Cách đây tròn 70 năm, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của Tướng Đờ Cát, đánh dấu thắng lợi của quân và dân ta trong “trận quyết chiến chiến lược” kéo dài suốt 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ; đập tan hoàn toàn cứ điểm “bất khả xâm phạm” của quân đội viễn chinh Pháp, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, hy sinh chống thực dân Pháp xâm lược. “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” đã làm lung lay tận gốc, rễ và mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa kiểu cũ của Pháp trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng này đã trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Goneve về chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương; tạo cơ sở để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1975.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử, là niềm tự hào của dân tộc ta, là biểu tượng rực rỡ nhất về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam. Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện lịch sử trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn…”(1). Với tầm vóc vang dội khắp năm châu, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ và cả đối phương phải “tâm phục, khẩu phục”. Trong tác phẩm “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, Jules Roy - nguyên đại tá quân viễn chinh Pháp nhận xét: “Trên toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang”(2).

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định chân lý của thời đại: Một dân tộc dù nhỏ, đất không rộng, người không đông, nhưng nếu biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính, thì nhất định đánh thắng những tên đế quốc to. Và, một trong những nhân tố giữ vai trò quyết định thắng lợi đó chính là nhờ “Tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

1. Sáng suốt lựa chọn Điện Biên Phủ là trận “quyết chiến chiến lược”

Đầu năm 1953, trước những thất bại liên tiếp trên các chiến trường ở Đông Dương đã khiến cho thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động và gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó với sự giúp đỡ của Mỹ, tướng Nava, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương đã đề ra một kế hoạch quân sự toàn diện (gọi là kế hoạch Nava) nhằm tìm kiếm một thắng lợi bằng chiến dịch quân sự để thay đổi cục diện tình hình và buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng. Trọng tâm của kế hoạch này là tập trung mọi lỗ lực xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương gồm 49 cứ điểm với hơn 16.200 quân và trang bị, vũ khí hiện đại. Thực dân Pháp cho rằng đây là “một pháo đài bất khả xâm phạm”, là nơi sẽ nghiền nát bộ đội chủ lực của ta. Tuy nhiên, chúng không thể ngờ rằng, chính nơi đây, Trung ương Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã quyết định chọn để mở trận “quyết chiến chiến lược” và đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch và dã tâm của Pháp ở Việt Nam và ở Đông Dương.

Ngay từ cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã họp bàn chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi phân tích tình hình, Đảng ta chủ trương chưa tập trung đánh địch ở đồng bằng mà cần phá vỡ âm mưu tập trung lực lượng của thực dân Pháp bằng cách đưa quân chủ lực lên Tây Bắc, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó. Theo nhận định của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ có một vị trí chiến lược rất quan trọng trong mưu đồ xâm lược Đông Dương nói riêng và Đông Nam Á nói chung của thực dân Pháp. Điện Biên Phủ nằm ở “Ngã tư chiến lược”, là một “chiếc bàn xoay” có thể xoay từ Việt Nam - Lào - Đông Bắc Thái Lan, phía Đông Mianma và đến cả Vân Nam, Trung Quốc. Với Pháp, Điện Biên Phủ còn được coi là chìa khoá quan trọng để bảo vệ Thượng Lào và tạo bàn đạp để đánh chiếm các vùng đất đã mất ở Tây Bắc. Tuy nhiên, với địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, khó khăn lớn nhất với quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là khả năng tiếp tế. Nếu giao tranh dài ngày, Pháp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp tế cho lực lượng chủ lực chiến đấu và phát huy hoả lực của trực thăng, xe tăng, pháo binh...; và khi bị bao vây, cô lập, quân Pháp chỉ có thể tiếp tế theo đường hàng không. Do đó, ta chủ trương đánh những đòn nghi binh để Pháp tin rằng chủ lực của ta tập trung chủ yếu ở Điện Biên Phủ, từ đó buộc chúng phải tập trung lực lượng xây dựng thành tập đoàn cứ điểm nhằm duy trì tham vọng bành trướng của chúng. Để củng cố thêm quyết tâm của thực dân Pháp, tháng 11/1953, ta đã điều Đại đoàn 316 lên Tây Bắc, mở chiến dịch giải phóng Lai Châu (từ 08/12 đến 19/12/1953). Nhận được tin này, Nava cho rằng hướng tấn công chủ yếu của Việt Minh không phải đồng bằng Bắc Bộ như ông ta phán đoán mà có thể chính là Tây Bắc. Nếu như vậy cả Thượng Lào và Luôngphabang có thể bị uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 20/11/1953, Nava mở cuộc hành quân với tên gọi Caxtô cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ với với mục đích nhằm thăm dò Việt Minh chứ chưa có ý định lấy Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Đến khi bị Đại đoàn 316 của ta tiêu diệt và bức hàng 24 đại đội địch, giải phóng toàn bộ khu vực Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía Bắc, Nava tin rằng Việt Minh tập trung phần lớn chủ lực ở Điện Biên Phủ nên đã điều chỉnh lại kế hoạch ban đầu. Từ ngày 05/3/1954, Nava quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương để ngăn chặn Việt Minh. Và chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Ðiện Biên Phủ đã trở thành tâm điểm của Kế hoạch Nava.

Việc chiếm Ðiện Biên Phủ và chấp nhận một trận quyết chiến chiến lược với chủ lực của Việt Minh ở đây, như Nava thừa nhận “là một lối thoát xấu nhưng có thể chấp nhận được. Dẫu sao nó cũng hơn Nà Sản, Lai Châu và Luang Phabang”(3). Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(4). Để thống nhất chỉ huy, tại hội nghị này, Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Như vậy, chính những đòn đánh nghi binh của ta đã buộc Pháp phải xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm, biến nơi đây thành chiến địa một mất, một còn với Việt Minh trong vô vàn những khó khăn, bất lợi. Đây là điều được chính Nava thừa nhận: “Chính trị là biết để lựa chọn giữa những điều bất lợi. Trong chiến lược quân sự, thường cũng phải làm thế”(5).

2. Chiến lược huy động sức mạnh tổng lực của chiến tranh nhân dân

Chiến tranh là sự thử thách toàn diện của các bên tham chiến và quy luật phổ biến của mọi cuộc chiến tranh là “Mạnh được, yếu thua”. Với ưu thế về sức mạnh kinh tế, quân sự và đội quân xâm lược nhà nghề, thực dân Pháp có nhiều lợi thế trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp tự tin Điện Biên Phủ sẽ là “máy nghiền thịt Việt Minh” và chúng còn sợ rằng: Việt Minh không dám đem chủ lực lên giao chiến.Tuy nhiên, với việc phát huy sức mạnh tổng lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của chiến tranh nhân dân, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển hoá về tương quan so sánh lực lượng. Chính sức mạnh chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đã đè bẹp những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”(6), nhân dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm mọi điều kiện cần thiết chi viện cho chiến trường. Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để “an dân”, “dưỡng dân”. Ở hậu phương vùng mới giải phóng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện chiến dịch “Cải cách ruộng đất” theo Luật Cải cách ruộng đất do Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ ba (từ ngày 01 đến 04/12/1953) thông qua với chủ trương đem lại ruộng đất cho dân cày, bồi dưỡng sức dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế kháng chiến. Nhờ chính sách đúng đắn của Đảng đã làm cho nhân dân ở hậu phương được “hỷ hả mát lòng”, cán bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến yên tâm tư tưởng, hăng say giết giặc lập công. Tại các địa phương vùngvùng giải phóng sôi nổi thực hiện phong trào chi viện cho tiền tuyến. Đặc biệt, đầu năm 1954, hậu phương miền Bắc tiến hành cuộc ra quân hùng hậu chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân được phát huy cao độ: Kết hợp giữa phương tiện thô sơ và hiện đại, hàng chục vạn chiến sĩ, dân công hoả tuyến, hàng vạn thanh niên xung phong chân trèo, vai vác, vượt qua bom đạn, bệnh tật hiểm nghèo, vận chuyển lương thực, súng đạn, thuốc men cho mặt trận. Lực lượng dân công hoả tuyến phối hợp cùng bộ đội công binh mở hàng ngàn km đường vận tải, 11.800 thuyền bè, trên 20.000 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ và hàng ngàn xe trâu bò đã được huy động phục vụ chiến dịch.

Chiến trường Điện Biên Phủ cách xa hậu phương với khoảng cách 500 - 600km, trên địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu thất thường, tiềm lực kháng chiến còn hạn hẹp... Để khắc phục khó khăn, Đảng ta đã kết hợp giữa huy động lực lượng hậu phương vùng giải phóng với lực lượng hậu cần tại chỗ. Đảng chỉ đạo đẩy mạnh vận động, huy động tiềm lực của đồng bào các dân tộc ở Liên khu Việt Bắc, vùng mới giải phóng Tây Bắc phục vụ kháng chiến. Nhờ đó, chỉ trong thời gian rất ngắn hậu phương tại chỗ, khu Tây Bắc đã huy động 31.818 dân công. Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến chung của cả nước đã cung cấp cho mặt trận 36.518 dân công. Nhân dân khu mới giải phóng Tây Bắc đã huy động 7.300 tấn gạo cho chiến dịch. Những chính sách đúng đắn của Trung ương Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Đảng uỷ Mặt trận đã từng bước hoá giải bài toán khó về công tác hậu cần. Để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạotập trung tổng lực cho chiến dịch toàn thắng, Bộ Chính trị đã thành lập “Hội đồng Cung cấp mặt trận” do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Theo đó, các địa phương cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận cấp liên khu và cấp tỉnh. Chưa khi nào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại được phát huy cao độ, toàn dân nô lức tham gia làm mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch toàn thắng. Đây là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

3. Có quyết tâm chiến lược“dám đánh” và “biết đánh”

 Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chí Minh: “biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng”(7). Để có quyết tâm dám đánh, Đảng uỷ Mặt trận đã phân tích và chỉ ra tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch. Đánh giá tổng thể Pháp mạnh hơn ta về tiềm lực kinh tế, quân sự, nhất là quân số, vũ khí trang bị hiện đại được huy động trên chiến trường. Do đó, ta chủ trương phải huy động được lực lượng, phương tiện hậu cần tại chỗ để bổ sung lực lượng cho chiến dịch. Cùng với đó, với thế trận ta tấn công, địch phòng ngự cho phép ta có thể lựa chọn thời điểm và huy động lực lượng tuỳ ý để mở các đòn tiến công tạo nên bí mật, bất ngờ đề bẹp sức phản kháng của địch. Mặt khác, khi nghiên cứu về việc bố trí tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đảng uỷ Mặt trận đã phân tích và chỉ ra thực dân Pháp có hai nhược điểm lớn: (1) Tính cô lập của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn nằm chơ vơ giữa mênh mông núi rừng Tây Bắc lại rất xa căn cứ hậu phương nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng viện và tiếp tế đều phải dựa vào đường không. (2) Tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bên trong Tập đoàn cứ điểm. Điện Biên Phủ là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm nhưng trong thực tế vẫn là những cứ điểm tách rời. Quân địch ở đó tuy đông nhưng khi một cứ điểm bị tấn công thì lực lượng đối phó chủ yếu vẫn là lực lượng của chính cứ điểm đó chứ không phải là các cứ điểm khác. Nhược điểm này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt và bẻ gãy từng cứ điểm để làm suy yếu địch. Từ những phân tích “biết địch, biết ta”, ta tự tin dám đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. Quyết tâm của Đảng uỷ Mặt trận đã trở thành quyết tâm của toàn dân, của tất cả lực lượng tham gia chiến dịch.

Cùng với quyết tâm “dám đánh”, quân và dân ta thể hiện rõ nghệ thuật “biết đánh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu”(8). “Dùng mưu” chính là phát huy tài thao lược của tướng lĩnh, binh sĩ trong chiến tranh. Để lựa chọn người chỉ huy chiến dịch, Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch đã quyết định chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm tổng chỉ huy chiến dịch.Trước khi mở màn chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(9). Đây không chỉ là sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng và Bác Hồ mà còn thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh về nghệ thuật dùng người. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã theo dõi sát tình hình, kịp thời điều chỉnh phương châm tác chiến. Phương châm ban đầu được xác định là “đánh nhanh, thắng nhanh”, dùng mũi thọc sâu “tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn”(10). Tuy nhiên,theo dõi sát tình tình thay đổi trên thực tiễn chiến trường và với sự hạy cảm của một vị trướng dạn dày trận mạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn thời gian nổ súng 24 tiếng trong khi các đơn vị đã sẵn sàng chờ lệnh và đưa ra quyết định cuối cùng “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng và nhờ đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ.

Cùng với phát huy trí tuệ của tướng lĩnh, chúng ta đã chú trọng phát huy trí tuệchiến sĩ và dân ta bằng việc vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo,độc đáo và hiệu quả. Đó là cách đánh “vây lấn” bằng hầm hào của bộ binh nhằm thu hẹp dần phạm vi kiểm soát của tập đoàn cứ điểm. Đó là cách đánh gần bắn thẳng của pháo binh đạt hiệu suất cao. Lần đầu tiên các khẩu pháo hạng nặng 105mm của ta xuất trận, được kéo bằng tay trên quãng đường dài hàng chục kilômet trong điều kiện không có đường xá chuẩn bị sẵn, lại bị máy bay, pháo của địch thường xuyên bắn phá, ngăn chặn. Pháo binh của ta đã gây bất ngờ lớn nhất và gây hoang mang, lo sợ nhất cho quân Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội ta thực hiện thành công và hiệu quả sự hiệp đồng chiến đấu binh chủng hợp thành giữa pháo binh với bộ binh.

4. Chiến lược kết hợp đấu tranh quân sự với ngoại giao

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh xảy ra bằng giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, với dã tấm “cướp nước ta một lần nữa”, thực dân Pháp đã thẳng thừng từ chối thiện chí hoà bình của dân tộc ta.Với tâm thế của một đế quốc - mẫu quốc, thực dân Pháp kỳ vọng tuyệt đối vào Kế hoạch Nava. Họ chỉ ngồi vào bàn thương lượng với tâm thế của người chiến thắng. Sau này, chính Nava đã yêu cầu Chính phủ Pháp chỉ đặt vấn đề thương lượng khi đã giành được một thắng lợi quyết định trong chiến tranh Đông Dương.Với thiện chí hoà bình ngay từ đầu cuộc kháng chiến, cùng với những thắng lợi trên chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 17/12/1953, Bộ Chính trị ra nghị quyết về đàm phán thương lượng nêu rõ: Ngọn cờ hòa bình phải do ta nắm lấy và giương cao lên. Nhưng bọn đế quốc chỉ chịu thương lượng hòa bình khi nào chúng bị ta tiêu diệt thật nhiều sinh lực và tự nhận thấy không thương lượng hòa bình không được. Ngày 19/12/1953, Hồ Chủ tịch ra “Lời kêu gọi nhân ngày Toàn quốc kháng chiến”. Người chỉ rõ: “nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”(11).

Tuyên bố của Hồ Chủ tịch và quan điểm của Đảng, Chính phủ ta có tác động mạnh đến phong trào hòa bình ở Pháp và thế giới, mở đầu cho cuộc thương lượng hòa bình ở Giơnevơ giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Ngày 26/01/1954, Hội nghị Ngoại trưởng bốn cường quốc họp tại Béclin, xác định sẽ triệu tập Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương. Ngày 10/3/1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức nhận lời mời tham dự Hội nghị bàn về chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương, khai mạc vào ngày 26/4/1954. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp đã bỏ lỡ cơ hội hòa bình này nên ngày 13/3/1954, ta buộc phải mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đấu tranh ngoại giao trên trường quốc tế cùng với cuộc tiến công mãnh liệt trên các chiến trường, đưa đến thắng lợi vang dội của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơnevơ khai mạc và đúng như nhận định của Bộ Chính trị, Pháp chỉ chịu thương lượng hòa bình khi chúng bị quân và dân ta tiêu hao, tiêu diệt thật nhiều sinh lực và tự nhận thấy không thương lượng hòa bình không được. Này 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hoà bình và chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. Đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp. Đây thực sự là đỉnh cao của chiến lược kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Đảng và Hồ Chủ tịch.

“Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”- Lời thơ ấy là sự khắc hoạ chân thực, sâu sắc ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ. Thiên sử vàng, thiên anh hùng ca Điện Biên Phủ vang vọng khắp non sông và truyền cảm hứng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam ngày nay và mai sau. Những bài học lịch sử vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo, cùng với thời cơ, đất nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đòi hỏi Đảng ta cần tiếp tục: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(12) không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn chiến lược để hoá giải những thách thức hiện hữu đe doạ sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước, quân đội và Nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ: “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Trải qua 55 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về với cõi vĩnh hằng (2/9/1969) và gần 50 năm kể từ ngày khánh thành Công trình Lăng, mở cửa đón đồng bào cả nước và khác quốc tế vào viếng Bác (29/8/1975); với tầm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị luôn nêu cao trách nhiệm chính trị, đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, gian khổ, nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Xây đắp nên truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng anh hùng: “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp động tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”.

Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị trong tình hình mới, Thường vụ, Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tiếp tục coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về thống của Đảng, của dân tộc, của Quân đội và của đơn vị, về niềm vinh dự, tự hào của người chiến sỹ bên Lăng Bác Hồ; ra sức thi đua phát huy truyền thống của Bộ đội Điện Biên năm xưa, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Tập trung xây dựng Đảng bộ Đoàn 969 trong sạch vững mạnh tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”, không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng và Cụm Di tích lịch sử- văn hóa Ba Đình tổ chức đón tiếp, phục vụ an toàn, tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác và tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa tại khu vực Lăng, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9. Để Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9 mãi mãi là nơi tôn nghiêm, là không gian thiêng liêng, là địa chỉ đỏ, là nơi góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vĩ đại./.

Đại tá Phạm Văn Hiếu,

Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.315.

(2) Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994

(3) https://nhandan.vn/tai-sao-dien-bien-phu-post357520.html

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008 tr.938-943.

(5) https://nhandan.vn/tai-sao-dien-bien-phu-post357520.html

(6) https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/van-kien-tu-lieu/chien-dich-dien-bien-phu-va-bai-hoc-phat-huy-suc-manh-doan-ket-toan-dan-hien-nay-765142

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.563

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.562

(9) 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bản hùng ca bất diệt của thế kỷ XX, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013, tr.34.

(10) Hoàng Minh Phương, Nắm ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng tư lệnh, Tạp chí Xưa và Nay, số 208, 3/2004, tr.10.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.340.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 34

Bài viết khác: