Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đài hoa vĩnh cửu tọa lạc giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, là công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta, nhất là trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; nơi hội tụ tình cảm thiêng liêng, niềm tin sâu sắc, đã khắc sâu trong tâm khảm của mọi người. Vì vậy trong suốt gần 40 năm qua, kể từ khi khánh thành (29/8/1975) đi vào hoạt động đến nay, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong cả nước với trách nhiệm, tình cảm sâu sắc đầu tư, tôn tạo và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa, đã góp phần to lớn trong việc tuyên truyền thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác, đặc biệt là trong tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nhận thức sâu sắc vị trí vai trò, ý nghĩa chính trị to lớn đó, nhiều năm qua Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã luôn cố gắng khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành suất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, đã không ngừng đổi mới toàn diện, làm cho nơi đây thực sự trở thành trung tâm chính trị, văn hóa đặc biệt, nơi hội tụ trái tim và tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế. Hàng năm, đơn vị đã tổ chức trang trọng, an toàn, chu đáo lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa thể hiện tình cảm, lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ, khâm phục của nhân dân ta và bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu, tạo ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong đồng bào ta và khách quốc tế, nhất là những giây phút thiêng liêng, bồi hồi súc động, sau khi xem những thước phim tư liệu về Bác, lặng lẽ bước vào phòng đặt thi hài Bác, đứng trước Bác, tất cả như đang được trở về với cội nguồn của gia đình, tổ tiên, quê hương, dân tộc, thật giản dị, gần gũi, thân thương, tất cả như rưng rưng ngấn lệ, nhưng cũng rất thanh thản, bởi Bác luôn còn đó với tư tưởng, tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đôn hậu, bao dung và độ lượng đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh to lớn để mỗi người tự soi lại mình, thầm hứa với Bác sẽ thực hiện nhiều hơn, thường xuyên hơn và tốt hơn những điều Bác dạy. Từ ngày mở cửa Lăng đến nay đã có hơn 45.766.821 lượt người, trong đó có 7.105.698 lượt khách nước ngoài, có nhiều vị là nguyên thủ quốc gia, là chính khách, nhà khoa học nổi tiếng, … từ gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đã vào Lăng viếng Bác, đặc biệt là dịp lễ, tết, như Tết Nguyên đán, Ngày sinh của Bác 19/5, Quốc khánh 02/9, có những buổi đón tiếp hơn 03 vạn lượt người; theo số liệu thống kê, lượng khách, nhất là khách nước ngoài  ngày càng tăng.

cong-trinh-lang-a
Điển hình tiên tiến toàn quân báo công dâng Bác về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Trong 10 năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt:

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các nhà trường, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, tổ chức trang nghiêm, an toàn, chu đáo các hoạt động chính trị, văn hóa tại khu vực Lăng, như: Lễ duyệt binh, diễu binh, diễu hành (10/10/2010); hoạt động văn hoá nghệ thuật, “Hồ Chí Minh cả một đời vì nước, vì dân” (29/8/2009); lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Đội, báo công, trao bằng tốt nghiệp, ra quân, rước đuốc, đón tiếp phục vụ an toàn, chu đáo các đoàn đại biểu lão thành cách mạng, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Già làng, Trưởng bản, ... (tổ chức 849 buổi sinh hoạt chính tri; phối hợp đón 57.567 lượt người có công, trong đó có 56 đoàn với 2.953 lượt người có công đón theo sự phối hợp, hiệp đồng giữa đơn vị với địa phương và Cục Người có công - Bộ LĐTB và XH), tạo không khí sôi nổi, ấn tượng tốt đẹp, để mọi người ôn lại, khắc ghi truyền thống vẻ vang của dân tộc, đất nước, của các thế hệ ông cha, đặc biệt là tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để bày tỏ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sống tốt, sống có ích cho Tổ quốc, dân tộc, gia đình và xã hội…

Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng nghi lễ, như: Báo cáo trên phê duyệt, tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng, từ 19/5/2001; lễ treo cờ, hồng kỳ hai bên lễ đài Lăng cùng với lễ chào cờ hàng ngày vào dịp lễ, tết, từ 19/5/2008; duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp kiến trúc Công trình, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật Lăng và khu vực (năm 2010); vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh, đường, hè phố khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình; tiếp nhận trưng bày giới thiệu các cây cảnh, linh vật quý hiếm do cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương (tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh,…) dâng tặng; phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, báo cáo Chính phủ tổ chức tuyến phố đi bộ, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật đường phố định kỳ hàng tháng quanh Lăng từ 19/5/2012, tạo nên không gian văn hóa, quang cảnh quanh Lăng Bác ngày càng khang trang, sạch đẹp, thực sự là điểm nhấn của Thủ đô, tạo hấp dẫn, thu hút đồng bào, khách quốc tế.

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, nhiệm vụ chính trị của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã xây dựng, khai thác và phát huy tốt Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng, với hơn 03 ngàn bài viết và hàng chục video clip; biên tập và xuất bản 05 đầu sách, 05 đề cương tuyên truyền về Lăng Bác, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích K9, nhiệm vụ, truyền thống của đơn vị; phối hợp với các hãng phim, các Đài Truyền hình Trung ương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội, Công an nhân dân xây dựng 09 tập phim, video clip cùng các phim tư liệu về Bác, phát hành thường xuyên trên hệ thống nghe nhìn xung quanh Lăng cùng việc phổ biến, tuyên truyền các quy định tổ chức lễ viếng Bác để đồng bào và du khách quốc tế cập nhật thông tin; thực hiện 03 công trình nghiên cứu khoa học, cùng nhiều ấn phẩm văn hóa khác phục vụ công tác đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng, đã phục vụ 12.861 đoàn xem phim tư liệu về Bác, tặng 32.724 Huy hiệu Bác cho các cá nhân tiêu biểu xuất sắc.

Tổ chức 9 lớp, 618 lượt cán bộ, công nhân viên được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, văn hóa, đạo đức về đón tiếp, tuyên truyền, đã góp phần to lớn trong công tác đón tiếp, tuyên truyền, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa chính trị, tư tưởng, đạo đức, nhân văn trong sáng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thỏa mãn nhu cầu tình cảm thiêng liêng, của các tầng lớp nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế đối với Người; góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

cong-trinh-lang-b
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng gắn Huy hiệu Bác Hồ cho điển hình tiến tiến toàn quân

Để tiếp tục thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào và khách quốc tế đến thăm quan khu vực Ba đình, vào Lăng viếng Bác ngày càng trang trọng, an toàn, chu đáo hơn, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương xuống đến cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, của toàn thể xã hội, đối với nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định, là nền tảng, cơ sở vững chắc cho việc thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị văn hoá Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Bởi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình chính trị, văn hoá tiêu biểu của cả nước, thể hiện "Lòng dân, ý Đảng", tình cảm thiêng liêng, kính trọng, trong sáng và trách nhiệm cao cả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đồng thời cũng là sự thể hiện ý chí,  nguyện vọng, mong mỏi của đồng bào ta và khách quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, cần phải nâng cao nhận thức nhất quán của các cấp, các ngành từ Trung ương xuống đến địa phương các cấp, của mọi tầng lớp nhân dân, toàn xã hội về ý nghĩa chính trị thiêng liêng, của nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và mọi hoạt động của Công trình Lăng. Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phát huy sức mạnh của mọi tập thể, cá nhân trong và ngoài nước, của toàn xã hội đóng góp vật chất tinh thần để duy tu, bảo dưỡng, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá Công trình Lăng của Người.

Hai là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực hoạt động, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong cả nước, trực tiếp là các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình; cấp ủy, chính quyền, các cấp của thành phố Hà Nội, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người.

Đây là giải pháp cơ bản, trực tiếp quyết định việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng. Đó là chức năng, nhiệm vụ chính trị thiêng liêng cao cả, vinh dự, tự hào của các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng; trở thành truyền thống của đơn vị là “Trung hiếu, vẹn toàn, đoàn kết hợp đồng, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo”. Trước yêu cầu ngày càng cao hiện nay, cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo đảm 100% cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ thống nhất cao về nhận thức, nâng cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ chính trị đặc biệt  mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin cậy giao cho đơn vị. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao chất lượng toàn diện, cả phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, phương pháp tác phong công tác cho các lực lượng làm nhiệm vụ bên Lăng Bác. Xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, trở thành đảng bộ tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, là đơn vị tiêu biểu về điều lệnh và nghi lễ trong toàn quân; quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách trong đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong cả nước, trực tiếp là các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình; cấp ủy, chính quyền, các cấp của thành phố Hà Nội, tạo sức mạnh tổng hợp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng của Người.

Ba là: Không ngừng nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, cải tạo nâng cấp cảnh quan, kiến trúc Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình phục vụ ngày càng tốt hơn mọi nhu cầu về văn hóa tinh thần, tiện lợi trong sinh hoạt đối với đồng bào và khách quốc tế khi đến tham quan khu vực và vào Lăng viếng Bác, phù hợp, tương xứng với ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng và khu vực.

Đây là giải pháp rất quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng, khẳng định mục đích, ý nghĩa của việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình Lăng của Người, đó là giữ gìn một di sản tư tưởng, văn hóa, đạo đức cách mạng vô giá của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, để mãi mãi các thế hệ người Việt Nam, bầu bạn quốc tế đến thăm viếng Người, nguyện học tập và đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Do đó công tác đón tiếp, tuyên truyền; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là trong thời gian tới Chính phủ triển khai thực hiện phương án điều chỉnh chi tiết Quy hoạch Trung tâm Chính trị Ba Đình, đã được Bộ Chính trị thông qua tháng 12/2012, phải tiếp tục được cải tiến, đổi mới toàn diện cả nội dung, hình thức, chất lượng, bảo đảm phục vụ ngày càng chu đáo, thuận lợi đồng bào và khách quốc tế khi đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm quan Lăng và khu vực, để nơi đây thực sự xứng đáng là điểm sáng, trung tâm về chính trị, văn hóa của cả nước.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân và khách quốc tế, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ và nguyện đi theo con đường, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người. Vì vậy nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng, có ý nghĩa chính trị to lớn, là trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, của tất cả chúng ta, để những giá trị tư tưởng chính trị, văn hóa nhân văn, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, lan tỏa từ thế hệ này đến thế hệ khác, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Đại tá, Ths Cao Đình Kiếm,

 Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

 

Bài viết khác: