Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), ngày 14/10/2024, Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).
Trung tá Đào Hòa Bình, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn 285 làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn có đại diện chỉ huy cơ quan chính trị, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên, cán bộ hội viên Hội Phụ nữ cơ sở.
Đoàn nghe giới thiệu về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và trao đổi kính nghiệm trong công tác tuyên truyền hướng dẫn khách đến tham quan.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Theo lịch sử, thành Cổ Loa xuất hiện vào năm 208 trước Công nguyên, sau khi thống nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, lập nên nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương đã quyết định chọn vùng đất này để lập kinh đô, xây thành Cổ Loa (còn gọi là thành Ốc, Tư Long thành, Loa thành) với vai trò là quân thành, đô thành và thị thành. Hiện nay, di tích có phạm vi quy hoạch bảo tồn là 830 ha. Khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia), bao gồm các loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, cách mạng, di chỉ khảo cổ học.
Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và lịch sử, năm 1962, Di tích Cổ Loa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012, Di tích Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày Xuân năm 1961, Bác Hồ đã đến thăm đền Cổ Loa nơi thờ phụng An Dương Vương. Đến khi thăm đền xong, Bác bước ra gặp gỡ chúc Tết đồng bào. Năm đó, Bác đã 71 tuổi, nhưng trông Bác vẫn hồng hào, khỏe mạnh. Bác thân mật bắt tay các cụ già, các nhà sư, các cháu nhỏ và thăm hỏi từng người, căn dặn những điều cụ thể như chú ý chăm sóc bảo vệ đền, bảo vệ cây đa cổ thụ ở Cổ Loa. |
Tại buổi tham quan học tập, Đoàn đã gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các cán bộ Ban Quản lý Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá các di tích trên địa bàn; công tác đón tiếp, tuyên truyền.
Qua buổi tham quan học tập, mỗi cán bộ, nhân viên, hội viên của Hội đã hiểu thêm về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của các di sản văn hóa. Từ đó, động viên cán bộ, nhân viên, hội viên không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tích cực xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”./.
Thúy Nga