Có những cuốn sách từ khi ra đời cho đến khi trải qua bao biến thiên của thời gian vẫn vẹn nguyên giá trị. Có những tác phẩm chỉ cần nhắc tên cũng đã khiến bao người rưng rưng xúc động với những nỗi niềm riêng. Những điều này có lẽ đúng khi nhắc đến cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ của Người”. Đã hơn 30 năm kể từ ngày ra đời nhưng cho đến nay “Giữ yên giấc ngủ của Người” vẫn là một ấn phẩm được Nhân dân và chiến sĩ cả nước đón đọc với tình cảm trân trọng và thiêng liêng nhất.
Cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ của Người” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản lần đầu năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/1990). Chỉ đạo nội dung: Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhóm tác giả: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Chu Văn Tắc, Doãn Đức Xuân, Bùi Đoàn Cầm.
Chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm hiểu cuốn sách
“Giữ yên giấc ngủ của Người” tại Phòng Truyền thống.
Cho đến nay, cuốn sách đã trải qua 9 lần tái bản (lần gần nhất vào năm 2019). Dẫu đã được tái bản và in lại nhiều lần song “Giữ yên giấc ngủ của Người” vẫn thường không đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Chắc chắn rằng, phải chứa đựng những giá trị lịch sử thiêng liêng thì cuốn sách mới có thể nối dài sức sống lâu bền của mình suốt những tháng năm đã qua. Đó chính là những giá trị đặc biệt như đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng ta đã giới thiệu trong lần xuất bản đầu tiên: “Cuốn ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” góp phần nói lên tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với Bác, đồng thời cũng thể hiện rõ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô trong việc bảo vệ, giữ gìn mãi mãi thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Nhân dân ta vô cùng quý trọng và biết ơn sâu sắc sự giúp đỡ to lớn và quý báu đó”.
Cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ của Người” gồm 204 trang. Nội dung cuốn sách được chia thành 06 chương: Chương 1: Những ngày tháng cuối cùng của Bác. Chương 2: Đơn vị đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt. Chương 3: Những nơi Bác yên nghỉ. Chương 4: Công tác chuẩn bị. Chương 5: Ngày đêm trên Quảng trường Ba Đình. Chương 6: Đón Bác về Lăng. Thông qua những nội dung này, cuốn sách đã thể hiện một cách chân thành và cảm động tình cảm kính yêu vô bờ bền của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác, trong đó có tấm lòng của những người được trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác và công trình Lăng của Người. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng giúp bạn đọc hiểu thêm về quá trình xây dựng Lăng Bác từ những ngày đầu và nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được thực hiện bởi Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hơn 200 trang sách “Giữ yên giấc ngủ của Người” được ví như một pho tư liệu quý giá về thành tựu đặc biệt trong việc bảo vệ, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc xây dựng Lăng của Người trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong Chương 1, cuốn sách đã đưa người đọc trở về với lịch sử, để gần với Bác hơn. Đọc lại những ngày tháng cuối cùng của Bác, có lẽ bất cứ ai cũng sẽ có chung một nỗi niềm xúc động dâng trào. Bởi không xúc động sao được khi trong những giây phút cuối đời, Người vẫn luôn lo nghĩ cho nhân dân, cho đất nước. Bác đi xa, đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết, ngày Bác mất: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”.
Sau khi Người ra đi, thể hiện ý nguyện thiết tha của toàn Đảng, toàn dân cùng với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng và Nhà nước đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Cũng từ đây, một đơn vị đặc biệt, một nhiệm vụ đặc biệt ra đời. Trong Chương 2 và Chương 3 của cuốn sách đã khắc họa rõ nét những khó khăn, thử thách mà những người cán bộ, chiến sĩ đã trải qua để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng. Đó chính là các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 69 - đơn vị tiền thân của Bô Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, thiếu thốn, những cuộc hành quân di chuyển tuyệt đối bí mật, vượt sông, qua núi, ở rừng để bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.
Dẫu có biết bao những khó khăn, vất vả song bằng tấm lòng kính yêu vô hạn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã chung sức, một lòng, góp công, góp của để hoàn thành sớm việc xây dựng Lăng Bác. Một công trình kết tinh tấm lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính dâng lên Bác. Suốt những năm tháng chuẩn bị, thiết kế, thi công và đến khi đón Bác về Lăng đã được thể hiện chi tiết qua Chương 4, Chương 5, Chương 6 trong cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ của Người”.
Được ghi chép bằng lời văn mộc mạc, giản dị, cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ của Người” đã khắc họa một cách chi tiết, sâu sắc và xúc động quá trình lịch sử xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày hôm nay, Lăng Bác, nơi yên nghỉ cuối cùng của Người được tôn tạo ngày càng khang trang, thực sự trở thành nơi hội tụ, tình cảm kính yêu Bác, nơi nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác tỏ lòng biết ơn và quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn.
Giờ đây, khi lật giở lại từng trang sách “Giữ yên giấc ngủ của Người”, có lẽ trong sâu thẳm mỗi người sẽ vẫn mãi vẹn nguyên một tấm lòng kính yêu vô bờ bến dành cho Người. Đặc biệt trong những ngày tháng 8 này, đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975 - 29/8/2024), mỗi người đọc cũng sẽ thêm hiểu, thêm trân trọng những người cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những cán bộ, nhân viên, chiến sĩ luôn “trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc biệt “giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”./.
Phương Ngân