Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đánh dấu sự toàn thắng của quân và dân ta sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Kể từ đó, ngày 07/5 hằng năm trở thành dấu mốc không thể phai mờ trong ký ức của dân tộc Việt Nam và trong trái tim nhân loại yêu chuộng hòa bình thế giới. Thiên sử ca, thiên anh hùng ca Điện Biên Phủ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ 20. Đối với thế giới, “Tiếng sấm Điện Biên Phủ” vang dội khắp năm châu, làm rung chuyển hệ thống thuộc địa và mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự hội tụ các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, trong đó yếu tố cốt lõi là nhờ “nhân hoà”. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là thế nào? Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí”(1). Vì thế, dẫu năm tháng trôi qua, thế giới có thể đổi thay nhưng giá trị và những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng mãi mai sau, góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.

1. “Thế trận lòng dân” - cội nguồn sức mạnh của Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Quốc dĩ dân vi bản” - Nước lấy dân là gốc phương châm trị quốc và thượng sách giữ nước của cha ông ta từ xa xưa. Lịch sử dựng nước, giữ nước đã chứng minh, triều đại nào trọng dân, thân dân, coi “dân vi quý” thì đất nước hưng thịnh và ngược lại sẽ suy tàn. Tổng kết cuộc kháng chiến chống đại quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã căn dặn: “Khoan thư sức dân đó là kế sâu rễ bền gốc”. Kế thừa, phát triển sáng tạo di sản của tổ tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”(2). Cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của việc phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân”.

Lòng dân là thứ đã có sẵn, thứ luôn tồn tại trong mỗi người dân yêu nước mà không kẻ thù nào có thể mua chuộc hay cưỡng đoạt. Vì vậy, để quy tụ sức mạnh “lòng dân” đòi hỏi bất cứ chính đảng và giai cấp cầm quyền nào cũng phải xác định đường lối chính trị “đúng đạo”, hợp lòng dân. Một cuộc chiến tranh đúng đạo, hợp lòng dân tất yếu sẽ giành được thắng lợi và ngược lại sẽ thất bại ngay từ đầu. “Thiên thứ nhất” trong “Binh Pháp Tôn Tử”, khi bàn đến “Kế sách hàng đầu”, Tôn Tử chỉ rõ “Việc binh là việc lớn của quốc gia. Nó quan hệ đến việc sống chết của dân, việc mất còn của đất nước, không thể không xét kỹ”. Tôn Tử chỉ ra 5 điều quyết định tới sự mất còn của đôi bên đó là “Đạo - Thiên - Địa - Tướng - Pháp”. Trong đó “Đạo” là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất, được hiểu là sự đồng lòng, ủng hộ của dân chúng. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chủ tịch đã nêu rõ cuộc kháng chiến của quân và dân ta là chính nghĩa. Người chỉ rõ: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Tuy nhiên, để đi tới ngày toàn thắng Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã có 9 năm ròng rã “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Thực chất, đây chính là quá trình chuyển hoá “lòng dân” thành “thế trận lòng dân”. Nhờ đó, đã giúp quân và dân ta chuyển hoá tương quan so sánh lực lượng, thực hiện thắng lợi phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” buộc Pháp phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương.

2. Động viên “Tài dân, sức dân, của dân” - phương thức cơ bản để phát huy “thế trận lòng dân”

Điện Biên Phủ là niềm hy vọng cuối cùng của thực dân Pháp để cứu vãn tham vọng bành trướng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Vì vậy, Pháp đã xây dựng ở đây thành tập đoàn cứ điểm lớn nhất, mạnh nhất, thành “con nhím khổng lồ ở vùng Tây Bắc Việt Nam”. Pháp tự tin đến mức lo sợ Việt Minh không dám đem chủ lực lên giao chiến với chúng. Khi biết quân ta kéo pháo vào trận địa, Đờ Cát cho rải truyền đơn thách thức Tướng Giáp, với nội dung: “Hãy tấn công Điện Biên Phủ đi”(3), dưới ký tên: Đại tá Đờ Cát. Trên thực tế, Pháp có lý do khi tự tin coi “Điện Biên Phủ” là pháo đài bất khả xâm phạm. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tổng cộng 49 cứ điểm và mỗi cụm cứ điểm đều có khả năng phòng ngự. Nhiều cứ điểm nằm sát cạnh nhau tạo thành 8 cụm cứ điểm có lực lượng cơ động và hoả lực riêng, có hệ thống công sự vững chắc, xung quanh có hàng rào dây thép gai dày đặc và có khả năng phòng ngự độc lập. Mỗi cụm cứ điểm là hệ thống hoả lực nhiều tầng, có chiến hào ngang dọc. Một số cứ điểm còn có hầm ngầm. Hàng rào dây thép gai bao quanh các cứ điểm dày từ 50 đến 200m. Ngoài ra còn có các bãi mìn dày đặc và hàng rào sát mặt đất. Tám cụm cứ điểm này được tổ chức thành ba bộ phận lớn: Phân khu trung tâm, phân khu Bắc, Phân khu Nam. Ngoài ra, ở đây còn có một đội quân dự bị mạnh gồm ba tiểu đoàn bộ binh và một đại đội xe tăng làm nhiệm vụ cơ động tác chiến giữa phân khu trung tâm và phân khu Nam. Trong khi đó, quân và dân ta tác chiến trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có; miền Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển, việc bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến vùng du kích, các khu căn cứ địa ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, tất cả đều dồn sức người, sức của cho Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, để chi viện cho tiền tuyến trong cuộc chiến đấu dài ngày, gian khổ đòi hỏi phải huy động sức dân trong nhiệm vụ mở đường và vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược.

Về nhiệm vụ làm đường, quân và dân ta đã hoàn thành việc sửa chữa và mở rộng đường từ Tạ Khoa đi Cò Nòi, khai thông tuyến đường Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ, bảo đảm đường sá từ Ba Khe qua Việt Bắc và Suối Rút về vùng tự do Liên khu 3, Liên khu 4, gấp rút mở thêm tuyến đường Mường Luân - Na Sang… Về công tác vận chuyển, ta sử dụng sức người là chính. Hàng vạn dân công đã được huy động để vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến. Nhân dân chủ yếu sử dụng gồng gánh và xe đạp thồ. Trong khi dân công thồ gạo và đạn dược ra mặt trận thì bộ đội cũng tiến hành kéo pháo vào trận địa. Tính chung trong chiến dịch, Nhân dân đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”(4). Sự huy động sức dân được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954… Bọn đế quốc... không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của Nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”(5).

Bên cạnh nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị cho chiến dịch toàn thắng, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để “an dân”, “dưỡng dân” ở hậu phương vùng mới giải phóng. Các địa phương đẩy mạnh thực hiện chiến dịch “Cải cách ruộng đất”(6) với chủ trương đem lại ruộng đất cho dân cày, bồi dưỡng sức dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế kháng chiến. Nhờ chính sách đúng đắn của Đảng đã củng cố niềm tin cho Nhân dân, cổ vũ tinh thần hăng say chiến đấu giết giặc lập công cho cán bộ, chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội bản báo cáo “Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất”. Người nêu rõ: “Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt. Chỉ có phát động quần chúng cải cách ruộng đất, ta mới tiến hành những công việc đó được thuận lợi”(7). Giữa lúc cuộc vận động thực hiện triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất đang diễn ra, trên mặt trận quân sự, quân và dân Việt Nam tiến công mạnh mẽ khắp toàn chiến trường Đông Dương, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

3. Kết hợp sức mạnh “thế trận lòng dân” với sức mạnh thời đại

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là tư duy chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, trong chiến dịch Điện Biên Phủ bên cạnh đề cao sức mạnh “tự lực cánh sinh” của phát huy “thế trận lòng dân”, quân và dân ta luôn trân trọng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Theo lời đề nghị giúp đỡ của Việt Nam, Trung Quốc đã đáp ứng trên tinh thần “toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất”, bao gồm: Lương thực thực phẩm, thuốc men, đạn dược, vũ khí trang bị. Đặc biệt, Trung đoàn lựu pháo 105 mm là đơn vị hỏa lực mạnh nhất của Việt Nam, do Trung Quốc giúp đỡ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Cùng đó, Liên Xô đã viện trợ Việt Nam nhiều hàng hoá có ý nghĩa chiến lược về quân sự, kinh tế, thường viện trợ không hoàn lại và thường giúp thêm ngoài mức Việt Nam đề nghị gồm: pháo cao xạ 37 ly, Hỏa tiễn H6, súng Tiểu liên K50, ôtô vận tải… Ðặc biệt, trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Hỏa tiễn H6 đã phát huy uy lực, khiến đối phương vô cùng sợ hãi, hoảng loạn, góp phần nhanh chóng làm cho quân đội Pháp suy sụp tinh thần, tê liệt ý chí chiến đấu. Tuy nhiên, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của ta. Song nhân dân và cán bộ ta tuyệt đối chớ vì bạn ta giúp nhiều mà đâm ra ỷ lại”(8). Trên cơ sở sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, quân và dân ta đã phát huy tinh thần sáng tạo, trí tuệ Việt Nam góp phần bổ sung lực lượng kháng chiến, bồi bổ sức mạnh “thế trận lòng dân” vững chắc.

4. Kịp thời khắc phục những “trở lực” trong phát huy “thế trận lòng dân”

Để khai thông sức mạnh của “thế trận lòng dân”, cổ vũ khí thế tiến công “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của quân và dân ta, Đảng ta đặc biệt chú trọng khắc phục các “trở lực”. Đây là những kẻ địch có thể cản trở sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhất là trước trận quyết chiến chiến lược. Theo Hồ Chí Minh, kẻ địch gồm có ba loại: chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài. Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi, để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia. Để phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đặc biệt chú ý khắc phục các “trở lực” như:

Một là, tình trạng tư tưởng và hành động không thông suốt, không nhất trí, trước hết từ trong Đảng, rồi đến các lực lượng xã hội, trong quần chúng, nhất là các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nói về tầm quan trọng của công tác tư tưởng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”(9). Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược có liên quan mật thiết tới sự thành bại của cuộc kháng chiến, quyết định mọi vốn liếng của cách mạng. Mặt khác, đây là lần đầu tiên quân ta đánh vào một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, lại phải chiến đấu kéo dài, liên tục trong những điều kiện gian khổ, thiếu thốn về nhiều mặt, cùng với thời tiết không thuận lợi khiến một bộ phận cán bộ, chiến sĩ xuất hiện tâm lý hoang mang, dao động, giảm sút ý chí tiến công, thiếu tích cực tiêu diệt địch, bi quan, hoài nghi vào thắng lợi... Đặc biệt, khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” khiến chúng ta gặp trở ngại không nhỏ về tư tưởng bộ đội. Nắm vững tình hình tư tưởng diễn biến không có lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ta đã có nhiều chủ trương nhằm nâng cao sức mạnh chính trị, tinh thần cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Trước giờ nổ súng và mở màn chiến dịch, Hồ Chủ tịch đã viết thư động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Người căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”(10). Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng uỷ Mặt trận đã kịp thời triệu tập Hội nghị cán bộ các cấp để thống nhất nhận thức về cách đánh mới, đồng thời đấu tranh với những nhận thức, tư tưởng lệch lạc. Đây là cách làm sáng tạo góp phần thống nhất nhận thức, xây dựng tình đoàn kết và niềm tin trong cán bộ, chiến sĩ vào phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nhờ đó chúng ta đã giành thắng lợi giòn giã. Tiếp đó, để phát huy kết quả của công tác tư tưởng, Đảng ủy mặt trận còn kịp thời chỉ đạo kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức. Một mặt, lựa chọn những vụ việc điển hình về vi phạm kỷ luật chiến trường, vi phạm chính sách để thi hành kỷ luật, nhằm giáo dục chung; mặt khác, kịp thời kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng, chấn chỉnh công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, chăm sóc thương bệnh binh, giải quyết vấn đề chiến thuật, tổ chức bồi dưỡng và rút kinh nghiệm hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh và binh chủng,… Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, bằng nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo nên đã làm chuyển biến tình hình mọi mặt, thúc đẩy chiến dịch phát triển.

Hai là, khắc phục tình trạng chia rẽ bè phái, mất đoàn kết, vô tổ chức, vô kỷ luật. Hồ Chí Minh nhiều lần nghiêm khắc phê phán những người “... thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị... gây lủng củng trong nội bộ...”(11). Thậm chí có đảng viên còn “kể công” với Đảng... muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị... Nếu không thoả mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng. Có những đảng viên “tự do hành động”, trái với tổ chức và kỷ luật của Đảng. Dù muốn hay là không muốn, hành động của họ làm giảm sút uy tín và ngăn trở sự nghiệp của Đảng, nhất là cản trở sức chiến đấu của đơn vị tham gia chiến dịch.

Ba là, khắc phục bệnh chủ quan, bảo thủ, chủ nghĩa kinh nghiệm, giáo điều, lười biếng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta còn nhiều khuyết điểm như: bệnh chủ quan, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, tác phong quan liêu, chủ nghĩa cá nhân... Những khuyết điểm ấy ngăn trở sự tiến bộ của... chúng ta”(12). Để khắc phục những trở lực ấy cần chú ý việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm các nước khác, kinh nghiệm của đơn vị khác và phải chủ động, sáng tạo, chứ không “rập khuôn máy móc”. Đó là một bài học có ý nghĩa phương pháp luận khoa học rất to lớn đối với Đảng và Nhân dân ta trong trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Chủ quan, giáo điều, không chịu học hỏi cái mới là những bệnh trực tiếp cản trở sức mạnh của quân và dân ta trong kháng chiến, làm giảm sút sức mạnh chiến đấu của các đơn vị quân đội.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự thử thách toàn diện sức mạnh của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh vô địch của thế trận lòng dân, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, truyền thống  “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!”, Nhân dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thắng lợi ấy đã khẳng định chân lý của thời đại: Một quốc gia nhỏ bé, đất không rộng, người không đông, phải đương đầu với cuộc chiến tranh tổng lực của đế quốc, thực dân đầu sỏ nhưng nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng trên cơ sở phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ nhất định sẽ toàn thắng.

Kế thừa bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, vấn đề xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng cũng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận nền an ninh nhân dân”. Vì vậy, các cấp uỷ, tổ chức Đảng cần chú trọng thực hiện tốt những yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đây là vấn đề lớn và khó liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương, hiều tổ chức, lực lượng song là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” là công tác cán bộ. Chính tâm, tầm, tài, đức của cán bộ biến việc khó thành dễ, biến nguy thành cơ và quan trọng hơn hết là uy tín trước quần chúng.

Thứ hai, cần đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, công tác dân vận phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, là cầu nối để hiện thực hoá chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Trong đó, hiệu quả của hoạt động này phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận. Do đó, phải lựa chọn đội ngũ cán bộ dân vận thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, tác phong công tác, có đủ uy tín trước quần chúng để thuyết phục, thu phục và chinh phục quần chúng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”. Xây dựng “thế trận lòng dân” là quá trình nâng cao giác ngộ của quần chúng nhằm củng cố niềm tin, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc. Những yếu tố này chỉ có thể có được khi cán bộ dân vận gương mẫu thực hiện “nói đi đôi với làm”, chú trọng việc làm là chủ yếu.

Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả cơ chế vận hành hệ thống chính trị. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trân Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” . Đây là vấn đề có tính nguyên tắc thể hiện bản chất dân chủ của chế độ mới. Do đó, vấn đề mấu chốt để thực hiện nguyên tắc này đó là phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các thành tố trong hệ thống chính trị bảo đảm các thành tố hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bao biện làm thay. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” bảo đảm phát huy địa vị và quyền làm chủ của nhân dân

Thứ tư, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Để xây dựng “Thế trận lòng dân”  bên cạnh việc chăm lo bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cần phải kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc trong dân. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật dân chủ, nhân văn, đầy đủ, hiện đại nhằm minh bạch hoá hoạt động của nhà nước và nâng cao tính tự chủ của công dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tóm lại, phát huy thế trận lòng dân là vấn đề có tính chất quy luật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, được thể hiệm và phát triển tới đỉnh cao trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là những chỉ dẫn thực tiễn quan trọng cần được bổ sung, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng

Bí thư Đảng ủy Đoàn 969

Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.594.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 453.

(3) Chiến thắng Điện Biên Phủ Sự kiện và hỏi đáp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.56.

(4) https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/van-kien-tu-lieu/chien-dich-dien-bien-phu-va-bai-hoc-phat-huy-suc-manh-doan-ket-toan-dan-hien-nay-765142

(5) https://hanoimoi.vn/bai-hoc-lon-ve-huy-dong-suc-dan-543821.html.

(6) Luật Cải cách ruộng đất do Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ ba thông qua (từ ngày 1 đến 4/12/1953).

(7) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.396.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.56.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 606.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 433.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 29.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 676.

 

Bài viết khác: