Thứ tư, 25/12/2024

18 giờ 09 phút, ngày 4 tháng 10 năm, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần. Hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam trên khắp đất nước, kiều bào ta ở nước ngoài, nhân dân quốc tế thương tiếc trước sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tướng Khiupenhen Anatoli Ivanovich, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự người Nga đã từng khẳng định: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Vai trò của ông là rất lớn. Có thể coi ông là “cánh tay phải của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong việc xây dựng lực lượng “Bộ đội Cụ Hồ” - lực lượng mà sau đó đã giành được chiến thắng lẫy lừng trước người Pháp trong trận chiến Điện Biên Phủ. Có thể xem chiến thắng Điện Biên Phủ giống như trận Stalingrad của Việt Nam".

vo-nguyen-giap-a
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thật vậy, từ lần gặp gỡ đầu tiên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng, lựa chọn Đại tướng đi cùng trên con đường giải phóng đất nước. Đại tướng luôn kề vai sát cánh bên Chủ tịch, trở thành người gần gũi trong sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và cuộc sống thường ngày.

Sự kiện đặc biệt trong cuộc đời Đại tướng là ngày nhận sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng. Đó là sau chiến thắng Thu - Đông 1947, ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ. Từ một thầy giáo dạy sử ông trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, hy sinh cả cuộc đời cho đất nước, Đại tướng luôn học tập, làm theo những tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là vị Đại tướng được cả thế giới ngưỡng mộ nhưng cũng chính là người vô cùng gần gũi với nhân dân. Có lẽ vì vậy, khi còn khỏe, mỗi lần lên Tây Bắc, ông đều nói tiếng dân tộc nơi đây, cùng đồng bào ăn những bữa cơm đạm bạc. Hình ảnh của vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam là như vậy! Hình ảnh ấy khiến mỗi người dân đều thấy xúc động và thêm trân trọng. Hơn thế, từ hình ảnh giản dị của Đại tướng, chúng ta lại nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ, sự giản dị, sự chân tình ấy của Đại tướng chính là phong cách từ Người thầy lớn của ông?

Bên cạnh đó, có thể thấy, mọi quyết định, ý kiến của Đại tướng là sự học tập sáng tạo tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt những năm chiến tranh, ông luôn là người hiểu và làm theo những quyết định sáng suốt của Bác Hồ.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng đã viết: "Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử". Và một trong những quyết định ấy chính là phong quân hàm Đại tướng cho ông.

Nước mắt của cả dân tộc...

Sự ra đi của Đại tướng để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi? Những giọt nước mắt ấy là tình yêu, là niềm tự hào, là sự tiếc thương của nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một người con của Việt Nam đã đi vào lịch sử với những chiến công hiển hách nhất. Tướng Peter MacDonald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh đã nhận định: Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có.

a-tuong-nhan-dan
Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường Hoàng Diệu

a-vieng-dt-que-nha

a-tuong-nhan-dan-e
Người dân đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình

Báo chí phương Tây đã hết lời ngợi ca tài cầm quân của Đại tướng. Nhưng đáp lại những lời ca tụng của báo chí phương Tây, ông nói: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".

Sự khiêm tốn, giản dị mẫu mực của vị Đại tướng đã đi vào trái tim của mỗi con người Việt Nam. Dù già hay trẻ, dù gái hay trai, dù những người đã từng trải qua hay không trải qua sự ác liệt của chiến tranh... nhưng họ vẫn luôn một lòng hướng về Đại tướng với niềm yêu kính vô hạn.

Người con của đất Quảng Bình đã theo lý tưởng cách mạng, đã cống hiến cả đời cho dân tộc. Ông luôn nghĩ đến lợi ích của nhân dân mà quên đi những lợi ích của riêng cá nhân mình. Và giờ đây, khi ông ra đi, cả dân tộc nhớ về ông như nhớ về một huyền thoại của lịch sử.

a-tuong-nhan-dan-b

a-tuong-nhan-dan-c
Rất nhiều người dân có mặt tại nhà Đại tướng không kìm chế được nỗi đau

14h30 ngày 6/10/2013, căn nhà số 30 Hoàng Diệu mở cửa để đông đảo đồng bào vào viếng Đại tướng. Từ 12h, số lượng nhân dân Thủ đô đến đã rất đông. Đồng bào tự xếp thành hàng, chờ đến lượt được vào viếng. Dòng người mỗi lúc một dài thêm. Họ mang trên tay những bông hoa, những bức ảnh của Đại tướng... Mỗi hình ảnh đó đều rất xúc động!

Rất nhiều người đã không kìm nén được cảm xúc khi được đứng trong khuôn viên nhà của Đại tướng. Bác Nguyễn Thị Thu Hằng ( Cầu Giấy) đã đứng xếp hàng từ 13h. Sau khi được vào trước di ảnh của Đại tướng, bác đã không giấu được cảm xúc. Bác chia sẻ: Dẫu biết ngày này sẽ đến nhưng khi nó đến, nỗi đau vẫn thật lớn! Dân tộc ta đã mất đi một người anh hùng, một vị tướng vĩ đại!

Đôi mắt bạn Đinh Thị Thu Thùy (Hưng Yên) đỏ hoe khi được vào viếng Đại tướng. Bạn chia sẻ: Khi biết tin Đại tướng mất, cả gia đình mình đều rất buồn. Hôm nay, mình thay mặt cả nhà đến viếng Đại tướng! Nhìn mọi người ở đây, mình biết tất cả đều chung một nỗi buồn! Nhất là khi ai đã đứng trong khuôn viên nhà Đại tướng đều rất xúc động.

Trong hàng dài người dân có mặt tại nhà Đại tướng trong những ngày Thu đượm buồn này có bao nhiêu người như bác Hằng, như Thùy? Và người dân trên khắp mọi miền đất nước hay ở nước ngoài, không có cơ hội đến nhà Đại tướng vào những ngày này cũng đang sống trong nỗi đau, sự tiếc thương của cả dân tộc.

Suy ngẫm về những điều hôm nay

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Từ câu nói của Đại tướng, chúng ta – những thế hệ hôm nay sẽ nhận ra trách nhiệm của bản thân mình.

Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương mất mát năm xưa giờ cũng dần lắng xuống. Thế hệ trẻ hôm nay sống trong hòa bình, trong điều kiện vật chất đầy đủ. Vậy thế hệ hôm nay cần làm gì để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của Đại tướng, của những chiến sỹ năm xưa?

a-tuong-nhan-dan-d
Những bạn trẻ có mặt tại 30 Hoàng Diệu đều không giấu được sự xúc động

a-vieng-dt-que-nha2
Các em học sinh huyện Lệ Thủy vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Câu chuyện trách nhiệm đối với xã hội, với đất nước đã không còn xa lạ với thế hệ trẻ hôm nay. Nhưng nhận thức được trách nhiệm và thực hiện theo trách nhiệm ấy không phải là điều dễ dàng. Thực tế, có một bộ phận bạn trẻ đã và đang đánh mất bản thân giữa cuộc sống đầy đủ, xa hoa để rồi chính họ trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ cần nhận thức rõ trách nhiệm, nỗ lực hơn để thực hiện được trách nhiệm đó! 

Khi sinh thời, là một nhà quân sự, nhà giáo, nhà sử học, Đại tướng luôn quan tâm đến lịch sử và thế hệ trẻ. Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 3, khóa III năm 1996 với tư cách Chủ tịch danh dự Hội, ông trăn trở: "Tôi vẫn còn có điều băn khoăn và hơn thế nữa là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng, như là giới trẻ?". Từ câu nói của Đại tướng, chúng ta nhớ đến lời cặn dặn của Bác Hồ:

“ Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

          Lịch sử là nền tảng của hiện tại và tương lai. Những câu chuyện, những bài học lịch sử chưa bao giờ cũ. Đó chính là hành trang cho thế hệ trẻ thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội.

          Một mùa Thu nữa sắp trôi qua... Nhớ mùa Thu năm 1969, Bác Hồ kính yêu đã tiễn biệt dân tộc, và mùa Thu năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về bên cạnh Bác Hồ. Những công lao của Đại tướng, cả dân tộc sẽ luôn nhớ mãi! Sự ra đi của ông là nỗi đau không chỉ của riêng gia đình mà còn là của cả đất nước!

          ... Ra đi nhưng Đại tướng sẽ là một biểu tượng bất diệt mãi mãi cùng nhân dân, dân tộc Việt Nam!

Thanh Huyền

Bài viết khác: