Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Không chỉ thế, Người còn là một nhà văn, nhà thơ lớn.

Dù hoạt động cách mạng khó khăn gian khổ nhưng trong Bác vẫn luôn tràn ngập sự lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống. Mỗi địa danh, mỗi bước chân Người qua, mỗi cành cây, ngọn cỏ đều là nguồn cảm hứng bất tận cho hồn thơ dung dị, chân thành của Người.

Chiến khu Việt Bắc không chỉ là căn cứ địa cách mạng, nơi Bác và các đồng chí bàn chuyện quân cơ mà đó còn là nguồn cảm hứng thơ văn bất tận của Người. Dòng sông Phó Đáy hiền hòa, êm đềm hiện lên trong thơ Người như một minh chứng cho tình yêu bao la, sự gắn bó máu thịt, ân tình của Người với thiên nhiên, cảnh vật và con người nơi đây.

song-pho-day-a
Dòng sông Phó Đáy hiền hòa

Sông Phó Đáy (hay còn gọi tắt là sông Đáy) là một dòng sông nhỏ, bắt nguồn từ vùng núi Tam Tạo, tỉnh Bắc Kạn, chảy qua các huyện Yên Sơn, Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang; huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều người thường nhầm lẫn sông Phó Đáy với sông Đáy (chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định).

 Trong kháng chiến chống Pháp, Bác đã nhiều lần đi trên sông Phó Đáy, dòng sông nhỏ, xanh mướt, trong veo dưới ánh trăng đêm rằm Nguyên tiêu:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

(Bài “Rằm tháng Giêng” – 1948)

     Hình ảnh "lồng lộng trăng soi" vừa cao vời, vừa lộng lẫy. “Nguyên tiêu” là lúc ánh trăng đang ở thời kì viên mãn, tràn đầy nhất. Một không gian bát ngát đến vô cùng, vô tận, khung cảnh sông nước, mây trời được bao phủ một sắc xuân ngập tràn. Đêm Chiến khu 1948 ấy, xuân dường như chảy dài theo dòng sông Phó Đáy, lan rộng cùng mặt nước và vút lên trời cao “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”.

          Sắc xuân thẫm đẫm cả dòng sông - một dòng sông xuân. Giữa khung cảnh nên thơ, lãng mạn ấy, trên dòng sông xuân ấy là nơi “bàn bạc việc quân”. Chỉ điều đó thôi, ta đã thấy tâm hồn của Người thanh cao, dung dị biết chừng nào. Giữa cái khốc liệt của cuộc chiến, tình yêu thiên nhiên và sự lạc quan vẫn chan chứa, tràn đầy. Cả bài thơ toát lên chất hào sảng, phấn chấn đến đắm say lòng người, ánh trăng rằm trong sáng giữa đêm xuân đã làm tăng thêm phấn khích, hào hứng, bớt đi cái căng thẳng, mệt mỏi trong suy tư, họp bàn quân sự.

Cũng trên dòng Phó Đáy hiền hòa, tháng 8 năm 1949, Người đã viết bài thơ “ Đi thuyền trên sông Đáy” mang đậm phong vị Đường thi, thất ngôn bát cú:

“Dòng sông lặng ngắt như tờ,

Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.

Bốn bề phong cảnh vắng teo,

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan

Lòng riêng riêng những bàn hoàn,

Lo sao khôi phục giang sơn Tiên Rồng.

Thuyền về, trời đã rạng đông

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi.”

          Trong tác phẩm Bác Hồ ở Việt Bắc, nhà văn Triệu Hồng Thắng bồi hồi nhớ lại đêm trăng đi thuyền cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Đêm ấy, mặt nước sông Phó Đáy đã biết chiều lòng khách quý, nên rất phẳng lặng và dịu hiền. Tôi nhìn dòng sông như một con đường cái, mặt nước như mặt thảm nhung được trải giữa hai bờ. Nếu nhìn riêng dòng sông đêm nay thật là một đêm hoà bình đẹp đẽ…Nhưng hồi ấy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào thời kỳ quyết liệt. Khắp nơi đang chuẩn bị tổng phản công để quét sạch quân thù ra khỏi đất nước. Những tin thắng trận ở Sông Lô, Đèo Giàng...tin phá tề, diệt địch ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Trị Thiên .v.v... đang bay về trên sông Đáy này. Và có lẽ những tin thắng trận đó đã đến làm cho lãnh tụ chúng ta vui mừng nên mới có đêm chơi trăng đẹp đẽ này”.

          Dòng sông nhỏ hẹp, về mùa Thu nước đầy, hai bên bờ là rừng cây, mặt nước êm đềm, phẳng lặng. Câu mở đề của bài thơ, Bác dùng hình ảnh so sánh “Dòng sông lặng ngắt như tờ” để miêu tả mặt nước phẳng như mặt tờ giấy, trong xanh, in bóng sao, bóng trăng giữa trời và khung cảnh ban đêm tuyệt đối yên lặng, tĩnh mịch. Câu thừa đề với hình ảnh sao, thuyền, trăng được nhân hoá như có ý thức gắn bó cùng nhau “Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo”. Hai câu đề đã thể hiện cái thần thái và âm hưởng của bài thơ qua nhịp điệu và sự ngân vang của từng tiếng thơ. Bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” Bác cũng dùng hình ảnh so sánh nhằm miêu tả mặt nước, khung cảnh thiên nhiên của dòng sông:

Bốn bề phong cảnh vắng teo,

Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan.

          Giữa vùng rừng núi ATK về đêm thật vắng “Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan”. Chỉ có nhà thơ tài hoa làm chủ ngòi bút mới làm được những câu thơ tả thực bình dị và hay như thế.

Lòng riêng riêng những bàn hoàn,

Lo sao khôi phục giang sơn Tiên Rồng.

      Hai câu thơ thể hiện tấm lòng riêng của Bác, là trạng thái tâm hồn Người suy nghĩ không lúc nào dứt với cảm xúc trào dâng, vì nỗi lo khôi phục giang sơn Tiên Rồng.

“Thuyền về trời đã rạng đông,

Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”.

          Hình ảnh con thuyền trở về bến là lúc trời rạng đông, hình ảnh bầu trời bao la, đất nước bao la với vầng mặt trời lên nhuốm hồng đã tạo ra không khí lạc quan cho cả bài thơ.

           Qua từng vần thơ, chúng ta thấy được một tinh thần thép, một ý chí nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã có những nhận định sâu sắc, chính xác về tâm hồn thơ và cốt cách của Người:

                             “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

                             Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

                             Vầng thơ của Bác vầng thơ thép

                             Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.”

          Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, thể hiện chân thật và sâu sắc tư tưởng, tình cảm và tâm hồn cao cả của Người. Tìm hiểu thơ văn Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy những bài học vô cùng cao quý./.

Ma Lệ Minh

Bài viết khác: