Đã 44 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại qua đời, thi hài của Người luôn được giữ gìn, bảo vệ an toàn tuyệt đối. Thành công đó là nhờ sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, liên tục của Đảng, Nhà nước và Quân đội; sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng. Và hơn thế là nhờ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga), trực tiếp là các chuyên gia y tế Nga.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đặt nền móng và không ngừng xây đắp mối quan hệ hữu nghị Việt - Xô, một mối tình “anh em ruột thịt trong đại gia đình cộng sản quốc tế”. Bác luôn coi Liên Xô là người bạn lớn và người bạn chiến đấu gần gũi nhất của nước Việt Nam, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Cho đến cuối đời, Người vẫn trước sau như một nhấn mạnh: Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên rằng những thắng lợi của mình không thể tách rời sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô.

Đảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô cũng luôn dành cho Hồ Chủ tịch những tình cảm trân trọng nhất. Trong thư chia buồn sau ngày Bác mất, Đảng Cộng sản Liên Xô khẳng định: “Những người cộng sản Liên Xô, cũng như toàn thể nhân dân Liên Xô đánh giá cao sự cống hiến không biết mệt mỏi của đồng chí Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự phát triển tình hữu nghị anh em giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô, giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam. Nhân dân Liên Xô sẽ đời đời gìn giữ kỷ niệm trong sáng về Người, như là một nhà Mácxít Lêninnít kiên định, một người bạn thủy chung của Đảng và đất nước Liên Xô”(1). Những tình cảm quý báu ấy là nền tảng cơ bản để Bạn nhiệt tình giúp đỡ ta thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Cuối tháng 5 năm 1967, sau Lễ mừng thọ nhân Ngày sinh lần thứ 77 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã có phiên họp bất thường bàn về việc bảo vệ sức khỏe của Bác. Tại phiên họp này, Bộ Chính trị quyết định sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần sẽ giữ gìn thi hài và xây dựng Lăng của Người để bày tỏ lòng kính yêu vô hạn với Người và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Nội dung và yêu cầu chung của khoa học giữ gìn lâu dài thi hài là:

- Phải giữ được những nét đặc trưng của thi hài Bác như khi Người còn sống.

- Phải giữ thi hài được lâu dài.

- Phải bảo đảm được yêu cầu có thể để đông đảo người tới viếng thăm trong điều kiện môi trường bình thường.

Cho đến thời điểm này, khoa học giữ gìn thi hài với nội dung và yêu cầu như trên thì trên thế giới chỉ mới có Liên Xô làm được. Vì vậy, Đảng và Chính phủ ta đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ từ công tác đào tạo cán bộ đến việc giữ gìn thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Với lòng kính trọng sâu sắc, đánh giá cao vị trí, vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, Đảng và Chính phủ Liên Xô hoàn toàn nhất trí giúp đỡ không điều kiện việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người. Liên Xô đồng ý nhận đào tạo và cử các chuyên gia y tế hàng đầu, giỏi nhất trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy cho ba bác sĩ của Việt Nam sang học tập, nghiên cứu về khoa học giữ gìn thi hài.

Cuối tháng 8/1969, khi sức khỏe của Bác có dấu hiệu giảm sút nhanh chóng, một mặt chúng ta tích cực tìm mọi biện pháp để chữa bệnh cho Bác, mặt khác cũng khẩn trương làm công tác chuẩn bị đề phòng khi có việc lớn xảy ra. Nhận được điện thông báo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã cử ngay Đoàn chuyên gia y tế sang Việt Nam.

Và cái ngày không ai mong đợi ấy đã đến. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ sáng ngày 2/9/1969, ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con anh hùng và vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ giã Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta và bầu bạn ta trên khắp thế giới. Thi hài Bác được nhanh chóng đưa về 75A an toàn. Sau gần 3 giờ liên tục, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã hoàn thành công việc giữ gìn bước đầu thi hài Bác phục vụ tang lễ.

Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đế quốc Mỹ leo thang ném bom tàn phá miền Bắc và thiên tai lũ lụt, thi hài Bác phải 6 lần di chuyển vượt đường xa, vượt sông suối, ở rừng núi, gặp muôn vàn khó khăn, nhưng bên Bác luôn có những chuyên gia y tế Liên Xô tâm huyết, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của ta chăm sóc giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Người.

Kết quả sau 20 năm (1969-1989) giữ gìn thi hài Bác được Hội đồng Khoa học y tế giữa Việt Nam và Liên Xô kiểm tra vào tháng 9/1989 kết luận: “Trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tốt. Không thấy thay đổi nào so với những số liệu của biên bản Hội đồng kiểm tra năm 1975. Những nét đặc trưng của Người lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thường xuyên tiến hành kiểm tra chế độ nhiệt, ẩm, bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như thường xuyên kiểm tra trạng thái vệ sinh y tế quan tài kính và các phòng làm thuốc. Các số liệu mà Hội đồng nhận được chứng tỏ chế độ nhiệt, ẩm và trạng thái vệ sinh y tế phù hợp với yêu cầu quy định”(2).

Tháng 8/1991, Liên Xô tan rã, trong một thời gian ngắn có sự gián đoạn tưởng chừng như mất hẳn sự giúp đỡ từ phía Bạn. Ngày 28/12/1992, bản thỏa thuận làm việc trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va được ký kết, quan hệ hợp tác giữa ta và Bạn đã có bước ngoặt quan trọng, bắt đầu bước sang một thời kỳ mới.

Trong vòng 30 năm (từ 1969-2009), tổng số chuyên gia y tế Liên Xô đã sang giúp Việt Nam có 82 người, trong đó có 13 Viện sĩ, 7 Giáo sư, 11 tiến sĩ khoa học, 20 tiến sĩ, số còn lại là bác sĩ chuyên ngành.(3) Người sang nhiều nhất là 24 lần.

Trong thời gian ở Việt Nam, dù hoàn cảnh, điều kiện công tác có nhiều khó khăn, song các chuyên gia y tế Liên Xô đã làm việc bằng tất cả tấm lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, luôn coi đây là nhiệm vụ quốc tế cao cả và thiêng liêng. Làm việc bằng sự vô tư, chí tình, chí nghĩa, không một chút đòi hỏi, sống giản dị, có phần đạm bạc. Một trong những minh chứng cho sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Liên Xô là không tính toán thiệt hơn trong vấn đề phụ cấp. Ngay từ những ngày đầu sang Việt Nam, ngoài việc chúng ta bố trí ăn và nhà nghỉ, thì mỗi tháng được hưởng phụ cấp 100 đồng (một trăm đồng), tương đương với lương của đồng chí Đại úy không có thâm niên. Và điểm đặc biệt là mức phụ cấp ấy do Liên Xô tự đề xuất, chứ không phải do thỏa thuận của hai bên. Kể cả đến năm 1994, khi chuyển sang cơ chế hợp tác trực tiếp, lúc đó phía Liên Xô rất khó khăn nhưng với tinh thần trọng tình nghĩa, các chuyên gia y tế đã đề nghị mức lương rất hữu nghị. Tấm lòng của các nhà khoa học Nga đối với Bác Hồ, với đất nước và con người Việt Nam khiến cho chúng ta rất cảm phục và biết ơn.

Khó khăn bộn bề khi sống và làm việc ở đất khách quê người đã không làm giảm được sự nhiệt huyết, tận tâm của các chuyên gia y tế. Các chuyên gia không những không phàn nàn gì mà trong ký ức của họ luôn lưu giữ những hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Đồng chí I. A Khô-rô-sốp, một trong những người đã tham gia vào nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những đầu tiên nhớ lại: “Chúng tôi luôn biết ơn các đồng chí Việt Nam đã quan tâm đến đời sống hàng ngày của chúng tôi trong suốt thời gian làm việc bên nhau. Các bạn Việt Nam rất hiểu là chúng tôi sống xa quê hương, gia đình, người thân khá lâu, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt đối với chúng tôi và trong điều kiện thời chiến, nên các bạn đã hết sức cố gắng, để cuộc sống hàng ngày của chúng tôi có được tiện nghi hơn. … Tất nhiên những người đã tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc và chăm lo cuộc sống thường ngày còn rất nhiều, tôi không thể nào kể hết. Đó là những đồng chí lái xe, nấu ăn và nhiều người nữa mà mỗi lần nhắc tới đều với tình cảm ấm nồng… Chúng tôi đã có được mối quan hệ công tác gắn bó anh em với các đồng chí bác sĩ Việt Nam.” (4)

chuyen-gia-nga-b

Lễ ký văn bản hợp tác phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt giữa Ban Quản lý Lăng
 và Trung tâm nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va (Mát-xcơ-va ngày 04/6/2003)

Trong hơn 20 năm hợp tác trực tiếp với Trung tâm nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va, hai bên đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp: Bảo đảm quá trình làm thuốc trong giữ gìn thi hài Bác Hồ; biên soạn quy trình làm thuốc lớn trong tu bổ định kỳ hằng năm; thường xuyên bảo đảm môi trường trong các phòng làm thuốc đạt tiêu chuẩn quy định. Từ năm 2003, Nga bàn giao công nghệ pha chế dung dịch đặc biệt và năm 2004, dung dịch đặc biệt được pha chế thành công tại Việt Nam giúp ta không còn gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển. Phía Nga tiếp tục giúp ta trong việc thành lập các Tổ tư vấn chuyên môn sâu, cử chuyên gia sang trực tiếp giảng dạy tại Việt Nam và nhận chuyên gia Việt Nam sang Nga học tập khoa học công nghệ và kỹ thuật bảo quản thi hài.

Trong nghiên cứu khoa học, hai bên cùng tiến hành hàng chục đề tài khoa học, sáng kiến kỹ thuật phục vụ công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều đề tài đi sâu vào tối ưu hóa các điều kiện giữ gìn thi hài Bác Hồ. Phía Nga cũng đã bàn giao cho ta hơn 500 trang tài liệu khoa học được tiến hành trong quá trình tham gia giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh tận tụy của GS, TS. Kô-zen-sép, người đã 14 lần sang Việt Nam; TS. Gô-lu-bép, 13 lần sang Việt Nam; GS, TS. Đốc-tơ-rốp, 10 lần sang Việt Nam; TS. Va-xi-lép-ski, 14 lần sang Việt Nam… đã để lại những tình cảm hết sức tốt đẹp trong lòng các đồng chí, đồng nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp giữa Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1992-2012), GS, Viện sĩ Mát-vê-chúc I-go Va-si-li-ê-vích, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y sinh Mát-xcơ-va khẳng định: “Điều tự hào nhất trong kết quả hợp tác giữa hai bên là sau 43 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, người dân Việt Nam và du khách quốc tế vẫn được chiêm ngưỡng thi hài của Người trong trạng thái tốt nhất. Đó cũng là điều khiến chúng tôi hài lòng nhất.”

chuyen-gia-nga-c

Chuyên gia y tế Liên bang Nga cùng cán bộ, bác sĩ Việt Nam tiến hành pha chế dung dịch
đặc biệt lần đầu tiên tại Việt Nam tháng 3/2004

Để hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm và công lao của các chuyên gia y tế Nga, tôi xin giới thiệu một số gương tiêu biểu. Trước hết phải nhắc tới GS, Viện sĩ Iu.M. Lô-pu-khin, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát-xcơ-va. Ông là một trong 5 chuyên gia sang Hà Nội vào ngày 28/8/1969 và có tất cả 6 lần sang Việt Nam. Để có được kết quả “những nét đặc trưng lúc sinh thời của Bác vẫn được giữ gìn nguyên vẹn” phải kể đến những đóng góp to lớn về trí tuệ với đôi bàn tay vàng của nhà phẫu thuật tạo hình nổi tiếng Lô-pu-khin. Chính ông đã trực tiếp chỉnh hình thi hài Bác tại khu căn cứ K9.

Năm 2009, khi nghe tin mình được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hữu nghị, ông rất xúc động. Nói về việc gìn giữ thi hài Bác, Viện sĩ Lô-pu-khin khẳng định: “… thi hài Bác được giữ gìn rất tốt. Không một thi hài nào đã bảo quản trước đây, trong đó cả V.I. Lê-nin, G.M. Đi-mi-tơ-rốp… được giữ gìn trong trạng thái lý tưởng như vậy”.(5)Ông từng tâm sự rất chân tình: “Từ khi được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh và trực tiếp chăm sóc thi hài của Người, tôi nhận thấy ở Người có điều gì đó rất đặc biệt. Năm 1969, từ Việt Nam về, tôi lập bàn thờ Bác trong nhà. Với tôi, Hồ Chí Minh là một tấm gương để tôi tôn thờ suốt đời”.

Người thứ hai là GS. I-u-ri A-lếch-xây-ê-vích Rô-ma-cốp, nguyên Phó Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học Lăng Lê-nin, một chuyên gia hàng đầu của Liên Xô cũng như trên thế giới về lĩnh vực ướp bảo quản lâu dài thi thể phục vụ thăm viếng. Ông là chuyên gia y tế sang Việt Nam nhiều lần nhất (24 lần).

Ngày 18/12/1968, Iu.A. Rô-ma-cốp là nhà khoa học đầu tiên của Liên Xô đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác Hồ. Trong thời gian này, ông đã tham gia Lễ kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam để trực tiếp quan sát dung nhan Bác Hồ. Nhờ vậy, sau này ông và Tổ chỉnh hình đã giúp ta giữ gìn nguyên vẹn những nét đặc trưng lúc sinh thời của Bác. Ông trực tiếp tham gia giữ gìn thi hài Bác với ý thức trách nhiệm cao và với kiến thức chuyên ngành uyên bác. Sau khi Liên Xô tan rã, ông đã cùng với lãnh đạo của Trung tâm và phía Việt Nam tích cực tìm ra phương thức hợp tác mới. Theo các chuyên gia Liên Xô, ông là người đã chủ động đề xuất việc tăng cường đào tạo cán bộ y tế Việt Nam về lĩnh vực ướp bảo quản thi thể và tiến hành các đề tài hợp tác nghiên cứu theo từng giai đoạn một cách rất bài bản. Thông qua những hình thức hợp tác đó để tiến tới những mục tiêu cơ bản và năm 2003 hai bên đã chính thức ký Biên bản bàn giao tỉ lệ hóa chất dung dịch và nhất trí pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam vào quý I năm 2004. Đây là một trong những thành tựu quan trọng có sự đóng góp to lớn của GS. Rô-ma-cốp.

Những người đã từng tiếp xúc, làm việc với GS. Rô-ma-cốp đều nhận thấy ở ông “một nhân cách lớn, một nhà khoa học trầm tính, ít nói, nhưng đã nói là làm, làm đến nơi đến chốn, không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà phải chứng minh bằng các thực nghiệm có số liệu cụ thể. Ông thường nhắc các đồng nghiệp Liên Xô cũng như các bác sĩ Việt Nam cần phải rất thận trọng, tỷ mỷ, các kết luận chỉ được phép dựa vào những số liệu, thực nghiệm chính xác.”(6)

Với những cống hiến cho sự nghiệp giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam đã tặng ông 2 Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì.

Người thứ ba là GS, Viện sĩ Xéc-gây Xéc-gây-ê-vích Đê-bốp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lăng Lê-nin, một trong những chuyên gia y tế đầu tiên của Liên Xô giúp Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã 23 lần sang Việt Nam. Ngay từ năm 1967, dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ Đê-bốp lúc này đang giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lăng Lê-nin, Đoàn cán bộ của ta sang học tập về khoa học giữ gìn thi hài đã được đón tiếp chu đáo, thân tình, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành khóa học đặc biệt này. Đây là sự ưu ái đặc biệt của Đảng và Chính phủ Liên Xô, bởi Viện chưa từng đào tạo bất cứ người nước ngoài nào. Ngày 28/8/1969, Viện sĩ Đê-bốp làm Trưởng đoàn của Đoàn cán bộ y tế Liên Xô đến Việt Nam để chuẩn bị cho công tác đặc biệt sau khi Hồ Chủ tịch qua đời.

Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Tư lệnh, kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng xúc động nhớ lại thời điểm sau khi Bác mất: “Các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam đã từng là những nhà chuyên môn giỏi, đã học tập, thực hành công tác gìn giữ thi hài trong hai năm, có thể đảm đương nhiệm vụ. Nhưng xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cao, với tấm lòng yêu kính Bác nên G.S Viện sĩ Iu.M. Lô-pu-khin, Viện sĩ X.X. Đê-bốp và G.S Mi-khai-lốp đã trực tiếp làm công tác y tế giữ gìn thi hài Bác cùng với sự phụ giúp của hai bác sĩ là Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều - thành viên của Tổ y tế đặc biệt Việt Nam…Các chuyên gia y tế Liên Xô đã làm công việc đó với một tấm lòng yêu thương, trân trọng lãnh tụ, với tinh thần khoa học rất cao và một tài năng tuyệt vời”(7).

Nhớ lại khoảnh khắc lúc 3h sáng ngày mồng 6/9, Ban Tổ chức Lễ tang cùng với các chuyên gia tiến hành tổng kiểm tra các mặt chuẩn bị cho ngày viếng đầu tiên. Khi nâng chiếc nắp hòm kính lên, đặt máy đo kiểm nhiệt độ, độ ẩm, thấy kết quả hiện trên mặt máy báo hiệu mọi sự đều hết sức ổn định. Viện sĩ Đê-bốp không kìm được xúc động đã quay lại ôm chầm lấy đồng chí Trần Bá Đặng và đồng chí Nguyễn Gia Quyền, lặp đi lặp lại mãi một câu nói: “Khơ-ra-sô, khơ-ra-sô” (tốt, tốt), “Ô-trin Khơ-ra-sô (rất tốt) (8). Giữa không khí trang nghiêm ấy, bỗng một tiếng khóc nức nở, òa lên vang khắp Hội trường. Đó là tiếng khóc không thể kìm nén được của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vừa khóc, Thủ tướng vừa bắt tay cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Lời cảm ơn chân thành và những giọt nước mắt liên tiếp lăn trên má của đồng chí Phạm Văn Đồng khiến các đồng chí chuyên gia cũng không cầm được nước mắt.

Năm 1975, Viện sĩ Đê-bốp là một trong ba chuyên gia Liên Xô tiêu biểu nhất đã được Chính phủ ta tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam để tỏ lòng biết ơn Ðảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã góp sức giữ gìn thi hài Bác và xây dựng Công trình Lăng.

Ngày 28/12/1992, trên cương vị là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va, GS, Viện sĩ X.X. Đê-bốp đã ký vào Bản thỏa thuận làm việc trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va. Đây là một sự kiện quan trọng có tính chất bước ngoặt, đánh dấu sự mở đầu của một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác giữa ta và Nga.

Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều chuyên gia y tế Liên Xô đã kề vai sát cánh, không quản ngại gian khổ giúp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Tất thảy họ đều là những người đồng nghiệp, đồng chí, những người bạn, người anh em thân tình đặc biệt của chúng ta. Trong số các chuyên gia y tế Liên xô, nay người còn, người đã mất, nhiều người đã tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng tiếp nối truyền thống, các bạn Nga vẫn đang sát cánh cùng chúng ta trong nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác. Nhằm động viên các nhà khoa học, cũng là thể hiện sự biết ơn, tình nghĩa thủy chung gắn bó của Việt Nam với nhân dân và đất nước Nga, ngày 22/4/2009, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định tặng thưởng huân, huy chương các loại cho 34 chuyên gia Liên bang Nga đã có công lao trong việc giữ gìn lâu dài và tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự giúp đỡ của nước Bạn là vô giá, trường tồn mãi với thời gian, được các thế hệ Việt Nam đời đời ghi nhớ, trân trọng. Và tấm chân tình của chúng ta cũng đã được các Bạn Nga ghi nhận. Viện sĩ I.M. Lô-pu-khin từng khẳng định: “Khi đề cập đến đất nước chúng ta (Liên bang Nga), đến sự giúp đỡ của các nhà bác học, các kỹ sư, các chuyên gia quân sự… trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người Việt Nam luôn nhớ đến câu nói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay nhắc nhở: “Uống nước nhớ nguồn”.(9)

Qua hơn 40 giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 năm chính thức thiết lập quan hệ trực tiếp, Ban Quản lý Lăng và Trung tâm nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va mà trực tiếp là các chuyên gia làm việc tại Việt Nam đã không ngừng củng cố tinh thần hữu nghị, đoàn kết hợp tác, cùng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga sau này, đặc biệt là những đóng góp của các chuyên gia y tế. Với lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và bằng tài năng của những chuyên gia y tế hàng đầu, tầm cỡ quốc tế đã giúp đỡ chúng ta chí tình, chí nghĩa phục vụ nhiệm vụ giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá của Công trình Lăng - nơi hội tụ niềm tin, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam cũng như tình hữu nghị đặc biệt hai nước Việt Nam - Liên bang Nga./.

Thu Hiền

 

(1). E. Cô-bê-lép, Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr.379.

(5, 7, 9). Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bên Lăng Bác Hồ, tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.34, 28, 35.

(2, 8). Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lịch sử bộ đội bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975-2003), Nxb. Quân đội nhân dân, 2003, tr.176, 41.

(3, 4, 6). Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bên Lăng Bác Hồ, tập 2, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.49, 32, 61.

Bài viết khác: