Trong 2 ngày 31/3 và 01/04/2024, Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tham quan học tập, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm đón tiếp, tuyên truyền tại các di tích lịch sử, văn hoá thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Trung tá Đào Hòa Bình, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn 285 làm Trưởng đoàn. Đoàn gồm 24 đồng chí gồm Chỉ huy đoàn, đại diện chỉ huy cơ quan, đơn vị, cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền Đội Quản lý Di tích, các đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2023.
Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn công tác là Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến (đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Trung đoàn 52 Tây Tiến thường gọi là Trung đoàn Tây Tiến được thành lập năm 1947. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Mộc Châu là nơi tập kết của đoàn quân Tây Tiến. Từ đây, các chiến sĩ của đoàn quân Tây Tiến đã tỏa đi khắp các mặt trận Tây Bắc và Thượng Lào, lập nên những kỳ tích vang dội góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào.
Đoàn tham quan và nghe giới thiệu về Khu Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Khu Di tích lịch Trung đoàn 52 Tây Tiến, là là công trình lịch sử cấp Quốc gia, được khánh thành vào ngày 20/8/2016, là tâm điểm văn hóa tiêu biểu trong quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu, gồm 7 hạng mục chính, có kiến trúc thể hiện sự hùng vĩ, chất thơ mộng của núi rừng Tây Bắc và vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn của Bộ đội Tây Tiến. Hiện nay, Khu Di tích đang lưu giữ nhiều bức ảnh, kỷ vật, các tác phẩm nghệ thuật được người lính Tây Tiến sáng tác trong những ngày chiến đấu gian khổ... là những bằng chứng chân thực chứng kiến lịch sử hào hùng của Trung đoàn 52 Tây Tiến và nay là hình ảnh “tiếp lửa" nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Chiều cùng ngày, Đoàn đã tới thăm dây chuyền chế biến, đóng gói thành phẩm của Nhà máy Sữa Mộc Châu - Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu. Đây là doanh nghiệp có tiền thân là Nông trường Quân đội, được thành lập năm 1958 do các chiến sỹ thuộc Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 sau khi giải phóng Tây Bắc được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ làm kinh tế, mở mang phát triển vùng Tây Bắc.
Hoà mình vào không gian văn hoá Tây Bắc, Đoàn công tác đã tham quan Phố đi bộ Mộc Châu và tham gia chương trình giao lưu văn nghệ do Trung tâm Truyền thông Văn hoá huyện Mộc Châu tổ chức. Không gian chính là nơi trưng bày văn hoá dân tộc Thái, cũng là nơi biểu diễn các chương trình văn hoá văn nghệ hàng đêm. Các màn biểu diễn nghệ thuật xòe Thái, nhảy sạp, múa khèn, nhảy tha khềnh, múa chuông của các đội văn nghệ quần chúng địa phương thể hiện những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông và Dao tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia và trải nghiệm.
Với công tác chuẩn bị và hiệp đồng chặt chẽ, Đoàn 285 đã tham gia giao lưu 3 tiết mục văn hóa, văn nghệ với đội văn hóa nghệ thuật quần chúng, được nhân dân Mộc Châu và du khách trong phố đi bộ rất cảm kích và tán dương. Đặc biệt, Đoàn đã cùng đồng bào địa phương cùng biểu diễn“Vũ điệu kết đoàn” do đồng chí Tòng Thị Phóng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội sáng tác. Tác phẩm được chắt lọc từ những nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc sinh sống tại Sơn La và 16 điệu múa xòe của người Thái. “Vũ điệu kết đoàn” không đơn thuần chỉ là một sản phẩm nghệ thuật kết tinh những nét đẹp văn hóa của các dân tộc, mà còn là thông điệp của tình đoàn kết, sự gắn bó của các dân tộc; góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Tòng Thị Phóng chia sẻ những niệm sâu sắc trong sự nghiệp chính trị.
Tại buổi tiếp Đoàn, đồng chí Tòng Thị Phóng đã kể lại những câu chuyện cảm động về tình cảm của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung, các dân tộc huyện Mộc Châu nói riêng và những kỷ niệm sâu sắc của Đồng chí trong thời gian công tác.
Chuyến tham quan học tập đã khép lại, mỗi thành viên trong Đoàn đã được trang bị thêm những hiểu biết về lịch sử truyền thống cách mạng, về những hy sinh lớn lao của các Anh hùng liệt sỹ, về văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc. Từ đó, nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của bản thân, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhiệm vụ trên từng cương vị công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá Khu K9 trong giai đoạn mới./.
Thúy Nga