Kể từ sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng và đặc biệt trong điều kiện kinh tế phát triển thì chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với các thương binh, anh hùng, liệt sĩ cùng việc đầu tư xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ, xây cất đền, đài tưởng niệm được coi trọng và có cơ hội thể hiện hơn bao giờ hết. Từ thành phố đến nông thôn đều chú ý việc quy hoạch lựa chọn vị trí xứng đáng để xây dựng các đền, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ song hành cùng các cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế đã được tổ chức. Vì vậy kiến trúc đài tưởng niệm liệt sĩ ngày càng có những điều kiện mới để biểu hiện không chỉ một nghi thức thuần túy mà còn chứa đựng những nội dung văn hóa, triết lý…Nhiều tượng đài đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, là điểm đến đầy ý nghĩa văn hóa tinh thần, là biểu tượng đẹp về lòng tri ân của dân tộc đối với các liệt sĩ. Riêng ở Hà Nội, tác phẩm “Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ” tại đường Bắc Sơn thật sự tiêu biểu và đại diện cùng những tượng đài, phù điêu trên đường phố Thủ đô như “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, tượng đài “Chiến thắng Ngọc Hồi”, tượng “Chiến sĩ không quân anh hùng” trên đồi Sóc Sơn…

dai tuong niem 1
Các lực lượng phục vụ lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn.

Ngược dòng thời gian, vào những năm đầu thập niên 90, Trung ương Đảng và Chính phủ có chủ trương giao cho Thành phố Hà Nội xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thành phố Hà Nội đã tổ chức phát động cuộc thi sáng tác mẫu Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trong toàn quốc. Sau 8 lần tổ chức sơ khảo, trung khảo, đến tháng 3 năm 1992, phương án thiết kế của KTS Lê Hiệp (trong hơn 30 mẫu thiết kế tham dự) đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó quyết định lựa chọn.

Phải nói rằng, phương án thiết kế “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ” tại đường Bắc Sơn của KTS Lê Hiệp đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa và tư tưởng một đài tưởng niệm; vừa hiện đại, vừa dân tộc thông qua hình tượng bông hoa sen, được cách điệu bằng bốn mặt vát, gợn sóng, quét nhũ vàng từ trong thân đài. Biểu cảm ấy tạo nên sự giao hoà vũ trụ, mở ra 4 phương, tám hướng, ẩn chứa những linh cảm thành kính mỗi khi khói trầm bay lên toả lan về cõi vĩnh hằng. Nhất là về đêm trong ánh sáng rạng rỡ, hình tượng hoa sen lại càng nổi bật, trên hồ nước, như toả quầng sáng hướng về một quá khứ hào hùng và những hy sinh anh dũng của bao anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước.

Và rồi, công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tại đường Bắc Sơn chính thức được khởi công xây dựng từ ngày 07/3/1993 và khánh thành vào ngày 07/5/1994 nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều người còn nhớ hình ảnh của Chủ tịch nước Võ Chí Công đã rất xúc động đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho Đài tưởng niệm, với ý nghĩa các anh hùng liệt sĩ tuy là những người đã khuất, nhưng còn sống mãi trong lòng mọi người. Họ hy sinh để cho dân tộc Việt Nam hồi sinh, phát triển đi lên.

Trên một vị trí đắc địa, và một hình tượng ẩn chứa nhiều cảm xúc cho bất cứ ai đến đây, Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của Hà Nội, cùng con đường Bắc Sơn; được đặt tên vào đầu những năm 70, đã gợi nhớ đến những năm tháng, quân và dân Thủ đô căng sức chiến đấu với không quân Mỹ đến ném bom thành phố. Chúng ta đã làm nên một lịch sử huy hoàng qua trận “Điện Biên Phủ trên không”, trong suốt 12 ngày đêm (từ ngày 18 - 29/12/1972), góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và cái tên đường Bắc Sơn, con đường hình thành cùng Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ như một sự ghi dấu và tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc. Không chỉ là hoa ban, không chỉ là hoa hồng, hoa đào, mà cái màu đỏ của ngọn cờ chiến thắng ngày nào, của năm 1940, của các chiến sĩ Bắc Sơn khởi nghĩa như vẫn còn đang phất cao trên Đài tưởng niệm, giữa khoảng trời xanh, thăm thẳm với thời gian. Đó là khởi nguồn của công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nước ta. Đó là sự bắt đầu vinh quang mà lực lượng quân đội ta phát huy ngày một lớn mạnh và hùng hậu cho đến ngày nay.

