên Xô và các bác sỹ Việt Nam luôn túc trực ở Hội trường Ba Đình để bảo đảm tốt nhất các thông số môi trường phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác sau này.
Bày tỏ lòng kính trọng và yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, xét thấy Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới, nóng ẩm, việc giữ gìn thi hài sẽ cực kỳ khó khăn, đất nước lại đang chiến tranh ác liệt, nên Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô đề nghị sau lễ truy điệu cần đưa thi hài Bác sang Liên Xô để giữ gìn. Chỉ có ở Matxcơva mới có đủ điều kiện về môi trường, trang thiết bị và Bạn hứa sẽ hết lòng chăm sóc Bác Hồ như chăm sóc Lênin cho tới khi nào có điều kiện sẽ rước Bác trở về Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta xét thấy ý kiến của bạn đúng đắn, chân thành, nhưng không phù hợp với đạo lý, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Nên đồng chí Lê Duẩn đã trực tiếp trao đổi với đồng chí A.N.Kô-xư-ghin, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang dự Lễ viếng, Lễ truy điệu Bác, đề nghị Bạn giúp ta giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại Việt Nam, ở chính quê hương của Người. Thay mặt Đảng, Nhà nước Liên Xô, đồng chí A.N.Kô-xư-ghin đã xúc động trước nguyện vọng thiết tha của chúng ta và cam kết sẽ hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và xây dựng Lăng của Người.
Ngay sau Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí A.N.Kô-xư-ghin yêu cầu đồng chí X.X. Đê-bốp cùng theo chuyên cơ bay về Matxcơva khẩn trương vận chuyển sang Việt Nam các trang thiết bị, hóa chất thiết yếu để phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.
Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác để phục vụ mọi người tới viếng bao gồm nhiều chuyên ngành khoa học, trong đó có việc chỉnh hình, bảo tồn nguyên vẹn những nét đặc trưng lúc sinh thời của Bác, để mọi người đến chiêm ngưỡng đều có thể nhận rõ những nét thân quen của Người. Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô đã yêu cầu mời một số đồng chí nhiều năm sống và làm việc gần Bác tới xin ý kiến. Bằng cách làm khoa học tỷ mỷ, thận trọng và tinh thần trách nhiệm cao, những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc vẫn giữ được như khi Người còn sống.
Trong điều kiện đất nước có chiến tranh ác liệt, đề phòng đế quốc Mỹ ném bom trở lại đối với miền Bắc và thiên tai, lũ lụt đe doạ, Trung ương Đảng quyết định nhiều lần di chuyển thi hài bác từ Công trình 75A lên K84 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) và khu căn cứ. Trong tất cả các lần di chuyển xa, các chuyên gia y tế Liên Xô đều cùng ta thảo luận, bàn bạc phương án bảo đảm an toàn nhất. Đặc biệt trong lần di chuyển đầu tiên, gần suốt đêm ngày 23/12/1969, đồng chí I-go Nhi-cô lai-ê-vích Mi-khai-lốp và Bác sỹ Nguyễn Gia Quyền đã túc trực trên xe Zin 157, nơi đặt hòm giữ thi hài Bác và xung quanh chất đầy những cây đá lạnh, để kiểm tra, theo dõi, điều chỉnh độ rung xóc và nhiệt độ khu vực hòm giữ thi hài Bác. Trong suốt gần 6 năm (1969-1975), thi hài Bác phải di chuyển nhiều lần, vượt sông, vượt lũ, vượt qua nhiều khó khăn, nhưng bên Bác luôn có những người con Xô-viết tâm huyết, thủy chung son sắt, đồng cam cộng khổ cùng những cán bộ, chiến sỹ Việt Nam trung hiếu, vẹn toàn.
Cùng với nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác, ta tiếp tục đề nghị Liên Xô giúp đỡ xây dựng Công trình Lăng của Người. Năm 1970, đoàn cán bộ của ta sang Liên Xô đề nghị giúp đỡ. Đồng chí Brê-giơ-nhép, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã gửi thư cho Đảng ta với những lời lẽ chí tình “… Chính phủ Liên Xô đã có chỉ thị giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong việc thực hiện những công việc cần thiết. Thực hiện sứ mạng đó, Đảng Cộng sản Liên Xô và toàn thể nhân dân Liên Xô đồng thời tỏ lòng kính trọng sâu sắc của mình đối với hương hồn đồng chí Hồ Chí Minh, người con trung thành và người lãnh đạo lớn của nhân dân Việt Nam, người Mác-xít- Lênin-nít kiên cường, người chiến sĩ theo chủ nghĩa quốc tế vô sản bất khuất và người bạn lớn của nhân dân Liên Xô…”. Ngày 9/2/1971, tại Matxcơva, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nô-vi-cốp đã ký kết Hiệp định “Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người”.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 29/11/1969 về yêu cầu xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, thể hiện tính hiện đại mà vẫn giữ nét dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị. Tháng 4/1971, ta đã quyết định chọn phương án thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp hài hòa giữa trí tuệ của các nhà kiến trúc Liên Xô, trực tiếp là thiết kế của Kiến trúc sư nổi tiếng Mét-vê-đê-ép với phương án thiết kế của ta và sự tham gia góp ý đông đảo của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Sau đó, công tác chuẩn bị rất khẩn trương, để sớm khởi công xây dựng Công trình Lăng. Sang năm 1972, ta đề nghị Bạn tạm hoãn “một thời gian” do hoàn cảnh chiến tranh. Sau Hiệp định Pa-ri được ký kết, ta lại đặt vấn đề khởi công xây dựng Công trình Lăng trong năm 1973. Tuy không có kế hoạch, nhưng Bạn đã điều chỉnh để kịp thời giúp đỡ chúng ta khởi công xây dựng Công trình Lăng đúng ngày 02/9/1973.
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh tình cảm, trí tuệ và sự đóng góp sức người, sức của to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô. Một số nguyên vật liệu chủ yếu như sắt thép, đá hoa cương ốp lát… và hầu hết các trang thiết bị, máy móc của Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình đều do Liên Xô viện trợ, giúp đỡ. Nhiều máy móc, thiết bị Bạn chỉ sản xuất đơn chiếc, hoặc không sản xuất được trong nước mà Bạn đã phải đặt mua ở các nước châu Âu. Với mong muốn gửi sang Việt Nam những trang thiết bị tốt nhất, tiên tiến, hiện đại, phục vụ Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bạn còn cử nhiều chuyên gia giỏi sang trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, lắp đặt, vận hành máy móc trong suốt quá trình xây dựng Lăng Bác. Với những cố gắng của ta và sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Bạn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hoàn thành sau gần 2 năm xây dựng (2/9/1973 – 29/8/1975). Trong buổi Lễ khánh thành, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: “… Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân ta từ thế hệ này sang thế hệ khác đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một công trình thể hiện nổi bật tình hữu nghị anh em thắm thiết của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô đã cử nhìêu chuyên gia có kinh nghiệm sang giúp chúng ta giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng”.
Ngày khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày 29/8/1975 cũng là ngày đầu tiên Lăng Bác mở cửa đón đồng bào và bầu bạn quốc tế đến viếng Người. Trước đây, thi hài Bác được giữ gìn và bảo vệ trong một không gian hẹp, có điều kiện bảo đảm môi trường trong sạch, tinh khiết. Về Lăng, thi hài Bác được giữ gìn trong một không gian rộng, mỗi ngày có tới hàng chục ngàn lượt người đến viếng; trong giờ viếng, thi hài còn được chiếu sáng, nên việc bảo đảm thông số, môi trường khó khăn hơn nhiều. Giúp đỡ ta giải quyết những khó khăn đó, hàng năm Liên Xô đều ký hiệp định viện trợ các trang thiết bị kỹ thuật, hóa chất và tiếp tục cử những chuyên gia giỏi sang phục vụ nhiệm vụ y tế và kỹ thuật tại Công trình Lăng.
Hàng ngày, các chuyên gia kỹ thuật của Bạn đến hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ, nhân viên của ta quản lý, vận hành thiết bị kỹ thuật bảo đảm thông số nhiệt, ẩm, môi trường; vào Thứ Hai, Thứ Sáu hàng tuần, các chuyên gia y tế của Bạn đều trực tiếp làm nhiệm vụ y tế chăm sóc thi hài Bác. Hàng năm, vào dịp tu bổ định kỳ, Liên Xô đều cử sang Việt Nam Đoàn chuyên gia y tế để tiến hành làm thuốc lớn thi hài Bác, đánh giá trạng thái thi hài Bác và Đoàn chuyên gia kỹ thuật giúp ta khảo sát, lắp đặt, chữa chữa, thay thế, bảo dưỡng hệ thống thiết bị kỹ thuật. Để phục vụ việc di chuyển thi hài Bác khi có tình huống, năm 1985, Bạn còn trang bị cho ta 02 chiếc xe Traika chuyên dụng và thiết bị hòm K để di chuyển.
Kết quả giúp đỡ của Bạn và sự nỗ lực phấn đấu của ta đã giữ gìn thi hài Bác luôn ở trạng thái tốt nhất. Đúng như Kết luận của Hội đồng Khoa học y tế Việt Nam - Liên Xô đánh giá thi hài Bác sau 20 năm giữ gìn (1969 - 1989): “Trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tốt. Không thấy thay đổi nào so với những số liệu của biên bản Hội đồng kiểm tra năm 1975. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thường xuyên tiến hành kiểm tra chế độ nhiệt, ẩm, bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như thường xuyên kiểm tra trạng thái vệ sinh y tế quan tài kính và các phòng làm thuốc. Các số liệu mà Hội đồng nhận được chứng tỏ chế độ nhiệt, ẩm và trạng thái vệ sinh y tế phù hợp với yêu cầu quy định”.
Có được sự giúp đỡ của Liên Xô, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang diễn ra rất thuận lợi. Nhưng sau tháng 8/1991, thể chế chính trị của Liên Xô thay đổi, nguồn viện trợ và sự giúp đỡ to lớn của Bạn cho các hoạt động của Lăng Bác không còn, nhiều vấn đề lớn được đặt ra: Không có chuyên gia Nga sang giúp đỡ và không còn nguồn viện trợ máy móc, trang thiết bị, liệu thi hài Bác còn giữ được lâu dài không ? Và hoạt động của Công trình Lăng sẽ như thế nào ? Đứng trước thời điểm rất khó khăn đó, Ban Quản lý Lăng đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những nội dung, hình thức hợp tác phù hợp: Hợp tác trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (trước đây là Viện thi hài Lênin), để mời Bạn tiếp tục cử chuyên gia y tế sang giúp đỡ ta trong việc làm thuốc giữ gìn thi hài Bác; bàn giao cho ta dung dịch đặc biệt còn lại ở trong Lăng và giúp ta mua dung dịch mới. Bởi Liên bang Nga vẫn nắm giữ toàn bộ công nghệ giữ gìn thi hài Bác và những chuyên gia y tế ở Viện Cấu trúc sinh học vẫn là những người thầy của chúng ta.
Khi đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng sang Matxcơva đặt vấn đề hợp tác trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga, lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, bởi Viện mới thành lập và luật pháp của Nga có những quy định rất chặt chẽ. Nhưng bằng phương pháp trao đổi phù hợp và nhất là khơi dậy tình cảm sâu nặng với Bác Hồ, với nhân dân Việt Nam, nên ngày 28/12/1992, lãnh đạo Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (nay là Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva) đã đồng ý ký văn bản hợp tác trực tiếp với Ban Quản lý Lăng trong thực hiện nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện văn bản hợp tác, hàng năm Bạn đều cung cấp cho ta đủ thiết bị vật tư, hoá chất y tế; phối hợp cùng ta nghiên cứu các đề tài khoa học; tiếp nhận cán bộ y tế Việt Nam sang Matxcơva đào tạo và Bạn cử chuyên gia sang Việt Nam truyền thụ kinh nghiệm cho cán bộ, nhân viên y tế của ta.
Trên cơ sở kết quả phối hợp nghiên cứu khoa học, cùng với sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và sự đầu tư trang bị của ta, ngày 04/6/2003, Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva đã ký Biên bản với Ban Quản lý Lăng về: “Bàn giao tỉ lệ dung dịch hoá chất và nhất trí phối hợp với cán bộ, bác sĩ của ta pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam vào quý I năm 2004”. Từ đó đến nay (năm 2013), Viện 69 và các chuyên gia Liên bang Nga đã 10 lần pha chế thành công dung dịch tại Việt Nam, để đưa vào làm thuốc thi hài Bác đạt kết quả tốt.
Cuối năm 2012 vừa qua, tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp giữa ta và Bạn đều thống nhất đánh giá: “Hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm bảo đúng hướng, đạt kết quả tốt, trực tiếp góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời giúp ta xây dựng Viện 69 trở thành Viện chuyên ngành, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ y bác sỹ có trình độ chuyên sâu, từng bước vươn lên làm chủ khoa học giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, các thế hệ chuyên gia y tế, kỹ thuật của Liên Xô và Liên bang Nga đã đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp, dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, truyền thụ kinh nghiệm, cũng như trực tiếp tham gia nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người. Để ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Bạn, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2009), Ban Quản lý Lăng đã tổ chức gặp mặt, tỏ lòng tri ân và trao tặng những phần thưởng cao quý của Nhà nước ta cho những chuyên gia y tế, kỹ thuật có nhiều đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Matxcơva.
Hiện nay, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của ta và tăng cường hợp tác với Bạn. Thực hiện Thông báo số 328-TB/TW, ngày 19/4/2010 của Bộ Chính trị; Quyết định số 2341/QĐ-TTg, ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 122 – NQ/QU, ngày 08/3/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ về “Lãnh đạo giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, Ban Quản lý Lăng tiếp tục giữ vững và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva, nhằm tiếp thu kiến thức và học tập kinh nghiệm của Bạn để phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ. Đơn vị đã kí kết với Bạn chương trình hợp tác từ nay đến năm 2020. Trong những năm tới, Bạn sẽ cùng với ta đẩy mạnh việc hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm đào tạo cán bộ y tế chuyên sâu và cung cấp cho ta một số tài liệu liên quan đến quá trình giữ gìn lâu dài thi hài Bác… Đó là cơ sở giúp Ban Quản lý Lăng từng bước vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hơn 43 năm kể từ ngày Bác đi xa và hơn 37 năm mở cửa đón nhân dân trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác, Công trình Lăng Bác đã là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và khách quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi về viếng Bác, mọi người đều nghẹn ngào xúc động, thấy Bác hồng hào, thanh thản, nằm nghỉ ở trong Lăng. Điều đó nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay phải phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và tình cảm quốc tế trong sáng, mãi mãi biết ơn và ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay, trực tiếp là công lao của những người con quê hương Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã không quản khó khăn, gian khổ giúp đỡ Việt Nam giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người./.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương
Trưởng Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh
Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh