Tổ chức tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành điểm nhấn cho không gian đi bộ của Thủ đô Hà Nội
Ngày 09/5/2012, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt phương án“Thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1”. Theo kế hoạch, việc tổ chức một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kiến bắt đầu thực hiện từ ngày 19/5/2012. Để hiểu rõ hơn về chủ trương này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* PV: Thưa đồng chí Trưởng ban, được biết vừa rồi Ban Quản lý Lăng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải xây dựng phương án“Thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1”. Xin đồng chí cho biết về sự cần thiết phải tổ chức tuyến phố đi bộ ở khu vực Lăng?
- Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương: Phát triển một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Bác là một trong những nhiệm vụ đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho Ban Quản lý Lăng phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện tại Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 14/11/2011 của Văn phòng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 2341/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 363/TB-UB ngày 09/12/2011 về ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, trang trí, bảo đảm giao thông khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình gửi các sở, ban, ngành của Thành phố để phối hợp tổ chức thực hiện.
Mục đích triển khai tổ chức tuyến phố đi bộ là xuất phát từ đặc điểm khu vực Lăng Bác nằm ở vị trí trung tâm chính trị của đất nước và là bộ mặt của Thủ đô, hàng ngày tổ chức đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị, văn hóa và tham quan khu vực nên việc tổ chức tuyến phố đi bộ nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân, khách quốc tế và thực hiện văn minh đô thị, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới; đồng thời, từng bước tạo dựng lên một quần thể không gian kiến trúc đồng bộ, trang trọng tại khu vực Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình phù hợp với quy hoạch Trung tâm Chính trị Ba Đình và chủ trương triển khai mở rộng không gian đi bộ của Thành phố là hết sức cần thiết. Khu vực này sẽ là điểm nhấn cho không gian đi bộ, giúp người dân và du khách có thể tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn. Trên thực tế, tại khu vực quảng trường và các công trình lịch sử, văn hóa của Thủ đô các thành phố lớn ở một số nước trên thế giới đều bố trí không gian đi bộ cho du khách đến tham quan.
Ba tuyến phố đi bộ . (Nguồn VnExpress)
* PV: Khi được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt phương án “Thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng” mà Sở giao thông Vận tải đã trình. Xin đồng chí cho biết, với chức năng là cơ quan được giao quản lý lòng, hè đường các tuyến phố trong khu vực thì việc tổ chức hướng dẫn phân luồng giao thông thực hiện như thế nào để tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, người dân đi lại được thuận tiện?
- Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương: Các tuyến được đề xuất là phố đi bộ tại khu vực Lăng, gồm phố Chùa Một Cột (từ giao phố Bà Huyện Thanh Quan đến giao phố Ông Ích Khiêm), phố Ông Ích Khiêm (từ giao phố Lê Hồng Phong đến phố Chùa Một Cột), đoạn đường Nam Hùng Vương (từ giao phố Lê Hồng Phong đến khu vực Quảng trường hiện tại) có lưu lượng phương tiện qua lại không lớn, nếu cấm xe và phân luồng đi các phố lân cận thì sẽ không gây xáo trộn. Thực tế, trong thời gian tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào buổi sáng hàng ngày, các tuyến phố này cũng đã cấm các phương tiện lưu thông qua lại để bảo đảm an ninh, trật tự và cảnh quan môi trường. Khi phương án được duyệt, thời gian tổ chức tuyến phố đi bộ sẽ là 24/24 giờ và chỉ phục vụ du khách đi bộ, nghiêm cấm người điều khiển các phương tiện giao thông tự do đi vào; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự do kinh doanh thương mại và tự do sử dụng lòng đường, vỉa hè dưới mọi hình thức khác.
Về phân luồng, toàn bộ dòng giao thông từ ngã tư phố Chùa Một Cột giao phố Bà Huyện Thanh Quan đi theo tuyến phố Chùa Một Cột và phố Ông Ích Khiêm ra phố Lê Hồng Phong sẽ bị cấm và phải đi theo phố Bà Huyện Thanh Quan ra phố Lê Hồng Phong và chiều ngược lại.
Tuyến đi bộ phố Ông Ích Khiêm (từ giao phố Lê Hồng Phong đến phố Chùa Một Cột)
Ban Quản lý Lăng sẽ bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội hướng dẫn để tạo thói quen đi lại cho người dân, tôi tin rằng sẽ không gây ảnh hưởng cho giao thông khu vực và người dân sẽ đồng tình ủng hộ", đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương khẳng định.
Riêng đối với phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở làm việc hoặc sinh sống trong khu vực tuyến phố đi bộ, phương tiện của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng và các phương tiện thường xuyên phải đi qua các đoạn phố này, Ban Quản lý Lăng sẽ có phương án cấp phép (phù hiệu) ra vào. Những trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn…do Ban Quản lý Lăng hướng dẫn, giải quyết thủ tục kịp thời.
Tuyến đi bộ phố Chùa Một Cột (từ giao phố Bà Huyện Thanh Quan đến giao phố Ông Ích Kiêm)
Bên cạnh đó, việc cần làm hiện nay là phải phối hợp tổ chức tốt giao thông, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, khách quốc tế khi tham gia các hoạt động trong khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình và trên các tuyến phố đi bộ.
* PV: Hiện nay, tình trạng xe phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác đỗ tràn lan trên các tuyến phố lân cận, gây cản trở giao thông. Vậy, để giải quyết nhu cầu đỗ xe ô tô, xe máy, Ban Quản lý Lăng cần có giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên, nhất là khi tổ chức tuyến phố đi bộ?
- Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương: Trước đây, xe ô tô của các địa phương đưa nhân dân về Lăng viếng Bác được tập kết đỗ tại đường Bắc Sơn, nhưng nay đang thi công Dự án Nhà Quốc hội mới nên các xe không được đỗ ở đó. Hiện tại, các xe tập kết đỗ tại sân Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho phép xe ô tô đỗ tại bãi xe trong khu vực Hoàng Thành. Về lâu dài, Ban Quản lý Lăng sẽ báo cáo Chính phủ bố trí, xây dựng Bãi đỗ xe ngầm để phục vụ nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan khu vực ngày càng chu đáo. Ngoài ra, trong phương án Ban Quản lý Lăng đã đề nghị Thành phố cấp phép các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại Khu Tập kết nhân dân và khu vực phố Bà Huyện Thanh Quan để giải quyết nhu cầu của người dân.
* PV: Để bảo đảm các yếu tố phục vụ tuyến phố đi bộ trở thành điểm nhấn của Thu đô và cả nước thì Ban Quản lý Lăng đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng của Thành phố trong công tác trang trí, bảo đảm vệ sinh môi trường như thế nào?
- Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương: Đây là công việc rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành của Thành phố không chỉ trong việc tổ chức tuyến phố đi bộ mà rộng hơn là cả nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để khu vực Lăng Bác trở thành điểm nhấn tiêu biểu của Thủ đô và đất nước ngoài việc báo cáo Chính phủ cho phép đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực trong thời gian tới, trước mắt Ban Quản lý Lăng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của Thành phố tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trang trí cảnh quan và bố trí các nhà vệ sinh công cộng quanh khu vực tuyến phố đi bộ bảo đảm khang trang, sạch đẹp phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân và khách quốc tế.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí Trưởng ban đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này./.
Minh Đức