Sau khi công trình hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Quyết định số 379/TTg ngày 01/12/1994. Tháng 6/1995, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức bàn giao Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng quản lý. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình quản lý, duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh khuôn viên Đài tưởng niệm và đường Bắc Sơn.

Trong những năm qua, với trách nhiệm là đơn vị quản lý và tổ chức mọi hoạt động tại Đài tưởng niệm, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng đã đón tiếp tận tình, chu đáo nhiều đoàn khách đến tưởng niệm để tri ân, tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc; đặc biệt, trong những đoàn đến tưởng niệm còn có cả những tổ chức, quốc gia trước đây từng là kẻ thù của chúng ta, để rồi cùng nhau khép lại quá khứ, hợp tác vì sự phát triển chung, vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc và trở thành một nghi thức ngoại giao trong quan hệ đối ngoại. Như chúng ta đã thấy, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7 vừa qua, Đại sứ Mỹ Marc Knapper, người có cha là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam đã đến thăm Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn. Bên cạnh đó, nơi đây còn là điểm đến đầy ý nghĩa văn hóa tinh thần, là biểu tượng đẹp về lòng tri ân của dân tộc đối với các liệt sĩ; thậm chí, còn có những đôi nam, nữ trong ngày lễ thành hôn của mình đã đến đây chụp ảnh, rồi lên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ để thắp hương cầu phúc trăm năm, thuỷ chung đến khi đầu bạc, răng long,... Chính vì lẽ đó, cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn đã trở thành công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt, mang tầm vóc quốc gia về văn hóa và lịch sử, trở thành nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; là nơi tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, nhân dân trong nước và khách quốc tế; là mục tiêu bảo vệ an ninh theo Luật Cảnh vệ.

Xuất phát từ ý nghĩa văn hóa và lịch sử của công trình Đài tưởng niệm, cứ vào dịp tu bổ định kỳ hàng năm, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng đều tổ chức bảo dưỡng, tôn tạo để công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ luôn thể hiện sự trang nghiêm; trong đó, riêng việc tôn tạo, khôi phục độ bóng của các tấm đồng ốp xung quanh luôn được quan tâm, xử lý bằng các phương pháp khác nhau, nhưng hiệu quả không cao, bề mặt tấm đồng bị xỉn tối, ăn mòn, ảnh hưởng tới kiến trúc công trình. Năm 2003, đơn vị đã đề nghị Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) xây dựng 2 khẩu hiệu phía trước Đài tưởng niệm; tháng 5/2008, đơn vị đã phối hợp với Viện Khoa học vật liệu tiến hành khảo sát, phân tích đánh giá toàn diện chất lượng các tấm đồng ốp tại Đài tưởng niệm để tìm giải pháp khắc phục cơ bản, triệt để. Tuy nhiên, theo thời gian một số hạng mục, vật liệu của Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã xuống cấp trầm trọng cần được cải tạo.

Trước tình hình đó, năm 2011, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng lập dự án trùng tu lại toàn bộ công trình này; trong đó, phần đúc và mạ vàng tấm họa tiết đồng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ được Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng nghiên cứu. Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS. Châu Văn Minh đã chỉ đạo thành lập nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học vật liệu và Viện Kỹ thuật nhiệt đới tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề này. Sáng ngày 23/3/2011, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tổ chức hội thảo: “Giải pháp đúc và mạ vàng tấm họa tiết đồng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ” để lấy ý kiến các nhà khoa học về giải pháp do Viện Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa ra.

dai tuong niem 2
GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Triển khai thực hiện Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ năm 2013, Ban Quản lý Lăng đã xin ý kiến các Bộ, ngành chức năng. Các ý kiến đều cơ bản thống nhất việc cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ cần bảo đảm tính trang nghiêm, dân tộc, hiện đại phù hợp với các công trình lân cận. Vì vậy, hình thức kiến trúc, vật liệu hoàn thiện, giải pháp kỹ thuật, v.v… phải hài hòa, thống nhất với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới). Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Lăng đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn. Cùng với việc tôn tạo về kiến trúc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đầu tư cải tạo khuôn viên cây xanh, thảm cỏ quanh khu vực Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vườn hồng Bắc Sơn, hai bên phía Đài tưởng niệm trồng 2 hàng vạn tuế, mỗi bên 7 cây, tượng trưng cho hình ảnh những chiến sĩ tiêu binh danh dự ngày đêm túc trực bên hương hồn các Anh hùng liệt sĩ.

Năm 2022, với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp "Khúc tráng ca hòa bình" tại Đài tưởng niệm nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức tiến hành khởi công Cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, từ ngày 28/7 đến 31/12/2022.

Theo Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Lăng cho biết: Do tính chất quy mô, công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ vốn đã khẳng định sự tồn tại, hiện hữu như hiện nay, do đó chỉ tiến hành cải tạo, nâng cấp các vật liệu, kết cấu xây dựng đã xuống cấp hư hỏng, nhằm nâng cao tính thẩm mỹ bảo đảm tính trang nghiêm, dân tộc, hiện đại và phát huy cao nhất ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, xứng đáng là công trình tâm linh cấp quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước, con người và Thủ đô Hà Nội; đồng thời, nâng cao độ bền lâu của vật liệu, kết cấu xây dựng, nhằm bảo đảm độ bền vững của công trình và dễ bảo dưỡng, duy tu trong quá trình quản lý, sử dụng lâu dài; trong đó, điểm nổi bật là mặt ngoài được thay thế ốp bằng đá hoa cương màu trắng ngà, bốn mặt (mái âm) cũng được thay thế ốp bằng các tấm đồng họa tiết hoa văn trang trí mạ vàng được nhập khẩu từ nước ngoài; phần còn lại là chỉnh trang các hạng mục hạ tầng (sân, vườn, đường nội bộ…), đóng góp vào việc hoàn thiện cảnh quan chung của Đài tưởng niệm.

Đến nay, các hạng mục công việc chính đang được triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo đúng mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Ban Quản lý Lăng đang nỗ lực quyết tâm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành toàn bộ việc cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm xong trước ngày 31/12/2022, để kịp thời tổ chức các hoạt động tại Đài tưởng niệm vào dịp đầu năm mới 2023.

Chúng ta tin tưởng và hy vọng, với việc cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ lần này sẽ làm cho công trình trang nghiêm, hiện đại, khang trang, sạch đẹp hơn - thật sự là một trong những nơi trang trọng, thiêng liêng của dân tộc, để thêm một lần nữa chúng ta tôn vinh, tri ân sự mất mát của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước - để chúng ta soi rọi cho con đường tiến về phía trước, với nhiều ước vọng về sự hồi sinh và phát triển, đồng thời, góp phần cùng với cả nước xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Bên cạnh đó, tiếp tục khẳng định tinh thần và ý chí: “Tổ quốc sẽ mãi ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ! Các anh ra đi nhưng tinh thần và ý chí vẫn sống mãi, tồn tại bất diệt, hiện hữu với nước nhà, với đồng chí đồng đội, với thế hệ mai sau. Đó chính là sức mạnh trường tồn, là tấm gương sáng chói lọi và đồng thời chính là lý tưởng, lẽ sống của thế hệ hôm nay trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam mến yêu. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tinh thần, ý chí của người dân nước Việt sẽ mãi tỏa sáng; tình cảm của người Việt trong và ngoài nước càng thêm đậm đà, son sắt, lòng yêu nước như suối nguồn chảy mãi, thiêng liêng và cao quý”./.

Nguyễn Minh Đức

Bài viết khác: