Trong 03 ngày (ngày 03/11/2023 đến ngày 05/11/2023), Công đoàn cơ sở Văn phòng - Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tham quan học tập tại các điểm di tích lịch sử thuộc tỉnh Cao Bằng.

Đoàn do Đại tá Phạm Hồng Sang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; Thượng tá Trần Thanh Đông, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn có các đoàn viên công đoàn cơ sở Văn phòng - Chính trị.

Mở đầu cho chuyến hành trình về nguồn của Đoàn là Di tích lịch sử Đông Khê nằm trên Quốc lộ 4A, thuộc địa phận thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Khu di tích gắn liền với Chiến thắng Đông Khê ngày 18/9/1950, trận đánh mở đầu cho Chiến dịch Biên giới 1950 toàn thắng, tạo tiền đề vững chắc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Di tích lịch sử Đông Khê được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1975.

Trong không khí trang nghiêm, Đoàn đã dành phút mặc niệm bày tỏ sự thành kính, tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.

Cao Bằng - miền đất địa đầu Tổ quốc, nơi có truyền thống lịch sử và văn hoá rất đáng tự hào và trân trọng. Lịch sử truyền thống của Cao Bằng gắn liền lịch sử truyền thống dân tộc Việt Nam từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Nơi đây đã được Bác và Đảng chọn làm nơi khởi nguồn của cách mạng; ghi dấu bao nhiêu dấu chân các thế hệ cha anh đã nếm mật nằm gai, tất cả hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tiếp tục cuộc hành trình, Đoàn đến tham quan học tập tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt  Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người quyết định chọn Pác Bó - Cao Bằng là cơ sở trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Căn cứ địa Pác Bó - Cao Bằng là tiền đề mở ra Khu giải phóng rộng lớn gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Từ ngôi làng biên cương nhỏ bé này, ngọn lửa cách mạng âm ỉ cháy được thổi bùng lên từ hơi thở Già Thu và ngọn lửa đó cháy suốt từ Bắc chí Nam. Chính bởi những ý nghĩa lớn đó, nơi đây đã trở thành một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/05/2012.

Tại Đền thờ Bác Hồ, Đoàn thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Người, vị lãnh đạo thiên tài của Đảng, của Nhân dân ta; nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế. Trước Anh linh của Người, Đoàn đã báo cáo những thành tích tiêu biểu của Công đoàn cơ sở Văn phòng - Chính trị trong những năm qua; đồng thời, nguyện hứa sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, tích cực học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là “cận vệ” bên Lăng Bác Hồ.

cong doan vp ct 1
Đoàn dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công ngày 19/05/2010 và khánh thành ngày 19/05/2011.

Đền thờ là hình ảnh cách điệu ngôi nhà sàn duyên dáng của người dân tộc Cao Bằng; giản dị, trang nghiêm, có tính biểu tượng cao và gây ấn tượng sâu sắc. Đền quay hướng Nam, phía Bắc tựa lưng vào núi tạo thế vững chãi cho công trình. Dưới chân núi là dòng suối Lê-nin trong xanh bắt nguồn từ đầu nguồn Cốc Bó ôm lấy núi Tếnh Chấy.

Từ sân trung tâm lên tới Đền qua 169 bậc, 100 bậc đầu tiên là kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1990); 69 bậc tiếp theo là năm 1969, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta đã đi xa, năm ghi dấu tình cảm tiếc thương của dân tộc ta với Bác.

cong doan den tho bac ho 1
Đoàn nghe thuyết minh tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đền thờ tọa lạc trên ngọn núi “ linh thiêng”, (tiếng địa phương có tên gọi là Tếnh Chấy) thuộc khu vực trung tâm Khu Di tích Pác Bó. Trên 4 bức tường của Đền thờ đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ khi Người trở về nước ngày 28/01/1941 sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước nơi xứ người bằng những bức phù điêu khắc họa trên đá thật giản dị, thật mộc mạc.

Trên hành trình trở về "cội nguồn cách mạng", Đoàn đến thăm Hang Cốc Bó - nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc; bàn đá "chông chênh dịch sử Đảng"; suối Lênin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm... Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) rộng 80 m2, cửa hang chỉ vừa một người đi. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch, biên soạn các tài liệu quan trọng. Đến đây, Đoàn chúng tôi lại bồi hồi nhớ về những câu thơ của Bác:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.”

(Tức cảnh Pác Bó)

Trong những tháng ngày hoạt động cách mạng ở Pác Bó, Bác đã đặt tên dòng suối Lê-nin và ngọn núi Các-Mác để tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã tìm ra con đường chủ nghĩa xã hội khoa học để đưa loài người bước sang một trang mới của lịch sử. Bên dòng suối ấy, những tảng đá bằng phẳng được Người chọn làm thành chiếc bàn đá để ghi chép tài liệu. Tiếng suối chảy từ nơi đại ngàn như cất lên âm vang của cách mạng những ngày tiền khởi nghĩa. Dòng Khuổi Nặm rì rào quanh những bản làng bình yên.

cong doan vp ct 4
Suối Lê-nin.

Câu chuyện có thật qua lời của chị Nông Thị Liễu, Phó Trưởng phòng Quản lý Di tích lịch sử Pác Bó với Đoàn chúng tôi:

Năm 1997, Khu di tích tiếp một vị khách đặc biệt, đó là một hậu duệ của cố Tổng thống Mỹ J.F.Kenedy đến thăm. Sau khi đã thăm quan xong khu di tích, vị khách đặc biệt này đã luôn thắc mắc và không tin rằng trong cái hang lạnh lẽo, tối tăm này là nơi Bác Hồ đã từng sống và hoạt động cách mạng.

Để chứng thực, vị khách này đã tìm gặp Ban Quản lý Khu di tích đề nghị cho ngủ lại một đêm trong hang Cốc Bó, trên chính chiếc giường chông chênh được ghép bằng những tấm gỗ mỏng mà Bác đã từng nằm ngủ để thử cảm giác được ngủ trong hang như Bác. Trước yêu cầu đó, Ban Quản lý Khu di tích đã thực sự bối rối bởi đây là một việc chưa có tiền lệ, ngoài ra khi xem xét lại, đây là khu vực thuộc vành đai biên giới nên có yếu tố chính trị vô cùng nhạy cảm. Vì không muốn có những điều không hay xảy ra với người nước ngoài, do vậy, Ban Quản lý Khu di tích đã không chấp thuận yêu cầu trên nhưng Ban Quản lý Khu di tích đã mời vị khách đặc biệt này về ngủ ở khu trưng bày. Cho dù đã bố trí chu đáo nơi nghỉ trong khu trưng bày nhưng vị khách trên đã nhất định không chịu và chỉ ngủ một đêm trong trời mưa rét buốt giữa mùa đông ở ngoài hành lang khu trưng bày. Kết thúc chuyến thăm quan, mang theo trăn trở về hang Cốc Bó trở lại nước Mỹ, vị khách này đã viết một bài đăng trên báo Washington post gây được nhiều sự chú ý bởi những nhận xét về đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt là những trăn trở về hang Cốc Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và hoạt động cách mạng. Trong bài báo có đoạn: Tôi nghĩ mãi mà không hiểu tại sao mà trong một cái hang nhỏ hẹp và ẩm thấp mà ông Hồ Chí Minh lại có thể ở đó được, vạch ra một kế hoạch lâu dài giành lại đất nước mà không ai hay biết. 

 

Đến thăm hang Cốc Bó, được tận mắt nhìn thấy các hiện vật còn lại trong hang, trong lòng mỗi thành viên trong Đoàn dường như dâng trào bao nỗi niềm xúc động, đặc biệt lại càng thấy kính trọng, khâm phục nhân cách lớn của Người. Hang đá tối tăm lạnh lẽo - ở một nơi mộc mạc, đơn sơ là thế mà Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta đã sống, làm việc và vạch ra bao chủ trương, đường lối cho cách mạng Việt Nam.

Trong hành trình tham quan học tập tại quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Đoàn đã dâng hương Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, Người đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc đầu tiên của Việt Nam (Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay) nằm dưới chân núi Tèo Lài (thuộc làng Nà Mạ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).

Đến đâu trong Khu Di tích Pác Bó, cũng để lại trong các thành viên của Đoàn bao điều lưu luyến, đặc biệt là nhớ về hình ảnh của Bác Hồ, về những điều Bác kính yêu dạy cán bộ, đảng viên mà ngày nay chúng ta đang học tập và làm theo.

 

Tiếp tục chuyến hành trình về nguồn trong quần thể Khu Di tích lịch sử Pác Bó, Đoàn đến tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đội quân “bách chiến bách thắng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Tại đây, Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; đồng thời nguyện hứa: Đoàn kết một lòng, phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cách mạng đi trước đã chọn phấn đấu hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân, xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị đặc biệt được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

cong doan vp ct 2
Đoàn dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

cong doan vp ct 3
Đoàn nghe thuyết minh tại Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo.

cong doan vp ct 5
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài Bác Hồ (thành phố Cao Bằng).

Nhân dịp này, Đoàn đã tham quan tại động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc (thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng).

Khép lại hành trình về nguồn, mỗi thành viên trong Đoàn có thêm cơ hội nâng cao nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa và những giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng, tự nhắc nhở bản thân luôn nhớ, ghi sâu công ơn trời biển Bác Hồ kính yêu, những hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sỹ. Từ đó, xác định rõ hơn trách nhiệm của bản thân để nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.

Thanh Huyền, Ngọc Hà

Bài viết khác: