Lần đầu tiên vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Ngô Văn Lợi – người con của mảnh đất Bà Rịa - Vũng Tàu đã không giấu được sự xúc động. Bởi đối với ông, đây là vinh dự, là may mắn, và cũng chính là những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời.
Ông Ngô Văn Lợi xúc động xem bộ phim tài liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”
Lần đầu “gặp” Bác
Tôi có dịp được gặp ông vào những ngày cuối tháng 8 khi ông cùng đoàn Người có công với cách mạng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào Lăng viếng Bác. Ông Ngô Văn Lợi sinh năm 1943, hiện đang sống tại thị trấn Long Điền của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông là một chiến sỹ cách mạng anh dũng trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.
Người đàn ông vốn mạnh mẽ chiến đấu với địch năm xưa giờ mái tóc đã bạc, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng vẫn một lòng hướng đến sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Ông tâm sự: “Tôi đã tham gia chiến đấu từ năm 1962 đến năm 1975 tại các chiến trường Tây Ninh, Bình Dương, Chiến khu D... Rất nhiều nơi mà tôi và các đồng đội đã đi qua. Khó khăn, gian khổ nhiều nhưng chúng tôi đều cố gắng vượt qua. Nhất là khi ấy, mỗi khi được nghe giọng nói hay những lời động viên từ Bác Hồ kính yêu, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh vô bờ bến để tiếp tục kiên trì chiến đấu”.
Nhớ lại những ngày tháng xưa, đôi mắt ông Lợi đỏ hoe. Người chiến sỹ cách mạng gan dạ, chiến đấu trực diện với kẻ thù ngày ấy giờ có cơ hội trở về bên Lăng Bác, được vào viếng Bác Hồ với niềm xúc động vô cùng. Khi được xem những hình ảnh về Bác trong bộ phim tài liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”, sự xúc động trong ông lại càng dâng cao: “Những hình ảnh về Bác thật ấm áp. Những hình ảnh ấy khiến mỗi người chúng ta cảm thấy trào dâng những cảm xúc. Bởi qua đó, chúng ta một lần nữa thấy Bác rất giản dị, rất gần gũi nhưng lại rất mực thiêng liêng”.
Những hình ảnh về Bác trong bộ phim đó không chỉ khiến ông Lợi mà các thành viên trong Đoàn đều xúc động khôn tả. Những người chiến sỹ năm xưa giờ tề tựu về bên Bác để nhớ đến công lao to lớn của Bác với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông Lợi và các đồng đội của mình chính là những người đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang đó.
Chia sẻ với tôi, ông Lợi không quên nhắc lại đây là lần đầu tiên ông được vào Lăng viếng Bác. Ông bảo: “Vợ tôi cũng mong ước lần này được ra Hà Nội để vào Lăng viếng Bác, bà chưa được thực hiện mong ước này lần nào. Nhưng do sức khỏe không đảm bảo đi đường dài nên lần này không thể ra Hà Nội cùng tôi. Dịp này, tôi được ra đây, được “gặp” Bác Hồ. Thật sự đó chính là niềm vinh dự, tự hào vô cùng”.
Người chiến sỹ trinh sát năm xưa và tình yêu thời lửa đạn
19 tuổi, ông Lợi khi ấy là thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết cách mạng. Ông đã tình nguyện tham gia kháng chiến. Trong suốt 14 năm tham gia kháng chiến, chàng thanh niên trẻ Ngô Văn Lợi đã đi qua không biết bao nhiêu mặt trận. Những gian khổ của thời đạn bom giờ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông.
Chiến tranh ác liệt, những khó khăn về vật chất là điều không thể tránh khỏi. Nhất là với nghề trinh sát như ông, khó khăn, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập. Vì vậy, tinh thần cảnh giác luôn được đặt lên trên hết để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như bảo đảm an toàn thông tin, an toàn tính mạng.
Nói về những năm tháng thực hiện nhiệm vụ, ông đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện lọt vào vòng vây địch ở Bình Dương. Đó là năm 1964, ông cùng hai đồng đội khác đi trinh sát tại địa bàn mới thuộc tỉnh Bình Dương. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng do quân địch quá đông nên ba anh em bị truy sát, phục kích ngay trên đường đi. Ông kể lại: “Khi ấy, ba chúng tôi cứ nghĩ sẽ bị bắt vì đã lọt vào đúng vòng vây phục kích sẵn của địch. Nhưng thật may, khi ấy, ba anh em đã cố gắng tập trung, đối phó lại trường hợp xấu nhất. May mắn lần đó ba anh em đã thoát khỏi vòng vây một cách an toàn”.
Bên cạnh những ký ức về thời gian chiến đấu, ông Lợi cũng không quên nhắc tới kỷ niệm khi ông trở thành đảng viên, được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Năm 1967, tôi được kết nạp Đảng tại Sư đoàn 5, Quân khu 7. Khi ấy, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi được đứng dưới lá cờ của Đảng cộng sản để thề nguyện trung thành với sự nghiệp cách mạng, với dân tộc mình”. Ông kể thêm: Lúc đó, chưa có hình thức kết nạp theo đợt như bây giờ, cứ ai có đủ điều kiện là được kết nạp Đảng. Khi tôi được các đồng chí trong Sư đoàn báo được vào Đảng, tôi rất xúc động. Bởi đó là vinh dự, là trách nhiệm mới của tôi. Tôi luôn tâm niệm mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với từ: “Đảng viên”.
Hơn thế, cũng chính trong những năm chiến tranh này, ông Lợi đã gặp được người vợ của mình. Khi đó, bà là văn công. Ông là một chiến sỹ trinh sát. Chỉ tình cờ gặp nhau nhưng duyên phận đã đưa hai người lại gần nhau. Ông Lợi bảo: Tình yêu thời bom đạn không như bây giờ đâu. Khi ấy, hai vợ chồng tôi ít gặp nhau nhưng tình cảm thật sự rất sâu đậm. Bởi ngoài tình yêu đôi lứa, chúng tôi còn có tình đồng chí, đồng đội.
Sau một năm yêu nhau, hai ông bà vinh dự được đơn vị tổ chức đám cưới. “Đám cưới được tổ chức đơn giản, trước sự chứng kiến và chúc phúc của anh em trong toàn đơn vị. Khi ấy, chúng tôi thật sự hạnh phúc lắm! Nhưng có một điều hai vợ chồng tôi luôn nhắc nhở nhau đó là: Hạnh phúc nhưng không được quên nhiệm vụ. Dù thế nào cũng vẫn phải hoàn thành tốt công việc được giao phó”.
Từ ngày đám cưới đến nay, hai vợ chồng ông Lợi đã có với nhau bốn người con: 2 con trai, 2 con gái. Hiện tại, ông sống cùng vợ con và các cháu nội, cháu ngoại. Gia đình ông giờ hạnh phúc bởi con cái trưởng thành, cháu ngoan ngoãn, vợ chồng ông về già càng yêu thương, chăm sóc nhau hơn. Trải qua những năm tháng khó khăn nhất cùng nhau, giờ cả ông bà đều trân trọng hơn giá trị của những năm tháng hòa bình này.
Mong ước sau khi trở về từ chiến tranh...
Trở về từ chiến tranh, ông Lợi tiếp tục cống hiến sức mình cho đất nước bằng cách tham gia công tác tại xã, thị trấn, nơi ông đang sinh sống. Bằng những việc nhỏ ông đã góp phần sức lực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.
Ông chia sẻ thêm: 14 năm tham gia cách mạng, ai cũng có những đồng đội, những người cùng trải qua những năm tháng gian khổ nhất của cuộc đời. Giờ hòa bình rồi, tuổi cũng đã cao, tôi chỉ mong gặp lại được những đồng đội năm xưa. Ông bảo ngày xưa chiến đấu nhiều nơi, có biết bao đồng đội mà giờ chỉ mới gặp lại được 2 đồng đội ngày ấy. Khi gặp tôi, ông hỏi nhiều về Gia Lâm. Ông bảo ngày xưa chiến đấu ông có quen mấy người đồng đội ở Gia Lâm – Hà Nội. Nhưng rất lâu rồi không còn liên lạc với nhau, giờ cũng không biết các đồng đội năm xưa ai còn ai mất!
Với 14 năm tham gia kháng chiến, ông Lợi đã được nhận Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Giấy khen Dũng sỹ diệt Mỹ, và rất nhiều các Bằng khen khác...
Hiện tại, ông đang sống cùng người vợ của mình tại thị trấn Long Điền. Những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời đã đi qua, giờ ông được quây quần bên vợ con và các cháu. Những mái nhà ấm áp, hạnh phúc sẽ tạo nên một đất nước phát triển. Đó cũng chính là mong muốn của cả đời Bác Hồ kính yêu.
Trước khi chia tay, ông Lợi xúc động tâm sự: “Thật sự, hôm nay được có mặt ở đây, được xem những thước phim về Bác, được vào Lăng viếng Bác, tôi thật sự rất xúc động. Điều này khiến tôi nhớ lại buổi sáng ngày hôm ấy, khi tôi cùng các đồng chí khác nghe tin Bác Hồ mất qua Đài Phát thanh. Đó là giây phút mà cả cuộc đời tôi không thể quên. Nhớ đến Bác, đến công lao to lớn mà Bác đã dành cho dân tộc, tôi càng cố gắng dạy bảo con cháu để chúng trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước phát triển như mong ước khi sinh thời của Bác Hồ kính yêu...”./.
Thanh Huyền