“Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủtịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Đây là một quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị Trung ương Đảng trong phiên họp ngày 29/11/1969, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, với tâm nguyện của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhất là với đồng bào chiến sỹ miền Nam đang hy sinh xương máu chiến đấu đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vậy mà các thế lực thù địch vẫn không ngừng đưa ra các luận điệu phản động chống phá Quyết định này.

bai viet 1
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đúng 9 giờ 47 phút ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy, Người lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, dân tộc ta đã vĩnh biệt chúng ta về với Thế giới Người hiền. Bác ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, và bầu bạn quốc tế, nhất là với đồng bào chiến sỹ miền Nam thân yêu, đang ngày đêm dồn sức hy sinh chiến đấu quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước theo ước nguyện, mong mỏi lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc và nguyện vọng thiết tha của Đảng ta, nhân dân ta và nhất là của đồng bào chiến sỹ miền Nam, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Đây là một quyết định quan trọng có ý nghĩa chính trị, lịch sử to lớn, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống văn hóa tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam; đồng thời, đây cũng là một nét văn hóa tốt đẹp của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị, luôn trân trọng ghi nhớ tuyên truyền công lao của các bậc tiền nhân đối với quốc gia, dân tộc mình. Nhưng năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người, nhất là ngày 18/9/1989 Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì các thế lực phản động, thù địch lại không ngừng lợi dụng vấn đề này để tăng cường hoạt động, không ngừng xuyên tạc, làm sai lệch, bôi nhọ những vấn đề liên quan đến cuộc đời, thân thế sự nghiệp, tư tưởng quan điểm cách mạng, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại, trong đó có vấn đề giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người. Chúng luôn tuyên truyền xuyên tạc và cho rằng giữ gìn, lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Lăng của Người là làm trái đạo lý truyền thống thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, là làm trái với ý nguyện Di chúc của Người, không hiếu đạo, gây tốn kém, lãng phí tiền của của nhân dân... Lợi dụng các nền tảng mạng xã hội phản động trên internet để tuyên truyền kích động. Thậm chí chúng còn lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, lập dựng nên những chiêu trò tà đạo bịp bợm cúng bái, kích động, thậm trí tìm cách xâm nhập vào khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; có các hành động quá khích hò hét, đập phá, như tổ chức phản động Việt Tân, Hội Pháp luân công, từ đó tuyên truyền xuyên tạc đưa ra các yêu cầu phi lý đòi hỏi, kêu gọi đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ra khỏi Lăng, đem đi hỏa táng, phá bỏ Lăng… Thực chất đây là âm mưu thâm độc của các thế lực phản động thù địch nhằm chống phá Đảng ta, chúng lợi dụng các vấn đề nhạy cảm tâm linh để xuyên tạc, bóp méo sự thật bội nhọ, hạ bệ hình ảnh, cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng, quan điểm tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hướng lái cách mạng Việt Nam chệch hướng xã hội chủ nghĩa, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa; làm mai một, xa rời, buông bỏ những giá trị đạo lý văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhất là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phụng hiếu thờ cúng tổ tiên ông bà và các bậc tiền nhân có công trạng với quốc gia dân tộc Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của xã hội loài người luôn sản sinh ra những cá nhân tiêu biểu có vai trò thủ lĩnh lãnh đao, chỉ huy phong trào quần chúng và những thiên tài để lại những dấu ấn, công trạng, thành tựu khác nhau và các cá nhân đó không phân biệt đảng phái, thể chế chính trị đều được tôn trọng, suy tôn và được bảo vệ, được ghi nhớ công lao cả khi còn sống cũng như khi đã chết. Tất cả họ đều được ghi nhớ công lao, lưu danh sử sách đời này qua đời khác, được in hình trên đồng tiền quốc gia..., thậm chí còn được ướp xác, giữ gìn thi hài, xây dựng lăng mộ và có những khu tưởng niệm lưu danh công trạng.

Một số công trình tiêu biểu trên thế giới:

- Lăng mộ Tổng thống George Washington (1732 - 1799).

- Lăng mộ của Tổng thống Abraham Lincoln (1809 - 1865) nằm ở trung tâm một quả đồi rộng 51.000m2.

- Nhà nguyện St George, trong khuân viên Lâu đài Windsor, Vương quốc Anh, hơn 200 năm qua là nơi an nghỉ của các thành viên trong Hoàng gia Anh.

- Lăng của Mahatma Gandhi cố Thủ tướng Ấn Độ.

- Lăng Lênin, ở Thủ đô Moskva Liên bang Nga nơi bảo quản lưu giữ thi hài Vladimir Ilyich Lênin.

- Lăng Mao Trạch Đông, ở Thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc, nơi lưu giữ thi hài Mao Trạch Đông.

- Lăng hay gọi Cung Kumsusan, Thủ đô Bình Nhưỡng nơi lưu giữ thi hài cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

- Lăng mộ của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan.

 

Đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, Người chiến sỹ cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người có một cuộc đời hoạt động cách mạng và lý tưởng sống trong sáng cao đẹp, mẫu mực. Người đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta, đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, giải phóng thống nhất đất nước, đi hết từ thắng này đến thắng lợi khác, đem lại cuộc sống độc lập tự do, hòa bình và hạnh phúc, ấm no cho nhân dân Việt Nam. Mỗi thắng lợi, thành công to lớn của cách mạng Việt Nam đều gắn liền, chặt chẽ không thể tách rời sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đối với thế giới Người còn có đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc lao động đang bị nô lệ, áp bức đang đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình, cho lý tưởng cộng sản và công lý trên toàn thế giới. Về văn hóa, Người còn là một hình tượng, cốt cách tinh hoa tiêu biểu cho đạo đức và phong cách sống văn minh, mẫu mực vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của người phương Đông, nhưng lại rất văn minh hiện đại của thế giới. Như Ewan Maccoll - nhạc sỹ nổi tiếng nguời Anh, đã nói với những người bạn của mình: “Gần đây tôi đã đọc được một cuốn sách quý, gồm nhiều bài viết của một số giáo sư sử học phương Đông và Pháp, Italia... ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Đó là Cụ Hồ Chí Minh nhà lãnh tụ vừa dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng kiệt xuất Điện Biên Phủ…”. Với lòng kính trọng và nguồn cảm hứng vô tận, ông đã sáng tác một bài hát nổi tiếng “The Ballad of Ho Chi Minh”, tiếng Việt là “Bài ca Hồ Chí Minh”, được dịch ra bảy thứ tiếng khác nhau.

Với những công lao đóng góp hy sinh to lớn và phong cách sống văn minh tiêu biểu như vậy, năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất”.

 

Trước lúc ra đi, Người còn để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản tinh thần, tư tưởng vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có bản Di chúc thiêng liêng, thể hiện nhiều quan điểm tư tưởng chính trị đúng đắn, lớn lao, không những chỉ có giá trị lúc bấy giờ mà còn mang tính định hướng, những dự báo chiến lược lâu dài cho cách mạng Việt Nam. Người đã thể hiện sự tiếc nuối khi không còn được cống hiến, được phục vụ cách mạng và nhân dân Việt Nam lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Người cũng chỉ rõ những điều mong muốn, căn dặn đối với toàn Đảng ta và nhân dân ta cần nghiên cứu, phát triển và tổ chức thực hiện sau khi Người qua đời, nhất là sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, trong đó có nội dung “Về việc riêng”.

“Về việc riêng...

Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”...(1).

Ý nguyện này của Người thể hiện một tư duy mang tầm vóc vĩ đại của một lãnh tụ thiên tài và thật hiếm có, vì Người đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam, với mục tiêu cao cả cho nền độc lập tự do của dân tộc, sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Với sự cống hiến lớn lao vĩ đại, sự hy sinh cao cả và tấm gương đạo đức, phong cách sống văn minh, trong sáng, Người đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, từ hết thế hệ này sang thế hệ khác, luôn kính trọng, tạc dạ ghi tâm và suy tôn rất đỗi giản dị, gần gũi là “Bác Hồ”, “Cụ Hồ”, “Người cha thân yêu”, “Người cha già của dân tộc”... Thế giới ghi nhận tôn vinh “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất”. Theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, thì việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người là một quyết định, việc làm đúng đắn, hoàn toàn xứng đáng với công lao, sự đóng góp hy sinh của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta và phong trào cách mạng vô sản và các dân tộc đang bị áp bức trên thế giới; phù hợp với đạo lý truyền thống văn hóa và nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta, nhất là với quân và dân miền Nam đang ngày đêm chiến đấu với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sớm được ra thăm miền Bắc, báo cáo với Bác về thành quả của cách mạng miền Nam và được trân trọng kính đón Bác vào thăm miền Nam thân yêu, để bạn bè quốc tế mỗi khi đến thăm Việt Nam lại được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với lý do chính đáng như vậy, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta đã rất thận trọng, cân nhắc và lựa chọn thời điểm, lý do để báo cáo xin ý kiến Bác chủ trương của Bộ Chính trị, về nguyện vọng, tình cảm thiết tha của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và mong muốn Bác đồng ý là: “Bác dặn hãy an táng Người, nhưng Trung ương Đảng xin phép được làm khác ý Bác, được lo “việc riêng” của Người khác với Di chúc Bác viết vì nếu làm đúng như Di chúc thì sau này, đất nước thống nhất rồi, đồng bào miền Nam muốn thăm Bác thì biết thăm ở đâu. Khi ấy, Bác chỉ khóc”(2).

 bai viet 2
Mỗi cán bộ, công nhân trực tiếp thi công Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều trách nhiệm, tận tụy, thực hiện nhiệm vụ với một tình yêu trọn vẹn dành cho Bác. (Theo bqllang.gov.vn)

Thực tế, từ ngày 29/8/1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đón Người về với Ngôi nhà vĩnh hằng của mình giữa Quảng trường Ba Đình, Hà Nội trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước, mở cửa Lăng và tổ chức đón tiếp tận tình, chu đáo đồng bào, khách quốc tế vào Lăng viếng Bác cho đến nay, đã chứng minh quyết định của Bộ chính trị Trung ương Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn. “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành “Đài hoa vĩnh cửu”, nơi hội tụ tình cảm, sự kính trọng, niềm tin, sự tri ân của các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Hồ Chủ tịch.

thong bao 2
Dòng người vào Lăng viếng Bác.

Từ khi khánh thành và mở cửa đón khách đến nay, Lăng đã đón tiếp phục vụ tận tình chu đáo trên 60 triệu lượt người trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia và tổ chức quốc tế”(3), có những ngày, nhất là các ngày lễ, tết, như: 30/4, 01/5, 19/5, 27/7, 02/9, nhân dân cả nước ta và khách quốc tế về Lăng viếng Bác rất đông, có những ngày lên đến trên ba vạn lượt người, đặc biệt có rất nhiều nguyên thủ quốc gia, các tổ chức quốc tế trên thế giới khi đến thăm Việt Nam đã đến đặt hoa tưởng niệm và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Tổng thống, Thủ tướng Liên bang Nga; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Tổng thống Mỹ; Tổng thống, Thủ tướng Ấn Độ; Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Anh, Canada, Australia...

bai viet 4
Chủ tịch Cuba Phi-đen Cát-xtơ-rô viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 12/01/1995).

bai viet 5
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ngày 06/12/2006).

Hàng ngày, chúng ta vẫn luôn thấy, trong bất kể thời tiết nào, dù nóng, nắng, mưa dông, hay gió lạnh, dòng người dài vẫn nối tiếp nhau, đầy đủ các thành phần dân tộc, nam nữ, các cụ già, các cháu thiếu niên, nhi đồng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, người khuyết tật cả nước và khách quốc tế vẫn xếp hàng dài bất tận vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng thành kính và sự biết ơn sâu sắc. Có những cụ già, Mẹ Việt Nam Anh hùng tuổi đã già ngoài 90 tuổi từ miền Nam xa xôi, từ vùng sâu, vùng xa hẻo lánh đã khắc phục mọi khó khăn, để về với Thủ đô Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều người phải ngồi trên xe lăn, mắt kém, có các đồng chí thương binh nặng, hỏng cả hai mắt không nhìn thấy gì vẫn cố gắng vào Lăng viếng Bác và đề nghị các đồng chí cán bộ, chiến sỹ dẫn khách của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, mô tả hình dáng Bác đang yên nghỉ, để hình dung cảm tưởng như đang được tận mắt nhìn thấy hình dáng Bác kính yêu. Nhiều người không những vào một lần còn xin được vào lần hai để gặp Bác, nhìn Bác rõ hơn. Gặp Bác rồi có những cụ già, có Mẹ Việt Nam Anh hùng, không nén được cảm xúc, rưng rưng nước mắt nghẹn ngào nói: “Thế là tôi toại nguyện lắm rồi! Ngày mai ,về quê có nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng vui vẻ không có gì hối tiếc cả”.

bai viet 6

Từ những vấn đề nêu trên, lần nữa khẳng định quyết định “giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người” là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta và nguyện vọng, tình cảm thiết tha của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta. Trong tình hình hiện nay, quyết định này còn có ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, “Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(4). Qua đây, chúng ta lại càng thấy rõ bản chất âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, thù địch hoạt động chống phá cách mạng nước ta, hết sức tinh vi, triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, không có thật để xuyên tạc, làm sai lệch bản chất, bôi nhọ tạo nghi ngờ, làm giảm, mai một lòng tin trong nhân dân, xa rời những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, phủ nhận giá trị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi theo quan điểm giá trị đạo đức thực dụng, tư sản, đa nguyên chính trị, đa đảng theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Để Đảng ta, quân và nhân dân ta đủ sức đề kháng, đấu tranh, phòng chống thắng lợi với mọi âm mưu thủ đoạn thâm độc của các thế lực phản động thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, những chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội và những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và những giá trị văn hóa văn minh, hiện đại của nhân dân thế giới. Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần lưu ý thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và đẩy mạnh có hiệu quả việc nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, các bộ môn khoa học xã hội nhân văn, trong hệ thống tổ chức của Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, trong hệ thống giáo dục, đào tạo quốc dân từ cơ sở đến Trung ương. Nhằm trang bị thống nhất hệ thống nhận thức lý luận cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Mình, đường lối quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, có nền nếp trong toàn Đảng, toàn dân, mọi tầng lớp xã hội; đảm bảo cho mọi cán bộ, Đảng viên và toàn thể nhân dân có đủ năng lực nhận thức, hành động và biện pháp đấu tranh phản bác, phòng chống hiệu quả âm mưu thủ đoạn phá hoại của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; tư tưởng, đạo đức, phong cách, hình tượng trong sáng mẫu mực Hồ Chí Minh.

Hai làlãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, nền nếp công tác tuyên truyền, bảo đảm đủ sâu, đủ rộng hệ thống các thông tin, nhất là các thông tin diễn biến âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động, thù địch; bảo đảm 100% cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân kịp thời nắm bắt đầy đủ chính xác, nhận diện nhanh chóng rõ ràng những bản chất âm mưu, thủ đoạn chống phá và tích cực, chủ động nêu cao trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh của bản thân cùng toàn Đảng, toàn dân có những biện pháp kiên quyết, hiệu quả, kịp thời đấu tranh phản bác và làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, thù địch góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, tư tưởng đạo đức phong cách, hình tượng trong sáng mẫu mực Hồ Chí Minh nói riêng.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, khoa học việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm minh hệ thống pháp luật, các thể chế quy định thống nhất, rõ ràng, kiên quyết triệt để từ Trung ương xuống đến cơ sở về các vấn đề xuất bản, in ấn, phát hành, thông tin, tuyên truyền các ấn phẩm sách báo, văn hóa phẩm, phát ngôn... trên tất cả các phương tiện truyền thông của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, kể cả các trang thông tin cá nhân trên mạng internet... Nâng cao chất lượng hệ thống trang bị, cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở bảo đảm đầy đủ, hiện đại cho nhiệm vụ đấu tranh, cùng với nâng cao năng lực, trình độ của các cơ quan bộ, ngành chức năng quản lý nhà nước, nhất là trên lĩnh vực văn hóa thông tin, tuyên truyền, kiểm soát thực thi pháp luật đủ năng lực, sức mạnh, bản lĩnh, phẩm chất chính trị để quản lý một cách khoa học, chặt chẽ nghiêm minh hệ thống phương tiện, thiết chế thông tin tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là công nghệ thông tin thời đại 4.0 đang bùng nổ, phát triển như vũ bão hiện nay.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả công tác tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng, duy trì thực hiện thường xuyên nghiêm túc nề nếp, nếp sống văn hóa văn minh, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lối sống trong sạch, lành mạnh, kính trọng lễ phép, đạo hiếu bình đẳng, đoàn kết, nhân ái,... từ từng hộ gia đình đến các cơ sở thôn bản, khu dân cư, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn trở lên... Nâng cao cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh bài trừ các tệ nạn văn hóa hủ tục lạc hậu, xấu độc, mê tín dị đoan, tác động tiêu cực tới đạo lý, truyền thống văn hóa của dân tộc và đời sống của nhân dân; phòng chống có hiệu quả âm mưu thủ đoạn tự diễn biến tự chuyển hóa từ nội bộ của các thế lực thù địch, phản động. Thực hiện tốt Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, đến từng gia đình nhỏ, mỗi cá nhân, từ những việc nhỏ sinh hoạt hàng ngày, đến các công việc, nhiệm vụ lớn ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là đối với cán bộ đảng viên chức vụ càng cao càng phải tiên phong gương mẫu đi đầu trong việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Năm là, tích cực chủ động đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, quản lý và giảng dạy trong hệ thống đào tạo quốc dân, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ biên tập viên, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền từ Trung ương đến cơ sở có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trình độ chuyên sâu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kỷ luật nghiêm minh, có tâm, có tầm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, thực hiện công tác giáo dục tuyên truyền, trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các thế lực phản động, thù địch không từ bỏ bất cứ một âm mưu thủ đoạn thâm độc nào, tăng cường lợi dụng mọi vấn đề để chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân ta, nhất là âm mưu chống phá, phủ nhận lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin; xuyên tạc bôi nhọ, hạ bệ tư tưởng, cuộc đời sự nghiệp cách mạng, đạo đức phong cách sống Hồ Chí Minh; phủ nhận đường lối quan điểm, đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng lái cách mạng nước ta đi chệch hướng, từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa; trong đó có quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta về việc “giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người”. Do đó, việc nâng cao cảnh giác, nhận biết chính xác, đúng đắn, kịp thời âm mưu thủ đoạn, các luận điệu xuyên tạc bôi nhọ nhằm hạ bệ tư tưởng, cuộc đời sự nghiệp cách mạng, đạo đức phong cách sống, hình tượng mẫu mực trong sáng Hồ Chí Minh của các thế lực phản động, thù địch, là cơ sở giúp chúng ta có giải pháp đúng đắn, hiệu quả, trong đấu tranh bảo vệ sự trong sáng, đúng đắn tư tưởng, cuộc đời sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo vệ quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng về việc “giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người”, đó là những nhiệm vụ mang tính thống nhất, không thể tách rời trong đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, là trách nhiệm lâu dài của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của mỗi cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng hiện nay./.

 

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm

Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, HN, tập 15, trang 615.

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/phut-lam-chung-bac-ho-khoc-khi-trung-uong-xin-phep-duoc-lo-viec-rieng-cua-nguoi-20190830112650876.htm

(3) https://amp.vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-giu-gin-thi-hai-bac-la-nhiem-vụ-chinh-tri-co-y-nghia-vo-cung-lon-post963189.vov

(4) https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-giu-gin-thi-hai-bac-la-nhiem-vụ-chinh-tri-co-y-nghia-vo-cung-lon-post963189.vov

Bài viết khác: