Những con người tưởng như đã xa rời thế giới mãi mãi, cứ ngỡ họ đang nằm dưới tầng đất dày... nhưng bỗng nhiên họ trở về. Sự trở về ấy là một câu chuyện cảm động nhất, khiến hàng triệu người phải rơi nước mắt! Họ đã ra đi, đã cống hiến, đã hết mình để chiến đấu với kẻ thù, chiến đấu với số phận... Và rồi, họ có thể tìm về với chính quê hương, với những người thân yêu.
Những sự trở về kỳ diệu của số phận
Năm 2011, câu chuyện về sự trở về của “nữ liệt sỹ” ở tỉnh Quảng Nam đã khiến nhiều người xúc động. Người “nữ liệt sỹ” ấy là bà Nguyễn Thị Ngọc. Bà đã được ghi danh là liệt sỹ,có phần mộ ở nghĩa trang quê nhà tại Tam Vinh, tỉnh Quảng Nam, được gia đình hương khói thờ cúng hơn ba mươi năm nay. Đi thoát ly từ khi mới 15 tuổi. Khi đó, cô gái nhỏ thấy chiến tranh ngày càng ác liệt, nhìn cảnh quê hương bị giặc tàn phá, lòng không yên. Và hơn hết, cô gái ấy cũng muốn góp sức mình vào cuộc kháng chiến của cả nước.
Hình ảnh “Liệt sỹ” Nguyễn Thị Ngọc khi còn trẻ
Từ lúc 15 tuổi đến lúc ngoài 60 tuổi, bà không có cơ hội để trở về với quê hương. Bởi theo như bà tâm sự: Vết thương do chiến tranh để lại khiến trí nhớ bà không được tốt. Hơn thế, cuộc sống khó khăn, vất vả, chăm lo cho 5 đứa con đã cuốn đi khiến bà chưa thể tìm về quê hương. Sống tại Tiền Giang và bà đã trở thành một bà má miền Tây thực sự.
Nhiều năm trôi đi nhưng nỗi nhớ quê hương ngày càng da diết khiến nhiều đêm bà mất ngủ, những ký ức về quê hương ngày càng hiện ra rõ ràng. Và bà đã quyết định tìm về với nơi mình bắt đầu ra đi. Sự xuất hiện bằng da bằng thịt của bà là món quà vô giá với người thân.
Một trường hợp khác xảy ra vào năm 2012. Sự trở về sau 38 năm báo tử của Liệt sỹ Phạm Tuấn Hanh (Hải Dương) cũng đã khiến nhiều người vừa kinh ngạc vừa cảm động. Chiến tranh ác liệt đã khiến ông mất đi những ký ức về gia đình. Ông quên quá khứ, quên cả tên của chính mình. Nhờ được những người dân nghèo cưu mang nên ông đã có cơ hội sống, cơ hội để nhớ lại những câu chuyện xưa và có thể trở về được với quê hương, gia đình.
Sự trở về của ông Hanh là nhờ người em gái. Vì không tin ông đã mất nên người em gái đã lang thang khắp nơi để tìm kiếm anh trai. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng bà đã tìm được người anh đang bị mất trí nhớ. Khi ông nhớ lại được cũng là lúc niềm vui của bà, của cả gia đình vỡ òa. 38 năm, ông sống một cuộc đời khác với một tên gọi khác, vất vả nhọc nhằn nhưng ấm áp tình người.
Gần đây, câu chuyện đáng kinh ngạc của ông Phan Hữu Được (Hải Phòng) – người Liệt sỹ đã trở về với gia đình sau 40 năm lưu lạc khắp nơi cũng khiến nhiều người vô cùng xúc động. Bởi thời gian đã quá lâu nhưng ông vẫn có thể tìm về với gia đình của mình.
Ông Phan Hữu Được và câu chuyện trở về đầy nước mắt
Chiến tranh quá tàn khốc! Như lời một đồng đội của ông Được đã nói: Chiến tranh đã biến một người lính đẹp trai, vạm vỡ và dũng cảm như ông Được thành một ông già ngớ ngẩn lang thang kiếm ăn nơi đầu đường cuối chợ suốt 40 năm dài! Những khó khăn của cuộc sống đã biến ông thành một người gầy gò, ốm yếu. Hy sinh, cống hiến cho cách mạng nhưng sự thất lạc đã biến ông thành kẻ vô gia cư, đầy bệnh tật.
Nỗi đau còn lại
Những câu chuyện như của bà Ngọc, ông Hanh, ông Được như những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Nhưng câu chuyện cổ tích ấy với những nỗi đau khiến chúng ta – những con người sống trong hòa bình bồi hồi, xúc động.
Họ đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh tình yêu, hy sinh cả chính những phần trên cơ thể mình để cống hiến cho lý tưởng cách mạng, để sống chết với kẻ thù, để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng chiến tranh vốn tàn khốc lắm! Họ mất đi trí nhớ hoặc chỉ còn lại một vài mảnh ghép của quá khứ. Và họ phải sống những năm tháng không có người thân bên cạnh. Cuộc sống khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền đã cản họ tìm về với gia đình yêu thương. Sự mất mát này có lẽ không gì sánh bằng.
Thực tế, những vết thương trên người tuy đã lành sẹo nhưng mỗi khi trái nắng trở trời lại khiến họ đau đớn. Nó là những di chứng của chiến tranh, của sự dã man của thực dân và đế quốc. Như trường hợp của ông Hanh, mấy chục năm tha hương, ông không nhớ nổi tên mình, không biết đâu là quê nhà, lang thang cắt lúa, cuốc mướn cho người ta để sống qua ngày. Trong khi tham gia kháng chiến, đầu ông bị thương nặng nên giờ thần kinh không ổn định, về nhà ông Hanh chẳng chịu ngồi yên mà lang thang khắp xóm. Có đêm đang ngủ, ông lao dậy chạy ra sân hô to: “Có bom, có bom” làm người nhà phát hoảng.
Ông Được cũng vậy. Giữa 40 năm cuộc đời lang thang, thân thể tiều tụy của ông Được mang đầy bệnh trọng, di họa của những tháng ngày phiêu bạt, lưu lạc: U gan, u xương đầu gối, viêm gan C với lượng men gan quá cao; sỏi túi mật, những vết xương gãy từ rất lâu không được chữa trị.
Trong 40 năm đó, người lính Phan Hữu Được là đứa con của trời, của đất, của sự lang thang vô định, vô thức, lúc điên lúc tỉnh với hàng chục vết thương từ đầu đến chân. Những ấm lạnh, những đói no, khổ sở của cuộc đời đến với chàng lính trẻ 26 tuổi, thì Phan Hữu Được không nhớ, mà chỉ nhớ rất rõ những câu chuyện chiến tranh. Vì thế, ông chẳng thể trở về bên gia đình mà cứ phải sống một cuộc đời khác, đầy cô đơn và đau đớn!
Với những con người anh hùng này, bao nhiêu nước mắt đã rơi? Không ai biết được điều này. Nhưng dù cho nước mắt có rơi, có đau đớn đến tận xương tủy thì họ vẫn chiến đấu với cuộc sống để tồn tại. Cuộc sống càng khó khăn họ càng bản lĩnh.
Những vết thương vẫn luôn đi theo họ nhưng họ vẫn mạnh mẽ, vẫn chiến đấu... để một ngày họ có thể trở về...
Niềm xúc động của gia đình ông Được khi thấy ông có thể trở về từ cõi chết.
Chiến tranh không chỉ gây nỗi đau cho bản thân những người lính mà còn cho gia đình, người thân và cho cả đất nước nhỏ bé này. Bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu nước mắt đã rơi, bao nhiêu con người đã nằm xuống nhưng chưa thể về với gia đình? Câu hỏi đó đến nay vẫn khiến nhiều người chua xót. Sự ra đi của họ là nỗi đau ẩn sâu trong mỗi người cha, người mẹ, người vợ, người con, người em...
Nhớ lại bức thư Lê Thị Hương - người con gái gửi tới cha là một thương binh, chúng ta lại càng thấy đau đớn hơn bởi nỗi đau mang tên chiến tranh. Cô gái ấy đã nói một câu rất ý nghĩa, đó là: “Chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc. Thế nên còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ”.
Thay lời kết
Đúng vậy, chiến tranh đâu có đùa với ai. Nó như một nỗi đau cho từng số phận, từng gia đình, từng đất nước. Thật khó khăn để tìm lại được tự do, tìm lại độc lập. Bởi để tìm lại điều đó nhân dân ta đã phải đổ rất nhiều máu, nước mắt. Có những mảnh đất để giành lại đã nhuốm đỏ bằng máu của các liệt sỹ. Nó là phần ký ức hào hùng của tinh thần chiến đấu quật cường nhưng cũng là nỗi đau đi cùng năm tháng!
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng chúng ta, những con người hiện đại dù may mắn không phải trải qua những gian khổ ấy nhưng chúng ta hiểu, đau đớn và trân trọng sự hy sinh to lớn đó của cha ông. Những chính sách, những chương trình tri ân “ Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” luôn được Đảng và Chính phủ và toàn dân đề cao.
Câu chuyện trở về của những Liệt sỹ như những câu chuyện cổ tích. Đó là một kết thúc có hậu cho những con người may mắn sống sót. Chúng ta cảm động vì những câu chuyện cổ tích ấy. Và từ đó, chúng ta có động lực để cố gắng hơn nữa nhằm xây dựng một đất nước mạnh mẽ hơn, phát triển hơn, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước...
Hiện tại, có rất nhiều các anh, các chị đang sống với những nỗi đau trên thân thể. Nhưng họ luôn phát huy tinh thần mà Bác Hồ đã căn dặn: “Thương bình tàn nhưng không phế” – Và như thế, họ đang tiếp tục viết những câu chuyện cổ tích khác giữa đời thường này...
Thanh Huyền