Chuyến hành trình tham quan, học tập tại các điểm di tích lịch sử tỉnh Cao Bằng của Công đoàn cơ sở Văn phòng - Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đã mang lại biết bao cảm xúc cho các thành viên. Được về thăm Đền thờ Bác Hồ, Hang Pác Bó, suối Lê-Nin, Núi Các-Mác, Lán Khuổi Nậm, … mỗi nơi đều mang đến những trải nghiệm khó quên.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Đặc biệt là Hang Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mấy chục năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước trở về làm việc - đã trở thành một chứng tích lịch sử. Về thăm Hang Pác Bó, dường như vẫn nghe đâu đây vang vọngnhững câu hát mở đầu ca khúc nổi tiếng “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Trông vời lưng núi/ Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/ Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo/ Kể rằng Người về đây nhà in lưng đá/ Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà...”.
Ngay từ những ca từ mở đầu, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã đưa người nghe về với Hang Pắc Bó - một di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Nơi đó, có “rì rào núi cao tầng mây”, có “tiếng ai đang lượn về trên đèo”, có “nhà in lưng đá”. Và hơn thế, có hình ảnh của “Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà” mới thân thương làm sao.
Để rồi từ điểm tựa tình cảm tha thiết với Bác Hồ kính yêu, giai điệu của Tiếng hát giữa rừng Pác Bó tiếp tục cất lên: “Ơ rừng Pác Bó quê ta nhớ rừng xưa ôm bóng Người/ Bước chân Người đi đất chuyển dời theo Người/ Người về rừng núi, bóng Người vì sao trong sáng…”. Những câu hát đã làm nổi bật hình ảnh lãnh tụ sống giữa lòng dân mới xúc động làm sao. Hình ảnh ấy đã làm lay động biết bao tâm hồn mỗi người dân đất Việt khi nhớ về vị cha già kính yêu dành cả một đời vì đất nước, vì Nhân dân.
Để rồi, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại được hòa quyện cùng lịch sử và thời đại, quá khứ và hiện tại qua những câu hát: “Bóng đa Tân Trào đọng lời thiết tha/ Nắng in Ba Đình còn nghẹn lòng ta/ Suối reo dưới chân Người qua/ Đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám/ Khuổi Nậm còn reo nhịp theo mong nhớ Người”. Chỉ với những ca từ thật gần gũi và dễ đi vào lòng người như thế đã khiến “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” giúp người nghe cảm nhận được đầy đủ tầm vóc lớn lao của Người cùng với tình cảm thành kính, trìu mến, biết ơn vô hạn của cả dân tộc Việt Nam đối với Người.
Không những thế, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” còn gây ấn tượng với giai điệu ngọt ngào, đằm thắm nhờ khai thác chất liệu dân ca Tày - Nùng rất khéo léo, nhuần nhuyễn. Điều này được thể hiện rõ qua các ca từ: “Nương đồi bát ngát/ Gió ngàn vờn mây nắng chiều về đây/ Lắng nghe sáo ai bay dập dìu trên đèo/ Kể rằng Người còn đây/ Người cao hơn núi tưởng chừng trông/ Theo bóng dáng Người còn in trên đèo”. Có lẽ chính bởi sự mộc mạc trong từng ca từ, sự tự nhiên của giai điệu đã khiến ca khúc chạm tới cảm xúc sâu thẳm nhất trong trái tim, từ đó khơi gợi những tình cảm đẹp đẽ nhất của mỗi người con đất Việt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Những câu thơ đầy xúc cảm của Bác Hồ.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng chia sẻ ông từng có thời gian sống ở miền núi phía Bắc nước ta nên cũng đã ít nhiều ngấm các chất liệu dân ca vùng này, đặc biệt là dân ca Tày -Nùng. Hơn thế, với tình cảm sẵn có đối với vị lãnh tụ kính yêu, ông bắt đầu “thai nghén” tác phẩm. Ông dự định viết ca khúc về sự kiện Bác Hồ trở về Tổ quốc và làm việc trong hang Pác Bó, kết hợp với vận dụng chất liệu dân ca Tày - Nùng. Với quyết tâm sáng tác bài hát về Bác Hồ ở Pác Bó, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về Cao Bằng, về Pác Bó và sự kiện Bác Hồ trở về Tổ quốc. Sau đó, ông đã cho ra đời bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” vào năm 1959.
Có lẽ sẽ không sai khi khẳng định “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” là một ca khúc bất hủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã hơn 60 năm kể từ khi bài hát ra đời, cho tới nay những hình ảnh qua những câu hát: “Ơ bản Pác Bó quê ta mấy mùa qua nghe tiếng Người/ Sắn vươn đồi xưa, lúa ngập vàng đôi bờ/ Người về chỉ lối, theo Người ngày mai tươi sáng/ Bát cơm mong chờ người già ước mơ/ Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ/ Bác ơi tóc sương bạc phơ/ Núi cao suối sâu thủ đô yêu dấu/ Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ Người”… vẫn cứ xúc động làm sao. Khi tiếng hát vang lên cũng là lúc hình ảnh của Người lại ùa về mới thân thương làm sao. Có lẽ hiếm có ca khúc nào làm được điều này như “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.
Suối Lê-Nin
Hang Pác Bó, suối Lê-Nin, Núi Các-Mác, Lán Khuổi Nậm… vẫn còn đây. Khi “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” ngân vang... hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu vẫn luôn hiện hữu sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam, để mỗi người tiếp tục nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Phương Ngân