Đã 36 năm trôi qua kể từ ngày chị Bùi Thị Nguyết (sinh năm 1955) có quyết định xây dựng mái ấm với một thương binh nặng. Những năm tháng đầy những lo toan, vất vả của cuộc sống nhưng chị vẫn cười, vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn bên gia đình nhỏ của mình. Hiện tại, gia đình chị đang sống tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Chị Bùi Thị Nguyết
Không ai có thể nghĩ rằng người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn, làn da sạm ấy lại có quyết định táo bạo và nghị lực mạnh mẽ như thế! Một cô gái đã dám chấp nhận sự khó khăn, yêu và xây dựng gia đình với anh hàng xóm là thương binh nặng. Dường như đối với cô gái trẻ khi ấy, cuộc sống tương lai sẽ chỉ là khó khăn?
Chồng của chị là anh Lương Công Diên (sinh năm 1954). Năm 1971, anh đi bộ đội, đến năm 1972, chuyển vào chiến trường B. Năm 1972, chị cũng đi bộ đội, đóng quân tại Lạng Sơn. Nhưng sau đó, chị được chuyển đi học y.
Trong một chiến dịch, anh Diên bị thương nặng nên phải chuyển ra Bắc điều trị. Anh trở thành thương binh nặng. Điều trị tại trại, thỉnh thoảng anh cũng được về quê thăm gia đình. Chính trong những lần đó, anh và chị đã gặp nhau. Khi ấy, chị đang là cô y tá tại Trạm Y tế xã.
Chuyện tình với anh hàng xóm của chị Nguyết bắt đầu giản dị như vậy. Chị bảo: “Ngày trước, tôi với chồng học cùng cấp 1, cấp 2 với nhau. Hồi ấy, anh ý trẻ, đẹp trai, nụ cười duyên lắm! Chính vì vậy, sau bao nhiêu năm gặp lại, nhìn anh bị thương nặng, tôi thấy rất thương”. Chị nói thêm: “Khi tôi quyết định lấy chồng, mà lại là lấy anh Diên, nhiều người cũng hỏi lắm! Nhưng quả thực, tôi quyết định đến với anh chính bằng tình yêu và hơn hết bằng là tình thương, tình đồng chí”.
Điều chị Nguyết cảm thấy vui nhất là gia đình hai bên không phản đối chuyện chị đến với anh. Bởi giữa hai gia đình luôn có tình thương, sự cảm thông, chia sẻ với nhau. Tình thương ấy đã giúp cho những số phận không may mắn tìm được bến bờ hạnh phúc. Và khi ấy, chị chính là hạnh phúc, là chỗ dựa cho cuộc đời của anh. Năm 1977, một đám cưới được tổ chức cho anh, chị. Nhưng ngày đám cưới với chị cũng không được trọn vẹn...
Chị Bùi Thị Nguyết trong Lễ tôn vinh các gia đình liệt sỹ, thương binh và gương điển hình
các tỉnh, thành phố phía Bắc và Thủ đô Hà Nội
Ngày hôm đó, đám cưới của chị được tổ chức theo hình thức đám cưới tập thể. Cùng với chị, có bốn cô gái cũng sẽ kết hôn. Theo lẽ bình thường, chị cũng sẽ được cười hạnh phúc bên người chồng của mình. Anh cũng đã xin từ trại về để tổ chức đám cưới. Nhưng vào đúng ngày tổ chức, những vết thương trên thân thể của anh Diên tái phát nặng, anh không thể xuất hiện tại chính đám cưới. Đám cưới hôm đó, mình chị xuất hiện bên bốn đôi khác... Đám cưới của chị là đám cưới không có chú rể như thế! Nhưng sự không trọn vẹn ấy không khiến chị buồn hay thất vọng bởi chị hiểu và thương anh hơn tất cả. Giờ nhắc lại câu chuyện ấy, chị bảo: “Hôm ấy, mọi người thương tôi lắm, sợ tôi buồn, tủi thân. Nhưng nỗi buồn ấy cũng chỉ thoáng qua thôi, vì sức khỏe của anh ấy mới là quan trọng nhất!”.
Sau khi cưới, anh Diên vẫn phải lên sống ở trại điều dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Chị ở nhà sống cùng bố mẹ chồng và các em. Sau này, các em chồng sống riêng, chị luôn trách nhiệm, một lòng phụng dưỡng bố mẹ chồng. Chị luôn cảm phục bố mẹ và chồng. Bởi bố chồng chị cũng là thương binh, mẹ chồng là người phụ nữ hết lòng lo cho con cái, chồng chị cũng đã hy sinh một phần xương máu cho cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc.
Năm 1988, anh Diên xin trại điều dưỡng về quê ở hẳn với chị. Được sống cùng chồng, hạnh phúc trọn vẹn hơn nhưng cũng thêm nhiều khó khăn. Bởi những cơn đau thường xuyên “hành hạ” anh. Những lúc ấy, chị chăm sóc anh không chỉ bằng tình yêu thương của người vợ mà còn bằng cả tình đồng đội, đồng chí. Tình yêu thương đó không gì có thể đong đếm được!
Vì sức khỏe anh rất yếu nên mọi vấn đề trong nhà đều do chị lo toan. Từ những công việc nhỏ nhất đến việc trọng đại của gia đình, mình chị phải lo liệu hết cả. Chồng chị lại là con trưởng nên trách nhiệm, công việc của chị càng nhiều hơn.
Nhớ về những năm đói kém, chị bồi hồi: “Những năm ấy, nhà không có cơm mà ăn, may chăng còn có sắn để qua bữa. Nhiều đêm, nghĩ đến chồng, đến con mà tôi lại thấy thương, nước mắt trào ra”. Chị không thể nhớ đã bao nhiêu đêm khóc một mình! Nhưng chưa bao giờ chị hối hận vì quyết định lấy anh khi ấy. Trong thâm tâm người phụ nữ đầy nghị lực này luôn quan niệm khó khăn nào cũng sẽ qua, những khó khăn đến rồi sẽ đi. Chị chấp nhận tất cả bởi chị thương anh, thương cho sự đau đớn đang hành hạ anh từng ngày.
Khi nói về thời gian khó khăn nhất của gia đình, chị Nguyết nhớ đến năm 1998. Năm đó, anh Diên bị phát hiện ung thư vòm họng nên phải nằm điều trị ba tháng ở Viện K. Kinh tế gia đình khó khăn, con nhỏ, sức khỏe chị năm ấy lại không tốt nên khổ lại càng thêm khổ. Nhưng may mắn khi đó, chị nhận được sự giúp đỡ của người thân nên sự vất vả cũng nguôi đi phần nào. Chị tâm sự: “Hồi ấy, nhà ai cũng có khó khăn riêng nên tôi cũng không dám nhờ ai. Cũng nhờ người thân hiểu, thông cảm nên giúp đỡ, chia sẻ khó khăn. Nếu không có mọi người giúp đỡ thì không biết gia đình tôi sẽ vượt qua những ngày tháng ấy như thế nào”.
36 năm trôi qua, chị với anh đã có với nhau 5 mặt con. Trong suốt thời gian đó, chị luôn hết mực yêu thương chồng con, cố gắng hy sinh tất cả để mong con trưởng thành, khôn lớn. Chị vừa làm ở Trạm Y tế vừa làm nông nghiệp để kiếm đủ tiền nuôi sống cả gia đình. Những năm bị mất mùa, chị nhìn từng mảnh ruộng, từng cây lúa mà lòng đau như cắt. Chị bảo giờ nghĩ lại không hiểu sao khi ấy chị lại có đủ bản lĩnh để vượt qua. Bởi có những đêm nằm ngủ mà chỉ toàn cảm giác lo lắng vì không biết ngày mai sẽ thế nào...
Hiện nay, chuyện đi lại của anh Diên rất khó khăn, chị càng phải chú ý chăm sóc sức khỏe của anh nhiều hơn. Những vết thương đã lành sẹo nhưng những di chứng để lại thì không thể đoán trước. Kể về chồng, chị bảo: “Anh Diên sống tình cảm lắm! Anh hay động viên tôi để hai vợ chồng cùng vượt qua khó khăn”. Mỗi lần như vậy, chị lại càng cảm thấy thương chồng nhiều hơn. Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn ở lại. Nỗi đau trong chị không ai có thể đong đếm hết. Điều đáng cảm phục ở người phụ nữ này là luôn biết tự an ủi, tự động viên mình. Bởi theo chị, anh luôn bị những cơn đau hành hạ, con còn nhỏ nên những vất vả, khó khăn, chị đều có thể chịu đựng.
Khi nói về chị, mọi người đều hết lời khen ngợi, khâm phục. Nhân ngày Thương binh, Liệt sỹ, chị đã được tôn vinh tại Chương trình Giao lưu – Tôn vinh Gia đình Liệt sỹ và Thương binh tiêu biểu của khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc do Trung tâm Giáo dục Truyền thống và Lịch sử tổ chức.
Chia tay chị tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, sau khi chị cùng Đoàn Gia đình Liệt sỹ và Thương binh tiêu biểu vào Lăng viếng Bác, hình ảnh người phụ nữ bé nhỏ nhưng đầy bản lĩnh ấy càng khiến tôi vô cùng cảm phục. Một mình chị đã trở thành điểm tựa cho cả gia đình. Chắn chắn, chị phải mạnh mẽ lắm, phải nỗ lực lắm để có thể trụ vững. Và dường như người phụ nữ nhỏ đó mang trong mình một tình yêu, một niềm tin không gì lay chuyển nổi!
Thanh Huyền