Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu Di tích) là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên phủ Chủ tịch, thuộc trung tâm chính trị Ba Đình, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp Hồ Tây; phía Nam giáp Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh; phía Tây liền kề với Bách Thảo; phía Đông nhìn thẳng ra đường Hùng Vương, Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945.

nha san 2
Ngôi nhà sàn mang hình bóng Bác.

Diện tích toàn bộ Khu Di tích rộng hơn 14 ha, bao gồm: Nhà cửa, vườn cây xanh, thảm cỏ, ao cá và sân, đường đi lối lại. Theo tính chất của các công trình kiến trúc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích được chia thành ba khu: A, B, C. Khu A bao gồm các Di tích chính: Di tích Nhà 54, Di tích Nhà sàn gỗ, Di tích Nhà 67 và các Di tích khác (vườn cây xanh, ao cá, nhà bếp và xe ô tô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng); Khu B và C gồm có Nhà khách Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh(1).

Hiện nay, tại khu B, C, Nhà nước và Chính phủ vẫn đang làm việc, chỉ có khu vực xung quanh Phủ Chủ tịch và các Di tích chính ở khu A được đưa vào hoạt động, phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến tham quan. Trong đó, di tích trung tâm, nơi có lẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến thăm Khu di tích là ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ, giản dị. Đây là công trình đặc biệt và quan trọng nhất của Cụm Di tích, là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bác với Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Di tích Nhà sàn gỗ (Nhà sàn) là biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đồng thời thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách, con người, lối sống thanh cao mà giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng trở về Thủ đô. Lúc này, Người chỉ ở ngôi nhà được bố trí cho một người thợ điện tại đây. Căn nhà một tầng, muỗi nhiều, Bộ Chính trị có ý định xây một căn nhà để Bác ở, nhưng Người chưa đồng ý(2). Mãi đến năm 1957, kinh tế ở miền Bắc dần khôi phục, cơ sở vật chất của xã hội bước đầu được củng cố và phát triển, sau chuyến thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về, Bác đã đồng ý và lựa chọn kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc.

Mùa hè năm 1958, ngôi nhà được giao cho Cục Thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn – ngôi nhà quen thuộc của Bác ở chiến khu Việt Bắc. Người trực tiếp đảm nhận là kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục trưởng Cục Thiết kế dân dụng, Bộ Kiến trúc. Trong quá trình tổng duyệt bản thiết kế, Bác trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh chỉnh sửa một số chi tiết rất cụ thể, tỉ mỉ: Tầng trên làm hai phòng nhỏ, mỗi phòng vừa đủ cho một người ở; lợi dụng vách ngăn hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng; riêng phần Bác chỉ cần một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa…

Ngày 15/4/1958, Nhà sàn được khởi công xây dựng. Ngôi nhà hai tầng được làm bằng gỗ dổi - loại gỗ thông thường trong xây dựng dân dụng, mái nhà lợp ngói, dài 10,5m, rộng 6,2m. Tầng trên có hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng khoảng 10m2 dùng để ngủ và làm việc, với những tiện nghi sinh hoạt hết sức đơn giản. Phòng làm việc có một bàn, một ghế, một giá sách. Ngăn dưới cùng giá sách là chiếc máy chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để soạn thảo nhiều văn bản quan trọng có tính chất định hướng cho cách mạng. Tại phòng ngủ, tiện nghi sinh hoạt cũng đơn giản như ở mọi gia đình người dân Việt Nam thời đó. Mùa hè trên chiếc giường gỗ trải chiếu cói, mùa đông có thêm tấm đệm, chăn bông và một lò sưởi điện nhỏ. Tầng dưới kê một bộ bàn ghế lớn. Đây là nơi họp Bộ Chính trị, cũng là nơi tiếp một số đoàn khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đoàn cán bộ miền Nam và các cháu thiếu nhi. Nhà sàn nằm gọn trong khu vườn Phủ Chủ tịch, bên cạnh ao cá, giữa vườn cây với nhiều loại cây của ba miền như nhài, ngâu, dâm bụt, phượng vĩ, cam, bưởi, chuối, vú sữa, dừa...

Ngày 17/5/1958, đúng dịp mừng sinh nhật lần thứ 68 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi nhà được khánh thành. Bác tổ chức một buổi liên hoan nhỏ ngay tại gian dưới Nhà sàn để cảm ơn kiến trúc sư cùng tất cả anh em trong đơn vị thi công; buổi liên hoan diễn ra trong không khí thân tình và đầm ấm. Bác mời mọi người uống nước, ăn bánh kẹo, chụp ảnh chung và bắt tay cảm ơn từng người. Bác khen ngợi: “Các chú làm như thế là nhanh, tốt, đảm bảo thời gian, nhưng còn khuyết điểm là tốn kém”.

Ngôi nhà sàn được xây dựng trong khu vực có nhiều cây cối xung quanh và gần hồ nước vì vậy có rất nhiều muỗi. Tuy đã được quét dọn sạch sẽ, nhưng mỗi khi Bác ngồi làm việc, nhất là vào ban đêm khi ánh đèn bật sáng, muỗi từ các lùm cây lại bay vào “làm phiền” Bác. Anh em cảnh vệ kể lại những đêm Bác làm việc khuya nghe tiếng phất muỗi của Bác, trong lòng thương Bác vô cùng. Biết được câu chuyện ấy, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh vô cùng xúc động, sau nhiều lần bàn tính cuối cùng ông đã ra phương án tối ưu là dùng lưới đồng nhỏ căng lên các ô cửa sổ, như vậy vừa ngăn được muỗi vừa tạo cho căn phòng thoáng mát vào mùa hè, nhưng lại lo Bác không đồng ý vì tốn kém. Nhân một chuyến Bác đi công tác vắng nhà, kiến trúc sư và anh em phục vụ đã lặng lẽ thực hiện phương án trên và hoàn thành trước khi Bác trở về. Kiến trúc sư tâm sự: “Không biết hôm về, trông thấy lưới đồng, Bác có phê bình các anh trên ấy không? Nhưng riêng về phần tôi, giá Bác có gọi lên khiển trách, tôi sẵn sàng nhận khuyết điểm trước Bác về sự tốn kém này. Chứ để Bác hàng ngày cứ phải cầm quạt để phất muỗi trong khi làm việc như vậy thật không ai đành tâm được”(3).

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một cuộc sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”. Họa sĩ Diệp Minh Châu trong hồi ký của mình cũng cho ta hình dung rõ nét về sự giản dị của ngôi nhà một vị chủ tịch: “Nhà Bác đơn sơ một cách lạ lùng. Ấy là ngôi nhà sàn có 6 chân cột. Đứng dưới đất có thể với tay tới. Khi lên thang phải lom khom mới vào nhà được. Nhà sàn chỉ rộng bằng hai bộ phản vừa đủ chỗ mắc màn, dưới sàn là một bếp lửa. Ngoài hàng hiên kê một chiếc bàn thấp, nhỏ, đã cũ. Bác vẫn ngày ngày ngồi xếp bằng làm việc trên chiếc bàn đó. Sau lưng vách chỗ Bác ngồi, có mắc những ống tre để công văn các nơi gửi đến”.

Nhà sàn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có quãng thời gian sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Tại ngôi nhà gỗ đơn sơ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều tác phẩm thiêng liêng, giá trị, tiêu biểu, một trong số đó chính là bản Di chúc lịch sử. Mỗi câu, mỗi chữ của bản Di chúc đều dạt dào cảm xúc, chứa chan tình yêu và sự gắn bó sâu xa với con người, cuộc đời và thiên nhiên. Di chúc là một áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập,cho hoà bình, công lý, cơm áovà hạnh phúc của con người.

Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Người khẳng định ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ dân tộc Việt Nam đứng lên giành chiến thắng. Cũng từ đó, nó đã trở thành chân lý của thời đại(4)

Tổng thống Liên bang Nga V. Putin khi đến thăm Nhà sàn Bác Hồ vào tháng 2/2001 đã viết: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ mới, thế kỷ của hòa bình tiến bộ; song những tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng cho tương lai, và lịch sử thế giới mãi nhắc về Người như một bậc thánh nhân”(2).

Nhà sàn cũng là nơi thể hiện sâu sắc lòng yêu mến con người, đạo đức con người rất đỗi bình thường trong phong cách và lối sống giản dị, tiết kiệm đến mẫu mực của một vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân. Nhà sàn đã chứng kiến sự quan tâm của Bác dành cho tất thảy mọi người, trong đó có cả các cháu thiếu nhi. Khi xây dựng tầng dưới căn nhà, Bác dặn xung quanh xây bệ xi măng, bên trên lát ván gỗ, để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm có đủ chỗ ngồi. Ngoài ra, Bác còn cho anh em phục vụ đặt thêm bể cá vàng cho các cháu vui chơi. Bác còn dặn phải làm hành lang xung quanh để khi có các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác có lối đi. Hiếm có một vị lãnh tụ quốc gia nào lại để ý từng chi tiết nhỏ, lại quan tâm đến từng lớp người dân đến quên mình như vị Chủ tịch kính yêu của chúng ta. Cũng tại đây, khi nghe tin Hợp tác xã Ngũ Xá có ý định đúc tượng Bác bán thân bằng đồng, ngày 11/01/1969, Bác bảo đồng chí phục vụ: “Chú sang nói với Trung ương, trong lúc đồng khan hiếm không được làm như vậy. Đem số tiền định đúc tượng Bác xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng, liệt sĩ sao không đúc tượng lại đúc tượng Bác”(2).

Hiện nay, Khu Di tích đang trưng bày các hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau. Các di tích, hiện vật, tài liệu được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc.Trên bàn làm việc vẫn còn lại những kỷ vật của Người. Đó là những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng. Chồng sách ngoài cùng là loại sách nói về người tốt, việc tốt của các giới, các ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người trực tiếp theo dõi việc xuất bản loại sách này. Hai chồng sách phía trong là những cuốn sách bằng tiếng nước ngoài, ở đây có sách của V.I Lênin viết về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, sách của các tác giả nước ngoài viết về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở ngay trong lòng nước Mỹ. Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có chiếc đài bán dẫn của bà con Việt Kiều Thái Lan kính biếu Người và chiếc khay đựng bút bằng đá mầu đen hình con thuyền, kỷ vật của Chủ tịch nước cộng hoà nhân dân Cu Ba tặng Người năm 1967. Phía cuối phòng có chiếc ghế chao (ghế xích đu) bằng mây, Người thường nghỉ ngơi vào buổi trưa hoặc sau giờ làm việc, sau khi tiếp khách về(4). Toàn bộ tài liệu hiện vật, nhà di tích, cảnh quan không chỉ phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, thiên tài lãnh đạo của Người đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta mà còn cho chúng ta thấy những phẩm chất cao quý, tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ.

Có thể nói, ngôi nhà là một công trình kiến trúc nhỏ nhưng chứa đựng giá trị tinh thần, tư tưởng sâu sắc và là di sản văn hóa lớn lao. Nhà sàn là một phần quan trọng trong quần thể Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thuộc Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình. Đây là Cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt của Thủ đô và cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2009. Nơi có nhiều công trình có giá trị di sản lịch sử văn hóa đặc biệt về Bác Hồ đang được bảo quản, gìn giữ và phát huy phục vụ đồng bào trong nước và khách quốc tế theo một hành trình khép kín: Vào Lăng viếng Bác, tham quan Khu Di tích của Người tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hàng năm, các cơ quan đơn vị của Cụm Di tích đã phục vụ, đón tiếp trên hai triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập di sản Hồ Chí Minh. Nhất là từ năm 2003, khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và năm 2006 phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân”. Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã trở thành địa chỉ đỏ cho các tổ chức, đoàn thể, quần chúng nhân dân nghiên cứu, học tập và hưởng ứng các cuộc vận động này.

Mỗi một đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình là một mắt xích quan trọng, không thể tách rời trong công cuộcbảo tồn, phát huy ý nghĩa giá trị di sản Hồ Chí Minh phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các thế hệ hiện tại và tương lai, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Vì vậy, để nâng cao chất lượng bảo tồn, phát huy ý nghĩa giá trị Nhà sàn, phải có sự gắn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, khoa học giữa các đơn vị trong Cụm Di tích, cụ thể ở đây là Ban Quản lý Lăng và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Từ thực tế công tác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, để góp phần phát huy giá trị văn hóa Di tích Nhà sàn trong giáo dục, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi đề xuấtcần quan tâm thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, nâng cao hơn nữa ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của các hoạt động văn hóa, sinh hoạt chính trị trước Lăng gắn vớitham quanDi tích Nhà sàn.Từ ngày mở cửa Lăng Bác đến nay, đơn vị đã phục vụ hàng nghìn hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa, giáo dục tinh thần của các tổ chức chính trị, đoàn thể. Trước anh linh của Người, mỗi người con Việt Nam ưu tú bày tỏ lòng thành kính, đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh; những di sản cao quý Người để lại đã trở thành kim chỉ nam cho đời sống tinh thần, chính trị của người dân Việt Nam hiện nay và ngàn đời sau. Kết hợp với hoạt động vào Lăng viếng Bác và tham quan Nhà sàn – nơi lưu giữ những hiện vật của Bác sẽ càng làm sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi của di sản Nhà sàn, thể hiện quyết tâm trong công cuộc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhà sàn cùng với các di vật, hiện vật, tài liệu đang được trưng bày trong ngôi nhà thể hiện tấm gương đạo đức, cuộc sống đời thường thanh bạch, giản dị; phong cách làm việc, sự tinh tế trong ứng xử của Bác với con người và thiên nhiên; nơi tỏa sáng nhân cách một nhà văn hóa lớn trọn đời vì nước vì dân; là xuất phát điểm của những tư tưởng, đường lối chiến lược, những văn kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc, nơi hội tụ tình cảm của Người với bạn bè năm châu thế giới, hội tụ tình đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Hai là, tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và giữ gìn nguyên trạng, lâu dài Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình nói chung và Nhà sàn nói riêng. Công tác bảo quản Di tích phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày, kết hợp giữa bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, được thực hiện theo các chế độ khác nhau: Chế độ bảo quản thông thường phục vụ khách tham quan Di tích được thực hiện trước và sau giờ phục vụ khách tham quan; chế độ bảo quản định kỳ ngắn hạn, dài hạn cũng là những công việc bảo quản thông thường nhưng được thực hiện theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, quý, 6 tháng và năm. Bên cạnh đó, chế độ tu bổ định kỳ và chống xuống cấp cũng cần được quan tâm sâu sát. Để nâng cao chất lượng bảo quản, phải tích cực nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn.

Ba là, thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích, đặc biệt là đối với Nhà sàn - Di tích trung tâm của Khu Di tích, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích.Kết hợp tổ chức các Hội thảo, tọa đàm khoa học phối hợp giữa Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Lăng đi sâu phân tích ý nghĩa, giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh qua Di tích Nhà sàn cùng với các di vật, hiện vật, tài liệu đang được trưng bày.  Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả đối với công tác bảo quản phục vụ khách tham quan Di tích Nhà sàn, các biện pháp để phát huy giá trị Di tích Nhà sàn một cách đầy đủ và hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ hiện tại và tương lai.

Bốn là, đổi mới công tác đón tiếp, tuyên truyền;nội dung thuyết minh, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền. Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần quan tâm thúc đẩy hình thức truyền thông đa phương tiện, bắt kịp với xu hướng trong nước và quốc tế. Trong đó chú trọng đăng tải bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng và Website của Khu Di tích; nền tảng mạng xã hội(Zalo, Facebook...), qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trên panô, áp phích, hệ thống phát thanh. Cùng với đó, cần phải thường xuyên quan tâm chăm lo đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nhà sàn cả về đạo đạo đức, trình độ và năng lực công tác ngang tầm với nhiệm vụ được giao; bảm đảm đội ngũ làm công tác tuyên truyền vừa hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vừa phải có nghiệp vụ, trình độ, chuyên môn để tạo ấn tượng tốt đẹp về thái độ tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự giúp khách tham quan tìm hiểu đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa Nhà sàn.

Năm là, thực hiện tốt công tác sưu tầm, bổ sung, cập nhật các tư liệu, hiện vật, hình ảnh hoạt động của Nhà sàn; tập hợp các cảm tưởng, lưu bút của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham quan, góp phần quảng bá, tuyên truyền về Nhà sàn nói riêng và Khu Di tích nói chung với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Cần sử dụng nhiều câu chuyện kể, những chi tiết chọn lọc có định hướng về cuộc sống, phong cách làm việc, cách ứng xử của Người với cán bộ, đồng chí, đồng bào, các nguyên thủ quốc gia cũng như ý nghĩa của mỗi tài liệu, hiện vật trưng bày. Kết hợp trang bị đầy đủ hạ tầng cần thiết để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, trong đó tập trung hoàn thiệntôn tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp tạo ấn tượng tốt với khách tham quan và bè bạn quốc tế.

nha san 3
Ngôi nhà sàn hàng ngày vẫn đón đông đảo Nhân dân, khách quốc tế đến tham quan.

65 năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ về ở và làm việc tại ngôi nhà sàn gỗ, công tác bảo vệ bảo quản, giữ gìn các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan, vườn cây, ao cá Khu Di tích vẫn được thực hiện chu đáo như khi sinh thời Bác sống. Với tất cả tấm lòng, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã làm cho mỗi du khách khi vào tham quan nơi đây đều như thấy lại hình bóng Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hoá lớn vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Với những gì đã "chứng kiến", những gì đang được lưu giữ và trưng bày tại đây, Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi tỏa sáng một nhân cách vĩ đại, thể hiện tư tưởng, đạo đức và những phẩm chất cách mạng của một con người hết lòng vì sự nghiệp cách mạng dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị, hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Như những câu thơ trong bài “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu:

“Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”./.

Chú thích:

https://tienphong.vn/ngoi-nha-san-cua-bac-ho-da-ra-doi-nhu-the-nao-post122759.tpo

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/990860/nha-san-bac-ho---di-tich-dac-biet-the-hien-mot-nhan-sinh-quan-dac-biet

https://tienphong.vn/ngoi-nha-san-cua-bac-ho-da-ra-doi-nhu-the-nao-post122759.tpo

https://tourism.hanoi.gov.vn/explore-experience/culture-heritage/khu-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-tai-phu-chu-tich.html

Thượng tá Nguyễn Gia Chinh, Phó Chủ nhiệm Chính trị

Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: