Trong những ngày tháng 7, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự được đón tiếp rất nhiều Đoàn Người có công với cách mạng. Nhân dịp này, chúng tôi may mắn được gặp, chia sẻ cùng một tù chính trị bị giam tại nhà tù Côn Đảo. Người chiến sỹ gan dạ một thời ấy đã không khỏi xúc động trong giây phút được “gặp” Bác Hồ kính yêu!
Ký ức về thời đạn bom
Ông là Nguyễn Trung Hiến, sinh năm 1936, là người con của mảnh đất Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nhân Ngày Thương binh, Liệt sỹ, ông cùng Đoàn Hội cựu tù tỉnh Quảng Ngãi bồi hồi, xúc động khi có dịp về Thủ đô viếng Lăng Bác Hồ.
Ông Nguyễn Trung Hiến chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Khách số 8 Hùng Vương
Mặc dù tuổi đã cao nhưng những ký ức về thời đạn bom ác liệt vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Ông đi kháng chiến từ năm 1955. Những năm tháng hào hùng ấy, mảnh đất Quảng Ngãi đã có rất nhiều thanh niên quyết đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông Hiến là một trong những lớp thanh niên như vậy. 19 tuổi bắt đầu đến với cách mạng, chàng thanh niên còn trẻ nhưng hăng hái khi đó đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao phó.
Đang hoạt động, thì năm 1956 ông bị giặc bắt. Nhớ như in cái ngày phải ra nhà tù Côn Đảo, ông nói: “Tôi bị giặc bắt, đến đúng ngày 17/5/1957, tôi cùng các chiến sỹ khác bị đày ra nhà tù Côn Đảo”. Nói đến ngục tù Côn Đảo, chúng ta nhớ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người chiến sĩ cách mạng tiền bối đã từng bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Côn Đảo đã viết: "Côn Đảo là địa ngục trần gian, tuy nhà tù Côn Đảo không có cầu vồng, không có chó ngao, không có vạc dầu, không có lũ đầu trâu mặt ngựa. Nhưng Côn Đảo có Cầu Tầu 914, có kè Ma Thiên Lãnh, có hầm xay lúa, có chuồng cọp, có lũ cai ngục mất hết nhân tính đánh giết người không biết ghê tay. Tại nơi địa ngục trần gian ấy, những chiến sĩ cách mạng đã phải chịu biết bao sự đọa đầy về thân xác và tinh thần để giữ vững khí tiết của người Cộng sản, sẵn sàng hiến dâng cả cuộc mình cho nền độc lập tự do của dân tộc...".
Chuyến tàu ra nhà tù như một cơn ác mộng bởi những trận tra tấn, đòn roi vô cùng dã man. Ông Hiến nói: “Trước khi ra đến nhà tù Côn Đảo, tôi đã hình dung ra cuộc sống cơ cực, đau đớn ở đó. Những trận đòn roi trên tàu chỉ là bước khởi đầu cho những trận tra tấn dã man cực độ trong lao tù”.
Riêng năm 1957 có đến 10 chuyến tàu chở tù chính trị ra Côn Đảo. Số lượng tù rất lớn khiến một phòng ở đây phải ở khoảng hơn 200 người. Cuộc sống như những con súc vật bởi ăn không ra ăn, uống không ra uống; ăn, ở, ngủ, vệ sinh đều phải tiến hành tại chỗ. Cuộc sống lúc nào cũng ám mùi hôi thối, bẩn thỉu và mùi tanh của máu. Những trận đòn roi, những kiểu tra tấn dã man khiến những người tù sống trong sự đau đớn tột cùng của thể xác.
Tuy nhiên, càng gian khổ những người tù này lại càng mạnh mẽ hơn. “Khi giặc càng đè nén thì những phong trào đấu tranh trong tù lại càng trở nên rầm rộ. Những vết thương dù có xát muối, xát ớt thì càng làm cháy lên tình yêu đất nước, lý tưởng cách mạng trong những người tù như tôi khi ấy” – ông Hiến chia sẻ.
Nhớ lại những năm tháng ấy, ông Hiến xúc động chia sẻ về tình đồng chí, đồng đội của những tù chính trị tại Côn Đảo. Bởi trong hoạn nạn, khó khăn, những tù chính trị càng trở nên gắn bó, đoàn kết. Họ cùng nhau đấu tranh, cùng nhau chia sẻ, cảm thông để làm vơi đi những nỗi đau. Riêng ông Hiến – người luôn được gọi là “nhỏ ơi” vì ít tuổi nhất chuyến tàu ra nhà tù. Ông Hiến bảo vì ít tuổi nên luôn được các anh ưu tiên, giúp đỡ nhiều hơn.
Ông Hiến ở trong nhà tù Côn Đảo 9 năm. 9 năm với đủ những đau đớn với những đêm đông phải ướt mềm trong nước lạnh, những tê tái của vết thương bị thấm đầy muối, ớt... Nhưng hơn hết, ông vẫn luôn nhớ về quá khứ ấy với tình cảm, tình đồng chí vô cùng thiêng liêng.
Xúc cảm khi được “gặp” Bác Hồ
Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Nơi đây được biết đến là một trong những mảnh đất với phong trào yêu nước mạnh mẽ của cả nước. Có thể nói, trong suốt những năm chiến tranh, phong trào yêu nước ở đây đã phát triển liên tục và có những đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.
Dường như, chính truyền thống đó đã ăn sâu vào máu thịt ông Hiến. Tham gia cách mạng từ khi mới 19 tuổi, chịu cảnh tù đày ở Côn Đảo nhưng bằng tinh thần mạnh mẽ của người lính Cụ Hồ, ông đã vượt qua và trở về với cách mạng.
Niềm xúc động của người cựu tù khi nhớ về Bác Hồ
Mặc dù Quảng Ngãi cách Thủ đô Hà Nội gần 1000km, ông cùng với Hội cựu tù của tỉnh đã vượt qua khó khăn của đường xa, của tuổi già để có cơ hội đến Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hiến nói: Bây giờ tuổi đã cao rồi nên chỉ mong mỏi được một lần đến viếng Bác. Sau này, nếu có còn sống lâu thì cũng quá già rồi, sợ không đủ sức để về Lăng viếng Bác nữa.
Là người chiến sỹ cách mạng mạnh mẽ với ý chí sắt đá nhưng khi được xem những thước phim về Bác Hồ, ông Hiến không khỏi xúc động, bồi hồi. Đôi mắt của ông dần đỏ hoe, chiếc khăn tay được ông giơ lên lau mắt liên tục. Những hình ảnh về Bác, giọng nói ấm áp của Bác đã chạm đến những ký ức thiêng liêng của thời hào hùng, gian khổ đó. Và hơn hết là làm thức dậy tình yêu dành cho Bác Hồ kính yêu ở trong lòng ông.
“ Những hình ảnh về Bác Hồ thật sự là rất xúc động. Nó khiến tôi không thể cầm được nước mắt. Bao nhiêu cảm xúc khiến tôi nhớ lại thời gian kháng chiến với những lời dạy của Bác Hồ kính yêu” – ông Hiến nói.
Ông Hiến vẫn nhớ như in ngày nghe tin Bác Hồ mất. Ông kể lại: Chiếc đài phát thanh phát đi tin Bác đã mất. Tin này là một sự chấn động to lớn, một sự tổn thất, đau đớn đến tận tâm can của mỗi người dân Việt Nam. Khi ấy, tôi và các đồng chí khác lặng đi rồi tất cả òa khóc. Nỗi đau đó quá lớn, nó khiến thế hệ làm cách mạng khi ấy cảm giác như mất đi trái tim của mình vậy!
Trở về từ chiến tranh, những vết thương dần lành sẹo, ông sống bên cạnh người vợ của mình cùng ba người con. Trải qua nhiều khó khăn, gia đình ông vẫn luôn hạnh phúc, hai vợ chồng già sống bên nhau, con cái đều ngoan ngoãn, trưởng thành. Khi nhắc đến vợ, ông Hiến rất tự hào: Những năm tháng chiến tranh, vợ tôi đã rất mạnh mẽ, dù không có chồng bên cạnh nhưng vẫn làm tròn nhiệm vụ của một người đảng viên, của một người vợ. Sang năm, vợ tôi sẽ vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bản thân ông vào Đảng năm 1966, đến nay cũng đã 47 năm trôi qua.
Từ một thanh niên hoạt động cách mạng đến một cán bộ của tỉnh, ông Hiến luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ông vinh dự được nhận Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Hiện tại, ông sống an hưởng tuổi già bên gia đình. Niềm vui của ông là được nhìn con cháu trưởng thành, sống có ích cho xã hội. Ông vẫn luôn tích cực với các hoạt động của Hội cựu tù Quảng Ngãi, Hội Người cao tuổi...
Trước khi rời Lăng Bác, ông Hiến chia sẻ: “Trong những ngày tháng 7 này, được nhìn thấy Bác Hồ khiến tôi rất xúc động. Bác đã làm tất cả, hy sinh tất cả cho dân tộc Việt Nam. Bác đã, đang và sẽ sống mãi cùng dân tộc”...
Thanh Huyền