Di bo.duyet1Việc xây dựng một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm an ninh trật tự, văn minh, lịch sự cho khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đáp ứng nhu cầu thăm viếng, sinh hoạt văn hóa, chính trị của nhân dân và khách quốc tế, từng bước tạo dựng quần thể không gian đồng bộ, trang trọng xung quanh quần thể Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình.

Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 3643/UBND-QHXDGT ngày 16/5/2012 phê duyệt phương án thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn 1). Chiều ngày hôm nay (17/5/2012), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổ chức triển khai tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Quốc phòng; các sở, ban, ngành thuộc Thành phố Hà Nội gồm: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Công an quận Ba Đình; Viện Quy hoạch chiến lược phát triển giao thông và đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn Thủ đô.
Phong van 1
Sơ đồ các tuyến phố đi bộ khu vực Lăng
            được bắt đầu thực hiện từ 6h00 sáng ngày 19/5/2012
Sau khi nghe các phương án tổ chức thực hiện và báo cáo tiến độ thực hiện của các cơ quan, đơn vị, Hội nghị thống nhất: Bắt đầu tổ chức tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào 6h00 sáng ngày 19/5/2012, đúng dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đó, các tuyến được thành lập phố đi bộ tại khu vực Lăng, gồm phố Chùa Một Cột (từ giao phố Bà Huyện Thanh Quan đến giao phố Ông Ích Khiêm), phố Ông Ích Khiêm (từ giao phố Lê Hồng Phong đến phố Chùa Một Cột), đoạn đường Nam Hùng Vương (từ giao phố Lê Hồng Phong đến khu vực Quảng trường hiện tại). Thời gian tổ chức tuyến phố đi bộ sẽ là 24/24 giờ, trừ những thời điểm tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc có tổ chức các sự kiện khác.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kết hợp với Ban Quản lý Lăng thực hiện việc cắm biển báo và phối hợp với Công an quận Ba Đình, Công an thành phố bảo đảm giao thông đi lại và hướng dẫn các phương tiện giao thông qua lại quanh khu vực. Riêng đối với phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở làm việc hoặc sinh sống trong khu vực tuyến phố đi bộ, phương tiện của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng và các phương tiện thường xuyên đi qua các đoạn phố này, Ban Quản lý Lăng sẽ có phương án cấp phép (phù hiệu) ra vào. Những trường hợp khẩn cấp như: Cấp cứu, cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn… do Ban Quản lý Lăng hướng dẫn, giải quyết thủ tục kịp thời.
Ban Quản lý Lăng bố trí lực lượng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị của thành phố Hà Nội và các lực lượng có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn tạo thói quen đi lại cho người dân, bảo đảm an ninh, an toàn và văn minh, lịch sự cho hoạt động của các tuyến phố đi bộ./.
                 Tâm Trang

Bài viết khác: