Năm 2025, tròn 20 năm, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh triển khai nghiên cứu đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo phát huy tác dụng Khu Di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông” (2005 - 2007). Đề tài đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc và năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 118 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết thực triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban Quản lý Lăng đã phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản cuốn sách: “Khu Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông”.
Nhớ lại những ngày Ban chủ nhiệm đề tài đi nghiên cứu, tìm hiểu và gặp gỡ các nhân chứng lịch sử đã từng công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước và các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn qua các thời kỳ tại Khu Di tích…., chúng tôi không thể quên được những lần ông Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp và trao đổi thông tin về Khu Di tích Đá Chông. Đặc biệt ấn tượng là đầu năm 2005, anh em chúng tôi trong Ban đề tài (tôi cùng Đại tá Trần Vũ Trang và Đại uý Lê Thế Nghĩa, nhân viên Ban Tuyên huấn, phục vụ ghi âm lấy tư liệu, đến nhà riêng để gặp ông Vũ Kỳ. Vào đến nhà, sau phần giới thiệu, hỏi thăm ngắn gọn về công việc của đơn vị, ông đã đi vào nội dung chính ngay. Mở đầu, ông nói với giọng trầm xuống: “Bây giờ các đồng chí mới tìm hiểu, nghiên cứu về Khu Di tích Đá Chông - K9 là muộn đấy, nhưng thôi muộn còn hơn không; ta bắt đầu ngay đi kẻo lại muộn”. Do Ban đề tài đã gửi nội dung để ông chuẩn bị từ trước nên ông đã kể lại rành rọt từng chi tiết về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn Khu vực Đá Chông như thế nào, các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị và Trung ương ra sao; ngôi “nhà sàn”, nơi làm việc và tiếp khách quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu ngôi nhà được khánh thành và đi vào sử dụng…. Nhóm chúng tôi vẫn còn nhớ như in lời ông kể: “Sau năm 1954, mặc dù miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, nhưng với tầm nhìn chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác và Trung ương đã nhận định, nhất định đế quốc Mỹ sẽ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Do đó, việc tìm một nơi sơ tán khi có chiến tranh xảy ra là một việc cần thiết. Để thực hiện ý định trên đây, từ cuối năm 1956, Bác đã giao nhiệm vụ choTy Công an Sơn Tây đi khảo sát, lựa chọn một số địa điểm vùng Ba Vì, Sơn Tây để báo cáo với Bác. Tháng 5/1957, Bác Hồ cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308. Khi dừng chân tại đây, Người đã nhận ra linh khí trong thế núi, hình sông của vùng đất này. Dãy Tản Viên Sơn ở phía Đông, dãy Thiết Sơn ở phía Tây lại thêm dòng sông Đà độc đáo liền kề, xét theo phong thủy thật là đắc địa cho việc xây dựng căn cứ. Bác đã quyết định chọn Đá Chông làm Khu căn cứ địa để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài lâu của dân tộc ta”. Lắng nghe lời kể và những câu chuyện của ông Vũ Kỳ về Khu Di tích K9, chúng tôi đã hiểu thêm về tư tưởng và tầm nhìn chiến lược uyên bác của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đánh giá tình hình và lựa chọn nơi căn cứ cách mạng của Người và Trung ương.
Nhân dân tham quan, nghe giới thiệu tại Khu Di tích K9.
Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn Đá Chông là nơi căn cứ làm việc của Bác và Trung ương? Ông Vũ Kỳ lý giải như sau:
- Thứ nhất: Do tình thế cách mạng nước ta lúc đó, miền Bắc sau 2 năm hòa bình, miền Nam đang nằm trong vùng kiểm soát của địch, Mỹ - Diệm đang ra sức hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến, những diễn biến đó khiến Bác và Trung ương nghĩ đến cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù, phải tính đến việc lập những căn cứ dự phòng khi cần thiết có thể đưa Bộ chỉ huy tối cao đến làm việc bảo đảm an toàn. Địa bàn Sơn Tây nói chung cũng như khu vực Đá Chông có thể coi như mảnh đất bàn đạp nằm tiếp giáp với chiến khu và vùng đồng bằng, thành phố. Điều này, gợi nhớ lại khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác và Trung ương từ Tân Trào về Hà Nội, Người đã để lại một lực lượng giữ gìn xây dựng chiến khu với lý do: biết đâu sau này Bác cháu ta lại có thể phải trở lại đây. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra gian khổ, ác liệt, Bác và Trung ương phải quay trở lại chiến khu chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi.
- Thứ hai: Từ phong cách sống của Bác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất giản dị, sống gần gũi với thiên nhiên. Người đã từng nói đại ý, Người không ham danh lợi, nếu không phải vì việc nước mà phục vụ thì Người chỉ ưa thích sớm tối trồng rau, hái củi, trò chuyện với những người bạn thân thiết. Người ưa sống gần gũi với thiên nhiên như ở Pắc Bó, Tân Trào và cả ở Phủ Chủ tịch cũng đều như vậy. Đó là một ngôi nhà nhỏ, cạnh sông suối, có đất trồng rau, có cây xanh tươi tốt. Những cảnh vật có ở Đá Chông đều phù hợp với phong cách sống của Bác và Bác đã chọn nơi này để sống và làm việc.
Về câu hỏi của Ban đề tài đối với việc triển khai thực hiện quyết định lựa chọn Đá Chông của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Kỳ đã cho biết: Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn Đá Chông, Bác đã giao nhiệm vụ cho Quân đội, trực tiếp là Cục Doanh Trại thuộc Tổng Cục Hậu cần tiến hành khảo sát, thiết kế và triển khai công tác xây dựng khu căn cứ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành thời gian để chỉ đạo thiết kế và sau này khi tổ chức thi công, Bác đã nhiều lần đến thăm, động viên bộ đội, công nhân xây dựng và kiểm tra công trình. Để bảo đảm thuận tiện cho sinh hoạt và làm việc, Đá Chông được chia thành 4 khu đặt tên: A,B,C,D. Công trình được đặt mật danh là “Công trường 5” (gọi tắt là KV). Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sơn Tây, có vinh dự cùng với các đơn vị Quân đội tham gia thi công công trình có ý nghĩa lịch sử này. Từ năm 1958 đến năm 1960, Công trường 5 được hoàn thành, đưa vào sử dụng và được đổi tên là K9. Từ năm 1960 đến năm 1969, K9 chính thức trở thành nơi làm việc của Bác và Trung ương, do đó thuộc Văn phòng Trung ương quản lý. Trong 9 năm, mặc dù không thường xuyên làm việc tại Đá Chông, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những buổi làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, tiếp khách và thăm hỏi cán bộ, nhân dân trong khu vực đã đi vào lịch sử. “Đặc biệt, vào thời điểm đầu những năm 60 của thế kỷ trước, mối quan hệ giữa các nước lớn trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, có những điểm bất đồng, Bác đã đón tiếp hai đoàn khách quốc tế tại Đá Chông, đó là tháng 3/1961, Bác đã tiếp Bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Chu Ân Lai. Bà Đặng Dĩnh Siêu, dẫn đầu Đoàn đại biểu Phụ nữ Trung Quốc sang Việt Nam dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam. Tháng 01/1962, tại Đá Chông, Bác đã tiếp Đoàn đại biểu Quân đội Liên Xô, do Anh hùng vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu. Thông điệp Bác muốn gửi gắm đến các đoàn khách của Liên xô và Trung Quốc, là hai nước xã hội chủ nghĩa anh em, phải đoàn kết lại, không nên chia rẽ, bất đồng”.
Cũng tại nơi đây, lúc sinh thời vào những ngày Tết, hay sinh nhật, để tránh sự chúc tụng của mọi người, Bác và các đồng chí phục vụ lại về với Đá Chông. Bác giành thời gian đi thăm hỏi cán bộ và nhân dân địa phương, cùng anh em phục vụ cuốc đất, trồng rau, tăng gia sản xuất. Chính vì thế, ngôi nhà Bác làm việc ở Đá Chông còn được mọi người đặt tên là “Ngôi nhà Cần Kiệm”….
Cả buổi sáng làm việc với ông Vũ Kỳ, chúng tôi muốn được nghe ông nói và kể nhiều chuyện hơn nữa, nhưng do tuổi cao, ông lại đang điều trị bệnh nên chúng tôi đã ra về với nhiều điều còn đang dở dang, tiếc nuối…. Trước khi chúng tôi chào ông ra về, ông đã nắm chặt tay từng anh em chúng tôi và căn dặn: “Các đồng chí phải làm thật tốt công tác tuyên truyền về Khu Di tích Đá Chông”. Và đúng như lời dự đoán của ông, chúng tôi đến gặp ông đã quá muộn. Sau lần gặp đó, ngày 16/4/2005, tức ngày 8/3 năm Ất Dậu, lúc 3 giờ 45 phút, ông Vũ Kỳ đã từ trần tại Bệnh viện Hữu nghị, hưởng thọ 84 tuổi (1921 - 2005).
Với tất cả những gì tâm huyết nhất của mình về Khu Di tích K9 - Đá Chông, ông Vũ Kỳ đã để lại cho Ban đề tài những lời nói và những hình ảnh quý báu của Khu Di tích, về những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị ở tại Đá Chông vào những năm 60 của thế kỷ trước. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn rất cao để triển khai các khâu, các bước của đề tài nhằm xác minh sự kiện lịch sử qua các nhân vật, sự kiện sau này.
Năm 2006, được sự giúp đỡ của Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh và các chuyên viên, nhóm nghiên cứu đề tài tiếp tục nhận được một bộ ảnh quý chưa công bố về Bác Hồ với Đá Chông. Nhóm nghiên cứu đề tài cũng được sự giúp đỡ xác minh tư liệu của Ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy Hà Tây trong những lần Bác về thăm và làm việc với Hà Tây. Đây là những tư liệu lịch sử quý báu và xác thực về Khu Di tích K9.
