Với mỗi dấu mốc lịch sử cách mạng của đất nước, những người con của dân tộc Việt Nam lại bồi hồi, xao xuyến nhớ về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh – con người rất mực giản dị nhưng vô cùng vĩ đại. Xuất phát từ lòng yêu nước vô bờ bến, Người đã hy sinh bản thân mình để cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hoài bão cao quý nhất của Bác chính là lý tưởng yêu nước, lý tưởng giải phóng cho dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho từng mái nhà, từng người dân lầm than.

thi-dua-g
Hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là hình ảnh ý nghĩa nhất đối với dân tộc Việt Nam
Ảnh: Internet

Bác Hồ - tấm gương thi đua ái quốc của dân tộc Việt Nam

Khởi nguồn tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh là từ Mác, Ăng-ghen, Lê-nin. Theo tư tưởng của Mác, Ăng-ghen, một vấn đề liên quan đến thi đua là cạnh tranh. Mà gốc rễ của cạnh tranh là chế độ tư hữu. Điều đó có nghĩa là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hãy còn thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa, thì cạnh tranh vẫn tồn tại cùng với sự xuất hiện thi đua.

Lê-nin khẳng định rằng những người xã hội chủ nghĩa thừa nhận tính tất yếu của tự do cạnh tranh trong chế độ tư bản chủ nghĩa và còn coi cạnh tranh là một hình thức “thi đua đặc biệt” mà xã hội tư bản chủ nghĩa vốn có. Lê-nin đã chỉ ra rằng thi đua có tính tự phát trong quá trình hiệp tác lao động có “sự tiếp xúc xã hội” của con người sẽ thay đổi về chất trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Thi đua trong chủ nghĩa xã hội làm cho mọi người, mọi tổ chức cùng thi đua, hợp tác để đất nước phát triển.

Trở lại 65 năm trước, khi mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang vô cùng ác liệt, nhân dịp kỷ niệm 1000 Ngày toàn quốc kháng chiến, từ mục đích động viên tinh thần và sức lực của toàn quân toàn dân ta, nhằm đưa cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi, kiến thiết đất nước chóng thành công, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc. Người đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị. Thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người Việt Nam yêu nước. Như Bác đã nói: Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất dấu kín đáo trong rương, do vậy cần phải: Làm cho những thứ của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày, nghĩa là giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước của của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc kháng chiến, kiến quốc thi-dua-d

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản tiền thân Lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 1948 Ảnh: Tư liệu

Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục đích, phương châm, khẩu hiệu và nội dung cụ thể cho từng giới. Người tin tưởng rằng “ Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”. Người kêu gọi sức mạnh của mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Người viết:

Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,

Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

thi-dua-b
Bác Hồ nói chuyện với mẹ Suốt tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc
năm 1966. Ảnh: Internet

Trở lại từ khi phát động phong trào, Người luôn luôn quan tâm đến từng hoạt động, từng kết quả mà phong trào thi đua cả nước đạt được. Bằng các bài nói chuyện, các bài báo, Người luôn luôn tuyên truyền, động viên toàn quân, toàn dân ra sức hết mình thi đua vì sự nghiệp cách mạng của đất nước. Người dự 4 Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (Đại hội I, năm 1952; Đại hội II, năm 1958; Đại hội III, năm 1962; Đại hội IV, năm 1966). Bài phát biểu của Người tại Đại hội thi đua lần thứ nhất (1952) là những chỉ dẫn cụ thể định hướng cho phong trào thi đua: Mục đích, nội dung, phương pháp thi đua và đặc biệt, Người nêu rõ sự cần thiết phải thi đua, ý nghĩa, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước. Người còn tham dự trên 20 Đại hội thi đua của các lực lượng, các địa phương, các ngành, các giới: Quân đội, công an, phụ nữ, thanh niên, nông nghiệp, giáo dục v.v... đồng thời, viết thư kêu gọi, viết báo nêu gương các anh hùng chiến sĩ thi đua, những tấm gương người tốt, việc tốt v.v.. Mỗi hoạt động của Người đều mang ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của từng cá nhân. Bởi theo Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Từ khi phát động phong trào thi đua ái quốc (11/61948) đến năm 1969, Chủ tịch Hồ chí Minh có 200 bài nói, viết đề cập đến phong trào thi đua ái quốc; từ năm 1948 đến năm 1969 (21 năm), Đảng ta có 32 văn kiện về phong trào thi đua ái quốc. Từ những con số này, có thể nhận thấy sự coi trọng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn hết sức quan tâm, luôn luôn theo dõi sát sao thực tế thi đua của đất nước và thực hiện theo đúng phương châm “Nói đi đôi với làm”.

BH cuoc dat
Bác Hồ trực tiếp tham gia tăng gia sản xuất cùng mọi người

Thi đua ái quốc – 65 năm một sức mạnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”(1). Sự lãnh đạo ở đây chính là sự lãnh đạo thống nhất, có sự phối hợp giữa Đảng, Chính quyền với các Đoàn thể nhân dân, bảo đảm các hoạt động thi đua ăn khớp với nhau, đảm bảo thực hiện đúng mục đích chung, nhằm hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Thời gian qua, với sự lãnh đạo đúng đắn, sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị, các ngành, các địa phương, các Đoàn thể đều đẩy mạnh phong trào thi đua, tạo thành các cao trào thi đua yêu nước trong cả nước, trong từng giai đoạn cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

thi-dua-c
Hình ảnh phong trào Hũ gạo cứu đói

Những phong trào thi đua của những năm chiến tranh đã tạo nên một không khí học tập, sản xuất, chiến đấu mạnh mẽ trên khắp cả nước. Trong đoạn kết của Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập (2/91945-2/9/1948), Bác Hồ đã nhấn mạnh:

“ Hỡi đồng bào

Hỡi chiến sĩ! Hăng hái tiến lên

Đánh tan bọn thực dân cướp nước!

Việt Nam thống nhất và độc lập muôn năm”(2)

Lời thúc giục của Bác Hồ khi ấy là động lực thúc đẩy cho từng con người cả nước bất cứ già trẻ, gái trai, bất cứ làm công việc gì cũng đều cố gắng bởi mục tiêu “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!/ Thi đua ái quốc nhất định thành công!3).

Trải qua thời kỳ kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, các phong trào thi đua thực sự đã khơi dậy lòng yêu nước ẩn sâu trong từng con người, động viên được sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân ta, góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đến thắng lợi cuối cùng. Bước sang những năm đầu đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác thi đua khen thưởng chưa được coi trọng đúng mức. Từ năm 1969 đến năm 2010 (41 năm), Đảng ta chỉ có 17 văn kiện về phong trào thi đua ái quốc. Năm 1987, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương bị giải thể, thi đua chưa thực sự là động lực thúc đảy, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trước tình hình đó, ngày 3/6/1998, Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng ta ra Chỉ thị số 35-CT/TƯ về đổi mới công tác thi đua – khen thưởng trong giai đoạn mới.  Trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động thi đua ái quốc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã khẳng định: “Thi đua yêu nước sẽ là động lực mạnh mẽ giúp nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Những thành tựu quan trọng của sự nghiệp đổi mới thời gian qua cũng chính là thành tựu của các phong trào thi đua đầy tính sáng tạo từ cơ sở, từ nhân dân”.

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thi đua ái quốc

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới, Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch 05 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng thời chỉ đạo hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Quyết thắng và phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc của các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng đã không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào thi đua tạo không khí sôi nổi, hào hứng nhằm khích lệ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị tự giác, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hàng năm, Đảng ủy đoàn 969, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ban Quản lý Lăng và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng đã tổ chức quán triệt thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các mục tiêu thi đua, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Cụ thể:

Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động các phong trào thi đua “Mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân quyết thắng”;“Lập công dâng Bác”; “Đoàn kết lập công, phát huy truyền thống”;“Âm vang Điện Biên Phủ trên không”; “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy và phong tràoQuản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông.

Trung đoàn 375 tổ chức phong trào thi đua kết hợp chặt chẽ với học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “CAND chấp hành nghiêm Điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”.

Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã phát động các đợt thi đua “Mừng Đảng, mừng Xuân”, phong trào “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng KHCN&MT đã phát động các phong trào thi đua “Đoàn kết, lập công, mừng Xuân, dâng Đảng”, thi đua “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phong trào “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật”“Tiến quân vào khoa học”.

Cơ quan Văn phòng phát động các đợt thi đua “Mừng Đảng, mừng xuân, ra quân quyết thắng”, “ Lập công dâng Bác”, “Chủ động sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, lập công quyết thắng”, “Vinh quang con đứng bên Người”, 30 ngày đêm, đoàn kết lập công phát huy truyền thống”.

Các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý đã tập trung nâng cao nhận thức, quán triệt kịp thời các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; chủ động xây dựng và triển khai tốt các nội dung, chương trình, kế hoạch công tác, bổ sung thêm các nội dung tiêu chí thi đua; thực hiện tốt việc đăng ký, ký giao ước thi đua, đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể và có nhiều hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị. Hơn nữa, các phong trào thi đua kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước và các lực lượng trong Ban như giao lưu thể dục thể thao giữa các cơ quan, đơn vị; phối hợp tổ chức giao lưu, tuyên dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tiếp tục tuyên truyền thành tích xuất sắc và những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, những gương người tốt, việc tốt trong thực hiện nhiệm vụ.

thi-dua-k

Hội nghị Tuyên dương các điển hình tiên tiến nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra
Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc năm nay, với hoạt động tuyên dương các điển hình tiên tiến, tổ chức giao lưu văn nghệ, thi viết tìm hiểu về Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dấy lên một không khí phong trào sôi nổi đến từng tập thể, từng cá nhân. Tại Hội nghị này, Ban Quản lý Lăng đã biểu dương và tôn vinh 85 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã đạt được những thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

thi-dua-h
Chương trình Giao lưu văn nghệ ngập tràn màu sắc nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Tại Cuộc hội thảo Quốc tế “Hồ Chí Minh - Việt Nam và Hòa bình thế giới” (tổ chức tại Calculta - Ấn Độ, trong hai ngày 14 – 16/1/1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ còn sống mãi”. Đại tướng cũng nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh, vị Anh hùng của nhân dân Việt Nam, người bạn chung thủy của các dân tộc và nhân dân tiến bộ trên Thế giới, là một nhà tư tưởng, một nhà hiền triết – hành động, luôn luôn kết hợp lý luận với thực tiễn”. Thực tế, phong trào Thi đua ái quốc chính là minh chứng xác thực giữa sự kết hợp của lý luận cách mạng và thực tế cách mạng. Đó là động lực thúc đẩy cách mạng Việt Nam có được những bước tiến trong suốt chặng đường dài đã qua và chặng đường dài phía trước!

Và một tháng Năm nữa đến, những người con Việt Nam lại xao xuyến nhớ về hình ảnh Người thanh niên của những ngày đầu tháng 6 năm 1911, hình ảnh Người thanh niên trong Đại hội Đảng xã hội Pháp lần thứ XVIII tháng 12 năm 1920... và hình ảnh của Người trong những giây phút lịch sử của dân tộc ta. Người chính là tấm gương thi đua tiêu biểu của dân tộc, là động lực thúc đẩy cho cả dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng đất nước...

Nguyễn Thị Thanh Huyền
Phòng Pháp chế - Thi đua khen thưởng

(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, s,đ,d, tr270; (2): Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, s,đ,d, tr488; (3): Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, s,đ,d, tr455.

Bài viết khác: