“ Các cháu yêu quý

Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ thương”.

Đây là những dòng mở đầu Bức thư trung thu gửi các cháu nhi đồng (đăng trên báo Cứu quốc, số 1904, ngày 12/9/1951). Có thể nói, trong suốt cuộc đời, Bác Hồ luôn hết mực quan tâm đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Với Bác, “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.

Cả cuộc đời, Bác luôn dành tình yêu thương, dành sự quan tâm sâu sắc cho thiếu niên, nhi đồng. Và hơn thế, Bác coi thiếu niên, nhi đồng cũng chính là một lực lượng quan trọng trong phong trào thi đua ái quốc. Chính vì vậy, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), khi nhắc đến lực lượng này, Bác đã nhấn mạnh: “Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn”.

thi-dua-ai-quoc-nhi-dong-cdJPG
Bác Hồ luôn dành tình yêu thương sâu sắc cho nhi đồng

Thật vậy, phong trào thi đua ái quốc là một ngọn lửa mạnh mẽ, tạo nguồn sức mạnh quan trọng cho dân tộc ta. Để có được sức mạnh ấy cần có sự chung tay, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong đó, không thể thiếu thế hệ thiếu niên, nhi đồng. Dù tuổi còn nhỏ nhưng cũng chính là một lực lượng quan trọng. Bởi khi hoàn cảnh đất nước gặp nguy nan, mỗi người góp sức nhỏ để tạo nên sức mạnh lớn cho dân tộc. Và như thế, thiếu niêu, nhi đồng có vai trò không nhỏ trong sự nghiệp cách mạng: “Người lớn cứu nước đã đành/ Trẻ em cũng góp phần mình một tay/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tuỳ theo sức của mình”.

Trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công, đăng trên báo Sự thật, ngày 1/8/1949, Bác Hồ đã nói: “Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi công việc. Có nhiều cháu đã gửi tiền nhờ tôi góp vào quỹ kháng chiến”.

Trong bài “Giấc ngủ mười năm” (đăng trên báo Sự thật, Xuân Kỷ Sửu 1949) Bác Hồ một lần nữa nhấn mạnh: “Các em nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ công việc nhẹ cho người lớn. Các em cũng hăng đáo để. Nhiều nơi, ngoài buổi học, các em còn tự tổ chức từng tốp nuôi vịt, nuôi tằm trồng rau, trồng sắn”.

thi-dua-ai-quoc-b
Các em nhỏ ở mọi miền của Tổ quốc đều mong muốn được vào Lăng viếng Bác Hồ
Ảnh: Điệp Anh

Trong bức thư trung thu gửi các cháu nhi đồng (đăng trên báo Cứu quốc, số 1904, ngày 12/9/1951), Bác đã khuyên các em nhỏ như sau:

“Các cháu phải ghét, ghét cay ghét đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, bọn Việt gian, bọn bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ.

Các cháu phải yêu, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động.

Các cháu phải gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình chiến sĩ, gắng giữ gìn vệ sinh và giữ gìn kỷ luật, gắng học hành.

Các cháu phải đoàn kết, đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam với nhau, đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam cùng nhi đồng Trung Quốc, Liên Xô, các nước bạn và nhi đồng thế giới.”

Khi nhắc đến phong trào thi đua, Bác Hồ nhấn mạnh:

“Các cháu phải thi đua, tùy theo sức của các cháu làm được việc gì có ích cho kháng chiến thì thi đua làm việc ấy.

Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi thì trung thu sẽ vui vẻ hơn”.

Trong những năm kháng chiến, mỗi khi nhận được thư hay bất cứ thông tin nhi đồng khổ sở thế nào, Bác đều rất đau đớn. Nhưng trên hết, vượt qua những nỗi khổ ấy, nhi đồng ta vẫn đấu tranh. Dù những hành động nhỏ nhưng điều đó chính là minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần thi đua ái quốc của nhi đồng ta. Khi nói về những kết quả đấu tranh của các em nhi đồng Bác đã nói: “... Làm cho Bác vui lòng, vì các cháu ấy dũng cảm. Làm cho Bác và tất cả đồng bào càng căm ghét bọn thực dân và bù nhìn”.

Trong thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1951 Bác viết: Ngày 1-5, ngày của những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh. Còn ngày 1-6 “là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình...”. Hình thức đấu tranh của các cháu nhi đồng mà Người đưa ra rất cụ thể, thiết thực. Đó là, các cháu cần phải “thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”. Bác còn khuyên nhủ: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau” và là đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới. Bác gọi “đó là tinh thần quốc tế”. 

Nhi đồng chính là lực lượng quan trọng, là tương lai của một đất nước. Chính vì vậy, Bác luôn quan tâm đến cuộc sống của từng em nhỏ. Bác luôn dành tình thương yêu đặc biệt, động viên thế hệ măng non của đất nước qua các lá thư nhân ngày Quốc tế thiếu nhi: Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô... Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Cho nên, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng.“Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

thi-dua-ai-quoc-nhi-dong 2
Các em nhỏ chính là các mầm non, là tương lai của đất nước

            Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Bác Hồ luôn dành sự thương nhớ đến thiếu niên, nhi đồng miền Nam. Bởi chiến tranh gian khổ quá, các cháu thiếu niên, nhi đồng sẽ phải chịu rất nhiều đau thương. Vì thế, trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, Bác ao ước: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”. Hơn thế, Bác luôn căn dặn các cháu phải “yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...”.

          Có thể nói, những lời dặn dò của Người đã tạo động lực cho thế hệ thiếu niên, nhi đồng thi đua, cố gắng, phấn đấu để góp sức vào sự thành công của cách mạng Việt Nam.

Đất nước đã hòa bình, thế hệ thiếu niên, nhi đồng giờ được hưởng những điều kiện sống đầy đủ hơn. Và hơn lúc nào hết, các em cần cố gắng hơn để xứng đáng với những mong muốn của Bác, với những hy sinh của cha anh.

Trước lúc đi xa, Bác để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong đó Người không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Một lòng khắc sâu tình cảm, những lời dạy của Bác, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn cố gắng phấn đấu học tập làm theo lời Bác để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Bởi như lời Bác đã nói: “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”.

Thanh Huyền

Bài viết khác: