Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước. Bản thân Người đã có hơn 200 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng. Đặc biệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động Cuộc vận động thi đua ái quốc.
Nền tảng tư tưởng vững chắc
Trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Bác nêu ra rất chi tiết, đầy đủ từ mục đích, cách làm, bổn phận của người dân, khẩu hiệu,… đến kết quả to lớn cũng như lâu dài mà Thi đua ái quốc đem lại, rồi khẳng định: “Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”(1).
Vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về thi đua, thi đua xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị. Người coi tổ chức thi đua yêu nước là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi người dân Việt Nam, biến nó thành sức mạnh, thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong bảo vệ Tổ quốc.
Bác nêu rõ: Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua, mọi việc đều thi đua. Thi đua là hoạt động tất yếu nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mỗi con người. Người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều.
- Quân đội thi đua giết giặc lập công,
- Công nhân thi đua tăng gia sản xuất,
- Nông dân thi đua sản xuất lương thực,
- Trí thức thi đua sáng tác, phát minh,
- Cán bộ thi đua cần kiệm liêm chính,
- Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến.
Bác khẳng định: Đảng phải lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước. "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng". Cần có sự lãnh đạo thống nhất, có sự phối hợp giữa Đảng, chính quyền với các đoàn thể nhân dân, bảo đảm các mặt hoạt động thi đua ăn khớp với nhau, nhằm vào mục đích chung, vào mục tiêu thi đua nhằm hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước đề ra.
Người cũng chỉ ra sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Người nói: thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Người rất quan tâm đến việc biểu dương và phát huy sức mạnh của những tấm gương “Người tốt, việc tốt” bằng cách kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, nhằm xây dựng con người mới, làm cho xã hội ngày một tiến bộ.Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng và đặt nền tảng vững chắc cho phong trào thi đua
yêu nước. Ảnh Internet
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp có những phong trào thi đua yêu nước với các tên gọi và khẩu hiệu nổi tiếng như: Yêu nước thì phải thi đua. Thi đua là yêu nước; Hũ gạo kháng chiến, Bình dân học vụ...
Trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có các phong trào thi đua điển hình như: “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Gió Đại phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong Quân đội, Thanh niên “3 sẵn sàng”, Phụ nữ “3 đảm đang”; “Hai tốt” trong trường học...
Khoảng thời gian từ 1948-1969, thi đua yêu nước đã huy động được cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, giành được những thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi này có được phần lớn là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Chỉ trong vòng 21 năm này, Đảng ta đã có 32 văn kiện về phong trào thi đua yêu nước.
Tuy nhiên, từ sau khi nước nhà thống nhất vào năm 1975, đặc biệt là sau thời kỳ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, công tác thi đua, khen thưởng bị buông lỏng và hoạt động mang tính tự phát. Về công tác khen thưởng vẫn được duy trì, nhưng chủ yếu tập trung vào khen thưởng thành tích kháng chiến. Năm 1987, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương (vốn được thành lập theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1963 nhằm giúp Trung ương Đảng và Chính phủ tăng cường lãnh đạo công tác thi đua) bị giải thể. Thống kê trong 41 năm (1969 - 2010), Đảng ta chỉ có 17 văn kiện về phong trào thi đua yêu nước. Thời kỳ này, thi đua chưa thực sự là động lực thúc đẩy, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái lao động sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trước yêu cầu mới của thời kỳ xây dựng đất nước, ngày 3/6/1998, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới, tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh coi “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”(2). Sau đó, Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương được lập lại do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch.
Năm 2004, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương được thành lập. Đến năm 2003, Quốc hội ban hành Luật thi đua, khen thưởng (Luật này được sửa đổi, bổ sung năm 2005).
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Ngày 30/8/2010, Ban Bí thư ra Kết luận về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Mới đây, Đại hội lần thứ XI của Đảng ta cũng nhấn mạnh: “Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…”.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện tốt lời kêu gọi của Bác Hồ, phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được dấy lên và đem lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ngày càng cao như: phong trào thi đua “Xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; thi đua thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân; “Phong trào dạy tốt, học tốt”; “Phong trào lương y như từ mẫu”; hai phong trào thanh niên: “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh … Thi đua khen thưởng được các cấp, các ngành, các địa phương xem là một nhiệm vụ quan trọng.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định phải gắn phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc thi kể chuyện về Người, mà các câu chuyện đó cần được vận dụng vào cuộc sống của mỗi người.
Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện theo lời Bác Hồ dạy
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là yêu nuớc, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” và “càng khó khăn thì phải càng thi đua”, những năm qua, cán bộ, viên chức Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Trung tâm) luôn quyết tâm phấn đấu, ra sức thi đua và đạt nhiều thành tích đáng tự hào, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đơn vị.
Tuy mới thành lập còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp sâu sát của các cấp ủy, phong trào thi đua trong Trung tâm đã diễn ra sôi nổi, hào hứng, góp phần cổ vũ, động viên các cán bộ, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng khối đoàn kết vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm.
Lãnh đạo Trung tâm tặng Giấy khen cho các điển hình tiên tiến
trong phong trào thi đua 5 năm (2006 - 2010)
Trong hoạt động, lãnh đạo cơ quan thường xuyên quan tâm nhắc nhở, giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành với Đảng, với nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị; nắm bắt tâm tư tình cảm của mỗi cán bộ, viên chức; lồng ghép thi đua vào công tác chuyên môn, lấy phong trào thi đua làm động lực thúc đẩy công tác chuyên môn, nhưng đồng thời cũng lấy kết quả công tác chuyên môn làm tiêu chí đánh giá thi đua. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện mạnh mẽ, nhờ đó hiệu quả hoạt động của Trung tâm ngày càng được nâng cao. Các cán bộ, viên chức luôn xem lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho hành động, tích cực tham gia thi đua, góp phần thúc đẩy sự phát triển các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Nhờ triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về thi đua khen thưởng, cán bộ, viên chức Trung tâm đã có những chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động, cùng đoàn kết phát huy tinh thần yêu nước, tình yêu, trách nhiệm với công việc, với cuộc sống, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hàng năm, Hội đồng thi đua - khen thưởng đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, xây dựng các kế hoạch, nội dung và biện pháp thích hợp nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, viên chức; kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức phát động, đăng ký giao ước thi đua, nhất là phát động các đợt thi đua cao điểm lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn trong năm.
Với đặc thù phần lớn là các cán bộ, viên chức trẻ, yêu cầu công việc trong đơn vị sự nghiệp ngày càng cao nên cùng với việc ra sức thi đua trong công việc, cán bộ, viên chức cũng đã tích cực thi đua trong học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ theo lời dạy của Bác: cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân dân”(3). Riêng trong năm 2012, toàn đơn vị có 13 lượt cán bộ, viên chức trên tổng số 18 người tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cao học, đại học, chuyên viên, chuyên viên chính, kỹ sư chính, cao cấp lý luận chính trị - hành chính, tin học, ngoại ngữ. Đây là nỗ lực lớn của lãnh đạo đơn vị, của bản thân các cán bộ, viên chức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Viên chức Trung tâm không ngừng thi đua trong học tập nâng cao trình độ, làm chủ được công nghệ mới
Đơn vị tích cực tham gia các phong trào thi đua do Ban Quản lý Lăng phát động như văn nghệ, thể thao, thi viết bài tìm hiểu về các sự kiện lịch sử đất nước… Các tổ chức quần chúng cũng đang phát huy tốt vai trò động viên, tổ chức các phong trào thi đua như “5 nhất, 3 không” của tổ chức công đoàn; “Phụ nữ tích cực lao động, học tập, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của phụ nữ…
Cán bộ, viên chức tích cực viết bài trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng. Qua các phong trào thi đua yêu nước, cán bộ, viên chức trên tất cả các lĩnh vực công tác đã hoàn thành tốt công việc với tinh thần làm việc tận tụy, có trách nhiệm cao. Có nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước đã được biểu dương, khen thưởng như Tổng kết phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2005 - 2010) của Ban Quản lý Lăng, Trung tâm có 01 tập thể và 01 cá nhân điển hình tiên tiến được tặng Bằng khen. Tập thể Trung tâm cũng đã vinh dự được Ban Quản lý Lăng trao tặng Bằng khen (năm 2010) và Danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc (năm 2011, 2012).
Tổ chức Đảng, đoàn thể của cơ quan luôn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu trong nhiều năm liền. Thành tích đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước như bó hoa tươi thắm dâng lên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Nhờ các phong trào thi đua, cán bộ, viên chức đã làm việc có chương trình, kế hoạch, với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, đoàn kết, chủ động, sáng tạo và cố gắng hơn trong công tác, đặc biệt là trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật công nghệ và môi trường phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý Lăng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, các đối tác thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học với công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Đồng thời, qua việc chú trọng phát huy vai trò của các phong trào thi đua, gắn kết chặt chẽ thi đua với khen thưởng để kịp thời động viên, khuyến khích hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Trung tâm đã xây dựng được khối đoàn kết nội bộ thống nhất, làm nền tảng cho sự phát triển lớn mạnh của đơn vị.
Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng chúc mừng những thành tích Trung tâm
đã đạt được nhân dịp kỷ niệm 8 năm ngày thành lập đơn vị (15/3/2005-15/3/2013)
Các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Trung tâm luôn gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng và bồi dưỡng những người cán bộ, viên chức - “công bộc của dân” vừa hồng vừa chuyên trong thời kỳ mới, phát triển toàn diện về ý thức độc lập tự chủ, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật cao, có tri thức, có sức khỏe; phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Phong trào thi đua đã thật sự trở thành động lực, đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Trung tâm.
Bài học kinh nghiệm từ các phong trào thi đua cho thấy, phong trào thi đua chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền với các tổ chức đoàn thể, đúng như Bác đã nói: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”(4). Công tác kiểm tra, đánh giá phong trào thi đua phải được tiến hành thường xuyên. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới từng cán bộ, viên chức để tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh cá nhân và sức mạnh tập thể. Và yếu tố không kém phần quan trọng đó là xét khen thưởng phải thật sự khách quan, công bằng, đúng người, đúng việc.
Kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống Thi đua yêu nước (11/6/1948-11/6/2013), toàn thể cán bộ, viên chức Trung tâm ra sức thi đua, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, đóng góp vào thành công của sự nghiệp giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.
Thu Hiền
--------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.557-558.
(2). Đảng, Bác Hồ với thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr226.
(3). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.407.
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.208.