Cách đây 90 năm, ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga, trực tiếp nghiên cứu lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội hiện thực theo hình mẫu nước Nga Xô-viết và “Chính Người đã đặt nền tảng cho mối quan hệ lịch sử đặc biệt giữa hai dân tộc Việt – Nga” - Đó là khẳng định của các đại biểu tại buổi Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga” được tổ chức ngày 04/6/2013 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga”
Theo Tiến sĩ Evgeny Kobelev, Trưởng ban Việt Nam, Viện Các vấn đề Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga – Việt kể lại: Năm 1975, tôi bắt đầu viết sách về Hồ Chí Minh, khi đó tôi làm ở Vụ Quốc tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô nên được phép tiếp cận các tài liệu về Việt Nam trong số tài liệu lưu trữ của Quốc tế cộng sản. Và một trong những tài liệu đầu tiên tôi nhìn thấy là "Giấy chứng nhận đi đường" do Đại diện của nước Nga Xô-viết ở Đức cấp cho "Nhà nhiếp ảnh Trần Vang, sinh ra ở Đông Dương". Nhà nhiếp ảnh Trần Vang đi trên tàu thủy “Hamburg” của Đức vào Petrograd (tức S.Peterburg hiện nay) ngày 30-06-1923. Tấm ảnh của Hồ Chí Minh thời trẻ dán trên tấm giấy chứng nhận và dấu của đồn biên phòng cảng Petrograd ghi rõ ngày nhập cảnh của vị hành khách nước ngoài này là minh chứng cho điều đó.
Nguyễn Ái Quốc bỏ qua các học thuyết và hình mẫu cách mạng khác để đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, với bài học Cách mạng Tháng Mười và nước Nga vô sản, bởi Người đã đặt trọn niềm tin ngay từ khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, lập trường của Người đứng hẳn về chủ nghĩa Mác-Lênin: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, kách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin”. Và Người còn khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1).
Trong những năm 1923-1924, Nguyễn Ái Quốc theo học tại Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va; từ tháng 4/1924 làm việc tại Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản; tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản thanh niên lần thứ IV (tháng 6/1924) và Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản (tháng 7/1924). Trên đất nước Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực hoạt động tuyên truyền chính trị dưới nhiều hình thức, tham gia nói chuyện tại các cuộc mít tinh, biểu tình, tham dự các đại hội, hội nghị quan trọng của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc cũng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về chính quyền cách mạng Xô-viết, về đời sống giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Người đã tìm thấy ở nước Nga những kinh nghiệm quý báu để giành độc lập tự do cho dân tộc và trở thành người bạn thân thiết của nhân dân Nga.
Nhà thơ nổi tiếng Nga Osip Mandelstam sau khi gặp Nguyễn Ái Quốc từ năm 1923 đã viết: “Trọn vẹn hình ảnh Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp, sự tinh tế bẩm sinh… toát lên hơi thở văn hóa, không phải hơi thở văn hóa Châu Âu, có lẽ là hơi thở văn hóa tương lai”(2). Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Liên Xô đề nghị đưa tám thiếu niên Việt Nam sang đây học tập để trở thành những chiến sĩ cộng sản Lênin-nit.
Trong những năm Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nguyễn Ái Quốc luôn đặt niềm tin vào thắng lợi của phe Đồng minh chống phát xít. Tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám tại Pắc Bó, Cao Bằng dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quyền Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận định: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó cách mạng nhiều nước thành công…” .
Đến ngày 13/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ cách mạng đã chín muồi, Nguyễn Ái Quốc đã nêu quyết tâm: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập!”, phát động Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công.
Trong Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945- 1954, sau tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/01/1950. Sau Liên Xô, hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự kiện vô cùng quan trọng này đã tạo điều kiện để nước Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn về tinh thần và vật chất từ bầu bạn quốc tế, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào Liên Xô, “Thành trì của phe xã hội chủ nghĩa”. Tháng 10/1957, trong bài “Liên Xô vĩ đại”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”(3).
Sau khi Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ có người lái, Người coi đó là thành tựu vĩ đại của phe xã hội chủ nghĩa. Năm 1961, Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghecman Titov được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang Việt Nam. Người trực tiếp đưa nhà du hành vũ trụ Ghecman Titov lên thăm Khu căn cứ K9, tại Đá Chông, Ba Vì, Sơn Tây (nay là Ba Vì, Hà Nội) và sau đó đi tham quan vịnh Hạ Long.
Thể hiện tình cảm của nhân dân ta, Người nói: “Bác nghĩ đồng chí Ghecman Titov không thể ở Việt Nam với chúng ta mãi được. Chúng ta sẽ giữ đồng chí ấy theo cách khác. Chúng ta tặng đồng chí hòn đảo này... Từ nay hòn đảo này mang tên Titov”. Từ đó trên vịnh Hạ Long của Việt Nam có một hòn đảo mang tên Titov. Tình cảm chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Nhà nước và nhân dân Liên Xô trong sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ghi nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô, Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã có ý định trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, nhưng Người đã khéo léo từ chối. Sau này, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969), Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã giúp Việt Nam giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Công trình Lăng của Người.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Ngay từ năm 1967, Liên Xô đã giúp đỡ đào tạo chuyên ngành giữ gìn thi hài cho 3 bác sỹ của Việt Nam. Trong những ngày Bác lâm bệnh nặng, Bạn đã cử 5 chuyên gia y tế sang để chuẩn bị giữ gìn thi hài khi Người đi xa. Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh: “Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều thế hệ chuyên gia y tế, kỹ thuật của Liên Xô và Liên bang Nga đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp, dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, truyền thụ kinh nghiệm, cũng như trực tiếp tham gia nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người”.
Ngày nay, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển, trở thành đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại, văn hóa khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước. Song chúng ta mãi biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng và vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay.
Đúng như ngài Andrei Grigorievich Kovtun, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam đã phát biểu: Ở Việt Nam có câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nga cũng có câu thành ngữ có nghĩa gần giống như thế: “Gieo gì gặt nấy”. Khi được hưởng thành quả hợp tác nhiều mặt Nga – Việt Nam, chúng ta tự hào nhớ lại rằng: Người đứng ở ngọn nguồn hợp tác, người cách đây nhiều năm trồng cây hữu nghị Việt – Nga chính là Hồ Chí Minh. Tôi tin tưởng rằng, ngày nay, chúng ta trân trọng giữ gìn di sản quí báu đó, phát huy những truyền thống tốt đẹp đã được tích lũy bao năm qua, để thừa kế lại cho con cháu chúng ta một cây hữu nghị lớn mạnh, sâu rễ bền gốc, xứng đáng với tên tuổi lẫy lừng Hồ Chí Minh./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 314; (2) Sách “Người Nga nói về Hồ Chí Minh”, Hà Nội, 2010, tr.16; (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr. 556-557.
Hữu Mạnh, Ngọc Hà