Tháng Năm này, Đoàn cán bộ, các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã hành hương về tham quan, học tập các di tích lịch sử tại Khu Di tích ATK Định Hoá, Thái Nguyên và Khu Di tích Tân Trào, Tuyên Quang. Được đi cùng Đoàn, tham quan các di tích lịch sử, trong tôi dâng lên niềm xúc động bồi hồi xen lẫn sự hồi hộp. Bởi đây là lần đầu tiên được thăm các di tích gắn liền với Bác Hồ và Trung ương những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Những câu thơ trong bài thơ “Sáng tháng Năm” của nhà thơ Tố Hữu như nâng bước cho chúng tôi đến nhanh hơn với “Thủ đô gió ngàn”:
«Vui sao một sáng tháng Năm
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn.... »
Theo quốc lộ 3, qua địa phận tỉnh lỵ Thái Nguyên rẽ trái đi tiếp quãng đường quanh co uốn lượn, len lỏi qua những đồi chè xanh mơn mởn đã mở ra trước mắt chúng tôi một miền núi đồi trùng điệp. Đây là một vùng núi non hiểm trở có địa thế chiến lược về quân sự của huyện Định Hoá, Thái Nguyên. Tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ đã từng làm việc từ năm 1947 đến năm 1954.
Đón đoàn tại Nhà đón tiếp của Khu Di tích, đồng chí Nguyễn Văn Lương, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Di tích cho biết: Khu Di tích lịch sử - sinh thái ATK - Định Hóa đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt (tháng 5/2012) với 128 điểm di tích lịch sử. Trong đó, 15 điểm di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 4 di tích xếp hạng cấp tỉnh, phân bố ở 24 xã, thị trấn thuộc huyện Định Hóa. Đây là Khu Di tích ghi dấu những sự kiện trọng đại của dân tộc trong thời kỳ từ 1947-1954, gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các Bộ, ban, ngành Trung ương để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Chính trị trao quà tặng lưu niệm cho lãnh đạo Ban Quản lý Khu Di tích
Điểm tham quan đầu tiên của Đoàn là Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Sau khi thành kính làm Lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn chúng tôi được nghe các nữ hướng dẫn viên giới thiệu về các địa điểm tham quan. Theo lời giới thiệu của nữ thuyết minh viên: Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2005). Công trình được xây dựng trên đỉnh đèo De, mặt hướng về phía Đông Bắc, bốn bên đều có núi bao bọc. Tổng thể Nhà tưởng niệm gồm: Tứ trụ - Tam quan - Nhà tưởng niệm, hệ thống công viên xanh và các công trình phụ cận. Nhìn một cách tổng quát toàn bộ công trình, Nhà Tưởng niệm trên tổng thể mặt bằng là một toà nhà chính được toạ lạc trên mai một con Rùa, một loài vật quý trong bộ Tứ linh (Long – Ly – Quy - Phượng). Từ Tứ trụ lên tới Tam quan là 115 bậc gắn với 115 năm Ngày sinh của Bác. Từ Tam quan lên tới nhà Tưởng niệm là 79 bậc gắn với 79 mùa Xuân của Người. Hai bên là 2 hàng Tùng tháp chạy song song như 2 hàng tiêu binh đứng canh giấc ngủ cho Người...
Đại tá Nguyễn Văn Lâm ghi cảm tưởng tại Đền thờ Bác Hồ ở ATK
Rời nhà tưởng niệm Bác Hồ, trên con đường nhỏ vào thăm lán Khuôn Tát, chúng tôi đi ngang qua một bãi đất rộng nằm dưới chân cây đa xum xuê bóng mát, có tên rất gần gũi "Cây đa Khuôn Tát". Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, đây là địa điểm mà hàng ngày, vào cuối giờ chiều sau mỗi ngày làm việc, Bác vẫn thường ra đây tập thể dục, chơi bóng chuyền với các đồng chí cảnh vệ. Dòng suối Khuôn Tát hiền hoà, dịu mát với những bãi đá nhỏ rất đẹp chảy vắt ngang qua con đường vào căn lán của Bác. Chính tại dòng suối này Bác vẫn thường câu cá, cũng như ngày ngày ra đây tắm giặt... Hình ảnh đó được tái hiện qua những thước phim tư liệu về Người ở chiến khu Việt Bắc, trên mỗi nẻo đường Việt Bắc đều vương vấn hình bóng của Bác Hồ:
"Nhớ Người những sớm tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người"
Đoàn tham quan lán Khuôn Tát
Băng qua khu ruộng lúa quanh co uốn lượn, chúng tôi đến lán Khuôn Tát. Căn lán lợp lá cọ nằm trên đồi Khuôn Tát thuộc xóm Khuôn Tát - xã Phú Đình. Nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Những ngày ở đây Người đã viết rất nhiều tài liệu nhằm củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, động viên quân và dân ta quyết tâm kháng chiến. Cũng chính tại nơi đây, Bác Hồ và Quốc hội đã tổ chức lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và cấp tướng cho một số cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cách Lán Khuôn Tát không xa là một căn hầm nhỏ nhưng tương đối chắc chắn và thoáng mát, tiện lợi là nơi tránh bom, tránh đạn và máy bay trinh thám của địch...
Rời lán Khuôn Tát, đoàn chúng tôi đi thăm lán Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo thuộc xóm Nà Lọm - xã Phú Đình. Trên ngọn đồi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc. Tại đây các đồng chí lãnh đạo cao cấp thường xuyên đến làm việc với Bác Hồ và cũng diễn ra nhiều cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Đặc biệt vào đêm 06/12/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng Bác Hồ và Trung ương vẫn lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân đi tới thắng lợi cuối cùng. Bao năm tháng đã trôi qua, nhưng bên căn lán nhỏ đơn sơ, với cây râm bụt Bác trồng vẫn ngày ngày trổ hoa càng gợi lại những nét quen thuộc hình bóng Bác. Đứng tại căn lán này nhìn xung quanh khung cảnh núi rừng thật hùng vĩ, như một bức tường bao vững chắc để bảo vệ ATK, càng thấy được tầm nhìn của Bác khi chọn địa thế để xây dựng nơi ở và làm việc:
"Trên có núi, dưới có sông
Có đất ta trồng, có bãi ta chơi.
Tiện đường sang Bộ tổng
Thuận lối tới Trung ương
Nhà thoáng ráo, kín mái
Gần dân không gần đường »
Đoàn tham quan lán Tỉn Keo
Cây hoa sữa Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trồng tại lán Tỉn Keo năm 2006
ATK- Định Hoá mảnh đất đã chứng kiến những sự kiện lịch sử hết sức quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Mỗi tên làng, tên núi ở Định Hoá đều gắn với những sự kiện lịch sử hết sức hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Tất cả các địa danh cách mạng kháng chiến thuộc ATK - Định Hoá đã trở thành một bộ phận quan trọng góp phần tạo thành quần thể các Di tích “Chiến khu Việt Bắc” quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, một Thủ đô kháng chiến có một không hai trên thế giới gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên cây đa Khuôn Tát, nơi Bác Hồ thường chơi thể thao với các chiến sĩ cảnh vệ
Hôm nay, chúng tôi được tham quan Di tích lịch sử này, càng ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi, để con cháu ngàn đời được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc. Từng tấc đất, từng hiện vật như ghi nhớ những dấu chân của Người, những năm tháng hoạt động cách mạng của Người đã để lại nơi đây cho thế hệ con cháu hôm nay và mãi mãi về sau ghi lòng tạc dạ, phấn đấu vươn lên để xứng đáng với những gì mà lớp lớp cha anh đã hy sinh xương máu dành được như hôm nay, như lời Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu đã ghi trong sổ cảm tưởng: «Chúng tôi, đoàn cán bộ và các tập thể cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vinh dự, tự hào được hành hương về tham quan, học tập tại Khu Di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên, là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, quan trọng của Việt Nam. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương Đảng, Chính phủ đã sống và làm việc từ năm 1947 -1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Chúng tôi đã được học, được đọc, được nghe kể chuyện về sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác rất nhiều. Hôm nay, chúng tôi lại được trực tiếp tham quan và nghe giới thiệu về những năm tháng Bác Hồ đã sống và làm việc ở nơi đây với những câu chuyện hết sức cảm động và càng tự hào vì dân tộc Việt nam có Bác. Bác ơi, chúng cháu xin hứa với Bác kính yêu, chúng cháu sẽ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Người, nguyện mang hết sức lực, trí tuệ của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN và xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.
Trần Duy Hưng