Không khí Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27/5/2013 lặng đi giây lát khi Ban Giám khảo nêu thêm câu hỏi: “Chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Quân đội năm 2013 là gì, và yếu tố nào là quan trọng nhất đối với người cán bộ giảng dạy chính trị”? Những tràng pháo tay tán thưởng khi Thiếu tá Nguyễn Tử Phương Thành, Chính trị viên Đội 3, Đoàn 275 trả lời: “Chủ đề là “nêu gương, tình thương, trách nhiệm” và “nêu gương” là yếu tố quan trọng nhất đối với người cán bộ giảng dạy chính trị”.
Thiếu tá Nguyễn Tử Phương Thành tại Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị cấp Bộ Tư lệnh.
Câu trả lời của đồng chí Nguyễn Tử Phương Thành vừa đúng, vừa trúng với thực tiễn ở đơn vị. Bởi đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị ở cơ sở trong quân đội nói chung và trong Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng cơ bản là cán bộ chính trị, đảm nhiệm các chức vụ chính uỷ, chính trị viên, trưởng ban, trợ lý chính trị. Những năm qua, hầu hết cán bộ giảng dạy chính trị ở cơ sở trong đơn vị đã làm tốt vai trò, trách nhiệm “nêu gương” trước bộ đội về phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực, phương pháp tác phong công tác. Bản thân mỗi cán bộ giảng dạy chính trị luôn thể hiện bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; tâm huyết, gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng ngày, hàng giờ đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị luôn gần gũi, gắn bó với bộ đội, vừa nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bộ đội, vừa tuyên truyền, giáo dục, động viên, định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động đúng cho cán bộ, chiến sỹ. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ y tế, kỹ thuật, an ninh, nghi lễ, đón tiếp tuyên truyền, huấn luyện, bảo đảm hậu cần, phục vụ và trong sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí đều có cán bộ chính trị và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Hoạt động của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị đã trực tiếp giữ vững định hướng chính trị tư tưởng của Đảng ở đơn vị cơ sở, xây dựng Đảng bộ, chi bộ và đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị.
Thông qua Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị ở các cấp, nhiều cán bộ chính trị đã học tập, đúc rút được những kinh nghiệm bổ ích. Đúng như đồng chí Đại tá Cao Đình Kiếm, Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh đã phát biểu bế mạc Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi cấp Bộ Tư lệnh: “Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi năm 2013 ở cả cấp cơ sở và cấp Bộ Tư lệnh đều thành công tốt đẹp. Kết quả của Hội thi sẽ còn lan tỏa mãi và trở thành động lực, kinh nghiệm để cán bộ giảng dạy chính trị tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện trong suốt quá trình giáo dục bộ đội”. Và thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn giá hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”([1]), đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị cần làm tốt vai trò“nêu gương” trên những nội dung sau:
Trước hết cán bộ giảng dạy chính trị phải “nêu gương” về niềm tin cộng sản, tin vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sức mạnh của cả dân tộc - đó là yếu tố tiên quyết của người đi xây dựng niềm tin cho bộ đội. Bởi vậy, cán bộ chính trị phải đầu tư nghiên cứu, nắm vững được những vấn đề cơ bản, thuộc về bản chất của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội và đơn vị; luôn suy nghĩ, nói đi đôi với làm theo đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng; kịp thời nắm bắt những băn khoăn, vướng mắc và lý giải thấu đáo trước những vấn đề khó khăn tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những biểu hiện còn tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy quản lý của Nhà nước và các tệ nạn xã hội để định hướng tư tưởng đúng cho bộ đội.
Hai là, phải “nêu gương” về phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh; thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nói đi đôi với làm, tác phong sinh hoạt, lối sống trung thực, giản dị, lành mạnh. Đó vừa là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời là tấm gương sáng cho bộ đội noi theo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng “nêu gương về đạo đức” trong công tác lãnh đạo quần chúng nhân dân. Người nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”([2]). Bởi vậy, cán bộ chính trị phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện tha hoá về đạo đức, lối sống, tham ô, lãng phí, gây thất thoát kinh phí, vật tư tài sản của đơn vị.
Ba là, phải “nêu gương” về năng lực và hành động, thực sự “vừa hồng vừa chuyên”- đây là mệnh lệnh không lời của người cán bộ đối với bộ đội. Cán bộ giảng dạy chính trị phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm “tận tuỵ, gắn bó, hết lòng vì công việc”, chủ động khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của đơn vị. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; đồng thời phải tích cực nghiên cứu, học tập, tích luỹ kiến thức quân sự, hậu cần, chuyên môn kỹ thuật, văn hoá khoa học và năng lực sư phạm để giáo dục, thuyết phục, trở thành những người “thầy” thực tiễn của bộ đội.
Bốn là, phải “nêu gương” về tình thương, trách nhiệm với bộ đội, thể hiện tình thương yêu sâu sắc với đồng chí, đồng đội. Cán bộ giảng dạy chính trị phải thực sự gần gũi, sâu sát với bộ đội. Luôn coi đơn vị là nhà, đồng đội là anh em, để nắm bắt tâm tư, tình cảm của bộ đội, động viên, chia sẻ mọi nỗi buồn vui của người chiến sỹ. Thực hiện đúng lời Bác Hồ đã dạy: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”([3]).
Để xứng đáng là “người thầy” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ giảng dạy chính trị cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình…”, có như vậy mới xứng đáng là “người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa” ở đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt, góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới; xây dựng Đảng bộ Đoàn 969 trong sạch vững mạnh, trở thành đảng bộ tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực sự tiêu biểu về điều lệnh và nghi lễ trong toàn quân./.
Hữu Mạnh, Ngọc Hà
(1)Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.1. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr 263; Hồ Chí Minh, (2) Toàn tập, t.5. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr 552; (3) Sách Hồ Chủ tịch với các lực lượng trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1962, tr. 50-51.