Thi dua chinh la 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức mẫu mực, luôn đi đầu trong việc

thực hiện các phong trào thi đua. Ảnh internet

“Yêu nước” là một khái niệm rộng và bao quát, nhưng lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận khái niệm “yêu nước” với tư tưởng hết sức tiến bộ, giản dị và dễ hiểu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Để giải thích cho luận điểm “thi đua là yêu nước”, Người chỉ rõ: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đều tăng năng suất từ gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp đôi, nếu tất cả những người lao động nước ta - bộ đội, công, nông, lao động trí óc - đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi. Ta sẽ diệt giặc gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu nước mạnh”.

Để phong trào thi đua ái quốc phát triển sâu rộng, nền nếp, trở thành cao trào cách mạng của nhân dân, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cách mạng nước ta, ngày 01-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương và các cấp.

Sau đó, ngày 11/6/1948, Người đã lần đầu tiên ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ mục đích của việc phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc: Diệt giặc đói; diệt giặc dốt; diệt giặc ngoại xâm với cách làm là dựa vào lực lượng và tinh thần của dân để đạt kết quả: Dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc. Có thể thấy  rằng, thi đua là hoạt động tích cực sáng tạo, là sự phấn đấu vươn lên giành lấy kết quả tốt đẹp hơn, muốn vậy thi đua phải có mục đích tốt đẹp, mục tiêu rõ ràng, cụ thể.

Sau khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phong trào thi đua ái quốc (sau gọi là thi đua yêu nước) được duy trì rộng khắp và bài bản, tùy theo tình hình thực tế của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử mà đ ra những yêu cầu, mục đích khác nhau và cứ cách vài năm, các Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc được tổ chức một lần. Trong những kỳ Đại hội ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tham dự và tận tình quan tâm, động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời.

thi-dua-la-chinh-b

Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim Bình (5-1952). Ảnh internet

Trong bài phát biểu trước các chiến sĩ thi đua, ngày 03-5-1952, Người đã dạy: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Người cho rằng, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Chính bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực, bao giờ cũng đi đầu trong việc thực hiện các phong trào được phát động. Người chính là một chiến sĩ tiên phong trong tất cả các phong trào thi đua cách mạng ở nước ta.

Thi dua chinh la 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (27/5/1957). Ảnh internet

Về công tác thi đua, Người còn chỉ ra: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính…”. Thi đua lập thành tích cao nhưng bên cạnh đó vẫn phải thực hành tiết kiệm, không vì thành tích mà sử dụng nhân lực, vật lực một cách lãng phí. Thi đua phải dựa trên sự minh bạch, không chạy theo thành tích mà lấp liếm mặt xấu, khoa trương mặt tốt, báo cáo sai sự thật.

Thi dua chinh la 4

Nông dân Hải Hưng (nay là Hải Dương) báo cáo kết quả sản xuất với

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958. Ảnh internet

Do đó, chỉ có dựa trên “cần, kiệm, liêm, chính” thì phong trào thi đua yêu nước mới có thể tiến hành liên tục và lâu dài. Bác đã từng nhắc nhở: “Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ”.

Để các phong trào thi đua yêu nước phát triển lâu dài thì các phong trào đó phải xuất phát từ thực tiễn, từ đời sống và hoạt động sản xuất hàng ngày, không nên quá xa vời, quá to tát. Vì thế mà Người đã khẳng định rõ: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”.

Trong công tác thi đua, một mặt nữa rất quan trọng đó là khen thưởng. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Chính trên nền tảng của phong trào thi đua yêu nước sôi nổi mới có thể lựa chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất, đầy đủ và kịp thời nhất cho việc khen thưởng. Người chỉ rõ: “Thi đua thì phải khen thưởng, khen thưởng để đẩy mạnh thi đua”. Thi đua và khen thưởng bổ sung, hỗ trợ cho nhau và phải luôn gắn bó với nhau.  Theo Bác Hồ: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”.

thi-dua-la-chinh-5

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trao thưởng cho những công nhân nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh - Giải thưởng trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Ảnh internet

Chuyện kể rằng, khi đến dự Đại hội tổng kết thi đua ngành Giao thông vận tải (24-3-1966), Bác nói: Bác nghèo không có gì thưởng, Bác đi bắt tay một cái...!. Chỉ bằng một hành động rất bình dị, chân tình nhưng Bác đã tỏ rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thái độ trân trọng của nhân dân trước những thành tích được ghi nhận trong phong trào thi đua của ngành.

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Viện Huân chương (nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) với nhiệm vụ giúp Ðảng, Nhà nước nghiên cứu chủ trương, chính sách khen thưởng, quản lý công tác khen thưởng của Nhà nước. Ngoài ra, Người còn rất quan tâm đến việc biểu dương và phát huy tác dụng của những tấm gương “Người tốt, việc tốt”. Người gạch chân những dòng chữ đưa tin về gương “Người tốt, việc tốt” trên các báo chí, giao Viện Huân chương thẩm tra để trình Chính phủ khen thưởng kịp thời và Người gửi tặng Huy hiệu. Người còn khuyến khích làm sách “Người tốt, việc tốt” để những tấm gương thi đua được phổ biến rộng rãi trong xã hội.

Trải qua 65 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948) cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất đất nước và đang vững bước trên con đường đổi mới. Có thể nói, việc đề ra và phát động các phong trào thi đua luôn xuất phát, gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng mà cụ thể hóa thành các nội dung thi đua trong từng phạm vi lĩnh vực cụ thể, đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

binh dan hoc vu

Phong trào “Bình dân học vụ”. Ảnh internet

to phu nu trung hau dam dang

Tổ Phụ nữ “Trung hậu, đảm đang” Gia Lương (Gia Bình, Lương Tài, Bắc Ninh) trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh internet

Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước khi Đảng và Nhà nước ra đề ra đường lối đổi mới toàn diện, nước ta đang trong một tình trạng trầm trọng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội. Đặc biệt là sau thời kỳ Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, công tác thi đua khen thưởng bị buông lỏng và hoạt động mang nhiều tính tự phát; chủ yếu công tác thi đua do các đoàn thể tổ chức, thực hiện, thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc định hướng thực hiện các phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Về công tác khen thưởng vẫn được duy trì, nhưng chủ yếu tập trung vào khen thưởng thành tích kháng chiến.

Năm 1987, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương bị giải thể, thi đua chưa thực sự là động lực thúc đẩy, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái lao động sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu của tình hình thực tiễn, ngày 3-6-1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 35-CT/TƯ về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Trong đó, Đảng ta khẳng định rõ trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay, trước những thời cơ và thách thức vô cùng to lớn, công tác thi đua, khen thưởng càng có vị trí, vai trò rất quan trọng. Từ đây, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động với khí thế rất sôi nổi, thiết thực và thu được nhiều kết quả tốt như: Phong trào “Ngày vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Mùa hè xanh”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Hiến máu nhân đạo” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội….Kết quả của những phong trào thi đua yêu nước đó đã góp một phần không nhỏ thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước….

mua he xanh

Phong trào “Mùa hè xanh” của tuổi trẻ Việt Nam. Ảnh internet

Sau khi tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ra Chỉ thị số 39/CT-TƯ về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; ngày 30/8/2010, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Kết luận số 83-KL/TƯ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TƯ; Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và Kế hoạch 05 năm (2011 - 2015); tại Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…”; việc ra đời của Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi bổ sung 2005) và các văn bản hướng dẫn thi hành…..Những chủ trương, chính sách đó một lần nữa đã khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước tới công tác thi đua, khen thưởng, tới các phong trào thi đua yêu nước vì mục tiêu chung là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, toàn xã hội quyết tâm vươn lên “đi tắt đón đầu” nắm bắt những tri thức tiên tiến, theo kịp bước phát triển của khoa học - công nghệ thế giới, đồng thời càng khẳng định giá trị và ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước mà Bác Hồ kính yêu đã kêu gọi chúng ta cách đây tròn 65 năm.

Ngày nay, khi đất nước ta đang trên đà phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trước những thời cơ và thách thức to lớn, công tác thi đua luôn là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải phát huy cao độ lòng yêu nước trong mỗi con người, cần tiếp tục đẩy mạnh và phát triển phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực với những hình thức, nội dung, phương thức thực hiện mới để lôi cuốn, động viên khuyến khích mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, phấn đấu thi đua lập thành tích trong học tập, lao động sản xuất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay, công tác thi đua, khen thưởng có nơi, có lúc vẫn còn nhiều bất cập cần phải sớm đề ra các biện pháp khắc phục. Hình thức và nội dung thi đua, khen thưởng còn chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, nhiều khi mang tính hình thức tượng trưng, áp đặt từ trên xuống; nhận thức về thi đua, khen thưởng còn chưa sâu sắc, đúng đắn; việc khen thưởng còn tràn lan, cào bằng; khen thưởng chưa kịp thời, chưa chính xác; quan niệm về khen thưởng, khuyến khích tinh thần và vật chất chưa đúng đắn; còn tồn tại các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong việc suy tôn, bình xét khen thưởng; thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà….Chính những tồn tại, bất cập này phần nào đã làm giảm ý nghĩa và vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Để khắc phục một số bất cập cơ bản nhằm nâng cao vị thế và vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới, thiết nghĩ việc đổi mới công tác chỉ đạo, lãnh đạo, xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đồng thời đổi mới hình thức, nội dung thi đua, khen thưởng là rất cần thiết. Nội dung, mục tiêu thi đua phải được xây dựng một cách gần gũi, cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn với từng cơ quan, đơn vị, từng địa phương; cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến để mỗi cá nhân hiểu, ý thức được và tự giác, hăng hái thực hiện thi đua yêu nước; đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng bằng việc tiếp tục tập trung quán triệt sâu sắc, đầy đủ, toàn diện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như Chỉ thị số 39/CT-TƯ của Bộ Chính trị, Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành…nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên làm công tác thi đua, khen thưởng, làm cho cán bộ trong toàn hệ thống chính trị phải coi công tác thi đua, khen thưởng là động lực cách mạng to lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thực hiện tốt nhiệm vụ hàng ngày của mình, thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.

thi-dua-k

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng

 trao thưởng cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc

Trong những năm qua, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng, triển khai thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức sôi nổi phong trào thi đua gắn với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, như phong trào “Mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân quyết thắng”; “Lập công dâng Bác“, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới“ của  Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “CAND chấp hành nghiêm Điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” của Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; phong trào “Mừng Đảng, mừng Xuân”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình; phong trào “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật”, “Tiến quân vào khoa học” của Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng KHCN&MT và phong trào “Chủ động sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, lập công quyết thắng”, “Vinh quang con đứng bên Người” của Cơ quan Văn phòng Ban Quản lý Lăng.

Tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2008-2012, các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng đã biểu dương, khen thưởng 658 lượt tập thể và 2.797 lượt cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ.

Thiết thực kỷ niệm 123 năm Ngày sinh nhật Bác và kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2013), các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức cho các điển hình tiên tiến tham quan học tập tại Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên; Khu Di tích lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang; phối hợp với các Bộ, ngành trong Khối thi đua Nội chính Trung ương và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức thành công Chương trình “Giao lưu văn nghệ” và Hội nghị tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trải qua hơn sáu thập kỷ, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng ngời sức mạnh bền bỉ, vẹn nguyên giá trị sâu sắc cho đến tận ngày nay và mãi về sau. Tư tưởng, tấm gương đạo đức ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về thi đua yêu nước mãi là kim chỉ nam hành động cho các thế hệ Việt Nam học tập và làm theo, đoàn kết đồng lòng, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống yêu nước, biến các phong trào thi đua thành động lực cách mạng, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Với ý nghĩa lịch sử sâu sắc của phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, ngày 04 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 258/QĐ-TTg chính thức lấy ngày 11 tháng 6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước nhằm tôn vinh truyền thống thi đua yêu nước của nhân dân ta trong việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước./.

Cao Thị Huyền Trang

Phòng Pháp chế - Thi đua khen thưởng

Bài viết khác: