Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã giành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tất cả vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời cách mạng của người, ý chí nghị lực và tinh thần của người là tấm gương cao cả về lòng yêu nước, thương dân thắm thiết.

tan trao 1
Một góc Di tích Tân Trào

Sau những năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, vượt qua muôn vàn gian khó, chông gai của con đường cách mạng. Ngày 4/5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào - Sơn Dương, Tuyên Quang. Suốt thời gian chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã sống và làm việc tại làng Tân Lập, xã Tân Trào quê hương tôi. Tại nơi đây, với những nhận định đúng đắn, những quyết tâm kịp thời và táo bạo, Bác Hồ đã đưa đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam giành được độc lập tự do, một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Và đặc biệt ngày 16-17/8/1945, tại đình Tân Trào, xã Tân Trào đã diễn ra Quốc dân Đại hội thông qua Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, xã Tân Trào. Đến dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc - Trung – Nam, các ngành, các giới, các đảng phái và một số kiều bào ở nước ngoài. Với không khí sôi nổi khẩn trương, Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua mười chính sách lớn, trong đó điều quan trọng nhất là: “Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập” và lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc ca, Quốc kỳ, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước.

tan-trao-2
Đình Tân Trào nơi diễn ra Quốc dân Đại hội năm 1945

Trong khi Đại hội đang họp, một Đoàn đại biểu thay mặt nhân dân Tân Trào đến chào mừng Đại hội, có một cụ già và một em nhỏ áo quần không được lành lặn, một chị phụ nữ mặc áo tràm gọn gàng. Ông cụ và chị phụ nữ xách cái giỏ có mấy con gà, con lợn và mấy nải chuối. Chị phụ nữ nói: “Nhân dân xã Tân Trào không có gì, xã nghèo chỉ có mấy con gà, nải chuối và một con lợn giống mừng Ủy ban Dân tộc mới được bầu, xin chúc Ủy ban lãnh đạo nhân dân giải phóng cả nước”. Bác Hồ cử đồng chí Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng cảm ơn Đoàn đại biểu. Sau đó, Bác ngồi tựa lưng vào cột đình và nói: “Chúng ta trong Ủy ban Dân tộc Giải phóng và các đồng chí cách mạng hãy nhớ lấy lời thề, hãy xem em bé này – các cháu cùng lứa tuổi cháu này ở các nước khác thì đã đi học và được đùa chơi, tuổi chơi, tuổi học của các cháu lại được ăn no, mặc lành. Nhưng các đồng chí có biết cháu bé này 9 tuổi ở trong làng cháu phải làm gì không? Cháu phải chăn trâu, chặt củi, cõng nước mà áo không có  mặc để hở bụng xanh xao. Chúng ta làm cách mạng để làm gì ? Là để giải phóng dân tộc làm cho nhân dân ấm no hạnh phúc, để cho các cháu bé con em  của chúng ta như cháu bé này đều được ăn no mặc ấm và đi học. Nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc Giải phóng là thế thôi”. Lúc đó, Bác nói với giọng rất xúc động, ngắt ra từng tiếng làm cho các vị đại biểu vô cùng xúc động, nhiều người rơm rớm nước mắt.

Sáng ngày 17/8/1945, Ủy ban Dân tộc Giải phóng ra mắt Quốc dân đại hội và làm Lễ tuyên thệ. Hôm đó trời mưa, đường lầy lội, Bác Hồ phải đi chân đất từ lán Nà Lừa đến đình Tân Trào. Gần tới đình, Bác xuống suối rửa chân rồi lên đứng giữa các vị đại biểu trong Ủy ban dân tộc giải phóng. Bác đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề ! Xin thề !”.

Giọng Bác trang nghiêm, lời thề ngắn gọn, hùng hồn thể hiện khí phách kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Quốc dân Đại hội Tân Trào đã trở thành mốc son chói lọi mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Quốc dân Đại hội Tân Trào đã khẳng định sự lãnh đạo thiên tài của Bác, Người đã nhận đinh đúng tình hình, đúng thời cơ của cách mạng đã đến ngày phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Trước những ngày diễn ra Quốc dân Đại hội, Bác Hồ sống và làm việc tại lán Nà Lừa, do điều kiện làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ, Bác đã bị ốm nặng, sốt rất cao, lúc tỉnh, lúc mê, nhưng khi dứt cơn sốt Người đã dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập”. Bác hiểu rằng Đảng và cách mạng còn chậm một ngày là nhân dân còn phải sống trong đọa đầy đau khổ của kiếp người nô lệ. Hình ảnh em nhỏ xanh xao, đói rách, thất học đến chúc mừng Đại hội Quốc dân ở Tân Trào hôm ấy đã khiến Bác Hồ rơi lệ, từ trong sâu thẳm trái tim Bác như thúc giục Đảng và cách mạng phải nhanh chóng đánh đuổi giặc xâm lược giành lại tự do cho đất nước, cho nhân dân.

Lòng yêu nước, tình yêu thương bao la của Bác đã kết thành hoài bão lớn nhất của cuộc đời Người đó là: “Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính vì vậy mà suốt những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, dù ở đâu, bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào Người đều luôn hướng về Tổ quốc về nhân dân với tấm lòng thương yêu sâu sắc.

                   “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

                    Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”        

Câu chuyện cảm động trong Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và những tấm gương đạo đức của Bác là một minh chứng cho tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của Bác Hồ kính yêu. Những người dân xã Tân Trào ngày ấy và đồng bào cả nước hôm nay, mãi ghi nhớ giờ phút trọng đại của dân tộc. “Đại hội Quốc dân Tân Trào là hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta”. Thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn hai mươi triệu đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước phát ra từ Tân Trào, đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cùng với sự phát triển đi lên không ngừng của đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương nói chung và xã Tân Trào quê hương tôi nói riêng, đang cùng nhau nỗ lực trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tân Trào quê tôi hôm nay, đã hoàn toàn thay da, đổi thịt, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Đảng bộ huyện Sơn Dương. Tân Trào đã phát triển trở thành điểm Văn hoá - Du lịch Quốc gia. Những người dân quê tôi, trong đó có ông bà, cô bác, cậu dì tôi, họ chính là những đứa trẻ thất học năm xưa, sinh ra trong đói khổ, lầm than. Nhờ có Bác, có Đảng và cách mạng tất cả đã có đời sống ấm no, hạnh phúc. Gia đình tôi và bà con trong xã nhiều người đã học hành đỗ đạt trở thành những cán bộ, đảng viên đang công tác, học tập trên nhiều lĩnh vực phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Những người ở lại quê hương một lòng theo Đảng, thi đua tăng gia sản xuất làm ra nhiều sản phẩm xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc; tích cực giữ gìn và bảo tồn khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào với lòng kính yêu và tự hào nơi đây là địa danh Bác Hồ và Trung ương Đảng đã ở, làm việc, lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp thành công.

Tân Trào hôm nay, nơi hội tụ cội nguồn cách mạng, hình ảnh cây đa, mái đình Hồng Thái, đình Tân Trào, lán Nà Lừa mãi mãi khắc ghi tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè bốn phương, về nơi cội nguồn cách mạng, xứng danh là Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến.

“ Mười lăm năm ấy ai quên,

Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”.

Ma Lệ Minh

Bài viết khác: