Ngày mùng 8 tháng 3 năm 2013 vừa qua, chúng tôi có chuyến “Hành quân về nguồn”, tới thăm Khu Di tích Đá Chông, địa danh được Bác Hồ chọn làm căn cứ của Trung ương từ tháng 5 năm 1957; nơi Bác đã nhiều lần lên thăm, làm việc và tiếp những người bạn quốc tế trong những năm cuối đời; đây cũng là nơi mà Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương chọn để giữ gìn thi hài Bác chủ yếu trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt (1969 – 1975).
Từ thị xã Sơn Tây, Hà Nội theo Quốc lộ 21 chừng 20 km, chúng tôi gặp những đồi thông cao vút, soi bóng xuống các hồ nước trong xanh, tạo vẻ đẹp yên bình, thơ mộng – mọi người đều ồ lên: “Khu Di tích Đá Chông”. Qua những hàng trò nâu đều tăm tắp và rặng liễu rủ bóng ven hồ thơ mộng, gặp nhiều tảng đá thon nhọn như những mũi chông, mũi mác mọc từ dưới đất lên, theo hướng xô nghiêng về phía sông Đà, có lẽ vậy nên mọi người phỏng đoán vùng này gọi là Đá Chông.
Bác Hồ nghỉ trưa tại Đá Chông tháng 5 năm 1957
Đón chúng tôi vào thăm Khu Di tích đều là những chị em phụ nữ. Trong đoàn ai cũng băn khoăn: Bởi hôm nay đúng Ngày mùng 8 tháng 3, Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày của riêng mình, nhưng tất cả 4 chị em của Đội Quản lý Di tích đều đang hướng dẫn khách đến tham quan ? Đem câu chuyện này trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thanh Huống, Chính uỷ Đoàn 285 chúng tôi được biết: “Đây là Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trong quần thể các di tích, danh lam thắng cảnh của Ba Vì, nên càng vào những ngày nghỉ, lượng khách đến tham quan Khu Di tích càng đông, có buổi đón tới hàng trăm đoàn, với hàng nghìn người. Từng đoàn, vừa dâng hương, tưởng niệm Bác, nghe giới thiệu, tham quan Khu Di tích. Một số đoàn tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn… trong điều kiện cơ sở hạ tầng và hướng dẫn viên có hạn. Nên không chỉ hôm nay, mà mọi ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, Chỉ huy Đoàn 285 đều động viên tất cả cán bộ, nhân viên trực để đón tiếp, phục vụ khách đến tham quan, với tinh thần tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự, như đón những người thân đến tìm hiểu, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bác Hồ kiểm tra khu Đá Chông tháng 2 năm 1958
Bên cạnh ba hòn đá chông, thấp thoáng dưới những tán cây thông, cây long lão, cây sau sau, văng vẳng ngân lên tiếng hướng dẫn viên Hoàng Thị Xuân giới thiệu về nguồn gốc của Khu Di tích: “Tại nơi này, vào tháng 5 năm 1957, trong lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, buổi trưa, Bác và các đồng chí trong Đoàn đã dừng chân nghỉ ăn cơm nắm mang theo. Thấy nơi đây phong cảnh đẹp, sơn thuỷ hữu tình, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí trong Đoàn muốn chọn nơi này làm căn cứ của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc… ”.
Những lời giới thiệu thật mộc mạc, giản dị, như cất lên từ trái tim của những hướng dẫn viên Đội Quản lý Di tích khi giới thiệu để các đoàn khách biết về quá trình hình thành Khu Di tích, kể tỷ mỷ những lần Bác lên thăm, làm việc và tiếp hai đoàn khách Quốc tế là bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào tháng 3 năm 1961 và Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giecman ti-tôp vào tháng 01 năm 1962 trong những năm cuối đời của Bác, tạo cảm giác: “Bóng hình Bác còn thấp thoáng nơi đây”.
Cảm động nhất là những câu chuyện sau khi Bác mất, Đá Chông tiếp tục được Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương chọn làm nơi chủ yếu giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh. Sáu lần đón Bác, tiễn Bác diễn ra tại Đá Chông đầy ắp những kỷ niệm của những cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 6 năm chiến tranh ác liệt và thiên tai, lũ lụt đe doạ, thi hài Bác phải di chuyển nhiều lần, nhưng bên Bác luôn có những người con trung hiếu vẹn toàn và những chuyên gia y tế Liên Xô thuỷ chung son sắt. Gần 40 năm Bác xa nơi này, nhưng qua những lời giới thiệu của các hướng dẫn viên, mọi người đều cảm nhận “Đá Chông vẫn còn ấm hơi Người”.
Ngôi nhà 2 tầng nơi Bác đã làm việc, nghỉ ngơi và tiếp khách quốc tế
Để nghe kể những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình hướng dẫn khách, chúng tôi tìm gặp Thượng uý QNCN Dương Trường Sơn, người đã gắn bó với Khu Di tích từ năm 1997. Dương Trường Sơn không nói về mình, mà giới thiệu cho chúng tôi về những dòng lưu niệm mà Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết vào ngày 10/12/2006: “Cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và K9, những người con trung kiên, quên mình bảo vệ Bác, bảo vệ Đảng. Chúng tôi hoan nghênh các đồng chí, cảm ơn các đồng chí và học tập các đồng chí suốt đời tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân. K9 mãi mãi là địa điểm hội tụ của mọi tấm lòng vì Đảng, vì nước, vì dân”. Rồi Sơn chậm rãi nói: “Đó là lời khen ngợi, lời động viên sâu sắc của Chủ tịch nước, đồng thời cũng là những lời căn dặn, nhắc nhở mỗi chúng tôi phải chuyên cần học tập, trau dồi phẩm chất, năng lực, để hoàn thành tốt công việc đón tiếp, tuyên truyền ở Khu Di tích đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đọc thêm những dòng ghi cảm tưởng của các đoàn khi về thăm Khu Di tích, chúng tôi trân trọng tình cảm tôn kính Bác và những lời khen ngợi tinh thần, trách nhiệm phục vụ của những cán bộ, nhân viên ở Khu Di tích.
Đoàn Cựu chiến binh phường Quang Trung, thành phố Hải Dương đã cảm nhận về Khu Di tích với những lời thơ mộc mạc: “Giữa rừng bỗng mọc Đá Chông/Sông Đà cuộn sóng bóng rồng chốn đây/Thông reo cao vút gọi mây/Bác về gây dựng đất này hoá thơ/Cõi tâm thanh bạch như mơ/Là bao việc nước xưa giờ Bác lo”. Còn Đoàn Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình đã viết: “Cảm ơn các đồng chí ở Khu Di tích K9 đã đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ chúng tôi đến dâng hương, tưởng niệm Bác và tham quan Di tích rất tận tình, chu đáo. Các đồng chí đã giới thiệu giúp chúng tôi hiểu về những lần Bác đã lên đây và những năm tháng giữ gìn thi hài Bác ở nơi này”.
Ngôi nhà kính, nơi giữ gìn thi hài Bác tại Đá Chông
Ngắm nhìn những con đường sạch sẽ, những hàng cây được chăm sóc, cắt tỉa công phu và những hiện vật bảo quản, lau chùi sạch sẽ, chúng tôi đều phỏng đoán sẽ có riêng một lực lượng chuyên nghiệp làm công việc này. Nhưng không ? Tất cả đều do cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Đội Di tích thực hiện. Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, Đông qua Hè tới, từ khi báo thức (mùa nóng từ 5 giờ 30, mùa lạnh từ 6 giờ) mọi người đều khẩn trương quét dọn, tổng vệ sinh toàn bộ Khu Di tích. Buổi sáng, buổi chiều tập trung đón tiếp, phục vụ khách đến tham quan. Nhiều đoàn ở xa, yêu cầu thời gian gấp, anh chị em phải đón tiếp, hướng dẫn cả buổi trưa, cả giờ nghỉ. Tranh thủ buổi chiều tối, hay mỗi khi vắng khách, mọi người tranh thủ bảo quản, lau chùi các hiện vật, chăm sóc vườn cây của Bác và vườn cây lưu niệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban Ngành, các địa phương trồng.
Lữ đoàn 249 Công binh báo công dâng Bác tại Đá Chông
Cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của Khu Di tích: Nơi Bác Hồ đã chọn làm căn cứ của Trung ương, nơi Người đã nhiều lần lên thăm, làm việc, tiếp những người bạn Quốc tế và là nơi chủ yếu giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt, nên mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ nơi đây luôn đoàn kết, giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau trong công việc. Đúng như Đại uý Phạm Xuân Thắng, Đội trưởng Đội Di tích đã tâm sự: “Truyền thống của Đội Di tích chúng tôi như một gia đình, mọi người luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau như ruột thịt. Công việc dù to hay nhỏ, mọi người đều chung sức, đồng lòng gánh vác; chuyện riêng vui, buồn của từng gia đình, từng đồng chí, mọi người đều sẻ chia, giúp đỡ. Chúng tôi luôn động viên nhau: Thi đua học Bác hàng ngày và học Bác từ những công việc nhỏ nhất”. Có lẽ đây là cội nguồn để bồi đắp, dựng xây lên thành tích của Đội Di tích: 5 năm liền (2008-2012) được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, năm 2012 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, năm 2013 được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tặng Giấy khen đơn vị xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trước khi chia tay, Thượng tá Nguyễn Thanh Huống còn trao đổi: “Sau một năm nữa, vào dịp 19/5/2014, Khu Di tích K9 sẽ mở rộng phạm vi tham quan để đón tiếp đông đảo đồng bào, cả khách quốc tế đến dâng hương, tưởng niệm Bác. Đặt ra yêu cầu về công tác đón tiếp, phục vụ của Đoàn 285, trực tiếp là Đội Di tích sẽ rất cao; đòi hỏi đội ngũ hướng dẫn viên phải vừa hồng, vừa chuyên, vừa tận tình, chu đáo trong công tác đón tiếp và văn minh, lịch sự trong công tác tuyên truyền, xứng đáng với ý nghĩa lịch sử - văn hoá của Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông”.
Riêng chúng tôi, luôn đặt trọn niềm tin vào những cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ nơi đây, những người luôn tâm huyết, hết lòng vì công việc, thể hiện tình cảm tôn kính Bác, trân trọng những hiện vật, những câu chuyện gắn liền với Người khi còn sống và những năm tháng giữ gìn thi hài Bác tại Đá Chông, để “truyền lửa”, thắp sáng niềm tin cho đồng bào, khách quốc tế mỗi khi đến dâng hương, tưởng niệm Bác, tham quan và sinh hoạt chính trị, văn hoá tại Khu Di tích thiêng liêng này./.
Nguyễn Ngọc Hà