Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng, Nhà nước giao cho Quân đội. Vinh dự to lớn đó được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một nhiệm vụ chưa có tiền lệ ở Việt Nam; một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không được phép phạm một sai lầm, dù là nhỏ nhất. Để hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt này, các thế hệ cán bộ chủ trì của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, đã làm tốt công tác tham mưu và triển khai hiệu quả các quyết định của Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ và coi đây là khâu then chốt quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

bo nhiem 1
Ngày 17/5/2024, Thường vụ Đảng uỷ Đoàn 969 đã tổ chức Hội nghị công bố và trao quyết định Điều động, bổ nhiệm; thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan đợt 1 năm 2024.

Nhìn lại quá trình 55 năm  thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 49 năm quản lý, vận hành kỹ thuật Công trình Lăng của Người (1975 - 2024), có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:

Trước hết là, chủ động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chuyên ngành sâu, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Từ cuối năm 1967, khi thấy tình hình sức khỏe của Bác có nhiều giảm sút, Bộ Chính trị đã quyết định cử một tổ cán bộ gồm 3 bác sĩ giỏi sang Liên Xô học tập kiến thức và kinh nghiệm giữ gìn lâu dài thi hài. Thiếu tá Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý Viện Quân y 108 kiêm Trưởng phòng Pháp y Quân đội; Bác sĩ nội tiết Lê Ngọc Mẫn, Bệnh viện Bạch Mai và Bác sĩ  ngoại khoa Lê Điều, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và Bác sĩ Lê Điều được quyết định điều vào quân đội); đây là những bác sĩ đầu tiên được giao nhiệm vụ tiến hành công tác chuẩn bị giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và là những người đặt nền móng cho khoa học bảo quản thi hài ở Việt Nam. Trước khi sang Liên Xô học tập, ba bác sĩ đã được đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ.

Tại Liên Xô, được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Lăng Lê-nin; các bác sĩ đã tranh thủ từng ngày, từng giờ để học tập, nghiên cứu và thực hành động tác trên các thực nghiệm. Sau 7 tháng học tập, các bác sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước để bắt tay vào chuẩn bị cho nhiệm vụ chính trị đặc biệt sau này.

Ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trước mất mát lớn lao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ba bác sĩ cùng với các thành viên trong Tổ y tế đặc biệt đã cùng với các nhà khoa học y tế Liên Xô trực tiếp tiến hành công tác y tế đầu tiên phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày Lễ quốc tang tại Hà Nội, Tổ y tế đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận kỹ thuật duy trì bảo đảm an toàn nhiệt độ và độ ẩm, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến thi hài Bác. Chiều ngày 09 tháng 9 năm 1969, Lễ truy điệu Bác đã được cử hành trọng thể tại Thủ đô Hà Nội; Tổ y tế  đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ nhân dân và các đoàn khách quốc tế đến viếng Bác an toàn tuyệt đối. Thi hài Bác đã được duy trì bảo đảm thông số ổn định, tạo tiền đề rất quan trọng cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác sau này.

Những năm tiếp theo, mặc dù được sự giúp đỡ trực tiếp rất nhiệt tình của các chuyên gia Liên Xô, song đơn vị đã tích cực, chủ động bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ y tế và kỹ thuật độc lập hoàn thành được nhiệm vụ. Năm 1991, Liên Xô tan rã, Công trình Lăng không còn nhận được sự viện trợ, giúp đỡ trực tiếp của Nhà nước Liên xô, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng vẫn tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Năm 1992 đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Xô, vào thời điểm đó mọi thỏa thuận giữa hai chính phủ Liên Xô và Việt Nam không còn hiệu lực. Đứng trước tình hình đó, Thường vụ Đảng uỷ Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Lăng và Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời báo cáo lãnh đạo các cấp và triển khai ngay việc ký kết hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng và Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga về việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình thức quan hệ hợp tác trực tiếp từ năm 1992, đã tạo cơ sở cho việc đào tạo cán bộ y tế Việt Nam trong lĩnh vực ướp bảo quản, tại Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva. Đây là tiền đề rất cơ bản để cán bộ y tế của Việt Nam cùng hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia y tế Liên bang Nga về các vấn đề thuộc lĩnh vực ướp bảo quản thi hài trong tình hình mới. Đồng thời, đây cũng là bước đi rất cơ bản trong đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ cao để từng bước làm chủ được công nghệ và khoa học giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai là, tranh thủ mọi thời cơ để trau dồi kiến thức và học tập kinh nghiệm của các chuyên gia; hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, nhằm từng bước vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong 55 năm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể chia thành 3 giai đoạn chính như sau: (1) từ năm 1969 đến năm 1975, các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ chúng ta giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện chiến tranh chống Mỹ ác liệt; (2) từ năm 1975 đến năm 1991, các cán bộ, bác sĩ của ta phối hợp với các chuyên gia Liên xô giữ gìn thi hài Bác trong điều kiện môi trường thuận lợi tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (3) từ cuối những năm 1991 đến nay là giai đoạn phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, cán bộ, bác sĩ của ta từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ chính trị được giao, các chuyên gia Liên bang Nga giữ vai trò là cố vấn cho đội ngũ cán bộ y tế của Việt Nam.

Trải qua từng giai đoạn, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) và Bộ Quốc phòng; Đảng ủy và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã làm tốt việc tranh thủ sự giúp đỡ nhiệt tình có hiệu quả của các chuyên gia Liên xô trước đây và các chuyên gia Liên bang Nga ngày nay trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bác sĩ có đủ năng lực và trình độ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm 1992 đến nay, đơn vị đã hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva, hàng năm mời các chuyên gia đầu ngành của Bạn sang giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức và hợp tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kiến thức, kinh nghiệm học tập được đã giúp cho đội ngũ cán bộ, bác sĩ của đơn vị trưởng thành nhanh chóng. Từ năm 2004 đến nay, được sự giúp đỡ của Bạn, chúng ta đã pha chế thành công dung dịch đặc biệt tại Việt Nam; hoàn thành nghiệm thu đề tài nghiên cứu VN-01, ứng dụng triển khai tại Việt Nam với chất lượng, hiệu quả tốt. Điều đó đã khẳng định khả năng vươn lên làm chủ nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ, bác sĩ trong đơn vị.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp và tạo dựng được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài quân đội đối với nhiệm vụ của đơn vị; trong những năm qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã chủ động kết hợp với Viện Khoa học Công nghệ Quân sự, Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… hoàn thành nhiều đề tài khoa học và được triển khai có hiệu quả tốt. Qua quá trình hợp tác nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ của đơn vị đã tiếp thu và học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là cán bộ trẻ, mới ra trường và số cán bộ ít có điều kiện tiếp xúc với trang thiết bị mới, hiện đại.

 Thứ ba là, kết hợp các loại hình đào tạo tại trường, bồi dưỡng tại chức; các nguồn đào tạo trong nước và nước ngoài để có một đội ngũ cán bộ đáp ứng với mọi yêu cầu nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng được Bộ Quốc phòng ưu tiên cho phép được tuyển chọn từ các nhà trường trong Quân đội. Các thế hệ cán bộ được đào tạo cơ bản từ Liên Xô và các nước xã hôị chủ nghĩa Đông Âu trước đây, kết hợp với đội ngũ cán bộ được đào tạo trong nước đã hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, trong đó nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên hoàn thành xuất sắc. Thế hệ cán bộ đó đều đã lớn tuổi, hầu hết đã nghỉ trong những năm vừa qua. Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã thường xuyên báo cáo Tổng Cục Chính trị và Bộ Quốc phòng quan tâm đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ. Mặt khác, đơn vị chủ động lựa chọn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chính trị và được đào tạo đúng chuyên ngành đơn vị đang cần để đưa vào nguồn sĩ quan dự bị. Sau thời gian huấn luyện kiến thức quân sự, các kỹ sư (cử nhân) được phong quân hàm sĩ quan dự bị được phân công nhiệm vụ về đơn vị công tác, đã bổ sung một lực lượng đáng kể cho cán bộ của đơn vị.

Cán bộ y tế và kỹ thuật đảm nhiệm những chuyên ngành đặc thù đã từng bước trưởng thành, trở thành những cán bộ chủ trì trong các cơ quan, đơn vị và một số đồng chí đã trở thành cán bộ chủ trì của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Đây thực sự là những yếu tố rất quan trọng để đảng bộ và đơn vị tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Hiện nay, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩ chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của ta và tăng cường hợp tác với Bạn. Thực hiện Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 308-KL/QUTW ngày 09/9/2022 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 122 “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Phát huy thành tựu và kết quả hợp tác nghiên cứu trong 55 năm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, nhân viên nói chung và cán bộ, bác sĩ, nói riêng, tiếp tục trau dồi kiến thức, học tập kinh nghiệm của chuyên gia bạn; đồng thời, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt; đây là cơ sở quan trọng để Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bước vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, để Lăng Bác và thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc./.

 

Trung tướng PGS. TS Đặng Nam Điền

Nguyên Chính ủy BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: