Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên sao cho thực sự là “công bộc” của nhân dân. Người đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong sự nghiệp cách mạng và chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.Theo Người:“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.
Người cũng khẳng định làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người cán bộ có đạo đức cách mạng thì nghĩ, nói và làm phải thống nhất. Nhân dân thường đánh giá cán bộ thông qua những lời nói và việc làm cụ thể hàng ngày. “Nói một đằng, làm một nẻo” là điều tối kỵ đối với người cán bộ. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”, người cán bộ một khi đã không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chỉ là người “vô tích sự, không làm nên trò trống gì”, cho nên Người còn căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Chính vì vậy, để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, cần phải có một đội ngũ cán bộ cách mạng vững mạnh, kiên định về lập trường, quan điểm, đồng thời phải nắm được lý luận, tinh thông nghiệp vụ, hội tụ đủ cả tài và đức, “vừa hồng, vừa chuyên”.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong những năm qua, Đảng ta chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được đề cập qua nhiều kỳ Đại hội. Tại Nghị quyết Đại hội IV của Đảng đặt ra yêu cầu thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong cấp ủy, trong đó nêu rõ, cần tránh tâm lý “ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không chỉ là việc cán bộ quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện ở tinh thần dám đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, dám đứng lên phê phán, nhìn thẳng vào những khuyết điểm của bản thân, của tập thể, của đồng nghiệp và của cấp trên.
Tới Đại hội V của Đảng, báo cáo về công tác xây dựng Đảng đã thẳng thắn nêu ra tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức, thiếu phê bình từ dưới lên do hiện tượng gia trưởng, độc đoán, thành kiến, trù dập những cán bộ dám phê bình khuyết điểm, xem đó là biểu hiện “tiêu cực”, khiến cho cán bộ không dám thẳng thắn đấu tranh, phê phán những biểu hiện sai trái. Báo cáo cũng nhấn mạnh, cần phát hiện và kết nạp những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý”; đồng thời, tập hợp những cán bộ có “tinh thần dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”. Những nội dung trên đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc bảo vệ những cán bộ có tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đấu tranh vì sự vững mạnh của Đảng.
Đặc biệt, Đại hội VI của Đảng đã mở ra một bước ngoặt lịch sử đối với đất nước ta khi quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thay đổi trong phân phối, lưu thông, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Báo cáo chính trị trình Đại hội VI khẳng định, để công cuộc đổi mới thành công, cần phải “dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm, dám xử lý kiên quyết những trường hợp phức tạp”. Báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức khi dám thay đổi tư duy và cơ chế quản lý, đó là “cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu”, không những sẽ chịu lực cản từ những lề thói cũ, mà còn “vấp phải những đặc quyền, đặc lợi của một số người gắn bó với cơ chế cũ”.
Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 20-6-1988, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”, lần đầu tiên đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trở thành một tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo, là tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ của Đảng ta về phẩm chất cần có của những con người cách mạng. Dám nghĩ, dám làm không chỉ là một phẩm chất cần được khuyến khích, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cần phải có và nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo.
Thực tiễn đã chỉ rõ, trước những khó khăn, thách thức, người cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hơn thế còn mang lại lợi ích to lớn cho dân tộc, cho nhân dân ta, như: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc là một trong những người cán bộ lãnh đạo như thế. Ông là người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam khi thực hiện giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân những năm 1966 - 1968. Đây là quyết định táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc bấy giờ.
Và cũng chính thực tiễn đã là đáp án để chứng minh quyết định ấy là đúng đắn, có đột phá và mang lại hiệu quả thiết thực to lớn, khơi dậy sức lao động của người nông dân; hay như việc đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh; “xóa bỏ tem phiếu”, “cơ chế một giá theo thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại tỉnh Long An; “những việc cần làm ngay” và “cơ chế thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Linh; xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên; xây dựng đường dây tải điện 500Kv của đồng chí Võ Văn Kiệt; chuyển đổi hệ thống ngân hàng, chính sách tỷ giá phù hợp với cơ chế thị trường của đồng chí Đỗ Mười,... Đó là những tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Lý do là vì sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm của họ đều là vì phục vụ mục đích chung của đất nước, không phải vì tư lợi. Do đó, những người đi trước đổi mới, sáng tạo, thậm chí vượt rào đều được ghi nhận một cách xứng đáng.
Ngày 16-01-2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó chỉ ra nguy cơ của việc thiếu một cơ chế xác định trách nhiệm rõ ràng trong thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách dẫn đến tình trạng không khuyến khích được người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; đồng thời, đặt ra yêu cầu cần có cơ chế, chính sách để giải quyết mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, phát huy vai trò của người đứng đầu nhằm “khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng”.Tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh bảo vệ, khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” đi đôi với sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Tuy nhiên, hiện nay tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai sót, làm việc cầm chừng trong thực thi công vụ là hiện tượng khá phổ biến trên thực tế, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, làm việc tắc trách, trì trệ, dựa dẫm vào tập thể, nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ; khi có sai sót, khuyết điểm không dám chịu trách nhiệm mà tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác. Rõ nhất là việc tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến nhiều lần trong cùng vụ việc hoặc cái gì cũng xin ý kiến cấp trên chỉ đạo làm đảo lộn trật tự hành chính về thẩm quyền, từ người có trách nhiệm tham mưu thành người tham mưu ngược lại theo hướng “dựa lưng cấp trên”. Hay như câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công luôn phải đối mặt với những lực cản của sự trì trệ và chậm trễ mà nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, gọi là “vi rút sợ trách nhiệm”. Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2019, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - khi đó là Thủ tướng đã nói: “Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”. Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà được bắt nguồn từ việc “sợ trách nhiệm, sợ sai sót” thụ động trong công việc. Đặc biệt, công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã củng cố niềm tin của người dân, song cũng làm nảy sinh thực trạng là không ít cán bộ, công chức “giữ mình”, ngại nói, ngại làm, ngại trách nhiệm…
Mới đây, tại Hội nghị Quân uỷ Trung ương lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lần nữa nhấn mạnh: Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung". Sở dĩ, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu cao hơn là bởi vì: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài đưa đất nước vươn lên giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần những cán bộ có tư duy, việc làm đột phá, càng trong khó khăn, thử thách thì càng cần những cán bộ có bản lĩnh, trình độ, dám nghĩ, dám làm. Mặt khác, đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội là những chủ thể được tiếp nối, thụ hưởng những giá trị truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng; là đội quân tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; là công cụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, sự nghiệp cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Với sứ mệnh to lớn, lại hoạt động trong điều kiện, lĩnh vực đặc thù, thì càng đòi hỏi mỗi người phải có bản lĩnh vững vàng, nhãn quan chính trị sâu rộng; có tinh thần dấn thân, chấp nhận hy sinh vì lợi ích chung trong bất luận mọi tình huống. Chỉ có những cán bộ “7 dám” mới có thể góp phần hoàn thành sứ mệnh của một đội quân cách mạng, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Chỉ đạo về xây dựng cán bộ Quân đội “7 dám” thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược sâu rộng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của Quân đội; đồng thời xuất phát từ thực tế đang đòi hỏi, như Tổng Bí thư phân tích và yêu cầu: Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tôi yêu cầu, trong Quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra, bởi người cán bộ, chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống...
Đối với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đơn vị Quân đội vinh dự được Đảng, Nhà nước trực tiếp là Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt: “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối, an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý Công trình Lăng của Người và tổ chức đón tiếp các đoàn khách đến viếng Bác, tham quan khu vực”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã luôn thể hiện bản lĩnh chính trị và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, thể hiện qua những việc làm cụ thể, như: Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 và Bộ Tư lệnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống, tham mưu với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Ban Quản lý Lăng hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mátxcơva (Viện Giữ gìn thi hài Lênin thời Xô-viết) mở ra một hướng đi mới trong quá trình vươn lên làm chủ nhiệm vụ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức Lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước. Ngoài ra, đã tham mưu, đề xuất với Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai toàn diện các nhiệm vụ, trong đó về nhiệm vụ y tế tập trung vào thực hiện Dự án VN01; từng bước thay thế thiết bị trong công trình Lăng; thiết kế, lắp đặt hệ thống mái che di động phục vụ đồng bào khách quốc tế đến viếng Bác; tổ chức tuyến phố đi bộ khu vực Lăng; cải tạo trồng mới hai vườn tre bên Lăng Bác; cải tạo Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.v.v... Đó là những quyết sách, giải pháp căn cơ, có tính đột phá, tạo điều kiện, tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho.
Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, hơn lúc nào hết, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn nhận thức đầy đủ: “Vinh dự, tự hào càng lớn thì trách nhiệm càng nặng nề”. Theo đó, chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được cụ thể hóa vào các chủ trương, biện pháp lãnh đạo xây dựng Đảng bộ Đoàn 969 trong sạch vững mạnh, tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; tích cực cụ thể hóa vào thực tiễn hoạt động của đơn vị, nhất là việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng trong toàn đơn vị. Trước mắt, cần sớm phát động một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thực chất để toàn đơn vị quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư. Đội ngũ cán bộ quản lý các cấp trong Bộ Tư lệnh phải thống nhất về mặt nhận thức để khơi gợi, trao truyền nhiệt huyết, kích hoạt động cơ, tạo động lực đúng đắn cho đội ngũ cán bộ học tập, rèn luyện hướng đến các nội dung “7 dám”. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp trong Bộ Tư lệnh phải quyết liệt bảo vệ và trọng dụng những cán bộ trách nhiệm, năng nổ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên khó khăn... vì lợi ích chung, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, giữ gìn lâu dài bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đơn vị theo tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư có hiệu quả trong tình hình mới, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng phải tiến hành nhanh, chắc và đồng bộ đủ về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, hợp tác nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả các đề tài trong nhiệm vụ bảo quản thi hài, kịp thời tiếp thu tri thức, khoa học kỹ thuật của nhân loại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, pháp luật, công khai minh bạch trong công tác đào tạo, bố trí và quản lý cán bộ, đề bạt cán bộ, đảm bảo lựa chọn được những người có đức có tài “vừa hồng”, “vừa chuyên” vào bộ máy và cơ quan lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên nhất là là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu. Lấy kết quả, hiệu quả, sản phẩm thực tế để đánh giá cán bộ; bảo vệ cán bộ bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, động cơ đúng đắn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, chú trọng việc triển khai tuyên truyền, cụ thể hóa các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Đảng ủy cấp trên đến cán bộ, đảng viên, nhất là Kết luận số 308-KL/QUTW ngày 09-9-2022 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 122-NQ/QUTW và Quyết định số 4144/QĐ-BQP ngày 26-11-2021 của Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên về ý nghĩa chính trị, văn hoá của công trình Lăng giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”. Lãnh đạo thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Chú trọng công tác tổ chức cán bộ ở các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Lăng, thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức, thủ trưởng đơn vị. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ trong toàn Đảng bộ, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo hàng năm. Coi trọng việc đánh giá năng lực, phẩm chất, trình độ, tiêu chuẩn, tín nhiệm của cán bộ khi bố trí, đề bạt, luân chuyển và bổ nhiệm. Tiếp tục thực hiện tích cực, có hiệu quả việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015; xây dựng kế hoạch đào tạo, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác theo quy trình phù hợp với yêu cầu phát triển của đơn vị nhằm phát huy năng lực, kiến thức chuyên môn của cá nhân mang lại hiệu quả trong công tác./.
Nguyễn Minh Đức