Về nhân chứng lịch sử, Ban đề tài đã gặp được Ông Nguyễn Văn Rự - 86 tuổi, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Hành chính tỉnh Sơn Tây những năm 1957 đến năm 1959, ông đã khẳng định: “Tháng 2 năm 1958, tôi cùng với ông Phương - Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh vinh dự được đón Bác lên thăm khu vực đồn điền cà phê cũ (Công trường 5 sau này). Hôm đó, Bác và đoàn công tác nghỉ ăn trưa tại đây. Buổi chiều Bác nói chuyện với gần 500 cán bộ chủ chốt của tỉnh ở thị xã Sơn Tây. Sau này, Bác Hồ và Trung ương quyết định chọn nơi đây làm căn cứ, tôi lại vinh dự được cử tham gia Ban chỉ huy công trường, đồng thời tham gia Đảng uỷ công trường. Thú thực lúc đó tôi vừa mừng vừa lo, mừng rỡ cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, một nhiệm vụ rất quan trọng, rồi đây trên quê hương mình có Bác Hồ, có các đồng chí Trung ương ở và làm việc, không mừng sao được. Nhưng cũng rất lo vì nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu khẩn trương, công trình phải đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Vì vậy tôi phải luôn bám sát công trình”.
Về những ngày đầu xây dựng khu căn cứ, ông Cù Văn Chước - nguyên Trưởng phòng Văn thư Văn phòng Chủ tịch nước, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, là người vinh dự được phục vụ Bác Hồ nhiều năm đã kể lại: “Trong thời gian xây dựng khu nhà này, Bác Hồ đã nhiều lần lên kiểm tra. Ngôi nhà chính được xây dựng mô phỏng theo kiểu nhà sàn và chính Bác là người cắm cọc nhắm huớng cho ngôi nhà. Để giữ bí mật, khi xây dựng, cây trong khu vực không được phép tuỳ tiện chặt phá. Nhiều cây lâu năm cạnh nhà sàn (ngôi nhà 2 tầng) đến nay vẫn còn: cây gạo, cây vải, cây long não, bồ hòn, cà phê….”.
Về công tác bảo vệ an ninh, an toàn công trình, ông Lê Văn Năm, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Trung đoàn 600 đã từng làm nhiệm vụ bảo vệ Khu Di tích K9 - Đá Chông từ năm 1960 đã bồi hồi nhớ lại: trong đời quân ngũ của ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, nhưng lần đầu tiên được gặp Bác là sâu sắc nhất mà đến nay, buổi gặp đó vẫn in đậm trong tâm trí của ông. Đó là sáng ngày 28 tháng 1 năm 1960 (tức ngày mồng 1 Tết Canh tý) Bác Hồ lên Công trường V thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân làm việc trên công trường. Biết một số anh em công nhân là người miền Nam rất nhớ nhà, Bác căn dặn: “Các cô, các chú nhớ miền Nam thì phải làm việc bằng hai để xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc”.
Về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác trong 6 năm chiến tranh và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ của Người” đã được Ban Quản lý Lăng và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp in và tái bản nhiều lần đã ghi nhận, khẳng định những thành tựu to lớn trong nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị. Trong 6 năm chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học y tế Liên Xô, lập nên một kỳ tích vĩ đại, đó là giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong điều kiện khó khăn về mọi mặt. Chính điều đó đã tạo ra một tiền đề rất cơ bản cho chúng ta từng bước vươn lên làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay cả khi thể chế chính trị của Liên Xô thay đổi, không còn sự viện trợ giúp đỡ của Nhà nước Liên Xô đối với nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác và Công trình Lăng của Người.
Với ý nghĩa linh thiêng đó, những năm qua đã có hàng triệu lượt người về Khu Di tích K9 dâng hương, tưởng niệm Bác, tham quan học tập và trồng cây lưu niệm. Dòng người về với Khu Di tích, mỗi năm một nhiều hơn, ai nấy đều có chung một cảm nhận sâu sắc về vùng đất thiêng liêng Đá Chông. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Khu Di tích K9 được quan tâm đầu tư, xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ cho công tác đón tiếp, tuyên truyền. Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9. Công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 -02/9/2015). Đây là một công trình có ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn, là nơi nhân dân và khách quốc tế đến tham quan, tưởng niệm, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, truyền bá, nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhớ lời căn dặn của ông Vũ Kỳ, người thư ký riêng của Bác Hồ về nhiệm vụ tuyên truyền tại Khu Di tích K9 từ 20 năm trước, chúng ta tự hào vì đơn vị đã làm được nhiều việc có ý nghĩa lịch sử, văn hoá và nhân văn sâu sắc, nhằm phát huy hiệu quả, giá trị trường tồn của Khu Di tích, một khu di tích lịch sử đặc biệt, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị.
Bài viết của chúng tôi hôm nay, như một nén tâm nhang, bày tỏ lòng thành kính và tri ân tới ông Vũ Kỳ, các nhân chứng lịch sử; các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Ban Đề tài của chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về Khu Di tích K9. Nhiệm vụ của thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong đơn vị hiện nay là tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nhằm phát huy hơn nữa ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá về Khu Di tích K9 thiêng liêng này./.
Trung tướng PGS.TS Đặng Nam Điền
Nguyên Chính uỷ BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh