Vượt nắng, thắng mưa, say sưa lao động, viên chức, người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã hoàn thành cải tạo sân cỏ Quảng trường Ba Đình trước tiến độ, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, các thảm cỏ lá gừng vừa phù hợp với kiến trúc cảnh quan của Công trình Lăng vừa tạo cho không gian nơi đây giản dị nhưng trang trọng và thiêng liêng. Cỏ lá gừng (Axonopus Compressus) có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới là cây thân thảo, ưa nắng, chịu ẩm tốt, cây có tuổi thọ (vòng đời và chu kì sống) trung bình. Những năm trở lại đây, trước những biến đổi phức tạp của thời tiết, đất trồng tại khu vực thiếu hụt dinh dưỡng, suy thoái, các loại vi sinh vật có hại tăng cao tiềm ẩn nhiều dịch bệnh đối với cây cỏ lá gừng dẫn đến thảm cỏ bị hạn chế sinh trưởng. Hàng năm phải trồng dặm bổ sung, ảnh hưởng đến mỹ quan chung khu vực, bề mặt thảm cỏ bị lồi, lõm ảnh hưởng đến công tác cắt cỏ bằng máy.

Từ năm 2019 đến năm 2022, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã xây dựng kế hoạch cải tạo một phần diện tích sân cỏ nhằm khắc phục tình trạng cỏ già hóa, sinh trưởng phát triển kém và đưa máy cắt cỏ thế hệ mới vào thực hiện công tác duy trì sân cỏ. Năm 2023, Ban tiếp tục được giao nhiệm vụ thi công cải tạo và hoàn thành việc tôn tạo toàn bộ diện tích sân cỏ Quảng trường Ba Đình. Năm 2023 cũng là năm triển khai khối lượng công việc cải tạo lớn nhất trong 5 năm trở lại đây (gần 7500 m2). Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong tu bổ định kỳ, Ban đã tổ chức nhiều hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác thi công cải tạo trong các năm từ 2019 - 2022, và đưa ra phương án, giải pháp thi công mới phù hợp hơn. Đặc biệt, đối với biện pháp thi công, vấn đề then chốt liên quan đến tiến độ và chất lượng là dùng tấm thép bản mã cỡ lớn trải trên đường dạo sỏi nổi phục vụ công tác thi công đã được Đảng ủy, Lãnh đạo ban quan tâm chỉ đạo. Đây được xem là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định rút ngắn được thời gian thi công; bảo đảm được các vật kiến trúc và công trình kỹ thuật.

Đối với chất lượng thảm cỏ khi thi công, Ban đã thành lập các tổ công tác gồm nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm tham gia, tổ chức kiểm tra khảo sát, lựa chọn nguyên vật liệu đầu vào (đất màu, phân bón, cỏ giống) bảo đảm đáp ứng đầy đủ thông số kỹ thuật theo quy định.

Ngày 15/6/2023, công trình cải tạo một phần các ô cỏ được khởi công trong khí thế phát động ra quân tu bổ năm 2023. Để bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường khu vực, công tác quây hàng rào tôn bảo vệ được thiết lập. Ngày 16/6/2023, công tác hạ thấp độ cao được triển khai, đồng thời tiến hành bổ sung đất mới và phân bón hữu cơ nhằm cải tạo tính chất lý hóa của đất theo đúng quy trình kỹ thuật và biện pháp thi công.

san co 4
Hạ thấp độ cao tại khu vực.

 san co 6

san co 5
Bồi đất làm màu, làm phẳng mặt và bổ sung phân hữu cơ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công cải tạo các ô cỏ cũng gặp rất nhiều khó khăn đó là: Tình hình thời tiết thất thường, nắng gay gắt cục bộ; mặt bằng thi công không cho phép đưa các máy móc, trang thiết bị hiện đại, công suất lớn vào công trường, khối lượng công việc lớn, tiến độ thi công phải kết thúc trước 27/7/2023 để kịp phục vụ Lễ viếng cấp Nhà nước nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ; các loại ô tô vận chuyển đất thải, đưa đất mới vào công trình chỉ được phép hoạt động sau 21 giờ 30 phút… Việc thi công trồng cấy cỏ dưới điều kiện thời tiết nắng nóng, bất thuận ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công, khó khăn trong công tác tưới duy trì ẩm độ và quá trình hồi xanh của cỏ.

san co 7
Thi công cấy cỏ tăng cường vào ban đêm.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, quyết tâm cao của lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động trong Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng và đơn vị thi công, sau 30 ngày thi công, kế hoạch Cải tạo phần diện tích còn lại các ô cỏ sân Quảng trường Ba Đình đã hoàn thành vượt tiến độ.

san co 8
Cỏ bén rễ hồi xanh sau 7 ngày.

Bên cạnh việc cải tạo trồng mới các ô cỏ, công tác duy trì, chăm sóc cỏ sau cải tạo luôn được quan tâm chú trọng. Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã tăng cường các biện pháp chăm sóc đặc biệt, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng những sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học dễ tiêu, thân thiện với môi trường để phun qua lá, bón qua gốc giúp cỏ hấp thụ dinh dưỡng một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, làm tốt công tác phòng trừ sâu, bệnh hại trên thảm cỏ. Tổ chức cắt tỉa bỏ đầu lá khô, tăng cường tưới nước thủ công, kết hợp hệ thống tưới phun tự động bảo đảm đủ độ ẩm giúp cỏ lá gừng nhanh chóng bén rễ hồi xanh. Đến nay, các ô cỏ mới cải tạo đã ổn định sinh trưởng, ra nhiều mầm xanh và lá mới đáp ứng yêu cầu cảnh quan khu vực.

Sau 5 năm nỗ lực cố gắng, không quản ngại khó khăn vất vả, đặc biệt là năm 2023, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng uỷ Đoàn 969 trong Hội nghị giao nhiệm vụ tu bổ định kỳ năm 2023: “Vượt nắng, thắng mưa, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tu bổ định kỳ năm 2023”, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã hoàn thành thi công cải tạo toàn bộ 210 ô cỏ sân cỏ Quảng trường Ba Đình, góp phần duy trì, tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình ngày càng khang trang, sạch đẹp, khắc phục tình trạng cỏ già hóa, sinh trưởng phát triển kém và đưa máy cắt cỏ thế hệ mới vào thực hiện công tác duy trì sân cỏ, tôn thêm vẻ đẹp, tính trang nghiêm của quần thể kiến trúc cảnh quan khu vực.

Cảnh quan khu vực Quảng trường và Lăng Bác đã và đang phát triển bền vững, hài hòa, không gian rộng mở như tình cảm sâu sắc của Nhân dân đối với Bác Hồ. Ngày ngày, dòng người nối nhau đi trên Quảng trường Ba Đình thành kính vào Lăng viếng Bác, tham quan khu vực trong niềm xúc động được một lần nhìn thấy Bác, mọi người còn thêm cả niềm vui vì Quảng trường Ba Đình vẫn giữ được không khí trong lành, gần gũi, giản dị và trang nghiêm, xứng đáng là điểm sáng về cảnh quan môi trường của Thủ đô Hà Nội và cả nước; phù hợp với kiến trúc cảnh quan và tiếp tục phát huy ý nghĩa Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.

 Hoàng Xuân Lam

Bài viết khác: