Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người khởi xướng và lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ đất nước
Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 19/12/1946 cả dân tộc lại cùng chung sức bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ độc lập dân tộc. Đứng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước, chống thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng cho kháng chiến và kiến quốc. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC, trực tiếp phát động phong trào. Mở đầu Lời kêu gọi, Bác viết:
Mục đích thi đua ái quốc là gì?
Diệt giặc đói khổ
Diệt giặc dốt nát,
Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là
Dựa vào
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân
Để gây
Hạnh phúc cho dân…
Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác Hồ xuất phát từ chiều sâu truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc thấm đượm lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam. Tinh thần quật cường là lực lượng vô tận của nhân dân, công an và quân đội ta giàu lòng yêu nước, thương nòi là nền tảng, là cội rễ của Thi đua ái quốc. Từ cội rễ đó, sẽ đâm cành, nảy lộc, đơm hoa, kết trái "Kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công", "Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc…".
Bác Hồ cho rằng muốn nuôi dưỡng và bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân thì phải đưa họ vào các phong trào hành động cách mạng, phải làm cho "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên một mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến…". Bổn phận của mọi người dân Việt Nam, từ các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào công thương, đồng bào nông dân, đồng bào trí thức và chuyên môn đến nhân viên chính phủ, bộ đội và dân quân "ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc". Thi đua mang tính toàn dân, toàn diện, cả nước thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Thi đua làm cho tốt, làm cho mau, làm cho nhiều, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Xuất phát từ lực lượng của dân, tinh thần của dân. Thi đua ái quốc nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân "Toàn dân đủ ăn, đủ mặc (diệt giặc đói). Toàn dân biết đọc, biết viết (diệt giặc dốt). Toàn bộ đội đủ lương thực, đủ khí giới để diệt giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn".
Thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải thiết thực, liên tục, bền bỉ, sôi nổi, "phải ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt, mọi tầng lớp nhân dân". Thi đua không thể làm một cách hời hợt, chạy theo bề nổi, bề ngoài, mang tính hình thức mà phải đi vào chiều sâu, mang chở cả bề dày truyền thống yêu nước, quật khởi của dân tộc, vượt qua không gian, thời gian với một niềm lạc quan, tin tưởng "sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng".
Bác Hồ động viên thiếu niên nhi đồng “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước là mỗi người hãy làm tốt những việc làm cụ thể hàng ngày trên cương vị công tác của mình. “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Cách làm là: Dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”.
Trong thơ chúc Tết năm Kỷ Sửu (1949), Người viết: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”. Người coi việc thi đua yêu nước là công việc của toàn dân, cần có sự liên kết mọi lực lượng của dân tộc ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và “Thi đua không phải là một việc làm nhất thời mà là công việc lâu dài và rộng khắp”.
Người lưu ý, để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: Một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang tính thời sự, đúng trong mọi hoàn cảnh và dẫn đường cho cách thức phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Với sự sáng tạo vĩ đại của Người, phong trào thi đua yêu nước sớm trở thành nguồn động lực khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác hết sức vẻ vang.
Phong trào thi đua ái quốc trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước
Để phát huy vai trò, tác dụng của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, ngày 04/03/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm làm Ngày truyền thống Thi đua yêu nước.
Đây là dịp để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Qua đó, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, tác dụng to lớn của thi đua yêu nước đối với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam; nhận thức sâu sắc vai trò của thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; rút ra những bài học kinh nghiệm trong phương pháp giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng, lòng tự hào dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó của dân tộc; củng cố và phát triển phong trào thi đua yêu nước ngày càng sâu, rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; lấy yêu nước là lẽ sống, là mục tiêu phấn đấu; nâng cao ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, dân tộc, đất nước. Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng và biểu dương các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, đẩy lùi tiêu cực.
Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 375 với phong trào thi đua ái quốc
Là đơn vị vũ trang trong lực lượng công an nhân dân, được Đảng, Nhà nước và Ngành giao cho nhiệm vụ vinh quang là đảm bảo an ninh trật tự Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, tổ chức hướng dẫn nhân dân trong nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu binh danh dự, mô tô hộ tống bảo vệ các đoàn khách quốc tế cấp cao đến thăm và làm việc tại nước ta. Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong hoàn cảnh tình hình thế giới, khu vực còn có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường; tình hình trong nước còn có nhiều vấn đề cần quan tâm như: Số đối tượng phản động người Việt lưu vong, các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, quá khích đã và đang triệt để khai thác, lợi dụng những vấn đề nhạy cảm về chính trị, chủ quyền biển đảo, những chủ trương lớn trong công cuộc đổi mới phát triển kinh tế của đất nước và những vấn đề liên quan đến các tổ chức tôn giáo, dân tộc để kích động nhân dân biểu tình nhằm gây mất trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hạ uy tín của Đảng, nên trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn đã rất chú ý đến phong trào thi đua trong đơn vị.
Xác định rõ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, hàng năm Trung đoàn 375 luôn duy trì 02 phong trào thi đua mang tính thường xuyên: Phong trào “Vì An ninh tổ quốc”, phong trào “Công an nhân dân học tập 6 điều Bác Hồ dạy” trong toàn đơn vị, phát động đơn vị tích cực tham gia thi đua lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc, của Ngành và đơn vị, như gần đây nhất là phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 65 năm Ngày thành lập lực lượng cảnh vệ; phát động sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong toàn đơn vị, hàng năm đều cụ thể hóa cuộc vận động bằng 03 đợt thi đua cao điểm: Quý 1: Các phong trào thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân; Quý 2: Các phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc: Giải phóng miền Nam 30/4, sinh nhật Bác 19/5; Quý 3: Các phong trào thi đua kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9. Các cuộc thi đua đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sỹ tham gia, tạo nên những thành tích nổi bật cho đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho Tổ quốc. Năm 2010, đơn vị đã được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Trong 4 năm từ 2008 – 2012, đơn vị 02 lần vinh dự được nhận Bằng khen, 6 lần vinh dự nhận Giấy khen vì sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc, 01 lần nhận Cờ thi đua, 23 cá nhân nhận Bằng khen, 53 đồng chí được tặng thưởng Huy chương Vì An ninh Tổ quốc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có không ít cá nhân được nhận giấy khen của các cấp lãnh đạo vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như đồng chí Phạm Văn Miên, đồng chí Trần Văn Dũng, đơn vị Đại đội 3 – phát hiện ra đối tượng mang vũ khí vào Lăng, đồng chí Lê Trọng Thành – Ban Tham mưu, Nguyễn Văn Thông – Đại đội 1 – nhặt được tài sản đã kịp thời báo cáo trả lại tài sản cho nhân dân.
Đồng chí Phạm Văn Miên – đơn vị Đại đội 3, E375
Những thành tích đáng tự hào đó không chỉ đánh giá đúng hiệu quả công tác của đơn vị, sự cố gắng, nỗ lực trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà nó còn là minh chứng sáng giá cho vai trò, vị trí của công tác thi đua trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Các phong trào thi đua chính là đòn bẩy tác động hiệu quả tới kết quả công tác trong toàn Trung đoàn. Qua các phong trào thi đua đã thu hút nhiều tập thể, cá nhân nỗ lực phát huy hết khả năng, sáng tạo, lòng nhiệt tình, ý thức tự giác trong công việc hoàn thành nhanh nhất, tốt nhất công tác được giao, góp phần tích cực cho thành công của Trung đoàn trong thực hiện các nhiệm vụ được cấp trên giao cho. Và đó cũng là minh chứng cho sức sống vững bền của phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 375 tích cực lập thành tích trong phong trào thi đua
Vì An ninh Tổ quốc
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tưng bừng kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Bác Hồ, 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2013), mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp trong toàn dân từ đó đến mãi về sau. Bác Hồ tuy đi xa, nhưng những lời căn dặn của Người về mục đích, nội dung, cách làm và ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị mà mỗi người dân Việt Nam cần ghi nhớ và làm theo. Tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước là việc làm thiết thực để thực hiện “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”./.
Trần Thanh Hương Lan
Ban Chính trị - Trung đoàn 375 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